Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân: Khám tổng quát có thể phát hiện được bệnh gì?

Để giải đáp các thắc mắc về việc khám tổng quát và tầm soát ung thư, AloBacsi đã mời BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời tường tận về vấn đề này.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Khám tổng quát là làm những gì, và có thể phát hiện được bệnh gì ạ?

Đây là một câu hỏi khá hay. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta cần hiểu những vấn đề liên quan đến việc khám tổng quát.

Trước tiên, chúng ta biết rằng người đi khám tổng quát thường không có triệu chứng gì, khác với trường hợp khám bệnh khi chúng ta đã có triệu chứng nào đó như ho, đau ngực,...

Đối với trường hợp khám tổng quát, tức là hiện tại đối tượng đi khám không có triệu chứng nào và họ muốn khám xem hiện tại trong người có bệnh lý gì hay không nhằm phát hiện sớm và có thể chữa trị kịp thời.

Mục tiêu là tìm ra những rối loạn, bất thường mà hiện tại người khám tổng quát hoàn toàn chưa có. Khác với một trường hợp là đi khám bệnh, tức người bệnh đã có triệu chứng nào đó và bác sĩ sẽ tập trung vào nhóm bệnh đó. Còn trường hợp khám tổng quát là sau khi khám, bác sĩ có thể phát hiện về mặt lâm sàng như sờ thấy tổn thương hoặc trên phương tiện cận lâm sàng như: X-quang phổi, siêu âm bụng…sẽ phát hiện ra những bất thường. Lúc này, bác sĩ sẽ khoanh vùng nhóm bệnh lý đó để tập trung chẩn đoán xác định bệnh.

Việc khám tổng quát sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan. Ví dụ với trường hợp khám tổng quát chỉ những bước khám lâm sàng, nhưng không có các phương tiện cận lâm sàng hỗ trợ kiểm tra có thể sẽ có những tổn thương mà khi khám lâm sàng không phát hiện được.

Ngoài ra, còn tùy thuộc vào gói khám tổng quát sẽ bao gồm thêm những phương tiện cận lâm sàng hỗ trợ nào. Chẳng hạn công ty đăng ký khám tổng quát cho nhân viên với gói khám tổng quát tối thiểu, vì vậy đôi khi mặc dù đã được khám tổng quát nhưng sẽ có trường hợp có bệnh lý, nhưng trong đợt khám kiểm tra đó chúng ta không phát hiện được do thiếu cận lâm sàng.

Ngoài  yếu tố chủ quan như trên, các yếu khách quan như bệnh lý thì có tính chất không dừng tại chỗ, ở thời điểm đó, người đi khám tổng quát đã có những rối loạn hoặc bệnh lý nhưng ở mức độ rất nhẹ, nên việc khám tổng quát vào thời điểm đó không phát hiện được nhưng có thể sau 1 - 2 tháng thì bệnh lý sẽ diễn tiến tăng lên và xuất hiện triệu chứng lâm sàng hay biểu hiện qua các xét nghiệm cận lâm sàng. Đó cũng là lý do tại sao có trường hợp người đi khám tổng quát cho kết quả bình thường nhưng về sau lại biểu hiện có bệnh lý.

Độ tuổi nào nên bắt đầu khám tổng quát định kỳ? Bao lâu tiến hành một lần ạ? Trẻ em có cần khám tổng quát định kỳ hay không?

Chúng ta biết rằng bệnh tật có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào kể cả trẻ em, không riêng lứa tuổi bắt đầu lao động hoặc lớn tuổi.

Khi chào đời, người đó đã được khám tổng quát. Những em bé sau khi sinh sẽ được bệnh viện yêu cầu sau 1 tháng phải cho trẻ tái khám, thậm chí sẽ cho chủng ngừa, khám xem có bị suy dinh dưỡng hay không. Đây có thể xem là một hình thức khám tổng quát nhưng sẽ chú trọng về dị tật bẩm sinh, những rối loạn mang tính bẩm sinh hoặc di truyền mà trước đó chưa phát hiện thì bây giờ các bác sĩ sẽ kiểm tra và khám lại.

Sau đó, khi các bé được vào các trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 cũng có những đợt kiểm tra sức khỏe học đường. Lúc này để tìm những bệnh lý mang tính chất thông thường hoặc là những bất thường như qua những đợt khám sẽ phát hiện ra những bé có tật về khúc xạ, hoặc bị béo phì hoặc suy dinh dưỡng… Như vậy đây cũng được coi là khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Tiếp theo là những đợt khám sức khỏe cho sinh viên, và khi chúng ta bước chân vào công việc, vào xã hội thì hằng năm, các cơ quan đều tổ chức cho nhân viên khám sức khỏe định kỳ.

Bên cạnh đó có những trường hợp, người lớn tuổi khi họ về hưu hoặc không đi làm, những trường hợp này rất ý thức về vấn đề sức khỏe đã tự đi khám tổng quát, kiểm tra mặc dù vào thời điểm đó, có thể họ hoàn toàn chưa có những rối loạn hay bất thường gì.

Nhìn chung, việc khám tổng quát luôn phải được thực hiện, đây là một trong những phương pháp được khuyến khích thực hiện bởi có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Trước khi khám tổng quát, mọi người cần chuẩn bị gì ạ?

Trong quá trình khám tổng quát, ngoài việc khám lâm sàng của người bác sĩ, bệnh nhân sẽ được thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nội soi, siêu âm…

Vì thế, bệnh nhân cần nhịn ăn và nhịn uống vào buổi sáng trước buổi khám tổng quát. Chẳng hạn trong gói khám tổng quát của đơn vị này, người nhân viên được xét nghiệm thêm đường huyết thì khi người này có uống cafe trước khi xét nghiệm sẽ dẫn đến kết quả sai. Hoặc trong đợt khám tổng quát lần này, bệnh nhân được kiểm tra nội soi dạ dày, nếu bệnh nhân có ăn trước khi thực hiện nội soi dạ dày sẽ gây trở ngại cho việc quan sát, giảm khả năng chẩn đoán chính xác.

Ngoài ra, cũng không nên sử dụng chất kích thích. Ví dụ ở một số trường hợp người khám nhạy cảm với cafe nên khi uống vào, nhịp tim sẽ rất nhanh, gây sai lệch chẩn đoán của bác sĩ, và nghĩ rằng đây là triệu chứng của rối loạn tim mạch. Hoặc phụ nữ đang trong giai đoạn hành kinh  không nên đi khám vì một số cơ quan liên quan đến nội tiết sẽ thay đổi (như tuyến vú, phụ khoa, khung chậu,...). Như vậy việc khám lâm sàng sẽ bị sai lệch đi. Vì thế, phụ nữ nên khám vào những ngày sạch kinh sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn cho bác sĩ thăm khám cũng như bản thân người khám.

Một vấn đề khác khi khám tổng quát, bệnh nhân nên mặc những trang phục thuận tiện, thoải mái để khi bác sĩ có yêu cầu thực hiện các phương tiện cận lâm sàng như siêu âm hoặc chụp X-quang… cần thay đổi trang phục sẽ dễ dàng hơn.

Một số người phải uống thuốc say xe, thuốc cảm, các thuốc điều trị bệnh mạn tính thì có ảnh hưởng đến kết quả khám hay không?

Ở một độ tuổi nào đó, sẽ có một số người phải sử dụng thuốc mang tính là mạn tính. Những loại thuốc như say xe, thuốc cảm, các thuốc mạn tính đối với người khám tổng quát vẫn có thể sử dụng được. Nhưng người khám phải thông báo với bác sĩ về những loại thuốc bản thân đang sử dụng, phải dùng trong bao lâu và đã dùng gần nhất vào thời điểm nào... để việc thăm khám và chẩn đoán được chính xác hơn

Khám tổng quát có bao gồm tầm soát ung thư không ạ?

Khám tổng quát là tìm những bất thường có thể có, không khám đặc thù cho căn bệnh nào cả. Còn về mặt tầm soát bệnh thì không chỉ tầm soát riêng về bệnh lý ung thư mà còn tầm soát về bệnh lý tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính v.v… Chính vì vậy, trong gói khám tổng quát không bao gồm tầm soát những bệnh lý chuyên khoa khác.

Tuy nhiên việc khám tổng quát cũng có thể phát hiện những trường hợp liên quan về ung bướu, lúc này bác sĩ sẽ cho tầm soát theo hướng ung bướu. Một số trường hợp phát hiện triệu chứng bệnh lý về tim mạch, bệnh lý về mạch vành, bệnh lý hô hấp thì bác sĩ sẽ đề nghị khám chuyên khoa đó.

Tiếp theo: Tầm soát ung thư là làm những gì?

Hồng Nhung - Minh Khuê
Ảnh: Hoàng Long

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X