Hotline 24/7
08983-08983

Chế độ dinh dưỡng sau mổ van tim, cần lưu ý gì?

Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật van tim ảnh hưởng rất lớn tới khả năng hồi phục. Vậy bệnh nhân nên ăn gì và không nên ăn gì? Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn của ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trong bài viết sau.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Đoàn thị Xuân Nhu - songle...@gmail.com

Tôi mổ sửa van tim được một tháng, xin bác sĩ chỉ giúp chế độ dinh dưỡng, do tôi đang dùng thuốc chống đông. Chân thành cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Bệnh nhân mắc bệnh van tim có thể có kèm theo suy tim, do đó, chế độ ăn thường giảm muối, giảm dầu mỡ, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn (do lượng natri cao), tăng chất xơ, uống đủ nước, tránh rượu bia, thuốc lá.

Khi dùng kháng đông warfarin, cần hạn chế các thực phẩm giàu vitamin K, bao gồm các loại rau, như cải xoăn, cây cải lá (collard), rau bina, bông cải xanh và cải bắp, đậu nành, dâu tây và sữa nguyên kem, nước ép nho, trà xanh... Khi dùng thuốc cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị xem có tương tác với các thuốc tim mạch hay không bạn nhé!

Choáng váng, đổ mồ hôi lạnh sau đặt stent, vì sao?

FB Minh Anh Vũ

Chồng tôi bị nhồi máu cơ tim đã đặt 3 stent cách đây hơn 3 năm. Gần đây anh ấy hay cảm thấy choáng và đổ mồ hôi lạnh, việc này diễn ra khoảng 15 phút sau đó lại trở lại bình thường. Tần suất khoảng 1 lần /tuần.

Bác sĩ cho hỏi những biểu hiện trên có nguy hiểm không? Có cần đi khám ngay không (anh ấy đi khám định kỳ 1 lần/tháng) và uống thuốc điều đặn hàng ngày theo chỉ đinh. Cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Cảm giác xây xẩm, choáng váng thường liên quan tới tụt huyết áp tư thế, do các nguyên nhân tim mạch, thần kinh, các vấn đề dinh dưỡng, nội tiết của cơ thể, nếu có kèm theo sốt, ớn lạnh còn có thể do nhiễm trùng, nên cần được khảo sát tích cực để tìm nguyên nhân.

Tuỳ theo mức huyết áp lúc xảy ra triệu chứng, tình trạng tri giác bệnh nhân, có kèm sốt, mệt mỏi, khó thở hay không... mới có thể đánh giá nguyên nhân và tiên lượng. Điều này cần được khai báo với bác sĩ đang điều trị để làm thêm các xét nghiệm tầm soát nguyên nhân bạn nhé!

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM

Đau xương ức khi vận động, nguyên nhân do đâu?

Lương Hải - Luonghai...@gmail.com

Chào bác sĩ! Em năm nay 20 tuổi, bị đau xương ức cũng 3 tháng rồi, phát tiếng kêu khi kéo giãn, ưỡn ngực ra tiếng kêu như bẻ các đốt ngón tay. Em đã chụp Xquang ngực và điện tim, nhưng tất cả đều bình thường. Tuy nhiên, 1 tháng trôi qua em vẫn đau ạ. Cho em hỏi bệnh tình như vậy là sao? Cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Khi vận động mạnh, đột ngột có thể tạo ra tiếng lắc rắc ở các khớp do hệ thống dây chằng bao khớp và các sụn đầu xương dãn quá nhanh. Điều này thường không tốt cho sức khoẻ của khớp và dây chằng. Còn vô tình gây tổn thương cơ, mô mềm trong trường hợp và gây đau nhức trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra, còn có tình trạng viêm sụn sườn vùng ức, dẫn tới những cơn đau mạn tính, gọi là hội chứng Tietze, cơn đau thường nặng hơn khi hắt hơi, ho, hoạt động gắng sức. Tình trạng này cũng khá lành tính, ít nguy hiểm và có thể tự khỏi.

Nếu đã tới bệnh viện khám và làm xét nghiệm cho kết quả bình thường, em có thể yên tâm vè tình trạng bệnh của mình. Để hạn chế tổn thương gây đau, em nên tránh vận động mạnh, đột ngột, nên chủ động tập thể dục hàng ngày bằng các bài tập nhẹ nhàng, cường độ tăng dần, để xương khớp quen với việc co giãn.

Nếu đau khớp sụn sườn diễn ra thường xuyên em nên khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp em nhé!

Thân mến.

Chín mé sưng và làm mủ, xử lý sao?

Hữu Tiến - tienpha...@gmail.com

Chân em còn tí móng do cắt thừa, em đã lấy đồ khựi ra, da màu trắng mềm như khoé và có tí máu. Em đi lại nhiều và bị sưng đỏ, nhưng ít mủ. Em vừa dùng povidine và đang theo dõi. Giờ em phải làm như thế nào ạ? Mong bác sĩ tư vấn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Tổn thương ở khoé móng của em được gọi là chín mé. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng vùng khoé móng, do chăm sóc móng không đúng cách (cắt khoé sâu), em cần tránh cậy hoặc bóc da từ vết thương để tránh bị nhiễm trùng thêm. Có thể ngâm rửa bằng thuốc tím pha loãng, băng gạc. Nếu chín mé làm mủ thì cần tới bệnh viện gần nơi ở để rạch thoát mủ, kết hợp dùng kháng sinh. Khi vết thương sưng đau nhiều, đáp ứng kém với điều trị thì cần chụp X-quang để xác định tình trạng biến chứng của chín mé.

Để phòng ngừa tái phát, khi cắt móng cần lưu ý không cắt quá sát vào da, không lấy khóe sâu, không cắt móng tròn. Móng nên được cắt thẳng và giữ cho đầu móng luôn dài hơn da em nhé!

Hay bị nhiệt miệng, phải làm sao BS?

Đỗ Tiến Tùng - dotun...@gmail.com

Thưa bác sĩ, lúc còn bé sau khi ngủ dậy và buổi sáng thì môi cháu bị sưng, nhưng cháu không đi khám và từ đấy thì môi cháu bị dày hơn bình thường, dễ bị tổn thương và có nhiều nốt nhiệt. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị làm sao ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Y học hiện tại vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân và cơ chế sinh ra nhiệt miệng, tuy nhiên sự suy giảm sức đề kháng, stress tâm lý, thiếu một số vi chất… có thể có liên quan. Nhiệt miệng thường là lành tính, nếu vết nhiệt gặp khoảng vài ngày rồi khỏi sau đó mới xuất hiện lại thì em không nên quá lo lắng.

Em nên chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, uống nhiều nước, tăng cường rau xanh trái cây. Nên bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, không thức khuya và tập vận động thể lực mỗi ngày. Trường hợp nhiệt miệng vẫn không khỏi thì nên khám bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để tìm nguyên nhân và điều chỉnh.

Chân có vết xước, dùng chung thảm yoga lây nhiễm HIV không?

Lan Anh - vuthi...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi, em có đi tập yoga và dùng chung thảm. Trên chân em có vết trầy xướt nhỏ vì gãi. Vậy cho em hỏi em có nguy cơ bị lây nhiễm HIV không?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Hành vị của em không có nguy cơ nhiễm HIV, trừ khi vết xước trên da đủ rộng và tiếp xúc trực tiếp với vết máu của bệnh nhân HIV. Tuy nhiên, thảm tập yoga có thể là nguồn lây của một số bệnh lý như nấm da, nhiễm trùng da nếu không được vệ sinh kĩ, hoặc khi em có vết thương hở. Do đó, vẫn nên sử dụng thảm riêng là an toàn nhất em nhé!

Hay nổi mẩn ngứa, có phải do chức năng gan kém?

Nguyễn Thị Giang - ngdan...@gmail.com

Cháu tên Giang, 33 tuổi, quê Bắc Ninh. Cách đây 3 năm, từ khi sinh bé thứ 2 xong, mỗi khi thời tiết thay đổi , đặc biệt khi gặp nước mưa lạnh là cháu hay bị nổi nốt mụn li ti, ửng đỏ và ngứa. Dạo gần đây, hiện tượng ngứa, nổi mẩn xuất hiện nhiều hơn, nhất là vùng cổ, mắt.

Bác cho cháu hỏi hiện tượng của cháu có phải do chức năng gan kém không ạ? Cháu xin cám ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Tình trạng mày đay mạn tính không phải hiếm gặp và ít khi do bệnh lý của gan. Mày đay cấp tính: Kéo dài dưới 6 tuần, do nhiều nguyên nhân như thực phẩm gây dị ứng, dùng thuốc gây nổi mày đay, nhiễm trùng hoặc thay đổi nội tiết tố,... Mày đay mạn tính: Kéo dài trên 6 tuần, thường không tìm được nguyên nhân, chỉ tìm được nguyên nhân của 5 - 20% trường hợp mắc bệnh.

Bệnh thường khởi phát khi thay đổi nhiệt độ môi trường, nước sinh hoạt, do tiếp xúc dị nguyên... Để điều trị hiệu quả, bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa Da Liễu hoặc khoa Miễn Dịch - Dị ứng để làm rõ nguyên nhân bạn nhé!

Ghim vết thương lấy ra muộn có ảnh hưởng không?

Trần Thế Ân - An tran...@gmail.com

Chào bác sĩ! Em có bị đứt gân và có vết khâu ở cổ tay nhưng không phải chỉ mà bấm ghim. Đã 15 ngày rồi vẫn chưa tháo ghim từ lúc mổ. Cho em hỏi tháo ghim muộn vậy có ảnh hưởng gì không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Thời gian lưu ghim vết thương sẽ phụ thuộc vào độ dài, độ sâu và tốc độ lành của vết thương, thông thường từ 7-10 ngày sau mổ. Nếu để muộn thì quá trình lấy ra sẽ khó khăn và dễ gây đau. Bạn nên tái khám để bác sĩ đánh giá vết thương và tháo ghim bạn nhé!

Kết quả carcinoma tuyến trực tràng nghĩa là sao AloBacsi?

Châu Ngọc Phú Tân - chaungocph...@gmail.com

Kết quả GPBL: Carcinoma tuyến trên nền u tuyến nhánh nghịch sản độ cao ở trực tràng C20. Cho em hỏi như vậy là tình trạng bệnh ra sao ạ? Trân trọng cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Kết quả giải phẫu bệnh trên có nghĩa là mẫu sinh thiết được lấy từ khối ung thư trực tràng, tuy nhiên, chưa thể khẳng định được giai đoạn bệnh để có thể tiên lượng và điều trị tiếp theo. Điều trị ung thư trực tràng hiện nay chủ yếu phối hợp đa mô thức bao gồm phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và điều tri nhắm trúng đích.

Nếu ở giai đoạn sớm và tổng trạng bệnh nhân còn tốt thì tiên lượng điều trị khá tốt. Bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị về hướng xử trí phù hợp của bệnh bạn nhé!

Bệnh nhân xuất huyết não có thể uống thuốc Clopidogrel 75mg?

ZL Nhật Nguyên

Chồng em bị xuất huyết não 2 năm nay. Tình trạng ổn định, sức Khỏe bình thường. Cho em hỏi thuốc Clopidogrel 75mg thường dùng cho bệnh nhân nhồi máu não và đột quỵ, vậy không biết bệnh nhân xuất huyết não dùng được không?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Clopidogrel là thuốc kháng kết tập tiểu cầu, có tác dụng ngăn ngừa việc hình thành cục máu đông trong mạch máu. Chồng của bạn bị xuất huyết não thì khôgn thích hợp để dùng thuốc vì sẽ tăng nguy cơ xuất huyết não, trừ khi có nguy cơ huyết khối mạch máu cao (tuỳ vào tuổi tác, yếu tố nguy cơ tim mạch), sẽ do bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh hoặc tim mạch đánh giá và kê toa bạn nhé!

Bé nuốt phải kem bôi Forsancort, nguy hiểm không?

Tran Thị Trâm Anh - Tramanh...@gmail.com

Bé nhà em 15 tháng lỡ nuốt phải thuốc bôi ngoài da Forsancort có sao không ạ? Cảm ơn bác sĩ nhiều.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Kem Forsancort có thành phần là hydrocortisol, có thể gây ra một số tác dụng phụ, đặc biệt trên đường tiêu hoá nếu lỡ nuốt phải. Nếu chỉ nuốt phải 1 lần với liều lượng ít thì hiếm khi gây ra tác dụng phụ lâu dài, chủ yếu gặp phải biến chứng nguy hại khi sử dụng kéo dài. Nếu bé xuất hiện các triệu chứng nôn, đau bụng, khóc quấy thì nên đưa đi bác sĩ bạn nhé!

Mép môi bị thâm, chữa như thế nào?

Mai Thi Van - Maithiv...@gmail.com

Nửa năm nay em bị thâm mép miệng, bôi kem sắc tố da không khỏi và có khả năng lan ra. Giờ em phải làm sao, thưa bác sĩ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Mép môi bị thâm đen có thể do tăng sắc tố sau viêm, do thuốc, sạm da do ánh nắng hoặc do thay đổi hormon trong cơ thể. Tình trạng này có thể cải thiện sau từ 6 tháng đến 1 năm nếu nguyên nhân gây bệnh được loại trừ.

Em nên tránh nắng, dưỡng ẩm hàng ngày, hạn chế sử dụng thuốc hoặc mỹ phẩm khi không cần thiết. Có thể sử dụng kem tẩy tế bào chết, kem dưỡng làm sáng da không kê toa hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ Da Liễu nêu không thuyên giảm em nhé!

Mẹ em bị đau đầu, kèm hiện tượng lồi lõm ở đầu, phải làm sao BS?

Lê Hải Ly - Lehai...@gmail.com

Xin chào bác sĩ! Mẹ em năm nay 40 tuổi, cứ bị đau đầu triền miên và em có phát hiện ở đỉnh đầu mẹ lồi lõm không được bằng phẳng, vậy có nguy hiểm không ạ? Mong bác sĩ cho lời khuyên.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Biểu hiện lồi lõm ở đầu có thể do biến dạng của hộp sọ hoặc xuất hiện khối u mô mềm. Biến dạng hộp sọ thường bị từ bẩm sinh hoặc lúc bé, ít khi gây ra triệu chứng khó chịu hay biến chứng trừ khi chèn ép não bộ (nhưng triệu chứng cũng thường xuất hiện từ sớm). Các tổn thương u ở mô mềm vùng đầu ít gặp nhưng không thể loại trừ do bác sĩ không trực tiếp thăm khám. Bạn nên đưa mẹ tới bệnh viện để khám chuyên khoa Nội thần kinh, tìm nguyên nhân và điều trị bạn nhé!

Viêm phế quản uống thuốc không khỏi, nên khám ở đâu?

Nguyễn Hữu Tân - Huutan.die...@gmail.com

Xin chào bác sĩ, bác sĩ cho em hỏi, cha em ho nhiều về đêm, đi khám làm các xét nghiệm máu, siêu âm tim, Xquang tim phổi, bác sĩ kết luận bị viêm phế quản rồi cho thuốc về uống nhưng không thấy đỡ. Bác sĩ cho em hỏi em nên đưa cha đi kiểm tra gì ạ? Cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Viêm phế quản cấp đa số là do siêu vi gây ra và thường tự khỏi, ít khi để lại biến chứng. Tuỳ thuộc vào thời gian kéo dài của triệu chứng, đặc điểm của ho và tính chất đàm mà bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân và kê toa thích hợp.

Nếu dùng thuốc không đỡ, có thể do các nguyên nhân như viêm phế quản bội nhiễm vi khuẩn, lao phổi, lao phế quản, hen, trào ngược dạ dày thực quản, viem mũi họng mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Bạn nên đưa cha đi tái khám lại bác sĩ chuyên khoa hô hấp để tìm ra đúng bệnh và điều trị bạn nhé!

Đau đầu vận mạch nên điều trị sao cho khỏi bệnh?

Aly Maria - Vtanguy...@gmail.com

Xin chào bác, em bị chứng đau đầu vận mạch mỗi khi chu kỳ hàng tháng và khi thời tiết thay đổi. Em bị hơn chục năm rồi, khám nhiều lần vẫn chỉ cho dùng paracetamol, mà cũng phải hơn 24h mới hết xong lại chuyển sang bên khác rồi phải uống thuốc tiếp.

Bác sĩ cho hỏi em có thể điều trị liệu trình gì hiệu quả hơn không ạ? Cảm ơn bác sĩ tư vấn cho em.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Đau đầu vận mạch còn được gọi là đau đầu Migraine, thiên đầu thống hay chứng đau nửa đầu. Vị trí đau thường chỉ ở nửa đầu, tuy nhiên một số người có thể đau ở cả hai bên. Bệnh có cường độ đau theo nhịp mạch. Người bệnh có cảm giác như ai dùng búa bổ vào đầu hay vặn xoắn từng mạch máu trong não khiến họ cảm thấy buồn nôn và đôi khi nôn rất nhiều. Mức độ đau có thể tăng lên khi có nhiều ánh sáng, tiếng ồn. Mỗi cơn đau kéo dài khoảng 4 tiếng đến 3 ngày.

Nếu không điều trị, cơn đau vẫn có thể giảm hoặc biến mất sau một giấc ngủ đủ dài và sâu. Bệnh nhân có khuynh hướng nhạy cảm, hay sợ tiếng động và ánh sáng. Đôi khi có liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Điều trị trong Migraine gồm hai mục tiêu chính là cắt cơn đau và dự phòng. Để cơn đau chóng qua đi, có thể cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau như Acetaminophen hoặc phối hợp với các hoạt chất khác như Aspirin, Ibuprofen…

Sau khi cắt cơn, người bệnh cần phải tiếp tục dùng thuốc để điều trị phòng ngừa nhằm ngăn không cho cơn đau xuất hiện. Do vậy, bạn nên khám chuyên khoa nội thần kinh để bác sĩ kê toa loại thuốc ngừa cơn phù hợp với cơ địa của mình bạn nhé!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X