Hotline 24/7
08983-08983

Can thiệp đặt stent chi dưới giúp bệnh nhân tránh khỏi cắt cụt chân trái

Ngày 7/1/2024, Đơn vị Điều trị Vết thương chuyên sâu - Bàn chân Đái tháo đường Bernard Wound Care đã thông tin về ca can thiệp kịp thời tắc hẹp động mạch chi dưới cho một bệnh nhân nam bị tăng huyết áp và đái tháo đường hơn 5 năm. Sự can thiệp đúng lúc và đúng phương pháp đã giúp bệnh nhân dứt điểm cơn đau và tránh được nguy cơ cắt cụt chân trái.

Bệnh nhân nam 59 tuổi có tiền căn tăng huyết áp - đái tháo đường hơn 5 năm, nhập viện trong tình trạng đau chân trái kéo dài suốt 3 tháng, cơn đau tăng lên khi vận động, đi lại và thậm chí xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi. Những cơn đau liên tục do thiếu máu khiến bệnh nhân thậm chí không thể ngủ được.

Khi thăm khám tại cơ sở y tế gần nhà, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh lý mạch máu nguy hiểm, có nguy cơ cao dẫn đến hoại tử chi dưới. Do đó, bệnh nhân được giới thiệu đến Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard để theo dõi và điều trị.

Tại Đơn vị Điều trị Vết Thương Chuyên Sâu - Bàn Chân Đái Tháo Đường Bernard Wound Care, bệnh nhân được thăm khám và điều trị bởi BS.CK2 Phan Duy Kiên - Chuyên khoa Phẫu thuật mạch máu, Trung tâm tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khám lâm sàng ghi nhận mạch đùi trái đập yếu, mất mạch tại vùng khoeo và chày chân trái. Bệnh nhân được chỉ định thực hiện đo chỉ số ABI với kết quả chân trái chỉ đạt 0.29, phản ánh tình trạng thiếu máu nặng. Kết quả siêu âm Doppler động mạch chi dưới cũng ghi nhận phổ động mạch đùi khoeo chân trái có vận tốc dòng chảy rất thấp.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới CTA cho thấy hẹp nặng động mạch chậu ngoài trái và tắc động mạch đùi nông 1/3 giữa bên trái, kèm tình trạng xơ vữa rải rác ở các nhóm động mạch chính.

Hình ảnh chụp CTA hệ thống mạch máu chi dưới của bệnh nhân

Bệnh nhân được chẩn đoán hẹp động mạch chậu ngoài trái, tắc động mạch đùi nông trái, thiếu máu nặng ở bàn chân trái giai đoạn Fontaine 3, trên nền bệnh lý xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và đái tháo đường.

Trước tình trạng nguy cấp, BS.CK2 Phan Duy Kiên đã tư vấn và chỉ định can thiệp nội mạch (endovascular intervention) để kịp thời tái thông các mạch máu bị tắc gồm động mạch chậu ngoài và động mạch đùi nông bên trái.

Ca phẫu thuật kéo dài 45 phút. Bệnh nhân được đặt hai stent kích thước 7x80mm vào động mạch chậu ngoài trái và một stent 6x20mm vào động mạch đùi nông trái. Phương pháp can thiệp nội mạch không chỉ giúp tránh một cuộc mổ mở lớn (bắc cầu mạch máu) mà còn giảm nhẹ gánh nặng hậu phẫu và hạn chế tối đa các biến chứng.

Đặt stent là kỹ thuật can thiệp nội mạch tiên tiến, giúp cải thiện đáng kể tình trạng lưu thông máu và hỗ trợ điều trị hiệu quả các vấn đề về tắc nghẽn mạch máu

Sau can thiệp, triệu chứng đau ở bệnh nhân đã giảm đi rõ rệt, chân trái ấm hơn, mạch khoeo và chày sau chân trái bắt rõ, chỉ số ABI cải thiện đáng kể sau can thiệp. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn được chỉ định tiếp tục điều trị nội khoa tối ưu và tuân thủ phác đồ thăm khám, sinh hoạt lành mạnh sau xuất viện để duy trì hiệu quả lâu dài. 

Ca can thiệp kịp thời không chỉ giúp bệnh nhân may mắn bảo toàn chân trái mà còn ngăn chặn nguy cơ hoại tử và đoạn chi. Đối với chi còn lại, dù chưa xuất hiện triệu chứng, bác sĩ đã xây dựng kế hoạch thăm khám và kiểm tra định kỳ chi tiết nhằm phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong tương lai.

Đơn vị Điều trị Vết Thương Chuyên Sâu - Bàn Chân Đái Tháo Đường Bernard Wound Care cảnh báo, tắc động mạch chi dưới thường diễn biến âm thầm ở giai đoạn đầu, khiến nhiều người chủ quan hoặc bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo sớm. Triệu chứng phổ biến nhất là đau cách hồi, tức là đau nhức hoặc chuột rút ở chân khi vận động, nhưng giảm dần khi nghỉ ngơi.

Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, cơn đau có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi, đi kèm với các biểu hiện như tê bì, cảm giác lạnh hoặc da chân tím tái. Một số trường hợp nghiêm trọng còn phát hiện vết loét hoặc hoại tử mô mềm, báo hiệu tình trạng thiếu máu trầm trọng và có nguy cơ đoạn chi nếu không điều trị kịp thời.

Bác sĩ của Đơn vị Điều trị Vết Thương Chuyên Sâu - Bàn Chân Đái Tháo Đường Bernard Wound cho biết, các triệu chứng tắc động mạch chi dưới thường bị nhầm lẫn với cơn đau xương khớp thông thường

Điều trị tắc động mạch chi dưới cần được thực hiện sớm để giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa. Ở giai đoạn nhẹ, các loại thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu và giãn mạch thường được chỉ định để cải thiện lưu thông máu và ngăn ngừa cục máu đông. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, đường huyết và cholesterol đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Đối với các trường hợp nặng hơn, khi động mạch đã bị tắc nghẽn nghiêm trọng, can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật là giải pháp hiệu quả. Phương pháp can thiệp nội mạch (đặt stent) giúp mở rộng các đoạn động mạch bị hẹp hoặc tắc bằng cách sử dụng bóng nong và đặt stent, tái lập lưu lượng máu mà không cần phẫu thuật lớn. Trong khi đó, phẫu thuật bắc cầu động mạch được áp dụng khi cần thiết để tái tạo đường đi cho máu qua khu vực tắc nghẽn, đảm bảo oxy và chất dinh dưỡng được cung cấp đến các mô phía dưới.

Bên cạnh các giải pháp y khoa, việc duy trì thói quen sống lành mạnh như kiểm soát huyết áp, đường huyết, từ bỏ thuốc lá và tập luyện thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa và giảm nguy cơ tái phát.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X