Hotline 24/7
08983-08983

Cảnh báo tai nạn trẻ em do người lớn bất cẩn

(Alobacsi)- Trong dịp tết vừa qua, bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khá nhiều ca tai nạn trẻ em do người lớn bất cẩn trong việc chăm nom.

Sáng 30 tết tức ngày 2/2/2011 dương lịch, khoa Phỏng Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một trường hợp em Ng. Nh. A 2 tuổi, ngụ tại Thị xã La Gi, Bình Thuận được chuyển từ bệnh viện tuyến trước.

Theo người nhà, em A. quấn quít theo mẹ trong nhà bếp đang nấu đồ ăn tết. Trong lúc mẹ đang bưng nồi nước sôi luộc hột vịt lộn thì người anh họ 5 tuổi hàng xóm chạy vào bếp, tung phải người mẹ làm đổ văng nước sôi vào người em A. Hậu quả là em bị phỏng ở vùng bụng, đùi, cẳng chân phải và tay phải.


Người nhà đưa trẻ đến bệnh viện sơ cấp cứu rồi chuyển bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây em được các bác sĩ khoa Phỏng cấp cứu truyền dịch và chăm sóc vết thương phỏng cũng như cho thuốc giảm đau vết phỏng. Tình trạng em cải thiện dần, đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa phỏng.


Em Ng. Nh. A 2 tuổi, phỏng nước sôi, được theo dõi điều trị tại khoa Phỏng


Sau đó không lâu, khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1 lại tiếp nhận cháu Tr. V. Ng. 18 tháng tuổi ngụ tại TPHCM, trong tình trạng khó thở, tím tái.


Khai thác bệnh sử ghi nhận trưa cùng ngày nhập viện, em đi chập chững trong nhà, mẹ lo nấu ăn nên không để ý bé, đến khi không thấy cháu đâu, nên tìm kiếm, phát hiện bé ở trong nhà tắm bị té trong xô nước đầy, chổng chân lên trời.


Bé được người nhà vớt lên trong vòng 5 – 10 phút, tím tái, không thở được, “xốc nước” vẫn tím tái không thở. Người nhà bồng bé đến bệnh viện gần nhà trong tình trạng tím tái, ngưng tim ngưng thở, được đặt nội khí quản giúp thở, ấn tim, tim adrenalin cho tim đạp lại rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.


Cháu Tr. V. Ng. đang điều trị tại khoa Hồi sức


Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận em bị hôn mê, gồng chi từng cơn, tím tái, thở co kéo, xét nghiệm cấp cứu khí máu động mạch ghi nhận em biểu hiện tình trạng thiếu oxy máu và toan chuyển hóa nặng.

Em được hỗ trợ hô hấp qua máy thở, chống co giật, chống phù não, điều chỉnh nước điện giải, toan kiềm và dùng kháng sinh phổ rộng điều trị viêm phổi hít. Hiện cháu vẫn còn trong tình trạng rất nặng, được điều trị và theo dõi tích cực tại khoa Hồi sức.

Qua trường hợp này, bác sĩ Minh Tiến, bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý đến quí phụ huynh, người giữ trẻ chú ý những trẻ mới vừa biết đi, biết bò dễ mắc các tai nạn đáng tiếc trong nhà như té nước, điện giật, phỏng,… do trẻ muốn tìm hiểu xung quanh, đặc biệt là những ngày giáp tết, không vì lu bu công việc mà lơ là việc giữ trẻ.

Khi xảy ra tai nạn ngạt nước ở trẻ, cần tiến hành cấp cứu cơ bản ngưng thở, ngưng tim tại hiện trường ngay, tránh mất thời gian cho “xốc nước” nạn nhân, không cần thiết. Trường hợp trên may mắn cho trẻ, vì người nhà đã kịp thời cấp cứu tim phổi tại hiện trường.

Bác sĩ Minh Tiến cũng lưu ý quí phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ vào nhà bếp vì dễ bị tai nạn phỏng, điện giật, đứt tay,…

T.N. (tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X