Bướu cổ “cứng như đá”
Các bác sĩ vừa phẫu thuật thành công một trường hợp bướu cổ rất hiếm gặp tại Việt Nam.
Bệnh nhân L.M.A, 74 tuổi, đến BV An Bình (TP.HCM) để điều trị tiểu đường ở Khoa Nội tiết. Các bác sĩ tại đây nhận thấy bà A. bị bướu cổ rất to, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới là độ 4 (lớn nhất). Bệnh nhân được hội chẩn với Khoa Ngoại. Khám lâm sàng cho thấy bướu lớn và rất cứng gây chèn ép những cơ quan lân cận, dẫn đến khó thở, khàn tiếng... Bệnh nhân từng được phẫu thuật 2 lần cách đây hơn 10 năm nhưng sau đó bướu tái phát.
Bệnh nhân L.M.A trước và sau khi được phẫu thuật cắt bỏ
bướu cổ - Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, cho biết: "Bướu này rất to, nếu không can thiệp thì sẽ tiếp tục phát triển và xâm lấn các cơ quan khác nặng nề hơn, có thể gây nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, việc phẫu thuật dự đoán sẽ gặp khó khăn vì nhiều lý do như: bà A. đã lớn tuổi; có tiền sử bệnh tiểu đường; cao huyết áp; thiếu máu cơ tim; khí quản bị bướu chèn ép kéo dài (gây tổn thương khí quản và viêm phổi tái đi tái lại) nên sau mổ bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, ngưng thở... Chúng tôi đã giải thích rõ với bệnh nhân, người nhà và được đồng ý tiến hành phẫu thuật".
Phải dùng kềm cắt xương
Lúc thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bướu của bệnh nhân rất cứng, kết quả chẩn đoán hình ảnh trước mổ cho thấy dấu hiệu của canxi hóa. Tuy nhiên, khi tiến hành phẫu thuật, nhóm mổ vẫn rất ngạc nhiên vì bướu này có lớp vỏ thật sự... cứng như đá. Cả dao mổ, kéo mổ, dao điện đều chào thua.
Sau cùng, các bác sĩ phải dùng đến kềm cắt xương trong ngành chấn thương chỉnh hình mới cắt được hết khối bướu, chỉ chừa một mảng nhỏ ở mặt sau vì phần này bị xơ hóa và dính chặt vào khí quản, không thể tách ra được. Việc chừa lại một ít vỏ bao không gây nguy cơ tái phát. Một điểm đáng chú ý khác, bên trong bướu toàn chất nhầy lợn cợn màu xám do mô tuyến giáp đã bị thoái hóa hoàn toàn. Trường hợp của bệnh nhân L.M.A rất đặc biệt vì thông thường bướu cổ chỉ có lớp vỏ bao mềm và rất mỏng còn bên trong là mô tuyến giáp.
Các bác sĩ đã gửi mẫu bướu đi xét nghiệm mô bệnh học, kết quả là lớp vỏ "cứng như đá" được cấu tạo bởi mô xương, mô sợi, các loại tế bào viêm, lympho bào, canxi, cholesterol.
BS Tuấn nhận định kết quả nói trên có thể gợi ý đến những mô tả về bệnh viêm tuyến giáp Riedel. Theo y văn thế giới, đây là một bệnh rất hiếm gặp, căn nguyên chưa rõ ràng, thường xảy ra ở nữ, bướu có lớp vỏ rất cứng với cấu trúc là mô xơ và các tế bào viêm phá hủy một phần hay toàn bộ mô tuyến giáp bên trong, xâm lấn các cơ quan xung quanh, gây khó thở, khó nuốt, khàn tiếng...
Khi vừa mổ xong, bệnh nhân L.M.A không tự thở được, phải đặt nội khí quản và thở máy. Sau hơn một tuần được điều trị tại khoa săn sóc tích cực, tình trạng của bà A. đã ổn định, có thể tự thở và ăn uống bình thường.
AloBacsi.vn
Theo Thanh Niên
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình