Hotline 24/7
08983-08983

Cách sống khỏe trong điều kiện không khí ô nhiễm, vi khuẩn khắp nơi?

Ô nhiễm không khí, bụi mịn và vi khuẩn luôn trực chờ khắp nơi, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe toàn diện của con người. Vậy làm sao để sống khỏe trong điều kiện không khí ô nhiễm, vi khuẩn khắp nơi? PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan và BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước sẽ giải đáp thắc mắc trên quý bạn đọc.

1. Không khí bị ô nhiễm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?

Thưa BS, hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng môi trường sống của con người đang ngày càng bị đe dọa. Xin BS cho biết, không khí bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào, cơ quan nào của cơ thể chịu tác động nhiều nhất?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Theo The Lancet - tờ báo lớn về Y khoa, từ năm 2017, họ đã xếp ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và đứng thứ hai là thuốc lá. 92% tử vong đó xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.

Ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, từ da, tim, não... Trong đó, bên cạnh tim mạch thì hô hấp là cơ quan chịu tác động trực tiếp và mạnh nhất.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan và BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước tham gia tư vấn cách bảo vệ sức khỏe trước thời tiết ô nhiễm, vi khuẩn khắp nơi

2. Không khí ô nhiễm có tác hại ra sao với đường hô hấp?

Riêng với hệ hô hấp, không khí ô nhiễm có tác hại ra sao ạ? Sự tác động lên người khỏe mạnh và người đã mắc các bệnh hô hấp mạn như hen suyễn, COPD khác nhau như thế nào thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Hệ hô hấp bắt đầu từ tai mũi họng. Khi hít không khí vào, mũi là bộ phận lọc đầu tiên và tốt nhất. Thông thường, những hạt bụi lớn hơn 10 micromet sẽ bị chặn lại ở vùng mũi, ngay cả khi xuống đến vùng hầu họng, cơ thể chúng ta cũng có rất nhiều hệ bạch huyết để ngăn chặn vi trùng, bụi. Hay nói cách khác, không khí sau khi đi qua nắp thanh âm là không khí đã được làm sạch.

Tuy nhiên, nếu bụi nhỏ hơn 10 micromet thì có thể đọng lại trên đường dẫn khí, nếu dưới 2 micromet sẽ xuống tận phế nang và nếu nhỏ hơn 0,1 micromet sẽ xuyên qua phế nang, vào máu và đi toàn thân.

Với những người khỏe mạnh, khi hít phải khí độc hại cơ thể sẽ có phản ứng tự nhiên là co thắt, đóng đường dẫn khí lại để ngăn chặn sự xâm nhập. Khi đó, chúng ta sẽ cảm thấy khó thở, khò khè vì có hắt hơi, ho để tống những khí độc, hạt độc ra ngoài.

Nhưng với những người có sẵn bệnh hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ dẫn đến các tình huống nghiêm trọng hơn. Nó có thể gây kịch phát cơn hen, kịch phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, có khả năng phải nhập viện, thậm chí tử vong.

3. Không khí ô nhiễm xâm nhập vào cơ thể người qua con đường nào?

Không khí ô nhiễm tồn tại những loại chất độc nào cho cơ thể thưa BS? Các chất độc này có thể xâm nhập vào cơ thể người qua con đường nào, vị trí nào, tích lũy ra sao ạ?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước: Ô nhiễm môi trường gần như là vấn nạn toàn cầu, nhất là ở những thành phố đông dân như Hà Nội, TPHCM. Nhắc đến bụi ai cũng liên tưởng ngay đến những hạt bụi bám trên ghế, trên bàn, trên cửa.

Song, bụi không chỉ có một loại duy nhất, nó được cấu thành bởi những hạt rất nhỏ, trong đó có những hạt đặc và hạt lỏng. Bản chất của những hạt bụi phụ thuộc rất nhiều vào nơi nó tạo ra.

Chẳng hạn như nơi xử lý rác, bụi chỗ này sẽ chứa nhiều thứ, thậm chí trong còn có những thức ăn thừa. Hay ở gần khu vực nhà máy, bụi có thể sẽ chứa thêm hóa chất. Ở gần nơi xử lý đốt than, đốt dầu như nhiệt điện, bụi sẽ chứa bồ hóng.

Đặc biệt, ở trong gia đình, bụi có thể chứa lớp da của chính chúng ta, của những con vật nuôi, thú cưng, kể cả khi đã được xử lý tốt. Ngoài ra, còn có những con mạt rất nhỏ mà chúng ta không thấy. Đây chính là bản chất của hạt bụi.

Tựu chung lại, chúng ta sẽ có những hạt bụi đường kính 10 micromet, đường kính 2,5 micromet và đường kính 1,0 micromet. Hạt bụi có đường kính 2,5 micromet tương đương với cọng tóc được chẻ ra 30 phần (2,5 micromet = ~ 1/30 sợi tóc con người). Nếu hạt bụi có đường kính 1,0 micromet tương đương với cọng tóc được chẻ ra đến 70, 80 phần (1,0 micromet = ~ 1/70,80 sợi tóc con người). Điều này cho thấy, những hạt bụi này rất rất nhỏ, thậm chí là không thể thấy bằng mắt thường.

Đôi khi, chúng ta cảm thấy dường như bầu không khí nhìn xa xa có vẻ "hấp dẫn", tựa như sương mờ ở Đà Lạt. Nhưng thực chất không "lãng mạng" như vậy, lúc đó không khí đã cực kỳ ô nhiễm.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Liên chi Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng

4. Bụi mịn gây ra những bệnh ung thư gì?

Thưa BS, các hạt bụi mịn và siêu mịn - một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm luôn là nỗi sợ của con người. Bụi mịn gây ra những bệnh ung thư gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước: Nếu mà chúng ta đi tỉ mỉ hơn một chút thì hạt 2,5 micromet thì được coi là bụi mịn, 1.0 micromet thì coi là hạt siêu mịn. Hạt lớn giống như PGS Lan đã nói lúc nãy thì nó đến được vùng lớn, còn hạt siêu mịn đi sâu vào trong máu, xuyên qua những màn trao đổi khí của cơ thể.

Khi mà nó gặp những hạt siêu mịn đó là những hạt hóa chất đặc biệt thì nó sẽ vào trong máu và sẽ làm thay đổi toàn bộ những cái cấu trúc trong cơ thể của mình, tùy theo bản chất của hạt siêu mịn đó là loại gì.

Nếu như nó có khả năng ảnh hưởng tới ADN của cơ thể, làm thay đổi ADN, làm không kiểm soát được vấn đề phân bào của chúng ta thì chuyện ung thư xảy ra rất dễ.

Rõ ràng khi mà chúng ta có những hạt bụi nguy hiểm, độc hại như vậy ngấm vào nó làm thay đổi bản chất dịch trong cơ thể chúng ta. Nó có thể làm sinh ra ung thư.

Điển hình, trong đường hô hấp có lẽ nặng nhất là ung thư phổi. Đối với tai mũi họng chỉ nhẹ nhàng làm cho người ta chảy mũi, hắt hơi, nhảy mũi, nghẹt mũi. Dĩ nhiên vẫn có một số trường hợp nó sẽ kích ứng làm cho ảnh hưởng có thể làm ung thư mũi xoang nhưng rất ít. Chủyếu vẫn là ung thư của phổi.

5. Tiếp xúc với bụi siêu mịn sẽ đối mặt với những nguy cơ gì?

Thai phụ sống trong không khí ô nhiễm, rồi một đứa trẻ nếu lớn lên trong bầu không khí này, phổi phải tiếp xúc lâu dài với bụi mịn, bụi siêu mịn sẽ đối mặt với những nguy cơ gì, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp các hạt nhỏ dưới 2,5 micromet vào nhóm gây ung thư nhóm 1, nghĩa là khả năng ung thư hoàn toàn xác định, không có nghi ngờ.

Đặc biệt đối với trẻ em thở rất nhanh, chuyển hóa nhiều hơn người lớn nên nếu sống trong môi trường ô nhiễm sẽ bị tác động mạnh hơn. Mặt khác, trẻ đang trong quá trình phát triển, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến phổi. Khi đó, phổi kém - chậm phát triển sẽ kéo theo hệ lụy toàn thân. Không chỉ tác động đến các cơ quan trong cơ thể, ô nhiễm không khí còn làm gia tăng lo lắng, trầm cảm và tự kỷ ở trẻ em.

Đối với phụ nữ mang thai cũng nguy hiểm không kém. Nó có thể gây thai chết lưu, sinh non, trẻ bị dị tật hoặc nhẹ cân. Những nghiên cứu mới nhất còn chỉ ra, ô nhiễm không khí còn dẫn đến vô sinh. 8% những trường hợp nam giới bị vô sinh có sự góp mặt của bụi mịn. Những thông tin này cho thấy, tác động của ô nhiễm không khí là rất trầm trọng.

Như đã nói ở trên, những hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micromet, đặc biệt là 0,1 micromet sẽ xuyên qua màng phế nang và đi vào máu. Khi đã vào máu, nó có thể đến tất cả các nơi trong cơ thể. Chẳng hạn như thợ nhuộm quần áo có thể hít phải các hóa chất và sau đó nó đi xuyên qua màng phế nang mao mạch, đi vào máu gây ung thư bàng quang.

Vì vậy, vấn đề lớn nhất hiện nay phải là giảm thiểu ô nhiễm không khí. Hiện nay, nguồn căn của ô nhiễm không khí nhiều nhất vẫn là các động cơ xe máy, xe hơi, đặc biệt là những động cơ nào sử dụng diezen - đây là "tội đồ" lớn nhất gây phát ra những chất ung thư rõ ràng.

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - Trưởng khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Thống Nhất

6. Không khí ô nhiễm tác động thế nào đến bệnh da liễu?

Khi tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng, những người bị bệnh ngoài da cũng thêm phần khó chịu. Xin BS cho biết không khí ô nhiễm tác động thế nào đến tình trạng: nổi mề đay, viêm da cơ địa, mụn trứng cá?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Tôi xin nói thêm về tim mạch. Ô nhiễm không khí gây ra những mảng xơ vữa và gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Hô hấp và tim mạch là 2 cơ quan chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí nhiều nhất.

Da là tuyến đầu, tất cả mọi thứ đều tiếp xúc với da trước khi tiếp xúc với cơ quan khác. Vì thế, da là hàng rào bảo vệ vô cùng quan trọng. Nhưng nếu cứ phơi nhiễm hoài và bị kích thích liên tục với các chất ô nhiễm không khí là các hạt nhỏ, hạt mịn, kể cả tia cực tím có thể gây lão hóa, sạm da, vảy nến, mụn bọc. Đối với những tác nhân gây dị ứng thì nó có thể gây chàm, viêm da dị ứng.

7. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến các bệnh nhân viêm mũi dị ứng, viêm xoang?

Người ta nói “lai rai như tai mũi họng”, từ xưa đã vậy rồi, vậy ngày nay ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến các bệnh nhân viêm mũi dị ứng, viêm xoang… như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước: Tai mũi họng có nhiều từ ví von rất vui tai. Ngoài “lai rai như tai mũi họng” thì còn có câu “còn ăn còn thở là còn mắc bệnh tai mũi họng, trừ khi không còn ăn hết thở mới hết mắc bệnh tai mũi họng”.

Vì sao người ta nói vì sao lai rai như tai mũi họng? Bởi đây nơi tiếp nhận những tác nhân đầu tiên ở bên ngoài. Dù là hít thở không khí hay ăn uống đều đi qua đường tai mũi họng. Chúng ta nói đến vấn đề thức ăn của mình không được sạch. Khi thức ăn không đảm bảo vệ sinh, hít không khí cũng bẩn thì tai mũi họng là nơi hàng rào.

Như vậy sẽ có tác động đến chúng ta và cơ thể sẽ có phản ứng lại với những cái tác động từ bên ngoài. Nếu cơ thể có khả năng miễn dịch, nhưng khi nó vượt qua thì cũng có những phản ứng nhất định ví dụ như nhảy mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi, quá hơn nữa là phù nề, tăng tiết, vướng họng và rất rất nhiều cái xảy ra cả đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới.

Và không phải 1 lần này là xong, lại tiếp tục những cơn khác như vậy thì nó phải lai rai rồi. Trừ khi nào chúng ta không ăn không thở nữa thì đành chịu thôi. Do vậy câu nói đó hoàn toàn rất đúng.

8. Sống trong môi trường ô nhiễm không khí, bao lâu nên đi khám?

Sống trong môi trường ô nhiễm không khí, bụi mịn nhiều thì bao lâu người dân nên đi khám sức khỏe một lần thưa BS? Những xét nghiệm cơ bản cần làm là gì? Việc tầm soát các bệnh lý hô hấp, tai mũi họng, ung thư khi nào là cần thiết?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Tôi sẽ nói về đường hô hấp dưới, để BS Vĩnh Phước sẽ nói về đường hô hấp trên.

Như chúng ta đã nói là ô nhiễm không khí sẽ gây ung thư phổi. Nên chúng ta sẽ tầm soát ung thư phổi. Dĩ nhiên không phải ai cũng phải làm. Nhưng mà hàng năm kiểm tra sức khỏe định kỳ thì ít ra chúng ta cũng có chụp phim phổi.

Chúng ta cũng không nên sợ chụp phim phổi vì lượng tia X đi qua rất ít. Và đối với những đối tượng nguy cơ cao, trong ô nhiễm không khí đó là một chất do chúng ta gây ra đó là khói thuốc lá. Cho nên những ai mà hút thuốc lá lâu ngày, nhiều năm thì nên chụp phim phổi. Cẩn thận hơn nữa là 50 tuổi trở lên, hút thuốc lá hơn 20 năm mỗi ngày một gói thì nên chụp CT.

Hiện giờ, để an toàn thì chúng ta có CT liều thấp, chương trình CT liều thấp tầm soát ung thư phổi ở bệnh viện Đại học Y Dược sẽ sắp triển khai. Đó là đường hô hấp cho tầm soát ung thư.

Lần đầu tiên trong năm 2020, một tài liệu lớn nhất về hen suyễn nói rằng ô nhiễm không khí gây hen cho trẻ con. Nguyên nhân thứ hai là béo phì, do trẻ con của mình vừa béo phì vừa ô nhiễm không khí thì có khả năng bị hen rất là nhiều và nó sẽ làm hen kéo dài.

Đối với những đứa nhỏ như vậy thì chúng ta có những biện pháp để mà phát hiện sớm.  5 tuổi trở lên chúng ta có một cái máy rất tốt, rất đơn giản là hô hấp ký và có thử  thuốc giãn phế quản. Từ 2 tuổi thì dùng máy dao động xung ký cũng có thể phát hiện hen suyễn ở trẻ con dưới 2 tuổi.

Nói chung là để mà phát hiện hoặc là nghĩ tới hen thì tôi vẫn có kinh nghiệm là bà mẹ nào mà nói rằng là con tôi dứt  thuốc thì nó ho lại thì rất nên nghĩ tới hen và nên kiểm tra. Dưới  2 tuổi thì ở Việt Nam không có phương pháp nào khách quan  nhưng các bác sĩ sẽ dựa trên  ở trên bệnh sử, dựa trên lâm sàng mà có thể theo dõi.

9. Làm sao để theo dõi mức độ ô nhiễm không khí nơi mình sống?

Ở nước ngoài có những trang web đưa thông số trực tiếp về mức độ ô nhiễm không khí để người dân phòng tránh. Thưa BS ở Việt Nam hiện đã có một đơn vị nào chuyên trách về vấn đề này chưa? Người dân muốn theo dõi mức độ ô nhiễm không khí nơi mình sống thì làm thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước: Ở Việt Nam không chỉ có một cơ quan mà có tương đối nhiều những trung tâm quan trắc môi trường. Những trung tâm này sẽ thu thập những dữ liệu về môi trường như: nhiệt độ, hơi nước, khói bụi để đánh giá tình hình môi trường. Ở mỗi tỉnh thành đều có trung tâm thu thập dữ liệu để cung cấp cái nhìn tổng thể về môi trường của Việt Nam.

10. Ở nhà đóng cửa có còn sợ ô nhiễm không khí?

Nhiều người quan niệm, ô nhiễm không khí là việc ở ngoài trời, còn nếu ở trong nhà đóng cửa suốt thì không lo. BS có chia sẻ gì về quan điểm này ạ? Trong chương trình quản lý hen tại nhà, BS có những dặn dò gì dành cho các bệnh nhân? Trong đó, môi trường nhà ở đóng vai trò như thế nào ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Nếu có báo động là hôm nay không khí ngoài trời rất  ô nhiễm thì đừng chạy ra ngoài đường tập thể dục, nên làm việc ở trong nhà, thậm chí là không mở cửa khi ô nhiễm ngoài đường hoặc ozon còn cao.

Nhưng mà trong nhà thì không khí có sạch hay không. Đầu tiên là nhà phải thoáng khí, đừng để tù đọng khí ở trong nhà.

Sau khám cho nhiều trẻ con bị hen suyễn thì tôi thấy là hút thuốc lá trong nhà có trẻ con là kinh khủng nhất. Một điếu thuốc sẽ ở trong nhà 4 tiếng đồng hồ. Nó bám trên mặt bàn, mặt ghế, mặt tủ, các con nhỏ sẽ có thể sờ, quẹt khắp nơi. Cho nên là trong nhà không ai được hút thuốc lá.

Thứ hai, mình là dân châu Á nên thường thắp nhang. Nhưng nhang rất độc. nhang bây giờ không còn thuần túy từ những thực vật mà có rất nhiều hóa chất. Tôi có bệnh nhân 15 tuổi chết khi ở nhà đốt 1 nén nhang trầm. Cho nên là dứt khoát không đốt nhang.

Cái thứ ba là mùi. Có rất nhiều thứ tạo mùi hương trong nhà, làm sạch không khí, tinh dầu. Những thứ đó đều gây ô nhiễm không khí và đều không tốt. Thậm chí những cái vật dụng ở trong nhà có thể tiết ra những phoocmandehit. Nền đất có thể tiết ra radon – chất gây ung thư, đặc biệt là trong hầm để xe. Khi giặt tẩy quần áo, những hóa chất khi giặt khô quần áo.

Cho nên ở trong nhà cũng không phải là sạch nếu mình không tránh những nguồn hóa chất đó hoặc mình không thông khí tốt ngôi nhà của mình.

Như bác Phước nói, mình nuôi cho nuôi mèo thì vảy da, lông, chất thải của nó cũng là những dị nguyên rất lớn đối với trẻ con hen suyễn.

Trên giường, nệm thì có những con mạt nhà mà mình không thấy được. Trừ khi nào ở trên Đà Lạt, cao hơn 1500m thì mới không có con mạt nhà. Còn dưới 1500m thì trên tất cả gối chăn nệm được làm bằng bông đều có con mạt nhà.
Cho nên các nhà dị ứng nói rằng đêm nay quý vị không ngủ một mình, quý vị ngủ với hàng triệu con mạt nhà.

Nó ăn vảy da và chất tiết của nó sẽ gây hen. Cần phải hết sức cẩn thận, phải chùi nhà bằng khăn ướt, không nên quét vì bụi sẽ bay trở lên, thông thoáng khí, không đốt nhang. Tất cả những hóa chất diệt gián diệt côn trùng, sơn, vôi quét tường có thể tiết ra chì.

Nhìn chung, xung quanh nhà thì cái nào cũng đều tiết ra những hóa chất không tốt. Cho nên phải làm sạch không khí, thoáng đãng không khí trong nhà và quan trọng nhất là mình đừng chủ động tạo ra những chất độc đó.

11. Vệ sinh mũi họng có giúp ích trong việc giảm tác hại của ô nhiễm không khí?

Vệ sinh mũi họng liệu có giúp ích trong việc giảm tác hại của ô nhiễm không khí, bụi mịn thưa BS? Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách vệ sinh mũi họng sau khi ra đường cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh lý hô hấp, tai mũi họng?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước: Thực ra vệ sinh tai mũi họng không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra. Từ thời xa xưa, người ta đã có những cách để rửa mũi, tức là dùng cái ống nhỏ từ bên này chảy qua bên này, dùng áp lực để rửa sạch mũi của mình.

Trước đây một thầy có hướng dẫn là treo chai nước muối sinh lý, lấy cái kim đưa lên mũi, bóp cái dây rồi buông. Áp lực cao sẽ xịt tia nước vào trong hốc mũi, chúng ta sẽ cúi xuống, tất cả những cái bụi sẽ chảy ra. Bây giờ hiện đại hơn, chúng ta có những dụng cụ đặc biệt mà rất đơn giản là bình xịt. Người ta sẽ bóp nước từ bên mũi trái sang mũi phải và ngược lại.

Đây cũng không phải là vật quý hiếm mà được dùng rất phổ biến. Thậm chí chúng ta có thể dùng những chai nước nước suối đục cái lỗ, kiếm cái nắp hơi tròn tròn gắn vào và sử dụng cũng được.

Nói chung là rất nhiều dụng cụ phục vụ cho vấn đề rửa mũi. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu cách rửa mũi cho nó an toàn. Tuy dùng dụng cụ nhưng phải biết nó sử dụng áp lực vì nó có thể sộc vào tai giữa. Cần lưu ý áp lực bóp và độ tuổi của bé để sủ dụng cho an. Chúng ta có thể dùng xi-lanh xịt nhẹ và cho nước nhiễu chảy xuống.

Ngoài ra bây giờ còn có phương pháp rửa mũi bằng máy, xịt rửa hết các hốc xoang. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn chúng ta những phương pháp khác khi đi khám. Ở đây chúng ta chỉ giới hạn bằng những dụng cụ thông thường.

12. Khẩu trang có giúp phòng các bệnh hô hấp?

Việc sử dụng khẩu trang và các thiết bị bảo vệ thế nào là hợp lý để phòng các bệnh hô hấp trong thời điểm này? Khẩu trang vải có hiệu quả không ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Thật ra cái điều quan trọng nhất đối với một cái khẩu trang là kín. Đeo khẩu trang mà hở hết hai bên mũi thì coi như là không có đeo khẩu trang. Kín là quan trọng nhất cho nên nó phải có sợi thép nhỏ nó ôm sát cái mũi của mình, hai dây đeo cũng sẽ ôm sát mặt.

Rẻ tiền nhất, đơn giản nhất là những cái khẩu trang bằng vải. Dĩ nhiên, khẩu trang bằng vải thì có những cái lỗ lớn hơn nên nó không bằng những cái khẩu trang của bác sĩ. Và nếu chúng ta dùng khẩu trang bằng vải thì nhớ là chỉ nên dùng một buổi và phải đem đi giặt.

Tốt nhất là nên dùng khẩu trang của bác sĩ, vì nó lọc được khoảng 99. Những khẩu trang cao cấp hơn nữa như N95 thì chắc không ai có thể chịu nổi vì nó quá kín vì nó ngăn được cả vì rút nữa. Vậy thì thứ nhất là đeo kín và cái khẩu trang đó phải sạch.

Bệnh nhân nên ra ngoài vào thời điểm nào trong ngày để hạn chế tiếp xúc với bụi mịn?

Khi thời tiết lạnh, ẩm thì bụi cộng với sương mù và hơi nước nó sẽ xuống rất là thấp. Nhưng sau khi mặt trời lên thì cái sương tan đi, không khí nó sẽ tốt hơn. Mình sẽ đi ra ngoài trễ hơn, nhất là sáng sớm và buổi chiều tối, đó là 2 cái thời điểm mà xấu nhất.

Mình có thể coi ở trên mạng, trên smartphone thì đều báo cáo chỉ số ô nhiễm không khí cho từng nơi. Hà Nội, Hồ Chí Minh và cả Việt Nam mình là thuộc trong nhóm 11 nước ô nhiễm nhất thế giới rồi nên mình phải hết sức thận trọng.

13. Máy lọc không khí có thể lọc được chất độc hại trong môi trường?

Trước thực trạng không khí các thành phố ô nhiễm ngoài trời và cả trong nhà như vậy, nhiều người có cùng băn khoăn gửi đến BS, việc dùng máy lọc không khí có thể lọc được những chất độc hại nào trong môi trường?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Thực ra nó có rất là nhiều cơ chế để gọi một cái máy lọc không khí hữu hiệu. Cơ chế mà vẫn là thông thường nhất, phổ biến nhất vẫn là HEPA, HEPA Filter… tức là nó sẽ lọc ra được những cái hạt 0,3 micromet với cái hữu hiệu là 99,7%. Như vậy, nó có thể lọc được phấn hoa, mạt nhà, bụi, khói thuốc lá. Một điều thứ hai là mình phải quan tâm máy đó trong khi nó hoạt động nó tạo ra cái gì.

Hội hô hấp Âu Châu họ sẽ không đồng ý với những máy lọc không khí, làm sạch không khí nhưng tạo ra các hoá chất khác, đặc biệt là ô-zôn. Nên điều này phải là những người kỹ sư về máy mới hiểu rõ.

Đứng về phương diện người tiêu dùng thì mình phải hết sức cẩn thận. Ví dụ như họ nói là HEPA thì có thật là HEPA hay không. Cần xem sự hữu hiệu, mức độ đánh giá hữu hiệu của máy. Vì vậy hết sức cẩn thận khi chọn máy.

Máy hút bụi lọc bụi thì cái khó nhất của nó là kín, để mà đừng có tung bụi đó trở lại. Máy lọc thì sau một thời gian sử dụng thì màng lọc sẽ dơ. Bao nhiêu lâu mình sẽ thay, dấu hiệu nào báo để cho mình biết là mình sẽ phải thay. Nên khi mình sử dụng thì phải sử dụng thông minh và có đầy đủ thông tin để mà mình chọn được loại máy vừa hữu hiệu vừa an toàn cho gia đình.

14. Máy lọc không khí tốt thì cần có bộ lọc đầy đủ gồm có những gì?

Đứng trên góc độ chuyên gia về sức khỏe, theo BS máy lọc không khí tốt thì cần có bộ lọc đầy đủ gồm có những gì để vừa lọc được bụi, bọ từ vật nuôi, virus, các chất gây dị ứng, khói thuốc lá?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước: Trước đây khi xảy ra đại dịch Corona thì ta cũng đem chuyện khẩu trang có mấy lớp ra thảo luận. Nhiều công ty quảng cáo tui 4 - 5 lớp. Về mặt tiêu chuẩn, người ta sẽ có khoảng chừng 5 lớp. Lớp đầu tiên là lớp mà chúng ta lọc cái hạt thô giống như lỗ mũi của mình. Sau khi nó lọc cái hạt thô, nó có thể tới  lớp lọc mùi. Lớp lọc mùi đa phần người ta vẫn sử dụng lớp than hoạt tính. Than hoạt tính sẽ làm cho tất cả các hoá chất qua nó mất đi chất độc.

Tiếp theo sẽ tới lớp HEPA, tức là siêu lọc. Ngoài ra, còn có lớp phát ra ion để mà tăng cái độ lọc. Nhìn chung khoảng chừng 3 đến 5 lớp sẽ cho ra một cái không khí tương đối chấp nhận được.

15. Công nghệ Plasmacluster Ion là gì?

Thưa BS, trong 2 chuyến công tác đến Nhật, Ngọc Hương cũng nhận thấy, tại những nơi công cộng được lắp đặt hệ thống thông gió, thông hơi, điều hòa không khí, quạt ga trong phòng kín, thang máy, xe buýt lớn, xe lửa và các phương tiện công cộng khác đều sử dụng máy lọc không khí với công nghệ Plasmacluster Ion.

Đặc biệt, vì yêu thích công nghệ nên Ngọc Hương cũng tìm hiểu và được biết Plasmacluster Ion là công nghệ diệt khuẩn độc quyền của SHARP ra đời từ năm 2001 tại Nhật Bản. Đến nay đã có lịch sử 20 năm cung cấp giải pháp diệt khuẩn chủ động cho hàng triệu người sử dụng trên toàn thế giới.

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có xu hướng lựa chọn và sử dụng công nghệ Plasmacluster Ion. Thực tế, trong lĩnh vực vệ sinh dịch tễ và y tế, công nghệ này là cách tiếp cận mới của thế giới trong việc khử khuẩn bề mặt.

Xin hỏi BS, Plasmacluster Ion này thực tế là gì? Khả năng làm bất hoạt vi khuẩn, virus và trong không khí của ứng dụng công nghệ Plasmacluster Ion diễn ra như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước: Giống như bác sĩ Lan có nói là cái công nghệ mà Ngọc Hương đưa ra thì nó là công nghệ tiết ra các hạt Plasmacluster Ion và tích ion âm dương, bám lên những màng của con vi trùng, con nấm. Nó làm bất hoạt những con có nguy hại cho cơ thể của mình và làm giảm đi cái độc tính. Đó cũng là một công nghệ cộng với cái màng lọc kia cho chúng ta không khí trong lành trong gia đình. Đó cũng là một cái thành quả của khoa học.

16. Máy lọc không khí với công nghệ Plasmacluster Ion phù hợp với ai?

Những người mắc bệnh hô hấp, tai mũi họng, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai thường rất nhạy cảm. Máy lọc không khí với công nghệ Plasmacluster Ion liệu có an toàn sức khỏe cho những nhóm người này?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước: Theo một số công trình nghiên cứu của Nhật Bản thì người ta thấy rằng là những máy lọc không khí với công nghệ Plasmacluster Ion không có độc đối với những người mắc bệnh hô hấp, tai mũi họng, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai.

17. Loại cây xanh nào nên trồng trong nhà có thể giúp thanh lọc không khí?

Thưa các chuyên gia, ngoài vấn đề dùng máy lọc không khí, đeo khẩu trang, chúng ta nên làm thế nào trong sinh hoạt hàng ngày để hạn chế tối thiểu việc chịu ảnh hưởng từ không khí, môi trường ô nhiễm? Theo BS, các loại cây xanh nào nên trồng trong nhà có thể giúp thanh lọc không khí ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Đây là điều rất tốt. Màu xanh của cây làm giảm căng thẳng và lọc được những chất độc ở trong không khí. Cây trong nhà rất dễ trồng, rẻ tiền và không mất nhiều công chăm sóc.

Theo VietNamnet, những loại cây có thể trồng trong nhà như trầu bà, lưỡi hổ, sống đời, dương xỉ, cây tắc... Đặc biệt, cây lưỡi hổ thì họ nói là nó có thể tiết được oxy khi về đêm, đây là chuyện rất hiếm. Cây dương xỉ thì nó có thể hút được phoocmandehit - một cái chất rất thường xuyên tiết ra từ dụng cụ của mình. Cây xanh nhả ra oxy, hấp thụ CO2 cho mình trong ban ngày. Nó làm dịu thần kinh. Việc trồng cây xanh cũng làm giảm ô nhiễm không khí.

Nên rất khuyến khích tất cả mọi người trồng cây ở mọi nơi như trong văn phòng, trong nhà ở, đặc biệt trong nhà bếp.

Trân trọng cảm ơn thương hiệu điện tử Sharp Việt Nam - đi đầu và độc quyền về công nghệ Plasmacluster ion có khả năng diệt khuẩn, vi rút, nấm mốc và tác nhân gây mùi dựa trên nguyên lý hoạt động của ion đã đồng hành cùng chương trình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X