Hotline 24/7
08983-08983

Cách cải thiện tình trạng đau co cứng và đau xương khớp sau đột quỵ

Đau co cứng và đau xương khớp là 2 trong 3 tình trạng đau thường gặp sau đột quỵ. Vậy giải pháp là gì? ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh – Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tư vấn chi tiết dưới đây.

1. Các kiểu đau sau đột quỵ

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh:

Có nhiều kiểu đau sau đột quỵ. Trong đó có 3 loại đau thường gặp nhất là đau trung ương, đau do co cứng và đau xương khớp. Trong đau xương khớp tình trạng thường gặp nhất là đau vai.

2. Nguyên nhân đau co cứng và đau xương khớp sau đột quỵ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh:

Đầu tiên, đau co cứng thường xuất hiện ở tuần thứ hai hoặc vài tháng sau cơn đột quỵ. Theo nghiên cứu cho thấy, sau một năm, 70 đến 80% bệnh nhân sẽ bị tình trạng này. Nguyên nhân do các cơ bị co cứng dẫn đến đau. Tình trạng đau co cứng có thể xuất hiện ở các khớp như vai, khủy tay, cổ tay và chân.

Thứ hai, đau xương khớp chia thành đau do hậu quả của đột quỵ (trực tiếp) và hậu quả gián tiếp. Đối với tình trạng đau trực tiếp thường gặp nhất là đau vai, thậm chí còn dẫn đến hội chứng vai tay sau đột quỵ.

Đối với trường hợp đau gián tiếp do một bên cơ thể bị liệt, người bệnh đi đứng phải dồn sang một bên còn lại để chịu lực dẫn đến tình trạng đau do bệnh lý xương khớp có sẵn. Ví dụ như bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối, trước đi bằng hai chân nhưng sau đột quỵ họ chỉ dồn trọng lực vào chân còn lại dẫn đến tình trạng đau chân bên đó.

Một số trường hợp đau khớp háng cũng tương tự và đặc biệt là trường hợp té ngã sau đột quỵ dẫn đến tình trạng gãy cổ xương đùi. Đó cũng là một trong số các nguyên nhân dẫn đến đau sau đột quỵ.

3. Những biến chứng đau cơ xương khớp sau đột quỵ

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh:

Nguy hiểm đầu tiên là khiến bệnh nhân bị biến dạng khớp và nếu không phát hiện kịp thời, nó sẽ dẫn đến tình trạng co rút, co cứng cơ và dính khớp. Ví dụ, ở vai sẽ bị quay trong và co cứng, bệnh nhân khó tập vì vai không cử động được; hoặc ở bàn tay, nếu không điều trị sớm tay sẽ co quắp dẫn đến tình trạng người bệnh không dùng được bàn tay. Nếu ở chân, sau khi bị đột quỵ chân bị duỗi thẳng ra và đi lại rất khó khăn.

Thứ hai, đó là trường hợp co rút gây ra tình trạng hạn chế vận động. Hạn chế vận động sẽ dẫn đến tình trạng ứ máu, thuyên tắc, hình thành cục huyết khối ở chân. Cục huyết khối này có thể di chuyển lên phổi và gây thuyên tắc phổi.

Thứ ba xảy ra do chúng ta dồn trọng lực quá nhiều ở một bên dẫn đến thoái hóa khớp một bên và đau. Khi đó, người bệnh sẽ nản và không muốn cử động. Nhiều người càng đau càng không muốn tập, lâu dần sẽ lâu phục hồi dẫn đến tình trạng yếu cơ làm tăng nguy cơ té ngã, gãy xương.

4. Dấu hiệu đau sau đột quỵ cần đi thăm khám

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh:

Có 2 dấu hiệu quan trọng:

Thứ nhất là đau, người bệnh nên đi khám ngay để bác sĩ có cách giảm đau, gia tăng khả năng tập vận động.

Thứ hai là cứng cơ. Nhận biết bằng cách người nhà sẽ nắm tay hoặc nắm chân cũng như co duỗi, nếu thấy bên yếu bị cứng hơn so với bên đối diện thì phải cẩn thận và cảnh giác để có phương pháp can thiệp sớm hạn chế các biến chứng.

5. Phương pháp giúp bệnh nhân đột quỵ phục hồi xương khớp

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh:

Có 2 phương pháp điều trị:

Thứ nhất là dùng thuốc giảm đau, trong một số trường hợp có thể dùng thuốc giãn cơ. Thuốc này có thể được uống hoặc tiêm.

Thứ hai là không dùng thuốc, nhóm này có thể sử dụng trong bệnh viện. Ở tuần thứ hai sau đột quỵ, người bệnh có thể thực hiện phương pháp này. Trong giai đoạn đầu, người bệnh sẽ dùng bài tập giãn cơ tránh co rút. Sau một thời gian, cần tập tăng cường sức cơ. Từ 3-6 tháng sau, nếu bệnh nhân tích cực tập luyện và đột quỵ không quá nặng thì người bệnh có thể đi lại được.

Theo nghiên cứu 30 đến 60% trường hợp bệnh nhân sau đột quỵ có thể đi lại được sau 6 tháng hay một năm.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

6. Khi nào bệnh nhân đột quỵ nên phục hồi chức năng và tập ra sao?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh:

Bệnh nhân nên tập luyện càng sớm càng tốt. Thậm chí trong một tuần sau khi bị đột quỵ, bệnh nhân có thể tập luyện.

Thường sẽ có giai đoạn khác nhau, ở giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ đi khám bác sĩ chuyên về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để họ đánh giá mức độ yếu liệt. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra bài tập, khi bệnh nhân bị yếu 100% không cử động được bệnh nhân sẽ tập để hạn chế co rút tay. Ở giai đoạn sau, bệnh nhân sẽ tập tăng sức cơ. Và giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ tập đứng và tập đi. Một số trường hợp nhẹ, có thể tập sức cơ, tập đi đứng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tự tập ở nhà. Trong thời gian đầu, người nhà có thể đi kèm với bệnh nhân để đi khám bác sĩ, quan sát bác sĩ hướng dẫn tập luyện. Khi về nhà, chúng ta có thể tập ở nhà cho người bệnh.

Tự tập ở nhà vẫn là cách làm tốt nhất, vì người bệnh có thể tập hằng ngày hai đến ba lần. Tập càng nhiều, khả năng phục hồi sẽ càng nhanh. Tuy nhiên, có một số động tác có thể gây đau.

Ví dụ như động tác vai, chúng ta sẽ nâng vai bệnh nhân đến một vị trí. Khi bệnh nhân bắt đầu đau, chúng ta giữ ở vị trí đó trong 15 đến 30 giây rồi thả xuống. Việc chúng ta giữ trong trạng thái đau như vậy, sẽ giúp giãn cơ và khớp đến ngưỡng cho phép. Chúng ta giữ tay ở đó để người bệnh quen với cảm giác đau, từng chút một thì cơ sẽ quen với mức đó và sẽ dẻo hơn.

7. Chế độ ăn uống và sinh hoạt giúp phục hồi nhanh sau đột quỵ

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh:

Chúng ta cần điều chỉnh chế độ ăn uống để giảm nguy cơ bệnh tim mạch, ví dụ như một người bị bệnh tim mạch hay đột quỵ, bác sĩ thường dặn dò hạn chế ăn muối, dầu mỡ. Đó là hai phần quan trọng nhất.

Về vận động, người bệnh có thể đeo nẹp khi đi ngủ, để có thể giữ thẳng được cổ chân. Hoặc dùng nẹp cổ tay để giữ cho tay không bị quặp lại. Mục tiêu của nẹp là giữ cho khớp ở vị trí mà sau này chúng ta có thể phục hồi tốt nhất hoặc ít nhất chúng ta có thể dùng được.

8. Cách phòng ngừa đau sau đột quỵ

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh:

Thứ nhất, chúng ta cần tập sau khi bị đột quỵ để tránh bị co cứng. Thứ hai, cần mang nẹp để hạn chế tình trạng co cứng. Đặc biệt khi sinh hoạt hằng ngày, người nhà và người bệnh phải học tư thế tránh chấn thương. Ví dụ, tư thế lăn qua lăn lại, cần đảm bảo cách lăn hợp lý tránh chấn thương. Nếu tay bị đau, mất cảm giác và không vận động được, mà chúng ta nằm nghiêng qua một bên sẽ gây chèn ép và dẫn đến tình trạng trật khớp vai.

Có nhiều trường hợp người bệnh đi khám vì đau lưng sau đột quỵ do người nhà đỡ không đúng cách, khiến người bệnh bị đau và không đi được. Tóm lại, người nhà và người bệnh cần học cách vận động tránh chấn thương sau đột quỵ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X