Hotline 24/7
08983-08983

Chiếc xuồng chở thần chết - chuyện thầy lang đi cấy nhau thai dạo khiến hàng loạt người tử vong vì bệnh uốn ván

Năm 1980 tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nhiều bệnh nhân tử vong do bệnh uốn ván, sau khi được cấy nhau thai bởi một ông thầy chèo xuồng. Lúc này phong trào cấy nhau đang thịnh hành như một cái mốt.

Chiếc xuồng chở thần chết - chuyện thầy lang đi cấy nhau dạo khiến hàng loạt người tử vong vì uốn ván

Y học từ thuở sơ khai là những hoạt động có tính chất kinh nghiệm nhằm cứu chữa người bị thương tật. Những kiểu điều trị của thời kỳ này có tính chất truyền miệng, bắt chước, tùy tính cách cá nhân, tài nghệ của mỗi thầy thuốc. Vì thế người ta xem Y học là một nghệ thuật.

Tiến lên một bậc nữa, Y học bắt đầu có lý luận theo ngũ hành (phương Đông) hay tứ hành (phương Tây) theo cách diễn dịch là chính, không dựa vào thì nghiệm. Mãi cho đến thế kỷ 19 Claude Bernard (1813 - 1878) mới đưa khoa học trong đó có Y khoa vào thực nghiệm, tức là mọi lý thuyết đều có thể kiểm chứng được bằng những thí nghiệm bởi tất cả mọi người. Từ đó Y Học Phương Tây đi theo con dường này.

Ngành Y học ngày nay vẫn tồn tại hai hướng đi: Y học hiện đại và Y học cổ truyền, và Y học cổ truyền dần dần mai một đi vì ít người theo học và thực hành. Tuy thế vẫn còn sót lại những phương pháp điều trị cổ truyền giá trị tới nay trong Y học, nhất là các phương pháp điều trị theo thuyết cân bằng Âm dương.

[DAP]“Tài năng và lương tâm chức nghiệp đều có liên hệ mật thiết với nhau, và giá trị nghề nghiệp phải đi đôi với giá trị đạo đức. Dốt nát và lừa bịp đều như nhau cả” (Gosset)[/DAP]

Bệnh viện Đồng Tháp năm 1980

Một buổi chiều nọ, một bệnh nhân trạc ngoài 40 được đưa đến trong tình trạng uốn ván điển hình: gồng cứng tay chân, cứng hàm, xương sống thẳng đơ, co giật từng cơn khi kích thích bởi va chạm, tiếng động… Tiêm ngay một lúc 2 ống Valium và lặp lại khi cơn co giật tăng, cho bệnh nhân vào phòng tối, cách ly. SAT không có tác dụng gì trong giai đoạn này. Tuy nhiên tình trạng co giật cứ tăng, bệnh nhân không ăn uống được, khoảng cách các cơn giật cứ thu ngắn dần và cường độ gia tăng lên.

Khai thác bệnh sử thì biết nạn nhân cách đây hai ngày có cấy nhau do một “ông thày nào đấy trong chiến khu” chèo xuồng cấy nhau dạo (tức là ai kêu vô thì cấy, giống như bán hàng).

Cấy nhau là một phương pháp do một số thày thuốc trong thời kỳ kháng chiến phát minh dựa theo lý thuyết Filatov. Cấy nhau là rạch da một đường độ 2 cm, nhét mẫu nhau đã xử lý vào vùng mô dưới da rối khâu tạm da bằng một mũi chỉ. Thông thường mẫu mô đó sẽ tiêu hủy dần sau vài tháng, chỉ để lại một nốt sần ngay vết thẹo.

Khám xét người bệnh thì thấy dọc theo sống lưng gần cột sống ở đoạn T4 có một vết mổ, mưng mủ. Mở vết mổ ra thì đầy mủ hôi thối chảy ra, lợn cợn những cặn bã không định hình, có lẽ là nhau thối. Rửa sạch, xử lý, để hở vết thương.

Trong khi người bệnh đang hấp hối thì sáng hôm sau lại thêm một người phụ nữ nữa chở đến, tình trạng uốn ván còn nặng hơn người ban đầu. Đây là một phụ nữ trên 50, người to béo, lên cơn giật dữ dội. Xem xét vùng lưng cũng thấy có vết cấy nhau và cũng đầy mủ hôi thối.

Cả hai người này đều ở cùng một xã thuộc huyện Tháp Mười, và cũng cấy nhau do một ông thầy chèo xuồng. Người nhà cho biết có rất nhiều người “đưa lưng “cho ông thày cấy để trị bệnh phong thấp, suy nhược, mất ngủ… vì lúc này phong trào cấy nhau đang thịnh hành như một cái mốt.

Lập tức tôi cho báo ngay lên lãnh đạo bệnh viện, liên hệ với công an tìm cách ngăn chặn kẻ lang băm nguy hiểm kia và thông báo cho người dân ngưng ngay mọi việc cấy nhau và đưa người nào lỡ cấy nhau đi bệnh viện ngay.

Chúng tôi còn đang bàng hoàng thì hôm sau lại thêm người thứ ba bị uốn ván chở đến, là một người còn trẻ chỉ ngoài 30, có lẽ bị bệnh phổi vì gầy còm; cấy nhau cho “mập”. Anh chàng này ở xã kế bên, cấy nhau sau hai người kia độ 2 ngày. Rõ tội cho con người khốn khổ, thể trạng đã gầy ốm còn vướng thêm căn bệnh chết người. Lần này vết cấy nhau ở mặt trong cẳng tay, cũng mưng mủ. Chúng tôi lại thúc giục chính quyền mau chóng truy bắt tên thần chết còn đang lẩn quẩn ở đâu đó trong các xã vùng sâu.

Hình như chiếc xuồng chở thần chết kia hay biết công an đang truy lùng nên trốn biệt trong những kênh rạch như mạng nhện của vùng sông nước Đồng Tháp. Nhưng chỉ 2 ngày sau y lại gửi đến một bệnh nhân thứ tư, một ông cụ gần 70 tuổi, ở một xã khá xa hai xã kia, cũng đang lên cơn giật. Chúng tôi phải chuyển các bệnh nhân lên Chợ Quán vì khả năng hồi sức của cơ sở thiếu thốn và không có kinh nghiệm điều trị... dù biết rằng kẻ ra đi khó lòng trở lại (tỉ lệ tử vong lúc đó là >90%).

Ngày qua ngày chúng tôi hồi hộp… trông chờ những kẻ xấu số mới nhập viện. Thông thường thì cả năm chỉ có 1-2 ca uốn ván nhập viện nhưng đàng này, nó trở thành một cơn dịch kinh hoàng cho cả vùng Tháp Mười.

Người cuối cùng là một phụ nữ già trên 70. Chúng tôi không phải lo lắng nhiều vì bà cụ sức yếu, chỉ sau vài giờ, đã vĩnh viễn ra đi trước sự hối hận vô bờ của những đứa con, những kẻ khuyến khích mẹ mình cấy nhau “cho khỏe”.

Cuối cùng người ta cũng tóm được tên thần chết đó. Khám xét xuồng của hắn, người ta thu được những hộp đựng nhau sình thúi. Đáng lẽ nhau lấy được phải xử lý vô trùng rồi cho tự phân hủy trong một môi trường vô trùng tuyệt đối trước khi cấy và cũng phải vô trùng khi cấy giống như ta làm tiểu phẫu, nhưng có lẽ y không biết vi trùng là gì.

Không rõ sau đó y bị xử thế nào, nhưng vở bi kịch UỐN VÁN đã hạ màn. Có lẽ khoảng độ một chục người chết vì có nhiều người không đi bệnh viện, người nhà âm thầm chôn cất, chỉ nghĩ là chết do trúng gió, kinh phong…

Thông thường thì cả năm chỉ có 1-2 ca uốn ván nhập viện nhưng đàng này, nó trở thành một cơn dịch kinh hoàng cho cả vùng Tháp Mười.

Phương pháp Filatov là một trong những lý thuyết gọi là tissue therapy, tức là dùng ngay mô sống của sinh vật để trị bệnh. Thật ra ngày nay sinh viên không biết được nhiều những phương pháp điều trị có vẻ cổ truyền vì không ai dạy do nó đã lỗi thời, không an toàn, và không có chứng cứ khoa học chính xác… Thí dụ như phương pháp trích máu tĩnh mạch, rồi tiêm vào mông (cho máu tự phân hủy trong mô cơ), truyền dịch bằng nước dừa (đệ nhị thế chiến quân Nhật đã từng làm), niệu liệu pháp (uống nước tiểu của mình hay của ai đó)…

Đấy là một bài học cho tất cả những người thày thuốc. Khi thực hành phải hiểu rõ thứ thuốc mình cho bệnh nhân, công dụng cũng như phản ứng phụ và cách xử trí nếu có điều gì không mong muốn xảy ra. Hãy nhớ câu nói Thầy thuốc là một người đổ một thứ thuốc mình biết ít vào một cơ thể mình còn biết ít hơn nữa.

Biết một mà không biết hai cũng là một lỗi khó tha thứ mà chúng ta phải cảnh giác và học hỏi suốt đời. Bác sĩ ngoại khoa lại càng phải cẩn thận để khỏi bị cái gọi là “sa lầy” trong chuyên môn. Khi mổ phải nắm vững mọi kỹ thuật đang có để có thể “biến chiêu” và đề phòng mọi sự cố. Thí dụ một bác sĩ biết mổ Cesar (mổ bắt con), phải biết luôn kỹ thuật cắt bỏ tử cung, để phòng khi tử cung đờ, không co hồi thì xử lý ngay, vì không thể có thời gian cầu cứu ai.

Trong cuộc sống, người ta phân biệt học thầy hay học thợ khác nhau ở chỗ: Học thầy thì khi gặp trở ngại, có thể biết ứng biến còn học kiểu thợ chỉ biết một, không biết hai, chỉ bắt chước bề ngoài, không nắm được nguyên tắc, gặp khó thì bó tay, thất bại.

10 mạng người chết trong khi họ đang khỏe mạnh hoặc không có bệnh gì đáng kể, 10 gia đình đau thương, 10 cuộc đời chấm dứt trong khi lẽ ra họ còn quyền được sống trong vòng tay người thân và đóng góp nhiều thứ cho xã hội. Từ trên cao, có lẽ Thượng Đế ngậm ngùi nhìn những vành khăn tang trắng xóa thương đau, rải rác khắp nơi như những cánh cò trên những cánh đồng xanh của huyện Tháp Mười.

Tháng 10/2010

[HOI] Học thuyết Filatov: Thuyết đấu tranh với nghịch cảnh

Về lý thuyết căn bản, Filatov là phương pháp chữa bệnh do giáo sư N. P. Filatov (người Anh, sống tại thành phố Odessa - Nga) nghiên cứu và phát minh.

Phương pháp này được áp dụng trên nguyên lý biện chứng: khi các tế bào bị cắt lìa khỏi cơ thể và đem đặt vào một môi trường kìm hãm sự sống như bỏ vào tủ lạnh từ 0 đến 4 độ C, tế bào này phải đấu tranh với nghịch cảnh để tồn tại. Trong khi đấu tranh để sống còn, tế bào ấy tiết ra một chất gọi là biostimuline giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Bác sĩ Thành đã sáng tạo phương pháp Filatov khi lấy bánh nhau sản phụ để ứng dụng. Theo nguyên lý, bánh nhau là một tổ chức tế bào sống, nếu bị đặt trong nghịch cảnh, các tế bào nhau sẽ huy động sức tự vệ để chiến đấu, sản xuất ra chất biostimuline. Đem cấy bánh nhau này vào cơ thể hoặc lọc các chất biostimuline để tiêm vào cơ thể sẽ là một phương thuốc tuyệt vời để trị bệnh.

Ngày 27/11/1951 lá nhau đầu tiên do y sĩ Trương Công Trung tự tay lựa chọn đã được khử trùng để đặt vào chiếc tủ lạnh chạy bằng dầu hôi do một vị linh mục ở Hòn Chông - Kiên Giang hiến tặng cho cách mạng. Đây cũng là chiếc tủ lạnh đầu tiên và độc đáo ở vùng kháng chiến.

Với kết quả thử nghiệm trên 3.000 trường hợp lâm sàng được cấy nhau cho thấy phương pháp Filatov không những góp phần ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn làm giảm hẳn tỷ lệ tử vong của thương bệnh binh.

Những kết quả điều trị cụ thể như: vết mổ ở bụng dễ lành sẹo hơn, chống được sẹo lồi; bệnh eczema ở cẳng chân với những mảng viêm da, xuất tiết, phù nề gây viêm da cấp, sau khi được điều trị bằng Filatov, những mảng eczema sẽ gom lại, hết rỉ nước, khô và gom nhỏ; bệnh viêm khớp với những cơn đau cũng được trị dứt điểm…

Trước đây hãng Choay của Pháp cũng sản xuất Extrait placentaire trích từ nhau theo phương pháp Filatov, các loại thuốc như Campolon B12,Cao gan của Hunggary (trích từ mô gan) cũng theo lý thuyết về tissue therapy tương tự lý luận dân gian “ăn gì bổ nấy”. Bây giờ không còn sản xuất vì lý do không an toàn, dễ gây sốc phản vệ do chứa nhiều protein lạ.

Nhau thai là nơi chứa các tế bào non, tế bào mầm chưa biệt hóa và cả các tế bào gốc từ máu. Ngày nay phương pháp dùng tế bào gốc đang rộ lên không còn xa lạ. Có thể pp Filatov mặt nào đó cũng là phương pháp điều trị bằng tế bào gốc vì dùng những tế bào phát xuất từ nhau thai trong điều trị, nhưng ở mức độ vi mô và vô trùng cao cấp hơn.[/HOI]

FB bác sĩ Lê Ngọc Dũng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X