Hotline 24/7
08983-08983

Các bài tập, thảo dược và cách massage chữa mất ngủ hậu COVID-19

Mất ngủ hậu COVID-19 dùng thảo dược gì, tập luyện ra sao? Thắc mắc này đã được BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ giải đáp trong bài viết sau.

1. Mất ngủ hậu COVID-19, khi nào cần gặp bác sĩ?

Mất ngủ, khó ngủ là tình trạng rất nhiều người gặp phải trong thời kỳ hậu COVID. Xin BS cho biết, F0 khỏi bệnh nhưng bị mất ngủ thì mức độ nào có thể tự điều chỉnh tại nhà, mức độ nào cần đến bác sĩ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Người bệnh COVID-19 phải đối diện với nhiều vấn đề: khủng hoảng tinh thần (cách ly tại nhà, xung quanh có người trở nặng, thậm chí tử vong) cùng với mắc bệnh cảnh đưa đến biến chứng (tim, phổi, tiêu hóa) dẫn đến mất ngủ hậu COVID-19.

Người bệnh nên đi khám để bác sĩ có lời khuyên thích hợp. Khi đó, tùy tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn có thể điều trị ngoại trú hay nội trú, hoặc giới thiệu đến khoa Tâm thần để cải thiện mất ngủ.

2. Thực phẩm chức năng hỗ trợ mất ngủ hậu COVID-19, có nên dùng?

Nhiều người tìm mua thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ vì không dám uống thuốc tây, theo BS cách này có hiệu quả không?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Thế kỷ 21 là thế kỷ của thực phẩm chức năng. Để lựa chọn và sử dụng hiệu quả, chúng ta cần biết thành phần trong thực phẩm chức năng, bệnh cảnh, thiếu các chất nào để bổ sung. Vì vậy, để biết cơ thể chúng ta thiếu gì thì cần phải thăm khám, đánh giá, làm xét nghiệm, sau đó mới thông qua thực phẩm chức năng phù hợp để bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe, thể trạng.

Trong y học, muốn điều trị, bổ sung cải thiện thì phải có sự thăm khám, đánh giá phù hợp. Nếu bổ sung không đúng có thể dẫn đến hệ lụy như làm sự hồi phục sau COVID-19, có thể làm bệnh cảnh nặng thêm, thậm chí đưa đến biến chứng lâu dài, nặng hơn nữa là tử vong.

3. Điều trị mất ngủ theo Đông y, cần quan tâm đến điều gì?

Xin BS cho biết, theo đông y, điều trị mất ngủ cần quan tâm đến những vấn đề nào?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Đông y có 2 phương pháp điều trị, dùng thuốc và không dùng thuốc. Thường, đầu tiên sẽ áp dụng biện pháp không dùng thuốc. Thầy thuốc sẽ đánh giá tâm lý của người bệnh, tình trạng mất ngủ (thời gian mất ngủ bao lâu, mỗi đêm ngủ được bao nhiêu, mất ngủ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất chưa) để điều chỉnh, cải thiện tâm lý. Quan niệm của Đông y có 3 nguyên nhân gây mất ngủ: ngoại nhân (Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa), nội nhân (thất tình). Bên cạnh việc nâng đỡ tâm lý, thầy thuốc cũng hướng dẫn bệnh nhân thư giãn, thiền định, hoặc phương pháp tập luyện để cải thiện giấc ngủ.

Khi áp dụng các biện pháp này không tiến triển tốt, người bệnh có thể dùng thuốc hỗ trợ. Có thể là độc vị, ví dụ buổi tối người bệnh có thể sử dụng thêm lạc tiên, tâm sen, thảo quyết minh. Nếu tiếp tục không cải thiện, người bệnh sẽ tiếp tục được đánh giá tổn thương tạng phủ để có giải pháp phù hợp. Thường, mất ngủ quy vào tạng tâm, nên sẽ sử dụng bổ tâm, an thần. Khi chúng ta giải quyết nguyên nhân mới được xem là giải quyết được trọn vẹn vấn đề giấc ngủ.

4. Thảo dược nào chữa mất ngủ?

Nhờ BS hướng dẫn: những thảo dược nào giúp chữa mất ngủ và dùng sao cho đúng?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Cả Đông và Tây y đều có những loại thuốc điều trị mất ngủ. Thuốc Tây sử dụng các loại thuốc có hiệu quả ngay, nhưng dễ gây nghiện và dễ gây lờn thuốc, tăng liều nhiều lần.

Trong Đông y thường dùng thuốc buổi tối, có thể dùng độc vị như lạc tiên, lá vông, tâm sen, thảo quyết minh, củ bình vôi hoặc sử dụng các bài thuốc đánh vào tạng phụ nào gây nên tình trạng mất ngủ.

Ví dụ, mất ngủ thì quy tạng Tâm, giận quá mất ngũ quy tạng Can, ăn uống khó tiêu mà mất ngũ quy tạng Ty, ho nhiều mất ngủ quy tạng phế, đi tiểu nhiều về đêm gây mất ngũ qui cho Tạng Thận. Tùy theo tình trạng bệnh, tổn thương tạng phủ nào, Đông y sẽ bồi bổ tạng phủ, nâng cao sức đề kháng, vượt qua sự suy yếu của cơ thể, giúp ngủ ngon giấc.

5. Những bài tập nào giúp khắc phục tình trạng mất ngủ?

Trong ngày, có những bài tập nào giúp khắc phục tình trạng mất ngủ? Nên tập bao lâu, tập vào buổi nào, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Chúng ta có thể tập thư giãn. Trước tiên là ức chế ngũ quan. Người bệnh nằm trên giường che mắt lại, nằm nơi yên tĩnh, tai không nghe âm thanh, mũi không ngửi, miệng để yên (không ngậm kẹo, không ăn uống), phòng thoáng mát. Sau đó, tập trung theo dõi hơi thở, buông mềm các cơ để vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Trong Đông y, mất ngủ gọi là “tâm viên ý mã”, vì vậy khi tập trung vào hơi thở sẽ giúp cải thiện giấc ngủ. Bên cạnh đó, buổi tối trước khi ngủ người bệnh có thể tập yoga, khí công, góp phần cải thiện tuần hoàn, giúp giấc ngủ trọn vẹn hơn.

Bác sĩ Vũ mô phỏng các động tác xoa đầu, mặt, cổ, gáy giúp ngủ ngon hơn. Người bệnh ngồi tư thế hoa sen, thở tự nhiên. Hai lòng bàn tay úp vào nhau và xát chúng cho mạnh và nhanh để hai bàn tay thật nóng trước khi xoa. Đầu ngửa về sau, hai tay đặt dưới cằm áp vào mặt, xoa mặt từ dưới lên đến đỉnh đầu, đồng thời dần dần cúi đầu về phía trước. Hai tay xoa từ đỉnh xuống vùng chẩm, rồi xoa hai bên cổ, áp vào cằm đầu ngửa hẳn về phía sau. Tiếp tục xoa lại như trước từ 10-20 lần.

6. Những động tác massage giúp ngủ ngon hơn?

Nhờ BS hướng dẫn: những động tác massage giúp ngủ ngon hơn?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Để cải thiện giấc ngủ, có hai phương pháp massage:

- Đến cơ sở y tế cấp phép massage trị liệu: Nếu có điều kiện, thời gian đầu nên đến các cơ sở massage, bấm huyệt có giấy phép hành nghề để được xoa bóp vùng đầu, chú trọng vào huyệt an miên, huyệt huyệt nội quan, huyệt thần môn.

- Tự massage: Khi đã cải thiện thì kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn các động tác xoa đầu, mặt, chải đầu bằng tay… cải thiện tình trạng mất ngủ.

7. Ngâm chân nước ấm giúp ngủ ngon, liệu trình bao lâu là hợp lý?

Việc ngâm chân nước ấm giúp ngủ ngon nhưng có người lo là thực hiện nhiều quá sẽ bị “ghiền”, sau này cứ phải ngâm chân mới ngủ được. Điều này có đúng không ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Theo quan điểm của Đông y, khi điều trị bệnh cảnh phải cân bằng âm dương. Nếu thể dương thăng, âm giáng, cụ thể là đầu nóng và chân lạnh nên người bệnh bứt rứt, khó ngủ. Khi ngâm chân làm cho bàn chân ấm, đầu mát, khoan khoái đưa đến sự cân bằng âm dương, dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên ngâm trong 2 tuần, nghỉ 2 tuần. Nếu bệnh nhân tiếp tục muốn sử dụng thì dùng cách ngày. Một liệu trình có thể kéo dài 2-3 lần, nghĩa là ngâm chân 2 tuần - nghỉ 2 tuần; ngâm chân 2 tuần - nghỉ 2 tuần; ngâm chân 2 tuần - nghỉ 2 tuần.

Bất kỳ điều gì đưa vào cơ thể cũng dẫn đến 2 vấn đề: ghiền và lờn. Ghiền là tối nào cũng cần ngâm chân, nếu không sẽ nhớ, bứt rứt, khó chịu. Lờn là khi ngâm quá nhiều không có hiệu quả điều trị. Chỉ ngâm chân theo từng liệu trình, giúp người bệnh từng bước thích nghi để cơ thể điều hòa. Bất kỳ Đông hay Tây y, người bệnh cũng không nên lạm dụng.

Bác sĩ Vũ mô phỏng động tác xoa bàn chân để cải thiện giấc ngủ. Với tư thế này, người bệnh có thể ngồi thòng chân hoặc ngồi thẳng chân, thở tự nhiên. Xoa chân hai ngày mỗi lần, mỗi lần từ 50-60 cái giúp bàn chân ấm, dễ ngủ hơn. Người bệnh có thể xoa hai lòng bàn chân, mu bàn chân hoặc phía trong bàn chân với nhau.

8. Mất ngủ hậu COVID-19, cần làm gì để cải thiện?

Lời khuyên của BS dành cho người bị mất ngủ hậu COVID, giúp nhanh chóng có giấc ngủ ngon?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Mất ngủ ảnh hưởng đến vấn đề tâm thần, kéo theo hệ lụy về thể chất. Vì vậy, tìm giải pháp cải thiện giấc ngủ là điều rất quan trọng và cần thiết. Để điều trị hiệu quả, cần tìm hiểu căn nguyên, ví dụ mất ngủ là do bệnh cảnh nền hay do hậu COVID-19 và để làm được điều này thì trước tiên cần đi khám bác sĩ, thậm chí là làm xét nghiệm, đánh giá, đưa ra giải pháp cải thiện hiệu quả phù hợp. Không áp dụng theo các phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng để tránh các sự cố đáng tiếc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X