Hotline 24/7
08983-08983

Cập nhật mới trong điều trị rối loạn nhịp tim

Vừa qua vào ngày 14 tháng 10 tại Bình Thuận, Bệnh viện Chợ Rẫy và Medtronic Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo Đào tạo Y khoa chuyên đề “CẬP NHẬT ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ RỐI LOẠN NHỊP-TIM MẠCH VÀ BỆNH ĐỒNG MẮC THEO HƯỚNG DẪN MỚI NĂM 2023 CỦA HỘI TIM CHÂU ÂU” dành cho gần 400 bác sĩ chuyên khoa tim mạch và các bác sĩ đa khoa đang công tác tại bệnh viện tuyến tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng, Trưởng Khoa Điều Trị Rối Loạn Nhịp, Trung Tâm Tim Mạch, Bệnh Viện Chợ Rẫy ( thứ 2 từ trái qua) cùng hơn 400 bác sĩ chuyên khoa tim mạch và các bác sĩ đa khoa tham dự hội thảo

Hội thảo giúp các bác sĩ cập nhật kiến thức điều trị lâm sàng mới nhất về các bệnh lý rối loạn nhịp, tim mạch và bệnh đồng mắc. Từ đó các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh sớm, giúp bệnh nhân được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Rối loạn nhịp tim: dễ bị bỏ qua do biểu hiện mơ hồ

Theo BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng, Trưởng Khoa Điều Trị Rối Loạn Nhịp, Trung Tâm Tim Mạch, Bệnh Viện Chợ Rẫy, Chủ toạ Hội Thảo, rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim đập quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hay quá chậm (tần số < 60 lần/phút), hay tim đập không đều - lúc nhanh lúc chậm. Rối loạn nhịp tim có thể làm giảm khả năng hoạt động, sinh hoạt và làm việc bình thường của người bệnh, thậm chí nặng nề nhất là bị ngưng tim - một trong những nguyên nhân chủ yếu gây đột tử hiện nay.

Rối loạn nhịp tim có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có thể do bẩm sinh, do thoái hóa hệ thống dẫn truyền điện trong tim, hoặc do hậu quả của các bệnh lý tim mạch.

Ths.Bs Trần Lê Uyên Phương, Phó Trưởng Khoa Điều Trị Rối Loạn Nhịp, Trung Tâm Tim Mạch, Bệnh Viện Chợ Rẫy tại hội thảo

Triệu chứng của bệnh lý rối loạn nhịp tim rất đa dạng, với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng như: hồi hộp, cảm giác đánh trống ngực, tim đập mạnh, hụt hơi, khó thở, ran ngực, yếu sức, đau ngực, vã mồ hôi, chóng mặt, hoa mắt, tối sầm mắt, gần ngất hoặc ngất, mệt đừ…

BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng nhấn mạnh “Có trường hợp bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nhưng không có biểu hiện nào, hoặc biểu hiện khá mơ hồ như chỉ cảm giác không khỏe, khó chịu ngực. Chính vì vậy bác sĩ và bệnh nhân dễ bỏ qua cơ hội phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời để đạt hiệu quả điều trị cao nhất”.

Do đó bệnh nhân khi có các triệu chứng của bệnh rối loạn nhịp tim thì không nên chủ quan mà cần nhanh chóng thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch hoặc bác sĩ tổng quát để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị rối loạn nhịp tim bằng các phương pháp ít xâm lấn

BS.CKII. Kiều Ngọc Dũng lưu ý: Phương thức điều trị rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Bệnh nhân dù điều trị nội khoa hay ngoại khoa đều cần đến các trung tâm tim mạch lớn trên cả nước – nơi đầy đủ trang thiết bị tiên tiến và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Tim Mạch có chuyên môn sâu.

Với các rối loạn nhịp tim do sự bất thường về mặc cấu trúc hoặc bất thường di truyền học thì cần sự điều trị chuyên sâu hơn như can thiệp bằng các thủ thuật tiên tiến (ngoại khoa) và ít xâm lấn như cấy máy tạo nhịp tim, cấy máy phá rung tự động, cấy máy tái đồng bộ tim hay triệt đốt rung nhĩ bằng phương pháp áp lạnh, v.v.. nhằm khôi phục nhịp tim bình thường. Các thủ thuật này cần được thực hiện tại các trung tâm tim mạch lớn trên cả nước, nơi trang bị đầy đủ và đồng bộ hệ thống trang thiết bị can thiệp, và thủ thuật cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch can thiệp được đào tạo, với sự hỗ trợ liên tục của các chuyên viên kỹ thuật máy. Sau khi được can thiệp, bệnh nhân sẽ nằm viện 1-2 ngày để theo dõi và sau đó có thể xuất viện và tái khám, kiểm tra máy định kì theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với phương pháp cấy máy tạo nhịp tim, hiện có thế hệ máy tạo nhịp không dây mới nhất với kích thước nhỏ chỉ bằng một viên vitamin và được đặt trong buồng tim nên đem đến cảm giác tự nhiên cho bệnh nhân, người bệnh hầu như không cảm thấy có thiết bị đặt trong người.

Cách phòng ngừa bệnh lý rối loạn nhịp tim

Đối với những bệnh lý rối loạn nhịp tim do bẩm sinh thì không thể phòng ngừa được.

Còn đối với những bệnh lý rối loạn nhịp tim do lối sống thì có thể phòng ngừa bằng cách:

  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe tim mạch: Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), một chế độ ăn lành mạnh bao gồm nhiều thực phẩm ngũ cốc, rau và trái cây, thịt nạc, cá, các sản phẩm từ sữa ít béo và chất béo không bão hòa (như dầu ô liu); tránh dung nạp chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol.
  • Giữ cân nặng ổn định, tránh thừa cân - béo phì.
  • Tập thể dục mỗi ngày giúp kiểm soát cân nặng, đặc biệt giúp ổn định nhịp tim.
  • Tránh xa thuốc lá và hạn chế rượu, bia.
  • Kiểm soát căng thẳng, stress.
Ông Thomas Sander, Giám đốc Nhánh Tim mạch Medtronic Việt Nam & Medtronic Cambodia Myanmar và Lào phát biểu tại buổi hội thảo

 

Tại hội thảo, đại diện của công ty Medtronic Việt Nam - Ông Thomas Sander, Giám đốc Nhánh Tim mạch Medtronic Việt Nam & Medtronic Cambodia Myanmar và Lào chia sẻ về nỗ lực của Medtronic trong mục tiêu đem đến các giải pháp can thiệp ít xâm lấn và chất lượng điều trị cao nhất bệnh tim mạch nói chung và các bệnh lí rối loạn nhịp tim nói riêng. Medtronic cũng cam kết hỗ trợ công tác đào tạo y khoa dành cho hàng ngàn chuyên gia y tế tại Việt Nam với các chương trình đào tạo như MEDPACE, MedEXPERT, MEDICE và MED SYCHRO… nhằm góp phần giúp đỡ ngày càng nhiều bệnh nhân trên khắp mọi miền đất nước được điều trị với các giải pháp tim mạch tiên tiến.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X