Hotline 24/7
08983-08983

CDC Mỹ khuyến cáo mọi người cần tiêm đủ 2 liều; Hàn Quốc: người chủng ngừa COVID-19 được “nghỉ phép vắc xin”

Một khảo sát thực tế do Mỹ thực hiện cho thấy vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer và Moderna đạt hiệu quả cao sau mũi tiêm đầu tiên. Tuy nhiên, CDC Mỹ khuyến cáo mọi người cần tiêm đủ hai liều nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Tin vui: Vắc xin COVID-19 của Pfizer và Moderna thực sự đạt hiệu quả cao sau mũi tiêm đầu tiên

Hãng tin Reuters trích dữ liệu từ một nghiên cứu thực hiện ở Mỹ cho biết sau khi tiêm hai mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên của hãng Pfizer/BioNTech SE và Moderna, nguy cơ lây nhiễm giảm đến 80% trong vòng 2 tuần hay hơn nữa.

Nghiên cứu trên gần 4.000 nhân viên y tế Mỹ và nhóm người có tình nguyện đầu tiên cho thấy sau khi tiêm mũi thứ hai nguy cơ nhiễm bệnh giảm 90%.

Kết quả cuộc thí nghiệm xác nhận nghiên cứu ban đầu đã chỉ ra vắc xin có tác dụng sau mũi tiêm đầu tiên. Quy trình nghiên cứu xác nhận vắc xin cũng ngăn ngừa được bệnh mà không có triệu chứng.

Một số quốc gia đang phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu vắc xin và phải dời lịch chủng ngừa mũi thứ hai nhằm dành cơ hội cho nhiều người được tiêm mũi thứ nhất. Tuy nhiên, các quan chức y tế cộng đồng Mỹ tiếp tục kêu gọi người dân cần tiêm hai mũi vắc xin theo lịch được các cơ quan quản lý đưa ra dựa theo kết quả thử nghiệm lâm sàng.

Nghiên cứu này do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ thực hiện nhằm đánh giả khả năng bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm của vắc xin, kể cả tình trạng nhiễm không gây triệu chứng. Kết quả thử nghiệm lâm sàng trước đây của Pfizer đánh giá vắc xin đạt hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh từ virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nghiên cứu đó đã bỏ sót các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng.

Giám đốc CDC Rochelle Walensky tuyên bố: “Vắc xin COVID-19 mRNA đã tạo ra được hàng rào bảo vệ sớm và hiệu quả thực sự giúp nhân viên y tế, các tình nguyện viên đầu tiên và các nhân viên tuyến đầu khác có khả năng chống lây nhiễm”.

Công nghệ mRNA mới là một dạng tổng hợp vận chuyển hóa chất tự nhiên được sử dụng nhằm hướng dẫn tế bào tạo ra protein phỏng theo một phần virus SARS-CoV-2. Cách làm trên hướng dẫn hệ miễn dịch nhận biết và tấn công virus.

Nghiên cứu CDC được công bố nhiều tuần sau khi dữ liệu thực tế từ Israel cho biết vắc xin Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả lên đến 94% trong việc chống bệnh không triệu chứng.

Anh và Canada là các quốc gia cho phép kéo dài khoảng thời gian chủng ngừa từ ba đến bốn tháng. Tháng 1/2021, các quan chức Anh tuyên bố dựa trên các dữ liệu, họ đã cho phép các mũi tiêm cách nhau 12 tuần.

Công ty Pfizer và đối tác Đức của mình khuyến cáo hai quốc gia trên  rằng vẫn chưa có đủ bằng chứng cho điều này. Trong cuộc thử nghiệm quan trọng của họ, thời gian cách nhau để chủng ngừa hai mũi vắc xin Pfizer là ba tuần. Riêng vắc xin Moderna, khoảng cách là bốn tuần.

Theo CDC, kết quả nghiên cứu ngày hôm qua (29/3) khẳng định thêm mũi vắc xin đầu tiên có thể bảo vệ người chủng ngừa hai tuần sau khi tiêm. Tuy nhiên, cơ quan y tế này vẫn nhấn mạnh việc tiêm đủ hai liều vắc xin vẫn là cách an toàn nhất.

Hàn Quốc: Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được “nghỉ phép vắc xin”

Một số lượng đáng kể người dân Hàn Quốc tiêm vắc xin COVID-19 xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi trong quá trình hình thành miễn dịch. Vì vậy từ tháng 4, nước này sẽ áp dụng chế độ “nghỉ phép vắc xin” cho những người đã tiêm phòng COVID-19.

Theo kết quả khảo sát của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), khoảng 32% người dân cảm thấy khó chịu bởi các triệu chứng đau đầu, đau cơ sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các chứng đau này xuất hiện do cơ thể đang trong quá trình hình thành miễn dịch.

Đài KBS World đưa tin ngày 29-3 cho biết Hàn Quốc đã quyết định áp dụng chế độ “nghỉ phép vắc xin” cho những người tiêm phòng vắc xin COVID-19, bắt đầu từ tháng 4.

Nhóm ưu tiên là những nhân lực thiết yếu về an ninh xã hội như lực lượng cảnh sát và lực lượng phòng cháy chữa cháy. Các đối tượng này có thể đăng ký tạm nghỉ 1 ngày để dưỡng bệnh sau ngày tham gia tiêm vắc xin.

Trong trường hợp xuất hiện phản ứng bất thường, người thuộc nhóm này có quyền nghỉ thêm 1 ngày mà không cần có giấy chẩn đoán của bệnh viện. Vì vậy, người thuộc nhóm ưu tiên có thể “nghỉ phép vắc xin” 2 ngày sau khi tiêm chủng.

Đối với nhân viên của các doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ Hàn Quốc đang lên kế hoạch phối hợp với các hiệp hội liên quan để có thể thông qua chế độ nghỉ phép có lương hoặc nghỉ ốm không mất lương.

Các tiếp viên hàng không sẽ bắt đầu được tiêm vắc xin COVID-19 từ tháng 5. Nhóm này sẽ được áp dụng chế độ “nghỉ phép vắc xin” sau khi chính quyền thỏa thuận với các hãng hàng không.

Về mặt pháp lý, Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định lập các căn cứ pháp lý cho chế độ “nghỉ phép vắc xin” trong đợt sửa đổi Luật phòng ngừa và quản lý bệnh truyền nhiễm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X