Hotline 24/7
08983-08983

Chỉ còn 48 tiếng để ứng phó với siêu bão YAGI

Sáng 5/9/2024, bão số 3 (YAGI) đã mạnh lên thành siêu bão, được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Theo dự báo, chỉ còn khoảng 48 giờ đồng hồ nữa, cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền, gây gió rất lớn, mưa rất to tại Bắc Bộ và Trung Bộ.

Người dân nên ở nhà từ sáng thứ bảy

Chiều 5/9/2024, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão số 3 (siêu bão Yagi). Cuộc họp được kết nối với 28 tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung.

Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) thông tin, các tuyến biển, đảo cần tập trung kiên quyết kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão. Chủ động cấm biển tùy theo diễn biến thực tế tại địa phương, trong đó lưu ý tàu vận tải lớn, tàu du lịch.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Lê Minh Hoan họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão YAGI

Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân). Tổ chức sắp xếp tàu thuyền, có biện pháp tránh va đập, hư hỏng, đứt dây neo, chìm tại nơi neo đậu, nhất là trên các đảo.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển, ông Luận yêu cầu di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; tùy theo tình hình thực tế có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế...

Về thời điểm bão đổ bộ, ông Luận khuyến cáo từ sáng thứ bảy (sáng 7/9) người dân nên ở nhà, vì theo dự báo bán kính hoàn lưu của bão rất rộng. Ngoài việc ảnh hưởng của bão còn có thể có giông lốc xảy ra trong khi hiện nay người dân sử dụng mái tôn, biển quảng cáo rất nhiều, cây xanh cũng có nguy cơ đổ gãy cao.

Đối với miền núi phía bắc, ông Luận đề nghị cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức khơi thông dòng chảy, các vị trí nguy cơ bị tắc nghẽn. Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn...

Ngư dân tại Cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng neo đậu, chằng chống tàu thuyền, đảm bảo an toàn trước khi bão về

6 địa phương có kế hoạch cấm biển

Trong cuộc họp, ông Phạm Đức Luận cho biết, hiện nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người.

Theo ông Luận, các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9; Ninh Bình cấm biển từ 13h ngày 5/9.

Còn 2.231 du khách du lịch trên các đảo (Quảng Ninh 154 người, Hải Phòng 2.077 người) đã nhận được thông tin về bão và chủ động phương án ứng phó.

Về nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh hiện có 52.176 ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc bộ với cường độ cấp 13 - cấp 14, giật cấp 17. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thủy sản.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Nghệ An có 37 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý; 3 công trình đang thi công; một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên đê biển Hải Hậu, Nam Định).

Nhiều sân bay sẽ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 như Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài...

Thay đổi lịch bay, xem xét dừng khai thác một số sân bay

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 do Bộ NN&PTNT tổ chức vào chiều 4/9, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết bộ đã chỉ đạo các hãng hàng không, Công ty Bay dịch vụ hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động bay.

Căn cứ vào tình hình diễn biến của bão để xem xét dừng khai thác tại một số sân bay nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3.

Ngày 5/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục có công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở GTVT địa phương về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 3.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm Cứu nạn hàng hải Việt Nam khẩn trương điều động các tàu tìm kiếm và cứu nạn (SAR) đến trực chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất để hỗ trợ địa phương ứng phó với bão số 3 và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.

Đối với các sân bay, các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Cục Hàng không yêu cầu tăng cường công tác phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

Cần triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách, đặc biệt lưu ý tại các sân bay bị ảnh hưởng như: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Vinh, Thọ Xuân, Điện Biên.

Người dân cần chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ

Xác định vị trí an toàn để trú ẩn

Theo hướng dẫn của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, người dân cần xác định vị trí an toàn để trú ẩn, chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng.

Đồng thời, dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày. Nếu không có lệnh sơ tán của chính quyền, hãy tìm nơi trú ẩn trong nhà cho gia đình mình (nơi an toàn nhất khi có bão là phòng bên trong không có cửa sổ).

Các thành viên trong gia đình có thể bị chia cắt trong một cơn bão, hãy chuẩn bị bằng cách lập một kế hoạch liên lạc, tiếp cận với nhau. Thiết lập một liên hệ bên ngoài khu vực (chẳng hạn như người thân hoặc bạn bè trong gia đình), người có thể điều phối vị trí và thông tin của các thành viên gia đình nếu bạn tách ra.

Chuẩn bị một bộ đồ dùng cho gia đình (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng). Các gia đình có trẻ em nên để mỗi trẻ tự tạo gói đồ dùng cá nhân của mình.

Đề nghị phía Trung Quốc và Philippines hỗ trợ tàu thuyền Việt Nam tránh siêu bão Yagi

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tại cuộc họp báo chiều 5/9/2024

Tại họp báo Bộ Ngoại giao vào chiều nay, thông tin về tình hình cứu hộ ngư dân và tàu thuyền Việt Nam trong bối cảnh bão Yagi (bão số 3) mạnh cấp 16 đang tiến vào khu vực Đông Bắc Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc và Philippines chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để tạo điều kiện cho các tàu, thuyền của Việt Nam trú, tránh, hỗ trợ cứu người, và sửa chữa tàu thuyền trong trường hợp cần thiết.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Đại sứ quán Philippines tại Hà Nội đề nghị phối hợp với cơ quan chức năng của phía bạn hỗ trợ tàu thuyền của Việt Nam trong trường hợp cần thiết; cử cán bộ trực 24/24 giờ để kịp thời hỗ trợ liên hệ các cơ quan trong và ngoài nước để ứng phó kịp thời với cơn bão số 3.

Siêu bão YAGI với những con số đáng cảnh báo:

- Siêu bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại.

- Bão tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam: 48 tiếng.

- Lần thứ 3 trong lịch sử cấp độ rủi ro thiên tai Cấp độ 4 (màu đỏ) được ban hành và cũng lần đầu tiên trong lịch sử cấp độ 4 được sử dụng ở Vịnh Bắc Bộ.

- Top 3 siêu bão đạt cấp 16 trở lên khi hoạt động trên biển Đông.

- Giá trị khí áp tại tâm bão giảm xuống thấp nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua trong lịch sử quan trắc bão của khí tượng Việt Nam.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X