Hotline 24/7
08983-08983

Can thiệp động mạch vành bằng robot Corindus đầu tiên tại Đông Nam Á

Sáng 17/4, tại Cần Thơ, các chuyên gia của 3 bệnh viện: BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, BV Thống Nhất và BV Sevansadan (Ấn Độ) cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những dự định hợp tác trong lĩnh vực can thiệp động mạch vành với sự hỗ trợ của robot Corindus. Các chuyên gia kỳ vọng, với việc Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á sở hữu robot Corindus sẽ tạo nên bước đột phá trong can thiệp những bệnh lý tim mạch, ngoại biên và thần kinh phức tạp, mở ra cơ hội điều trị bằng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả cho người bệnh.

Robot can thiệp mạch Corindus đã được chứng nhận FDA và CE để có thể sử dụng trong can thiệp tim mạch (can thiệp mạch vành), can thiệp ngoại biên và can thiệp thần kinh. Hiện, Corindus đã được ứng dụng tại các bệnh viện hàng đầu của Mỹ, Ấn Độ, Pháp, UAE, Đức, Nhật Bản, Brazil, HongKong… đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và bác sĩ.

PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, với việc ứng dụng kỹ thuật mới - robot can thiệp mạch Corindus tại S.I.S Cần Thơ là bước tiến vượt bậc mang lại độ chính xác, an toàn và hiệu quả cao, phù hợp với xu hướng hội nhập với thế giới. Hơn nữa, trong tương lai, khi đường truyền tốt, có thể ứng dụng đến vùng sâu, vùng xa, giảm thiểu gánh nặng cho người nhà và bệnh nhân.

Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ chuyển giao công nghệ kỹ thuật can thiệp động mạch vành với sự hỗ trợ của robot Corindus cho Bệnh viện Thống Nhất, Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Sevansadan (Ấn Độ)

Theo TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, robot Corindus có tính năng ưu việt hỗ trợ bác sĩ thực hiện kỹ thuật cao trong can thiệp mạch máu với thời gian nhanh nhất; giảm 95% liều xạ cho bác sĩ thực hiện thủ thuật can thiệp và 21% cho bệnh nhân.

Sự hỗ trợ này sẽ giảm ảnh hưởng tác động của áo chì và tư thế đứng, giảm chấn thương cột sống cho các bác sĩ thực hiện thủ thuật. Các chuyên gia có thể ngồi thoải mái trong phòng để điều khiển thao tác của cánh tay robot trong phòng can thiệp; đặc biệt hiệu quả trong các ca phức tạp.

"Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tiếp cận và thực hiện kỹ thuật với robot hỗ trợ can thiệp mạch vành. Đây là cuộc cách mạng rất quan trọng trong việc can thiệp động mạch nói chung. Hệ thống Corindus là niềm mơ ước của các bác sĩ can thiệp trong phòng DSA. Bởi tất cả đều mong muốn một ngày nào đó có thể cởi bỏ áo chì nặng đến 7kg, phải đứng trong thời gian dài. Đó là rất nhiều nguy cơ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do bị thoái hóa cột sống, tiếp xúc với tia X. Với sự hỗ trợ của robot, bác sĩ có thể ở bên ngoài phòng và điều khiển. Đây là cánh tay nối dài rất hiệu quả của các bác sĩ" - TS.BS Trần Chí Cường bày tỏ.

Với hệ thống robot hiện đại giúp các bác sĩ không cần phải can thiệp trực tiếp tại phòng DSA

Ngoài ra, thời gian thực hiện các ca can thiệp phức tạp có sự hỗ trợ của robot sẽ nhanh hơn thực hiện thủ thuật can thiệp bằng tay (đặc biệt đối với những ca can thiệp mạch vành cần đặt 2 stent). Theo đánh giá, việc can thiệp bằng robot giúp tăng độ chính xác và ổn định chất lượng trong can thiệp (đặc biệt là các ca tái tưới máu cấp cứu cho bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp hoặc nhồi máu cơ tim cấp).

Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ thuật qua động mạch quay trái và động mạch quay phải dễ dàng giúp tăng tính tiện lợi cho bệnh nhân. Khả năng hỗ trợ can thiệp chính xác của robot làm giảm số lượng stent cần đặt và hỗ trợ bác sĩ chọn đúng kích thước stent do tính năng đo được độ dài tổn thương (đặc biệt là các tổn thương tại các vị trí mạch máu gấp khúc - highly angle).

PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất ấn tượng mạnh với hai lợi ích can thiệp từ xa của robot. Thứ nhất là giảm tia bức xạ, “vì người ta thấy rằng, những bác sĩ can thiệp thường hay phát hiện ung thư não bên trái, đục thủy tinh thể, biến chứng cột sống do mang áo chì nặng trong thời gian dài”. Thứ hai là giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay - đó là thiếu nhân lực trong can thiệp tim mạch, thần kinh. Nếu can thiệp bằng robot khi thực hiện thuần thục sẽ chỉ cần đội ngũ 2-3 người, trong khi với can thiệp thông thường sẽ cần ê-kíp 6-7 người.

PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng đúc kết, mặc dù chưa nhận ra được lợi ích rõ ràng ngay tại thời điểm này, nhưng đây là tiến bộ vượt bậc, nếu không phát triển, đầu tư ngay từ bây giờ thì khoảng 5-10 năm nữa chúng ta sẽ đi chậm, tụt lại phía sau.

Các chuyên gia đánh giá cao lợi ích robot Corindus đối với bác sĩ và bệnh nhân

Trong tương lại, robot Corindus giúp tiếp cận đến tiêu chuẩn chất lượng can thiệp cho bệnh nhân trên toàn cầu; giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn giới hạn địa lý, kết nối với các bệnh viện hàng đầu trên thế giới đang sử dụng robot này để can thiệp mạch (tính năng telerobotic trên robot Corindus).

Khi đó cánh tay robot tại các bệnh viện sẽ được kết nối với trạm điều khiển có trang bị hệ thống robot Corindus tại châu Âu, Mỹ, Nhật... Tại đây các bác sĩ có thể trực tiếp hội chẩn và điều khiển cánh tay robot để thực hiện các kỹ thuật can thiệp mạch phức tạp.

Được biết, chi phí đầu tư cho hệ thống robot nay khoảng 1 triệu USD (tương đương khoảng 20 tỷ VNĐ).

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X