Hotline 24/7
08983-08983

Cách loại bỏ mạt bụi nhà nhanh chóng, đơn giản để khoẻ mạnh hơn

Khi bị hắt hơi, sổ mũi, hen suyễn, mẩn ngứa nổi mề đay, mọi người thường nghĩ do thời tiết, ăn uống. Tuy nhiên ít ai biết rằng tác nhân chính lại là mạt bụi nhà. Thực tế, có hơn 50% bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng do mạt bụi nhà. Vậy làm cách nào để “quét sạch” dị nguyên này?

Nhiều người khi nghe đến tên mạt bụi nhà (mạt nhà) thường sẽ thấy xa lạ nhưng đối với những bệnh nhân dị ứng, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh lý hen suyễn và viêm mũi dị ứng thì đây là một cái tên đã quá quen thuộc. Trong những năm gần đây, xét nghiệm về dị ứng ngày càng được phổ biến hơn nên tỷ lệ bệnh nhân biết về mạt bụi nhà cũng tăng dần lên. Bài viết dưới đây sẽ thông tin cho bạn về tác nhân gây dị ứng hàng đầu này, cũng như những cách để loại bỏ mạt bụi nhà dễ dàng, nhanh chóng.

Thông tin hữu ích này được TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú – Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường ĐH Y Dược TPHCM chia sẻ trong livestream chủ đề “Mạt nhà và giấc ngủ”, phát sóng trên fanpage Liên Chi Hội Hen Dị Ứng Miễn dịch Lâm sàng.

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú (dưới) chia sẻ trong livestream chủ đề “Mạt nhà và giấc ngủ” - Ảnh chụp màn hình

1. Mạt bụi nhà là gì?

Mạt bụi nhà Der.pter (d1), mạt bụi nhà Der.farinae (d2) và mạt bụi nhà Blomia Tropicalis (d201) là những dị nguyên rất thường gặp trong nhà. Theo khảo sát, tỷ lệ người bị dị ứng với mạt bụi nhà lên đến hơn 50%.

Mạt bụi nhà có thể tiếp xúc với con người thông qua đường hít vào. Không chỉ vậy, mạt bụi nhà còn lây lan qua đường tiếp xúc, đặc biệt là khi trẻ em cầm nắm những đồ vật có mạt bụi nhà trên đó. Dù dị ứng mạt bụi nhà thường gặp ở trẻ em hơn nhưng cũng có những trường hợp người lớn bị ứng với mạt bụi nhà khá nặng và khó kiểm soát.

Mạt bụi nhà là những vi sinh vật rất nhỏ, kích thước chỉ khoảng 0.3mm. Một số bệnh nhân nhầm tưởng rằng mạt bụi nhà giống bọ ve. Thực tế, mạt bụi nhà khác với bọ ve, chúng có kích thước rất nhỏ nên chúng ta không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, cũng như không thể cảm nhận được mạt bụi nhà bò trên da. Chúng rất thích môi trường ẩm ướt, nhiều bụi, đây cũng chính là lý do mạt bụi nhà sinh sản rất tốt ở Việt Nam – nơi có khí hậu ẩm ướt và nhiệt độ thích hợp. Mạt bụi nhà sẽ không cắn người. Tuy nhiên, trong chất tiết (phân) của mạt bụi nhà chứa rất nhiều dị nguyên gây bệnh nên khiến cho người bệnh có triệu chứng dị ứng.

2. Mạt nhà tồn tại ở đâu?

Theo khảo sát, những vị trí thường tập mạt bụi nhà nhiều nhất chính là thảm, chăn, gối, nệm, đi văng, thú bông, đồ chơi, máy lạnh,…

Những vị trí trong nhà chứa mạt bụi nhà nhiều nhất - Ảnh chụp màn hình

Đặc biệt, đối với trẻ em, mạt bụi nhà còn có thể xuất hiện ở “gối ghiền” (gối mà trẻ thường xuyên ôm ấp mới ngủ được), thú bông ghiền, đồ chơi xung quanh trẻ, thức ăn bị nấm mốc, bột bị nhiễm mạt bụi nhà do để lâu ngoài không khí.

3. Mạt bụi nhà tác động gì đến bệnh nhân dị ứng?

Mạt bụi nhà là dị nguyên rất thường gặp ở bệnh nhân dị ứng. Đặc biệt, hơn 50% bệnh nhân viêm mũi dị ứng sẽ có triệu chứng dị ứng với mạt bụi nhà.

Do mạt nhà rất nhỏ và không cắn con người nên trẻ em sẽ không gặp những bệnh lý quá nặng. Mạt bụi nhà không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng nếu tiếp xúc với mạt bụi nhà càng nhiều thì người bệnh dị ứng sẽ tiếp tục có triệu chứng.

Người ta thấy rằng, mạt bụi nhà liên quan đến rất nhiều bệnh lý, điển hình nhất là viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn. Bên cạnh đó, mạt bụi nhà còn làm trầm trọng hơn tình trạng chàm; mày đay; sốc phản vệ. Nếu trẻ có phản ứng dị ứng kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề học tập, giấc ngủ.

4. Tỷ lệ bệnh nhân dị ứng với mạt bụi nhà hiện nay

Theo khảo sát tại Trung tâm Y sinh học phân tử, kết quả cho thấy hơn 50% bệnh nhân viêm mũi dị ứng do mạt nhà gây ra. Trong những trường hợp đó, bệnh nhân phải vừa sử dụng thuốc, vừa kiểm soát lượng mạt nhà để giảm triệu chứng. Đối với bệnh hen suyễn, tỷ lệ này dao động từ 3 – 10% và đối với bệnh lý ngoài da như chàm, mề đay thì tỷ lệ dao động từ 10 – 20%.

Một khảo sát khác tại Hà Nội và Đà Lạt cũng cho những con số thống kê tương tự.

5. Phòng ngừa mạt bụi nhà như thế nào?

Đối với những bệnh nhân dị ứng nói chung, họ cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ theo phác đồ điều trị. Mỗi bệnh lý sẽ có những phương án điều trị riêng, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng cần phải sử dụng thuốc xịt mũi, thuốc kháng histamin.

Mặc dù mạt nhà có liên quan đến bệnh lý dị ứng nhưng bệnh lý dị ứng không chỉ do mạt bụi nhà gây ra nên chúng ta vẫn cần phải gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân dị ứng chính xác và điều trị phù hợp.

Để bệnh nhân hết dị ứng với mạt bụi nhà, họ phải thực hiện phương pháp giải mẫn cảm với mạt bụi nhà. Trong phương pháp này, người bệnh dị ứng sẽ được đưa một lượng dị nguyên mạt nhà vào trong cơ thể, bằng cách ngậm dưới lưỡi hoặc tiêm. Người bệnh cần phải áp dụng phương pháp này trong thời gian dài để cơ thể hiểu rằng mạt bụi nhà là một dị nguyên thông thường đối với cơ thể. Tuy nhiên, biện pháp này cần phải được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế và phải thực hiện trong thời gian dài với chi phí khá cao.

Để phòng tránh mạt bụi nhà, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp dễ dàng thực hiện như sau:

Những yếu tố có thể tác động lên sự sinh sôi của mạt bụi nhà là độ ẩm (ẩm ướt) và môi trường ấm áp (40 – 55 độ C). Đó là lý do vì sao mạt bụi nhà xuất hiện rất nhiều ở TPHCM và Đà Lạt. Theo đó, một trong những cách thường được khuyên sử dụng nhất cho bệnh nhân dị ứng với mạt bụi nhà chính là giặt đồ bằng nước ấm từ 55 độ C trở lên và phơi nắng. Với những nơi có môi trường không khí ẩm, có thể sử dụng thiết bị lọc không khí tại nhà có đầu lọc HEPA giúp làm giảm độ ẩm và lọc mạt bụi nhà. Đây là 2 cách chúng ta có thể áp dụng để kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ trong nhà.

Điều đáng mừng là mạt bụi nhà không thể sống được trong môi trường nhiệt độ thấp. Do đó, người ta thường khuyên rằng, đối với những món đồ chơi có thể lau chùi bằng nước ấm thì nên tích cực lau rửa hằng ngày. Đối với đồ chơi không thể lau rửa được thì chúng ta có thể bỏ vào trong ngăn đông tủ lạnh (duy trì nhiệt độ < 12 độ C ít nhất 2 ngày) thì mạt nhà và trứng của chúng sẽ không thể phát triển được.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên giặt vỏ gối, giường thường xuyên. Một phương pháp mà nhiều người ở các quốc gia khác thường áp dụng chính là sử dụng các loại vải chuyên dụng. Đặc điểm của chất liệu vải này là kích thước lỗ sẽ dày hơn nên khi bọc vào vỏ ghế salon, gối, nệm thì mạt nhà sẽ không thể đi xuyên qua vải để tiếp xúc với cơ thể người được.

Với phòng của trẻ nhỏ, nên khuyến khích trẻ không nằm/chơi trên ra giường không có vỏ bọc, bỏ các thảm trong phòng và thông khí. Đồng thời, trữ đồ chơi, sách, quần áo trong tủ kính và dọn dẹp thường xuyên.

Mạt bụi nhà đặc biệt thích môi trường chứa nhiều bụi và lông, vì vậy chúng ta có thể giảm tần suất bụi trong nhà bằng cách sắp xếp ngăn nắp những đồ vật. Người dị ứng cũng có thể sử dụng máy hút bụi hơi nước đầu lọc HEPA.

Trong quá trình vệ sinh, người bị dị ứng nên lau bụi bằng khăn ướt để tránh tiếp xúc với bụi. Chúng ta nên hút bụi 1 lần/tuần khi không có trẻ hoặc người bị dị ứng mạt bụi nhà. Sau khi hút bụi xong, lượng bụi trong nhà thường rất cao nên người bị dị ứng nên rời khỏi phòng khoảng 20 phút.

Cuối cùng, với những thức ăn bị nấm mốc hay túi bột đã mở ra lâu thì nên cân nhắc không sử dụng nữa.

Đây là những cách mà bệnh nhân dị ứng có thể thực hiện dễ dàng tại nhà trước khi sử dụng biện pháp giải mẫn cảm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X