Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc và điều trị bệnh viêm gan mạn tính trong mùa dịch COVID-19

Viêm gan mạn tính là bệnh lý phổ biến ở nước ta, do tỷ lệ nhiễm viêm gan B, C và sử dụng bia rượu khá cao. Đặc biệt, trong mùa dịch COVID-19 việc thăm khám định kỳ, chăm sóc và điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Hãy cùng lắng nghe PGS.TS.BS Trần Thị Ánh Tường, Trưởng Bộ môn Nội, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ về chủ đề này.

1. Tìm hiểu chung về bệnh gan?

a. Bệnh gan cấp tính

Nguyên nhân thường do virus viêm gan A, B, thuốc, rượu,… kéo dài dưới 6 tháng, sau đó bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn hoặc diễn diến nặng cần phải ghép gan, hay tử vong.

Triệu chứng trải qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu: bệnh nhân mệt mỏi, sốt nhẹ, chán ăn, đau nhẹ hạ sườn phải. Đa số người bệnh sẽ không biết được do triệu chứng mơ hồ và không đặc hiệu.
  • Giai đoạn 2: vàng da, mắt. Đây là triệu chứng phổ biến và đã số bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn này.
  • Giai đoạn 3: hồi phục. Bệnh nhân dần bớt các triệu chứng, men gan trở về bình thường.

b. Bệnh gan mạn tính

Tình trạng bệnh kéo dài trên 6 tháng và tồn tại hàng năm hay có thể kéo dài suốt đời. Bao gồm: viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan.

Các nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gan mạn tính đó là viêm gan do virus B, C; bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và viêm gan mạn do rượu.

Khi có tình trạng viêm gan mạn sẽ dẫn đến xơ hóa là tạo sẹo trong gan, chia làm 4 giai đoạn. Đối với xơ hóa giai đoạn 2 đã ở mức khá nguy hiểm, cần can thiệp điều trị, để tránh diễn tiến sang giai đoạn 3, 4. Và khi bước sang giai đoạn thứ 3 (xơ hóa nặng), thứ 4 (xơ gan).

Lưu ý: xơ hóa khác xơ gan và xơ gan là xơ hóa giai đoạn 4.

Đối với bệnh lý viêm gan mạn tính, dù bất kỳ nguyên nhân gì nếu không can thiệp điều trị tình trạng viêm ổn định sẽ dẫn đến xơ hóa từ mức độ 1, 2, 3 và 4 (xơ gan).

Xơ hóa giai đoạn 3, 4 thì nguy cơ ung thư rất cao. Do đó, những người bị xơ hóa cần tầm soát ung thư mỗi 3-6 tháng.

2. COVID-19 có làm tổn thương gan?

Cho đến nay, người ta nhận thấy rằng virus SARS-COV-2 gây ra COVID-19 có khả năng làm tổn thương gan. Vì virus có thể xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể, các tế bào này thông qua thụ thể ACE2 được tìm thấy ở phổi và một số cơ quan khác như gan, ống mật.

Chúng tấn công và gây tổn thương cho gan, tế bào gan, làm tăng men gan (nhẹ) và tăng bilirubin (vàng da).

Hầu hết các bệnh nhân bị COVID-19 có tăng men gan thường sẽ diễn tiến nặng và nguy cơ tử vong cao hơn so với những người mắc COVID-19 nhưng không tăng men gan.

Đối với tổn thương gan do COVID-19 thường nhẹ nên chỉ cần chăm sóc hỗ trợ, nâng đỡ.

Ngoài virus, còn có nhiều nguyên nhân gây tổn thương gan khi bị COVID-19 như:

  • Do đáp ứng miễn dịch toàn thân, các chất gây viêm, tiền viêm như IL-6, TNF-α.
  • Thuốc sử dụng khi điều trị COVID-19.
  • Người bệnh đã có bệnh gan từ trước.

COVID-19 có khả năng làm tổn thương gan. COVID-19 có khả năng làm tổn thương gan.

3. Người bệnh gan bị COVID-19 có nguy cơ bệnh nặng hơn người không có bệnh gan?

Người lớn bị COVID-19 ở mọi lứa tuổi mắc một số bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bao gồm cả những người bị bệnh gan có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao.

Theo nghiên cứu năm 2021, cho thấy rằng bệnh nhân có bệnh gan mạn tính có tỷ lệ nhập viện và tử vong cao hơn bệnh nhân có bệnh gan mạn không nhiễm COVID-19 và bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhưng không mắc bệnh gan mạn.

Theo nghiên cứu của Tổ chức nghiên cứu bệnh gan Châu Âu trên 1.365 người vừa bị nhiễm COVID-19, vừa mắc bệnh gan ở 24 quốc gia, theo dõi trong hơn 105 ngày; trong đó 174 bệnh nhân xơ gan, 620 không có bệnh gan. Kết quả những bệnh nhân xơ gan nhiễm COVID-19 khả năng nhập viện lên 90%, tử vong 32%, và đưa gan đến giai đoạn cuối 46%.

Nguyên nhân tử vong của những bệnh nhân này thông qua bệnh lý tim, phổi, tổn thương gan. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc vào độ tuổi càng lớn nguy cơ càng cao và nguyên nhân gây xơ gan (xơ gan do rượu).

4. Làm sao bảo vệ người bệnh gan mạn tính trong mùa dịch COVID-19?

Đầu tiên, tránh bị nhiễm virus SARS-COV-2 gây ra COVID-19, bằng cách tuân thủ 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế)

Thứ 2, nếu bị nhiễm cần hạn chế mức độ nặng, nhập viện, nguy cơ tử vong.

Thứ 3, tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tất cả bệnh nhên mắc bệnh gan cần được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19. Tất cả vắc xin đều có khả năng hạn chế mức độ lây lan, giảm tỉ lệ bệnh diễn tiến nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Vắc xin hoạt động bằng cách dạy cơ thể chúng ta nhận biết và chống lại virus một cách an toàn. Chúng huấn luyện hệ miễn dịch của chúng ta sản xuất các kháng thể, tế bào T hoặc cả hai, để sau này chúng ta gặp phải virus, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ biết cách bảo vệ chống lại nó.

Các bệnh gan có thể tiêm ngừa:

  • Viêm gan mạn (viêm gan virus B, C mạn; viêm gan rượu mạn, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu…) đang/đã điều trị ổn định hay đang theo dõi.
  • Xơ gan còn bù
  • Ung thư gan đang điều trị
  • Sau ghép gan

Lưu ý: trước, trong và sau tiêm vắc xin COVID-19 bệnh nhân vẫn uống thuốc điều trị bệnh gan bình thường.

Bệnh gan nên trì hoãn tiêm ngừa:

  • Viêm gan cấp, đợt cấp của viêm gan mạn có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, vàng da, vàng mắt nhiều,… hoặc xét nghiệm men gan tăng cao.
  • Xơ gan mất bù nặng có rối loạn đông máu như tiểu cầu giảm, tỷ lệ prothrombin giảm
  • Ung thư gan giai đoạn cuối

Chưa có dữ liệu cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 gây tác hại ở bệnh nhân bệnh gan. Do đó, không nên từ chối hoặc trì hoãn viêm vắc xin ngừa COVID-19. Hoặc bạn có thể trao đổi với bác sĩ về trình trạng bệnh gan của mình.

Thứ 4, có lối sống, sinh hoạt lành mạnh.

  • Ăn uống: Đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, không hạn chế đạm, hay quá nhiều dầu mỡ. Một số trường hợp đặc biệt như giảm muối, sắt,… theo hướng dẫn của BS. Chia 3-5 bữa ăn nhỏ, 1 buổi nhẹ trước ngủ đối với bệnh nhân xơ gan.
  • Hạn chế rượu, cà phê
  • Tập thể thao bình thường trừ giai đoạn cấp
  • Không uống thuốc bổ gan

Người bệnh không nên ngưng hoặc tự ý đổi thuốc.

5. Điều trị bệnh gan mạn tính trong mùa dịch COVID-19 như thế nào?

Dịch COVID-19 khiến cho bệnh nhân gan mạn tính gặp khó khăn trong việc tái khám định kỳ và mua thuốc. Vì vậy, những người đang sống với bệnh gan mạn tính nên:

Thứ 1, thực hiện các biện pháp phòng ngừa COVID-19 được khuyến cáo cho dân số chung.

Thứ 2, liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay bác sĩ của bạn về việc tiếp tục điều trị hoặc tư vấn từ xa, đặc biệt nếu bạn bị bệnh gan giai đoạn cuối (xơ gan hoặc ung thư).

Nếu không liên hệ được thì tiếp tục uống thuốc theo toa cho đến khi liên lạc được bác sĩ hay tái khám được. Không nên ngưng hoặc tự ý đổi thuốc.

Xét nghiệm nếu được ở các cơ sở y tế gần nhà:

  • Sinh hóa gan: men gan
  • Tầm soát ung thư: siêu âm ụng, AFP
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Xét nghiệm tùy bệnh, HBV DNA, HCV RNA,…

Trong trường hợp không xét nghiệm được thì nên chờ đến khi tái khám.

Thứ 3, nếu bạn đang được điều trị viêm gan B hoặc C, hãy đảm bảo bạn có đủ thuốc điều trị ít nhất từ 3 đến 6 tháng, giảm số lần đến các dịch vụ y tế.

  • Nếu không mua được thuốc giống toa thì mua thuốc giống hoạt chất và liều lượng, không tự ý đổi thuốc khác hoạt chất dù cùng công dụng.
  • Không thể mua được thuốc đặc trị thì không nên ngưng và nếu có phải ngưng do không còn cách nào khác thì chỉ nên vài ngày. Các thuốc hỗ trợ có thể ngưng vài ngày, thậm chí vài tuần, vài tháng.
  • Không tự mua thuốc bổ gan uống.

Đối tác Alobacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X