Hotline 24/7
08983-08983

Cập nhật các phương pháp điều trị đái tháo đường và rối loạn lipid máu bằng đường uống

Trong chuyên đề này, các chuyên gia tập trung vào hai trọng điểm. Một là điều trị đái tháo đường type 2 với metformin phóng thích kéo dài, và việc phối hợp cùng Sulfonylureas (thế hệ mới như Glimiperide) khi chưa kiểm soát đường huyết tốt là cần thiết. Hai là điều trị rối loạn lipid máu, bên cạnh mục tiêu LDL-C, Triglyceride cần chú ý kiểm soát Non-HDL-C với Statin và Fibrates (điển hình như Fenofibrate).

Chuyên đề “Cập nhật các phương pháp điều trị đái tháo đường và rối loạn lipid máu bằng đường uống” do Công ty Mega Lifesciences phối hợp với Hội Dược học Việt Nam tổ chức vào thứ 7, ngày 22/7/2023 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), dành cho các dược sĩ trên toàn quốc tham dự. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi chương trình We Share We Care được tổ chức định kỳ hằng năm của công ty Mega Lifesciences. 

Chủ tọa đoàn - PGS.TS.BS Nguyễn Khoa Diệu Vân chia sẻ tại chương trình về tầm quan trọng của các hội nghị khoa học dành cho dược sĩ

PGS.TS.BS Nguyễn Khoa Diệu Vân - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội - chủ tọa của hội nghị đánh giá cao chương trình dành cho dược sĩ mà Công ty Mega Lifesciences tổ chức. Chuyên đề được đề cập liên quan đến đái tháo đường type 2 và rối loạn lipid máu - đây là hai bệnh lý chuyển hóa trở thành mối nguy cơ hàng đầu làm tăng biến cố tim mạch trên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh chẩn đoán sớm bệnh, việc sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả rất quan trọng, có thể giảm thiểu các biến cố tim mạch. Do vậy, hội nghị lần này rất thiết thực, vừa cập nhật các kiến thức vừa giúp dược sĩ hiểu tầm quan trọng của những nhóm thuốc để hướng dẫn cho người bệnh cũng như cùng phối hợp với các bác sĩ điều trị lựa chọn thuốc đạt hiệu quả tối ưu, an toàn cho người bệnh”. 

Ông Vinod Patil gửi lời tri ân đến các bác sĩ, dược sĩ đã đồng hành cùng hành trình phát triển của Mega Lifesciences

Nhân dịp này, ông Vinod Patil - Trưởng bộ phận ngành hàng thuốc kê toa - đại diện Mega Lifesciences gửi lời tri ân đến các bác sĩ và dược sĩ với những cống hiến không ngừng nghỉ để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. “Với sự đồng hành không mệt mỏi này, Mega Lifesciences trở thành một trong những công ty hàng đầu tại Việt Nam. Gần 27 năm qua và trong tương lai, chúng tôi cam kết mang lại các loại thuốc chất lượng cao với giá cả hợp lý, nhiều loại thuốc đã được chứng minh tương đương sinh học tại các nước châu Âu” - ông Vinod Patil nói.

Glimiperide + Metformin - sự kết hợp hiệu quả để kiểm soát bệnh đái tháo đường 

BS Sharvil Gadve - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về điều trị đái tháo đường tại Ấn Độ. Ông hiện là một trong những thành viên của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ

Trong bài báo cáo “Cập nhật các phương pháp điều trị đái tháo đường bằng đường uống: từ lý thuyết đến thực hành” - BS Sharvil Gadve - Trưởng khoa Nội tiết Trung tâm Excel Endocrine, Kolhapur nhấn mạnh, đái tháo đường type 2 là bệnh lý không đồng nhất, cần cá thể hóa điều trị, phụ thuộc vào từng bệnh nhân. Do vậy, khái niệm chính trong việc điều trị đái tháo đường là cung cấp đúng loại thuốc bệnh nhân cần. 

Hiện, trong điều trị đái tháo đường type 2 có rất nhiều sự lựa chọn, từ Metformin, SUs - Sulfonylureas (như Glibenclamide, Glimiperide, Gliclazide), nhóm ức chế alpha glucosidase (như Acarbose), nhóm TZD (Pioglitazone) đến rất nhiều lựa chọn khác liên quan đến hệ thống incretin - nhóm ức chế men DPP4 (Sitagliptin/Linagliptin), nhóm ức chế kênh SGLT2 (như Dapagliflozin, Empagliflozin, Canagliflozin) hoặc lựa chọn khác về thuốc điều trị đồng vận thụ thể GLP1 (như Semaglutide), và gần nhất là nhóm thuốc mới Glimins (Imeglimin). 

Chuyên gia đến từ Ấn Độ đánh giá, mặc dù có rất nhiều lựa chọn nhưng trên tất cả phải mang lại hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân. Các khuyến cáo từ Hoa Kỳ đến châu Âu đều tập trung vào hai phía cạnh. Một là xem xét điều trị giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết (rất thấp hoặc không có). Hai là mức độ sẵn có và chi phí điều trị. 

Nhìn nhận về các loại thuốc điều trị đái tháo đường type 2, BS Sharvil Gadve cho rằng, cho đến nay, Metformin và SUs vẫn là hai loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất để kiểm soát đường huyết tốt cho bệnh nhân. Trong đó, đối với Metformin, dạng bào chế phóng thích kéo dài (Metformin SR) được ưu tiên hơn so với dạng bào chế phóng thích tức thì (Metformin IR), bởi nhiều ưu điểm và dung nạp tốt hơn. 

Trong khi Metformin IR phóng thích hơn 90% trong vòng 30 phút thì 90% Metformin SR được giải phóng trong khoảng 10 giờ. Ngoài ra, các thông số dược động học chính của Metformin SR cũng cho phép sử dụng thuốc một lần mỗi ngày, nhờ đó giảm liều sử dụng, tăng khả năng tuân trị, thuốc được cung cấp kéo dài trong suốt thời gian với nồng độ ổn định, đem lại nhiều lợi thế trong việc kiểm soát đường huyết ổn định hơn cho bệnh nhân. Đây chính là những điểm trọng tâm mà bệnh nhân cần. Trong 2 dạng của Metformin SR, Dual matrix polymer hydrophillic system chiếm ưu thế, cải thiện việc phân phối thuốc tốt hơn và cải thiện sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Trường hợp bệnh nhân sử dụng Metformin nhưng chưa kiểm soát đường huyết tốt, việc lựa chọn phối hợp giữa Metformin và SUs là cần thiết. “Chúng ta có viên phối hợp cố định liều Metformin và Sulfonylurea sẽ giảm đi số viên thuốc phải sử dụng, tăng tính tuân trị của bệnh nhân” - BS Sharvil Gadve nói. 

Điểm qua các thế hệ của SUs (Glibenclamide, Glimiperide, Gliclazide), chuyên gia đánh giá cao thế hệ mới - hiện đại, đặc biệt là Glimiperide hơn so với thế hệ cũ, với hiệu lực tốt hơn, thời gian tác dụng kéo dài hơn và có ít tác dụng phụ hơn, đặc biệt đây là một trong những nhóm thuốc hiệu quả nhất trong việc giảm HbA1C.

Sở dĩ Glimiperide được nhìn nhận vượt trội hơn là bởi, khi kết hợp với Metformin sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong cơ chế tác dụng của thuốc. Trong khi Glimiperide kích thích tăng bài tiết insulin từ tế bào beta tuỵ thì Metformin giúp cải thiện tính nhạy cảm của insulin ở mô ngoại vi. Hơn nữa, khi Metformin có một dạng bào chế phù hợp như phóng thích kéo dài kết hợp cùng Glimiperide trở thành một giải pháp hiệu quả để kiểm soát đường huyết trên đái tháo đường type 2. 

SUs đã được hỗ trợ bởi những bằng chứng rất mạnh mẽ từ nhiều nghiên cứu khác nhau. Trong đó, trọng điểm chính mà các nghiên cứu này rút ra đó là SUs thế hệ mới như Glimiperide có thể tăng nhẹ hạ đường huyết, nhưng không có bằng chứng về việc gia tăng nguy cơ tim mạch và không làm gia tăng nguy cơ nhập viện vì suy tim. Điều này một lần nữa nhấn mạnh sự an toàn của SU thế hệ mới” - BS Sharvil Gadve cho biết.

Bên cạnh các loại thuốc trên trong điều trị đái tháo đường, chuyên gia cũng đề cập, chất ức chế SGLT2; chất chủ vận GLP1; Glimins là những lựa chọn tốt và có thể được xem xét bất cứ khi nào có sẵn.

Kiểm soát rối loạn lipid máu, chú trọng cả 3 mục tiêu LDL-C, Non-HDL-C + Triglyceride 

ThS.BS Trịnh Ngọc Anh có khoảng 10 năm công tác tại Bệnh viện Bạch Mai và là giảng viên tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trước khi đầu quân về Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Với bài báo cáo “Cập nhật các phương pháp điều trị rối loạn lipid máu” - ThS.BS Trịnh Ngọc Anh - Khoa Nội tiết - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho rằng, kiểm soát lipid máu thực sự là một trong những khuyến cáo mạnh trong điều trị, dự phòng biến cố tim mạch.

Trong các loại rối loạn lipid máu, từ các thống kê, ThS.BS Trịnh Ngọc Anh nhận định, rối loạn lipid máu hỗn hợp là phổ biến nhất, ví dụ loại hỗn hợp tăng cả triglyceride và cholesterol chiếm khoảng 20% trên toàn dân số, riêng bệnh nhân đái tháo đường tỷ lệ từ 29,6-57,8%. Trong khi đó, rối loạn lipid máu nguy hiểm nhất chính là rối loạn lipid sinh xơ vữa (Artherogenic dysipidemia traits - tam chứng lipid sinh xơ vữa). 

Tam chứng lipid sinh xơ vữa thường gặp trên những bệnh nhân đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, thừa cân, béo phì. Ở Trung Quốc, trên những bệnh nhân đái tháo đường, 90% chưa được kiểm soát đường huyết sẽ gặp tam chứng lipid sinh xơ vữa. Ngay cả khi đường huyết được kiểm soát thì vẫn có đến 57% xuất hiện tam chứng lipid sinh xơ vữa.

Mỡ tạng là một tuyến nội tiết cực kỳ mạnh. Insulin là một hormone chuyển hóa mỡ rất mạnh. Do vậy, một bệnh nhân đề kháng insulin không chỉ làm đường huyết tăng cao, mà còn tăng cả mỡ máu, đặc biệt là triglyceride” - chuyên gia lý giải.

ThS.BS Trịnh Ngọc Anh nhận định, tam chứng lipid sinh xơ vữa cực kỳ nguy hiểm. Thủ phạm đầu tiên là tăng triglyceride, thủ phạm thứ hai là giảm HDL, thứ ba là tăng lượng LDL nhỏ đậm đặc. Do vậy, người ta thấy rằng, trên bệnh nhân đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa, rối loạn lipid sinh xơ vữa mới là rối loạn nguy hiểm thực sự và cần phải được điều trị.

Hiện nay, việc phân ra ranh giới tiên phát-thứ phát không khẳng định được độ nặng, mức độ-nguy cơ của người bệnh. Bởi vì có bệnh nhân xơ vữa 50% nhưng đã có biến cố nhồi máu cơ tim. Ngược lại, có bệnh nhân xơ vữa đến 90% nhưng chưa xảy ra biến cố tim mạch nào cả. 

Người ta thấy rằng, theo thời gian, những người bị rối loạn lipid hay đái tháo đường càng lâu thì nguy cơ sẽ càng cao. Và do vậy, những bệnh nhân đái tháo đường, hút thuốc lá lâu ngày nguy cơ xơ vữa rất cao và phải điều trị như những bệnh nhân đã từng nhồi máu cơ tim” - chuyên gia nhấn mạnh.

Từ các khuyến cáo trên thế giới, ThS.BS Trịnh Ngọc Anh cho rằng, bên cạnh kiểm soát mục tiêu LDL-C, Triglyceride thì Non-HDL-C là một chỉ số cần phải quan tâm, đặc biệt ở bệnh nhân bị đái tháo đường, bệnh nhân có từ 2 yếu tố nguy cơ tim mạch. Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc biến cố tim mạch tăng 32% ở bệnh nhân đạt LDL-C nhưng chưa đạt Non-HDL-C mục tiêu. Ngoài ra, nguy cơ mắc biến cố tim mạch tăng theo các ngưỡng nồng độ Non-HDL-C.

Chuyên gia ví Non-HDL-C như một công cụ đo “cholesterol tàn dư” - một thành phần khác quan trọng không kém trong nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. “Xét nghiệm Non-HDL-C xứng đáng được đưa vào để tầm soát nguy cơ tim mạch, bởi vì tính chính xác, toàn diện và có thể thực hiện cho bệnh nhân vào bất kỳ thời điểm nào, không bị thay đổi theo bữa ăn (no hay đói). Và đương nhiên, Non-HDL-C càng thấp càng tốt, càng sớm càng tốt, càng an toàn càng tốt”. 

Đề cập đến các liệu pháp kiểm soát Non-HDL-C cùng với LDL-C và triglyceride, ThS.BS Trịnh Ngọc Anh nhấn mạnh vai trò của cả Statin và Fibrates trong quản lý và dự phòng nguy cơ xơ vữa động mạch ở người bệnh. 

Bệnh nhân tăng triglyceride máu bắt buộc phải điều trị. Triglyceride máu trên 5,6 mmol/L, bắt buộc phải điều trị ngay lập tức nhằm ngăn ngừa tình trạng rất nguy hiểm - viêm tuỵ cấp. Triglyceride máu dưới 5,6 mmol/L, điều trị để bảo vệ tim mạch là chủ yếu. Trong đó, tối ưu điều trị bằng Statin và sau đó nếu không kiểm soát được mục tiêu Non-HDL-C sẽ phối hợp thêm nhóm Fibrates. Nếu bệnh nhân dị ứng hoặc không dung nạp Statin, sử dụng luôn Fibrates” - ThS.BS Trịnh Ngọc Anh nêu. 

Trong nhóm thuốc Fibrates, Fenofibrate là thuốc được sử dụng rộng rãi và được nghiên cứu nhiều nhất, cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm Non-HDL-C, triglyceride, tăng HDL-C, giúp giảm nguy cơ, biến cố tim mạch, nhất là trên nhóm bệnh nhân rối loạn lipid máu sinh xơ vữa. Hiệu quả này ghi nhận trên cả bệnh nhân có đái tháo đường type 2 và không có đái tháo đường type 2. 

Về hàm lượng, chuyên gia cũng dẫn chứng các nghiên cứu cụ thể cho thấy, giữa Fenofibrate 145 mg so với 160mg, thì Fenofibrate 145 mg làm giảm có ý nghĩa thống kê các thông số lipid máu, bao gồm cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và triglyceride. 

Một số lưu ý được chuyên gia đề cập khi sử dụng Fenofibrate bao gồm, không dùng cho người suy gan nặng, suy thận nặng. Fenofibrate không làm tăng tác dụng phụ không mong muốn khi phối hợp statin do khác con đường chuyển hóa. Không nên phối hợp các Fibrates với nhau. Cuối cùng, cần giảm liều thuốc chống đông khi sử dụng cùng với Fenofibrate để tránh xuất huyết tiêu hóa cho bệnh nhân.

Các chuyên gia thảo luận sôi nổi trong hội nghị
Các dược sĩ tham dự chương trình chụp hình lưu niệm cùng chủ tọa đoàn, báo cáo viên và Công ty Mega Lifesciences

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X