Hotline 24/7
08983-08983

Chen nhau để khám tai mũi họng

Mấy ngày gần đây, số bệnh nhân đến khám và phẫu thuật tại BV Tai mũi họng Trung ương tăng 3 - 4 lần, với rất nhiều ca viêm tai giữa.

BS Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Tai mũi họng Trung ương, cho biết hơn một tuần nay, ngày nào các bác sĩ cũng phải “chiến đấu” thêm giờ.

Đông nghẹt bệnh nhân

Tại khu vực chờ của khoa Khám bệnh, người bệnh đứng ngồi la liệt. Anh Dũng, Phố Vọng, Hà Nội dẫn cậu con trai 6 tuổi đi khám họng. Vừa đưa tay lau mồ hôi và quạt cho con, anh Dũng vừa kể: “Cháu kêu đau họng cách đây gần một tuần, đã uống thuốc nhưng không khỏi. Hôm nay tôi đưa cháu đến khám nhưng không ngờ lại đông thế này. Hai bố con xếp hàng từ 7 giờ sáng nhưng đến 10 giờ rồi vẫn chưa tới lượt”.

Ngồi ngay bên cạnh, bà Hải, 50 tuổi, ở Thanh Hóa, dẫn cháu nội 10 tuổi khám viêm tai giữa. “Bà cháu tôi lặn lội bắt xe đi từ đêm, 5h30 đã có mặt tại cổng bệnh viện, tất tả xếp hàng lấy phiếu khám. Tôi nhận phiếu khám cho cháu là số 2, giờ đã gần trưa vẫn chưa khám xong vì còn chờ kết quả xét nghiệm. Dẫn cháu đi nội soi, xét nghiệm một vòng, tôi cũng hoa hết cả mặt vì phòng nào cũng đông nghẹt người, phải chen chân đặt phiếu thật nhanh và căng tai nghe bác sĩ gọi tên. Chỉ sợ đông người quá, bác sĩ gọi đến lượt khám lại không biết thì mất công chờ đợi cả ngày”, bà Hải kể.

Khám cho bệnh nhân tại BV Tai Mũi Họng TƯ. Ảnh: Kim Anh

Thạc sĩ Hoàng Đình Ngọc, Phó giám đốc BV Tai Mũi Họng Trung ương, cho biết trước đây, khoa Khám bệnh bắt đầu làm việc từ 8h thì nay 6h15, bộ phận phát phiếu đã phải làm việc để đúng 6h30 bác sĩ vào khám. Bệnh viện phải điều hết bác sĩ luân phiên nhau ra phòng khám và làm tăng giờ. Bệnh nhân chủ yếu bị viêm đường hô hấp trên, viêm xoang, viêm tai, viêm amidan.

Viêm tai giữa vì… bơi

BS Nguyễn Tuyết Mai cho hay, trong số bệnh nhân đến khám, có nhiều người bị viêm tai giữa do đi bơi. “Nhiều người có nút biểu bì trong tai, bình thường các nút này không gây cảm giác khó chịu nên rất ít người biết. Khi đi bơi, nước vào tai, nút biểu bì này trương lên gây viêm ống tai với các triệu chứng khó chịu như ù tai, ngứa tai, nặng hơn là đau nhức, chảy mủ”, BS Mai nói.

Sau mỗi lần đi bơi, dù thấy có hiện tượng ù tai nhưng nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng nước chảy vào tai chút ít nên để mặc, hoặc chỉ lấy bông ngoáy tai thấm nước. Đây là nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo để đề phòng bệnh viêm tai do bơi, tốt nhất mọi người nên lựa chọn các bể bơi có chất lượng nước sạch vì nước bẩn rất dễ là thủ phạm gây bệnh. Sau mỗi lần bơi, nên nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau và lên cao rồi nhỏ các dung dịch sát khuẩn nhẹ (như Betadin 10%, nước muối 0,9%). Sau đó, cần nghiêng đầu và kéo vành tai để cho cả thuốc và nước chảy ra ngoài. Tuyệt đối không được dùng tăm bông lau chùi và ngoáy sâu vì các vi khuẩn, bụi bẩn có trong nước hồ bơi càng dễ đi sâu vào trong tai, đồng thời có thể khiến tai bị rách, trầy xước làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn. Những người có tiền sử bị viêm tai giữa, viêm xoang tốt nhất là không đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh.

“Sau khi bơi, nhiều người thường bịt mũi, thở bằng tai để mong nước trong tai chảy ra ngoài. Đây là thói quen tai hại vì khi đó áp lực trong tai tăng lên, khiến tình trạng viêm nhiễm càng nặng”, bác sĩ Mai khuyến cáo.


Theo Xuân Trường - Báo Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X