Hotline 24/7
08983-08983

Chấn thương của Xuân Son bao lâu mới hồi phục?

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (Hà Nội) cho biết, ca phẫu thuật cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son đã kết thúc lúc gần 22h ngày 6/1/2025. Tiền đạo số 12 của đội tuyển Việt Nam hiện tỉnh táo và vận động nhẹ được bàn, ngón chân sau ca mổ nhưng vẫn cần theo dõi các tổn thương phần mềm phối hợp.

Xuân Son bị chấn thương khá nặng: gãy hai mảnh rời rất lớn, một mảnh 3cm, một mảnh 7cm (Ảnh: BVCC)

Chấn thương nặng hơn dự đoán ban đầu nhưng đã phẫu thuật thành công

Cuộc mổ bắt đầu khoảng 20h ngày 6/1/2025. Người trực tiếp phẫu thuật cho anh là GS.TS.BS Trần Trung Dũng - Giám đốc Chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình và Cơ xương khớp, Hệ thống y tế Vinmec.

Đồng hành cùng GS.TS.BS Trần Trung Dũng trong ca phẫu thuật quan trọng này là đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm từ các chuyên khoa, gồm: Các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Vinmec: BS.CK2 Vũ Tú Nam, ThS.BS Hồ Ngọc Minh, ThS.BS Võ Sỹ Quyền Năng, ThS.BS Phan Bá Quỳnh; Khoa Gây mê - Giảm đau hỗ trợ đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân trong suốt ca mổ. Không thể không nhắc đến đội ngũ hồi sức tích cực, luôn sẵn sàng hỗ trợ sau phẫu thuật để mang lại sự phục hồi tốt nhất cho Xuân Son.

Trước đó, các chuyên gia hội chẩn ghi nhận Xuân Son bị gãy kín phức tạp 1/3 giữa thân hai xương cẳng chân, có mảnh rời lớn và quyết định phương pháp phẫu thuật kết hợp xương kín bằng đinh nội tủy có chốt dưới màn hình tăng sáng. Đây là giải pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giúp giảm thiểu tổn thương mô mềm và đảm bảo phục hồi nhanh chóng.

Chấn thương của tiền đạo Nguyễn Xuân Son nặng hơn dự kiến

Sau khi tiến hành các kiểm tra chuyên sâu và hội chẩn chuyên gia, vết thương của Xuân Son được xác định nghiêm trọng hơn so với ghi nhận ban đầu.

>>> Xuân Son bỏ dở trận chung kết ASEAN cup vì chấn thương nặng

Ca phẫu thuật kéo dài gần 1,5 tiếng, kết thúc lúc 21h43 cùng ngày. Xuân Son đã tỉnh táo, có thể vận động nhẹ bàn chân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển về phòng hồi sức và ngay lập tức áp dụng các phương pháp trị liệu như liệu pháp lạnh và mát-xa tại chỗ.

GS.TS.BS Trần Trung Dũng cho biết, Xuân Son sẽ sớm bước vào giai đoạn vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, từng chút một tiến gần hơn đến ngày trở lại sân cỏ.

Việc Xuân Son được phẫu thuật thành công là tin vui với người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng như cổ động viên CLB Nam Định. Hy vọng tiền đạo sinh năm 1997 có thể sớm tiếp tục cống hiến cho bóng đá Việt Nam.

Xuân Son đã tỉnh lại sau ca mổ (Ảnh: BVCC)

Các chuyên gia nói gì về khả năng hồi phục của Xuân Son?

Theo PGS.TS Võ Thành Toàn - Phó Giám đốc Bệnh Viện Thống Nhất - Trưởng Bộ môn Chấn thương chỉnh hình, Đại học Khoa học sức khoẻ, Đại học Quốc gia TPHCM, trong cẳng chân có hai xương là xương chày và xương mác. Khi tình trạng gãy xương xảy ra có thể gãy đơn thuần một trong hai xương, đôi khi gãy 2 xương cùng lúc tuỳ theo cơ chế chấn thương.

Với những trường hợp bị gãy xương, tùy theo mức độ tổn thương sẽ có hướng xử trí phù hợp. Những trường hợp gãy ít di lệch thì có thể chỉ cần bó bột bất động, nhưng nếu tổn thương nặng hơn như di lệch nhiều, gãy hở, phải phẫu thuật đóng đinh, bắt nẹp vít. Tùy theo mức độ chấn thương mà thời gian phục hồi có thể khác nhau.

Chị Marcele Seippel, vợ của Xuân Son, chia sẻ trong xúc động: “Tất nhiên tôi rất lo lắng, nhưng tôi hiểu rằng trong thể thao, chấn thương là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng nhất là tôi hoàn toàn tin tưởng vào các bác sĩ của Vinmec!” (Ảnh: BVCC)

BS.CK1 Lê Minh Đức - Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết trong trận lượt về giữa Việt Nam và Thái Lan giải AFF Cup 2024, chủ công của đội tuyển Việt Nam đã gãy kín hai xương cẳng chân. mặc dù nhìn có vẻ rất nghiêm trọng, nhưng dưới góc độ y học, gãy xương lại ít phức tạp hơn so với tổn thương dây chằng.

Xương cẳng chân, đặc biệt là ống đồng, rất dễ bị gãy khi gặp phải lực va chạm mạnh, như trong các vụ tai nạn xe máy hoặc khi tham gia các môn thể thao có tính chất va chạm và bật nhảy như bóng đá, bóng rổ… Tuy nhiên, sự phục hồi sau gãy xương cẳng chân thường khả quan hơn so với các chấn thương về dây chằng, giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng và có thể quay lại với hoạt động thể thao.

TS Võ Tường Kha - Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin, Xuân Son không có tổn thương gối, cổ chân và bộ phận khác. Cơ hội hồi phục phụ thuộc nhiều yếu tố bao gồm trình độ kỹ thuật của ê-kíp phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu, giữ không bị nhiễm trùng sau mổ, tập phục hồi chức năng, dinh dưỡng và tâm lý.

Với trường hợp của Xuân Son, TS Võ Tường Kha cho biết, bên cạnh kỹ thuật mổ tốt, việc phục hồi chức năng tại bệnh viện, tại đội tuyển, câu lạc bộ rất quan trọng. Nếu thuận lợi, cầu thủ này có thể sớm trở lại với bóng đá đỉnh cao hơn dự kiến.

Ai là người trực tiếp phẫu thuật cho Xuân Son?

Người trực tiếp phẫu thuật cho chân sút khuấy đảo Đông Nam Á chính là GS.TS.BS Trần Trung Dũng, một trong những bác sĩ ngoại khoa chấn thương chỉnh hình hàng đầu khu vực. GS Dũng và ekip từng tiên phong đưa ra giải pháp tái tạo khuyết hổng thành ngực cho bệnh nhân sau triệt căn u ác tính, đánh dấu bước ngoặt trong y học khu vực Đông Nam Á.

GS.TS.BS Trần Trung Dũng hiện là Giám đốc Chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình và Cơ xương khớp, Hệ thống Y tế Vinmec.

GS.TS.BS Trần Trung Dũng cùng ekip Y học thể thao Vinmec đã giúp nhiều tuyển thủ quốc gia như Lê Văn Xuân, Nguyễn Văn Toản, Chương Thị Kiều, Thái Thị Thảo, Nguyễn Thị Vạn … cùng hơn 50 cầu thủ khác của các đội tuyển bóng đá quốc gia, vượt qua những chấn thương nghiêm trọng để trở lại cống hiến cho màu cờ sắc áo.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X