Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Tránh thai mùa COVID-19, bạn chọn cách nào?

Dịch COVID-19 hiện đang diễn tiến phức tạp tại Việt Nam, các lệnh giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, nhiều địa phương áp dụng các chỉ thị của Thủ tướng. Việc ở nhà thường xuyên khiến các cặp đôi có cơ hội gần gũi nhiều hơn, do đó, nguy cơ vỡ kế hoạch, mang thai ngoài ý muốn là không tránh khỏi. Vậy làm thế nào để không dính bầu trong thời gian này? Biện pháp nào sẽ phù hợp với bạn? BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ sẽ giải đáp những thắc mắc này trong bài giao lưu sau đây.

Những hệ lụy của mang thai ngoài ý muốn

Thưa BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Bệnh viện Từ Dũ là cơ sở y tế đầu ngành về lĩnh vực sản khoa của miền Nam, vậy sau mỗi kỳ nghỉ dài liệu có sự thay đổi nào về số lượng phụ nữ đến thăm khám vì “nhỡ” kế hoạch không ạ? Việc mang thai không đúng như kế hoạch sẽ dẫn đến những hệ lụy gì thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Vỡ kế hoạch không chỉ xảy ra trong đợt dịch COVID-19, mà sau bất kỳ một kỳ nghỉ dài nào, như nghỉ Tết Nguyên đán, sau kỳ nghỉ Noel hay Tết tây… hoặc có một sự kiện nào đó trong năm mà tất cả nam thanh nữ tú có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, sau đó chúng ta sẽ thấy có tình trạng gia tăng đột biến tất cả cửa vào bệnh viện ở khoa Kế hoạch gia đình.

Ý tôi muốn nói ở đây là, thường sau những sự kiện trên, khoảng 4-6 tuần sau có rất nhiều chị em phụ nữ đến khoa Kế hoạch gia đình thực hiện phá thai hay bỏ thai tăng đột biến.

Chắc chắn rằng, trong đại dịch COVID-19 hiện nay, vấn đế này càng làm cho mọi người quan tâm hơn, bởi giãn cách xã hội rất dài, và có thể trong tương lai việc này sẽ tái lập lại một lần nữa, như vậy, con số mang thai ngoài ý muốn (vỡ kế hoạch) sẽ tăng lên nhiều hơn nữa theo dự đoán của chúng tôi.

Vỡ kế hoạch có nghĩa là khi mang thai nhưng không dự trù đầu tư cho thai kỳ đó. Vì vậy, đầu tiên, chúng ta sẽ chấp nhận sanh thêm một đứa con nữa. Nếu như tất cả những anh chị em đang đi làm trong cơ quan nhà nước có quy định không sanh thêm con thứ 3. Do đó chắc chắn phải các bạn phải dừng lại một số quyết định trong tương lai như bổ nhiệm, hoặc những vị trí ứng cử quan trọng trong 5 năm - 10 năm.

Thứ hai, nếu các bạn chưa đủ điều kiện tài chính nhưng tiếp tục giữ thai thì đó là gánh nặng lớn cho cả gia đình. Sau những trăn trở trên, các bạn sẽ quyết định không giữ thai, và tìm đến các cơ sở y tế công lập/ ngoài công lập, thậm chí các cơ sở chui để giải quyết tình huống này.

Tuy nhiên, bên cạnh việc lấy thai an toàn có thể sẽ có một số tình tiết không lường trước được, như có thể có nhiễm trùng do sót nhau, hoặc băng huyết do thủ thuật / băng huyết do sẩy thai. Trong một số tình huống, nếu các bạn đến các cơ sở y tế không hợp pháp có thể gặp một số tình trạng nguy hiểm cho chính bản thân mình như thủng tử cung, nhiễm trùng tử cung, hoặc nhiễm trùng các cơ quan trong bụng… Hàng loạt các vấn đề nguy hiểm có thể rình rập và xảy đến đối với các bạn sau những lần vỡ kế hoạch.

Trong thời gian giãn cách xã hội hoặc những nguyên nhân khiến các bạn gặp gỡ nhau thường xuyên, ở nhà thường xuyên, điều kiện gần gũi nhau thường xuyên thì việc vỡ kế hoạch sẽ rất quan ngại.

Các biện pháp tránh thai phổ biến hiện nay

Hiện nay có bao nhiêu biện pháp tránh thai? Những biện pháp tránh thai nào phổ biến nhất hiện nay ạ? Tỷ lệ thành công của những phương pháp này như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Hiện nay có hai nhóm biện pháp tránh thai. Nhóm thứ nhất là vĩnh viễn, tức là người phụ nữ thực hiện triệt sản, là thắt ống dẫn trứng. Nếu các bạn muốn có con trở lại phải chịu cuộc mổ nối thông hai ống dẫn trứng lại. Đối với nam giới cũng có ngừa thai vĩnh viễn, đó là thắt ống dẫn tinh. Nếu muốn có con phải nối lại.

Ngoài ngừa thai vĩnh viễn, sẽ có ngừa thai tạm thời. Trong ngừa thai tạm thời hiện nay, có ngừa thai liên quan nội tiết, tức là các biện pháp tránh thai nội tiết. Thứ hai là ngừa thai cơ học, tức là sử dụng các dụng cụ đặt trong lòng tử cung, hoặc sử dụng mũ chụp, vòng chắn âm đạo cơ học hoặc phối hợp nội tiết.

Đối với nhóm ngừa thai vĩnh viễn, gần như 99% không thể có thai được, có thể có 1% ống dẫn trứng hoặc ống dẫn tinh có thể ráp lại với nhau sau khi thắt, nhưng rất hiếm.

Đối với những biện pháp tránh thai khác, biện pháp tránh thai nội tiết có ưu thế hơn so với biện pháp cơ học. Tránh thai nội tiết có thể đạt 99% không mang thai, nhưng biện pháp cơ học khoảng 94%, và có thể kèm một số bệnh phụ khoa khác do có dị vật nằm trong lòng tử cung.

Thêm một biện pháp tránh thai nữa là dùng bao cao su. Nếu bao cao su ở trạng thái hoàn hảo, không quá date,  không bị xì lỗ mọt có thể ngừa một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, nếu bao cao su vấp phải những lỗi trên, cơ hội vỡ kế hoạch có thể xảy ra. Với những người lần đầu sử dụng bao cao su có thể có những lúng túng, do đó không kịp ngăn chặn xuất tinh trước khi đeo bao cao su vào. Vì vậy tỷ lệ ngừa thai của bao cao su giảm hơn (khoảng 96-97%) so với sử dụng thuốc nội tiết.

Hiện nay, để lựa chọn biện pháp tránh thai tối ưu trong nhóm tránh thai tạm thời, có lẽ nên chọn biện pháp tránh thai nội tiết, bởi tỷ lệ ngừa thai đạt cao hơn hết so với những biện pháp khác.

Nhiều chị em tin rằng giữa tránh thai tự nhiên và tránh thai hiện đại thì tự nhiên lúc nào cũng tốt và an toàn hơn, vì tránh được các tác dụng phụ. BS có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này? Phương pháp tránh thai tự nhiên có thể dùng trong trường hợp nào? Và khi nào nên dùng các biện pháp hiện đại?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Đối với người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn có thể dự đoán được khoảng thời gian rụng trứng. Do đó biện pháp tránh thai mà hiện nay y khoa không khuyến khích sử dụng, đó là Ozino- Knauss, tức là tính ngày kinh đối với người có kinh đều, chu kỳ khoảng 28-30 ngày, và sẽ loại trừ khoảng giữa là từ ngày 12 đến ngày 16 (đối với chu kỳ 28 ngày), hoặc từ ngày 14 đến ngày 18 (đối với chu kỳ 30 ngày). Tất cả những ngày này tuyệt đối không quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, người có chu kỳ kinh đều như thế nào đi nữa vẫn có khi có những cú rụng trứng đột xuất, do đó vẫn có thể có vỡ kế hoạch. Vì vậy, hiện nay Ozino- Knauss không được đề cao là biện pháp duy nhất mà luôn luôn phải kết hợp với biện pháp khác.

Bên cạnh đó, một số chị em phụ nữ cho con bú có suy nghĩ rằng cho con bú chắc chắn không có kinh, không có kinh thì không có rụng trứng, và không rụng trứng thì có thể ngừa thai, do đó rất nhiều chị em không dùng biện pháp phòng tránh. Chúng ta cần biết rằng trong thời gian cho con bú có thể có rụng trứng, vì vậy, vỡ kế hoạch vẫn có thể xảy ra trong khi đang nuôi con nhỏ.

Do đó, các biện pháp tránh thai tự nhiên theo quan điểm của người phụ nữ Á đông, càng tránh thuốc càng tốt, nhưng những biện pháp đó càng dễ vỡ kế hoạch hơn. Trong các biện pháp tránh thai hiện tại, người ta vẫn luôn đưa ra tinh thần là cá thể hóa từng cặp vợ chồng để xem xét đặc điểm cặp vợ chồng đó gần gũi với nhau thường xuyên hay không thường xuyên, người phụ nữ đã từng trải qua biện pháp tránh thai nào hay chưa, hay có vấn đề dị ứng với bao cao su, hoặc tiết dịch nhiều khi đặt dụng cụ tử cung, hoặc viêm nhiễm âm đạo, viêm nhiễm lòng tử cung, hoặc uống thuốc nội tiết gây nhức đầu, tăng cân… Vì vậy phải cá thể hóa từng trường hợp.

Trong tránh thai tự nhiên cũng phải cá thể hóa, và cần biết rằng tránh thai tự nhiên hiện nay không được khuyến khích, đó chỉ là biện pháp đơn lẻ cần có sự phối hợp.

Viên uống tránh thai kết hợp là gì? Ưu, nhược điểm như thế nào?

Theo thông tin cung cấp của BS, viên uống tránh thai hàng ngày là một trong những phương pháp được nhiều chị em tin tưởng lựa chọn. Xin BS nói rõ hơn, viên uống tránh thai có bao nhiêu loại? Ưu và nhược điểm của mỗi loại như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Thuốc viên tránh thai hằng ngày, y khoa thường dùng thuật ngữ viên tránh thai kết hợp/ phối hợp. Những thập niên trước đây chúng ta có viên tránh thai uống mỗi ngày, được gọi là viên tránh thai nối tiếp, nghĩa là nửa đầu các bạn uống thuốc thuộc nhóm nội tiết tố nữ estrogen với liều lượng mạnh, nửa sau mới thêm progestin.

Người ta thấy rằng ở những người phụ nữ uống loại này phải đẩy liều nội tiết lên khá cao. Do đó, một số chị em phụ nữ không chịu nổi do hàm lượng estrogen cao. Theo thời gian, những tiến bộ trong vấn đề hạ thấp liều thuốc tránh thai nhưng lại đạt hiệu quả tránh thai cao, thì đó là loại các bạn nên lựa chọn.

Hiện nay hầu hết các viên tránh thai kết hợp đều có sự kết hợp nội tiết tố estrogen và progestin. Trong cơ thể người phụ nữ có hai nội tiết tố chính là estrogen và progesterone. Người ta sẽ bắt chước chu kỳ nội tiết tự nhiên trong cơ thể nhưng sẽ phối hợp với liều thấp. Khi đọc trên đơn thuốc các bạn sẽ thấy liều estrogen luôn là liều cố định: 0.03mg ethinylestradiol. Nhưng thuốc phối hợp với nó sẽ thay đổi. Hiện có 4 loại progestogen là nhóm phối hợp chung với viên tránh thai hằng ngày hoặc viên tránh thai kết hợp, và sẽ thay đổi theo từng công thức khác nhau.

Hiện có rất nhiều sản phẩm thuốc tránh thai kết hợp, ưu việt nhất là loại tránh tăng cân, giảm tình trạng ứ nước, đẹp da, không nổi mụn trứng cá, đạt hiệu quả ngừa thai.

Với mỗi độ tuổi việc chọn lựa phương pháp tránh thai có khác nhau không thưa BS? Biện pháp tránh thai tốt nhất dành cho chị em phụ nữ ở từng thời điểm là gì? Khi 20, 30 tuổi tránh thai có gì khác biệt với năm 40, 50 không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Tất cả các viên tránh thai đều có liều thấp nhưng có hiệu quả tránh thai cao nhất. Do đó sử dụng phải tùy theo cá thể hóa từng người. Trước khi sử dụng thuốc tránh thai chắc chắn bác sĩ sẽ khám và hỏi tiền sử bệnh, liệu rằng trong gia đình có ai bị ung thư vú, ung thư niêm mạc tử cung, hay những ung thư có liên quan tới nội tiết, hoặc người phụ nữ đó trong tiền sử có bị huyết khối tĩnh mạch hay không… Do đó có rất nhiều yếu tố cần phải xem xét trước khi quyết định tư vấn người phụ nữ lựa chọn viên tránh thai kết hợp.

Độ tuổi không quan trọng bằng yếu tố tiền sử và yếu tố cá nhân người bệnh. Vì vậy, 20 tuổi, 30 tuổi, 40 tuổi, viên tránh thai kết hợp nào phù hợp vẫn có thể sử dụng được. Quan trọng nhất là người phụ nữ liệu có mắc những bệnh chống chỉ định, như huyết khối tĩnh mạch, bệnh gan nặng, bệnh ung thư liên quan nội tiết, bởi hiện nay bệnh ung thư vú đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư phụ khoa và xuất hiện ở độ tuổi rất trẻ.

Khả năng mang thai lại sau khi ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai ra sao thưa BS? Với mỗi phương pháp nên ngừng bao lâu để an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé? Cần lưu ý gì sau khi ngừng thuốc để mang thai không thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Thuốc viên tránh thai bắt chước giống chu kỳ nội tiết của người phụ nữ, đào thải nhanh trong máu và hoàn toàn không lưu lại trong máu để gây ra những tác dụng phụ lâu dài. Vì vậy, khi uống thuốc ngừa thai quên một viên thì lập tức uống ngay khi nhớ ra, bởi viên thuốc tránh thai thải khá nhanh, không hỗ trợ trong ngăn chặn rụng trứng.

Ở nước ngoài, những bé gái ở độ tuổi 14-15 đã được mẹ cho sử dụng thuốc tránh thai kết hợp. Việc một bé gái uống lâu dài trong nhiều năm không gây hại. Do đó các bạn yên tâm khi sử dụng biện pháp ngừa thai bằng viên tránh thai kết hợp lâu dài, và không nên quá lo lắng rằng uống lâu như vậy sẽ không có thai trở lại. Việc có thai trở lại sau khi các bạn dừng uống thuốc, trục hạ đồi tuyến yên được khởi động trở lại, do đó hiện tượng rụng trứng cũng trở lại. Có thể ngay sau chu kỳ có kinh trở lại đầu tiên các bạn đã có thể có thai.

Uống thuốc tránh thai lâu dài có gây vô sinh?

Nhiều người lo lắng uống thuốc tránh thai trong nhiều năm liền có nguy cơ vô sinh, ung thư. Thực hư thông tin này như thế nào thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Với viên tránh thai kết hợp, như tôi đã nói lúc nãy, là các bạn không nên quá lo lắng về việc gây ra những bệnh khác, mà ngược lại, khi uống thuốc viên tránh thai kết hợp các bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều, chị em phụ nữ có thể yên tâm về vòng kinh và có thể dự đoán được khoảng thời gian nào có kinh trở lại để sắp xếp công việc, đi du lịch, đi chơi…

Thứ hai, cho buồng trứng nghỉ ngơi. Khi buồng trứng được nghỉ ngơi sẽ không xuất hiện các nang bất thường làm cho các bạn lo lắng.

Thứ ba, thuốc viên tránh thai kết hợp hiện nay là một trong những thuốc có thể giúp các bạn vừa ngừa thai vừa cải thiện một số triệu chứng của bệnh lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung thường gây ra đau bụng kinh. Nếu bạn vừa muốn không đau bụng kinh, vừa muốn tránh thai có thể sử dụng thuốc tránh thai kết hợp.

Do đó, thuốc viên tránh thai kết hợp là chế phẩm an toàn và hữu hiệu trong một số tình huống mà người phụ nữ cần như mắc bệnh lý lạc nội mạc tử cung hoặc những phụ nữ phát hiện các nang chức năng trên buồng trứng. Khi người phụ nữ dùng viên tránh thai kết hợp, một số bệnh lý như hội chứng tiền kinh cũng sẽ giảm bớt.

Về nhược điểm, phải cá thể hóa từng người để quyết định lựa chọn, làm sao nhược điểm của thuốc lên cơ thể là thấp nhất trước khi sử dụng và những lợi ích đạt hiệu quả cao nhất.

Ai không nên dùng viên tránh thai kết hợp?

Hơn nữa, thông tin viên uống tránh thai nội tiết tố không nên sử dụng nếu trên 35 tuổi, hút thuốc lá hoặc những người mắc bệnh mạn tính tim mạch, huyết áp vì dễ gây cục huyết khối, dẫn đến đột quỵ khiến các chị em lo lắng. Vì nhiều người đã quen dùng phương pháp này nên rất ngại thay đổi. Xin hỏi, đây có phải là chống chỉ định tuyệt đối không? Nếu vẫn tiếp tục dùng viên uống thì liệu có nguy cơ gì xảy ra?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Huyết khối có thể dẫn tới thuyên tắc phổi và dẫn đến cái chết, theo y khoa thuyên tắc phổi có thể ngăn ngừa được bằng cách đừng để tạo ra cục huyết khối. Estrogen là yếu tố có thể dẫn tới tăng nguy cơ huyết khối. Vì vậy những thuốc tránh thai có estrogen sẽ không được sử dụng cho những người phụ nữ có nguy cơ bị huyết khối, hoặc có tiền sử huyết khối, hoặc những người phụ nữ có yếu tố tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim sẵn có).

Chúng ta có những loại thuốc tránh thai khác chỉ có progestin và đã được chứng minh nguy cơ tạo huyết khối cực kỳ thấp. Do đó, trong những viên tránh thai kết hợp, nếu người phụ nữ có những yếu tố nguy cơ không nên sử dụng thì vẫn còn có giải pháp khác đối với viên uống ngừa thai là loại không estrogen và chỉ chứa mỗi progestin.

Bao lâu nên khám phụ khoa một lần?

Tuổi sinh sản gần như chiếm phân nửa cuộc đời của mỗi phụ nữ, nên các chị em phải dùng các biện pháp tránh thai trong thời gian dài. Như vậy có cần đi khám hay làm xét nghiệm gì đặc biệt để kiểm tra sức khỏe không ạ? Định kỳ bao lâu một lần?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Theo quy định phụ khoa, mỗi người phụ nữ nên có lịch khám định kỳ 6 tháng một lần. Trong mỗi lần khám, bác sĩ phụ khoa sẽ dùng các biện pháp trong phụ khoa để khám trực tiếp trên người bệnh nhân, ví dụ như xem xét cổ tử cung của bệnh nhân liệu có sần hay u gì không, hoặc thành âm đạo có điểm lạ, hay dịch tiết có bất thường không, tử cung to/ nhỏ hay có bướu… là những điều bác sĩ sẽ hỏi và khám cho người bệnh.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ hỏi những triệu chứng xuất hiện mới, như kinh nguyệt bình thường hay không, những triệu chứng liên quan tới bốc hỏa, nóng trong người ở độ tuổi lớn hơn để xem bệnh nhân đã bắt đầu suy giảm nội tiết hay chưa…

Và đương nhiên sẽ có những xét nghiệm đi kèm, như bệnh nhân có thiếu máu hay không; nội tiết tố nữ đã đến thời kỳ suy giảm hay chưa, đặc biệt là ở những người có triệu chứng khó chịu nhiều. Có những người phụ nữ đang ở độ tuổi rất trẻ, 38-40 tuổi nhưng đã có suy buồng trứng thì phải có giải pháp điều trị cho họ. Đặc biệt, người phụ nữ nên tham gia các chương trình tầm soát ung thư, như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung hay những ung thư có liên quan đến nội tiết để kiểm tra liệu có nguy cơ hay không và phòng ngừa từ sớm.

Lịch khám sẽ được hẹn 6 tháng/ lần. Ngoài việc kiểm tra sức khỏe của chị em phụ nữ cùng các xét nghiệm đi kèm; nếu người phụ nữ sử dụng viên tránh thai kết hợp hay sử dụng các biện pháp ngừa thai nội tiết sẽ rất quan tâm đến bệnh nội khoa đi kèm như mỡ máu, huyết khối tĩnh mạch, thậm chí bệnh lây truyền qua đường tình dục… cũng nên lưu ý và yêu cầu khám thêm. Với những trường hợp đặc biệt hơn sẽ được hẹn khám sớm hơn hay xa hơn tùy tình trạng mỗi người.

Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp đúng cách

Thưa BS, hiện nay thuốc tránh thai khẩn cấp được xem là “cứu cánh” khi có giao hợp không dùng các biện pháp tránh thai khác. Xin hỏi BS thuốc tránh thai khẩn cấp với thuốc tránh thai hàng ngày khác nhau thế nào? Có bao nhiêu loại?  Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp sao cho đúng?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Trong viên thuốc tránh thai khẩn cấp chứa chủ yếu là progestin, và dạng chúng ta hay nghe nói tới là hoạt chất levonorgestrel. Trên thị trường hiện tại có rất nhiều chế phẩm, chế phẩm phổ biến nhất và được các chị em biết đến nhiều nhất là Postinor, có thể là Postinor 1 hoặc Postinor 2. Loại Postinor 2 trên thị trường không còn nhiều và chủ yếu là Postinor 1. Sau khi thực hiện quan hệ tình dục, người phụ nữ phải dùng loại thuốc này càng nhanh càng tốt, thời hạn tối đa có thể sử dụng là 72 giờ trở lại.

Do đó, theo khuyến cáo uống liền ngay sau khi hoạt động tình dục hoặc trong vòng 12-24h đầu tiên phải sử dụng viên thuốc này. Đây là viên thuốc có chứa levonorgestrel 1.5mg và làm cho dịch âm đạo đặc hơn, nội mạc tử cung không phù hợp để có thai, tham gia ức chế rụng trứng, nhờ đó giúp ngừa mang thai. Tuy nhiên, hiệu quả thuốc không phải lúc nào cũng 100% (chỉ vào khoảng trên 80%). Nếu uống càng gần thời điểm có quan hệ tình dục thì sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

Nhiều chị em phụ nữ cho biết khi uống thuốc này vẫn có thai. Nguyên nhân là do trước đó các bạn đã có thai. Ví dụ tháng đó các bạn có quan hệ tình dục 2 lần, ví dụ ở thời điểm giữa đã có quan hệ tình dục nhưng lại dùng biện pháp Ozino- Knauss và nghĩ rằng tính ngày như vậy là đúng, nhưng thật sự có thể bạn đã có thai, 2-3 ngày sau lại quan hệ tình dục lần nữa và lo lắng rằng quan hệ tình dục nhiều quá sẽ có thai nên uống thêm viên ngừa thai khẩn cấp.

Tóm lại, viên thuốc tránh thai khẩn cấp là loại hình đặc biệt giành cho những phụ nữ không chủ động ngừa thai. Loại thuốc này nên uống càng sớm càng tốt từ 12-24h đầu tiên sẽ đạt hiệu quả tránh thai cao nhất và phải chắc chắn không có giao hợp trước đó để có thể có thai (từ lần đó). Thời hạn cuối cùng sử dụng thuốc này là 72h, nhưng càng xa thời điểm có quan hệ tình dục thì hiệu quả ngừa thai càng giảm.

Tránh vỡ kế hoạch do ảnh hưởng dịch COVID-19

BS Mỹ Nhi có lời khuyên nào cho các chị em, các cặp đôi về việc thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn để tránh “vỡ kế hoạch” do ảnh hưởng của dịch COVID-19?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Trong đại dịch COVID-19, các hoạt động bên ngoài sẽ giảm xuống, ví dụ hiện nay UBND TPHCM đã ra công văn khẩn ngừng các hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar… và cấm tập trung đông người (quá 30 người). Do đó, nhiều người phải ở nhà và tăng cơ hội gần gũi với nhau, vì vậy nguy cơ vỡ kế hoạch rất cao.

Hiện nay, nếu bạn ở nhà quá thường xuyên và có quan hệ tình dục cần chọn lựa biện pháp phù hợp. Nếu các bạn không có những tiền sử nguy hiểm về huyết khối tĩnh mạch hay bệnh lý tim mạch, thai ngoài tử cung… thì nên chọn viên thuốc tránh thai kết hợp. Phương pháp này có khá nhiều lợi ích như điều kinh; hạn chế những bất thường về u nang, nang cơ năng, nang chức năng trên buồng trứng; đạt hiệu quả ngừa thai trên 99%. Do đó, việc sử dụng thuốc viên tránh thai kết hợp là giải pháp an toàn, phù hợp trong khoảng thời gian giãn cách xã hội.

Trong trường hợp không có giãn cách nhưng vợ chồng thường xuyên xa nhau sẽ có giải pháp thuốc viên tránh thai khẩn cấp nhưng lưu ý là không nên lạm dụng loại thuốc này, bởi theo khuyến cáo không nên dùng quá 2 lần/ tháng. Uống lần đầu đã có thể gây nên những bất thường về kinh nguyệt, lần thứ hai sẽ trầm trọng hơn. Cá thể hóa từng trường hợp thì sự lựa chọn đầu tiên vẫn là viên thuốc tránh thai kết hợp.

Giải đáp thắc mắc cùng khán thính giả

Lê Thị Phượng - Q.2, TPHCM

Thưa bác sĩ, em đọc thông tin này, khi dùng viên uống tránh thai, để không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ thì nên dùng 24 tháng rồi nghỉ 3 tháng. Điều này có đúng không ạ? Nếu lỡ uống quá thời gian này rồi mà không ngừng thì có sao không thưa BS? Trong thời gian tạm ngưng 3 tháng đó thì nên dùng phương pháp tránh thai nào là tốt nhất? Em cảm ơn BS.

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Thuốc viên tránh thai kết hợp có thể sử dụng liên tục trong nhiều năm mà không cần phải ngưng, chỉ ngưng khi bạn cảm thấy mệt mỏi vì mỗi ngày đều phải uống thuốc hoặc muốn đổi cách khác để không lệ thuộc vào thuốc nữa.

Như vậy, bạn có thể tạm ngưng 1, 2, 3 tháng, thậm chí 6 tháng và đổi qua cách ngừa thai khác. Chứ không phải cứ uống 24 tháng rồi ngưng 3 tháng để buồng trứng hoạt động trở lại, rồi sau đó uống tiếp.

Hoặc sắp tới ông xã của bạn đi công tác 3 - 6 tháng thì có thể ngưng và khi nào chồng bạn về sẽ uống lại. Trường hợp ông xã vẫn ở nhà và 2 bạn vẫn có hoạt động tình dục, bạn có thể sử dụng các biện pháp khác, chẳng hạn như bao cao su để không bị vỡ kế hoạch.

Đỗ Ngọc Vân - vando23…@gmail.com

Em thấy thuốc tránh thai viên uống có cả thế hệ mới, thế hệ cũ. Có phải dùng thế hệ mới sẽ an toàn, hiệu quả tránh thai cao hơn không thưa BS? Nếu được mong BS thông tin thêm giúp em về ưu và nhược điểm của mỗi thế hệ để em dễ bề lựa chọn. Em cảm ơn và kính chúc BS sức khỏe.

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Hiện nay thuốc viên tránh thai kết hợp có rất nhiều dạng, nhiều chế phẩm khác nhau, tùy theo công ty dược đưa ra công thức riêng của mình.

Như vậy, trong viên thuốc tránh thai kết hợp người ta sử dụng 2 loại nội tiết tố nữ là estrogen và progestin. Với estrogen là liều luôn luôn hằng định 0.03mg và đuôi kết hợp là progestin sẽ thay đổi thế hệ 1, 2, 3, 4.

Mỗi một thế hệ có tên khác nhau, tuy nhiên tất cả thuốc hiện tại có liều progestogen nhỏ nhưng vẫn đủ để ngừa thai. Thế hệ càng về sau thì càng tối ưu hơn những thế hệ đầu.

Ví dụ chúng ta có progesterone dẫn xuất từ spironolactone là chế phẩm rất ưu việt vì không giữ nước, không giữ muối và người phụ nữ sử dụng thuốc sẽ giữ vóc dáng cân đối, mịn da và ít mụn trứng cá.

Tóm lại, thế hệ thứ 4 sẽ ưu việt hơn những thế hệ trước và giảm các tác dụng phụ mà người phụ nữ không mong đợi và được lựa chọn nhiều nhất hiện nay.

Trịnh Ngọc Thanh - TPHCM

Em chưa quan hệ tình dục nhưng vì một số lý do muốn dùng thuốc tránh thai để làm da đẹp, trị mụn, thay đổi chu kỳ kinh thì có được không thưa BS? Khi dùng thuốc tránh thai không phải vì mục đích tránh thai thì cần lưu ý gì?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Một số chị em mắc hội chứng buồng trứng đa nang, biểu hiện bằng kinh nguyệt rất thưa (có thể 1 năm chỉ có 1-2 lần) và tạng người khá mập, mụn trứng cá khá nhiều. Thường những đối tượng này rất lo lắng việc kinh nguyệt bị ứ bên trong không ra được liệu có vấn đề? Thật ra kinh nguyệt không ứ bên trong. Nhiều chị em phụ nữ lầm tưởng rằng bên trong sẽ có một túi máu, mỗi một tháng sẽ bơm ra máu gọi là máu kinh.

Thực ra không phải như các bạn nghĩ. Kinh nguyệt là hiện tượng xảy ra khi có bong tróc nội mạc tử cung và sụt giảm nội tiết.

Nhiều người phụ nữ muốn kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt, hoặc trường hợp người phụ nữ đó không bị hội chứng buồng trứng đa nang nhưng muốn thay đổi và dời ngày kinh, ví dụ sắp tới có chuyến đi xa kéo dài trong vòng 1-2 tuần, thì có thể sử dụng thuốc viên tránh thai kết hợp giúp điều chỉnh kỳ kinh.

Với mục đích không phải ngừa thai mà điều kinh, muốn bản thân đẹp hơn, ít mụn trứng cá hơn thì nên sử dụng viên uống tránh thai kết hợp và chọn thế hệ cuối cùng là ưu thế nhất hiện nay.

Phạm Thị Phương Thảo - Bạn đọc hỏi qua zalo 08983 08983

Em sinh bé 4 tháng rồi mà vẫn chưa có kinh, như vậy là an toàn khi giao hợp rồi phải không bác sĩ? Hay cần phải dùng thêm phương pháp tránh thai nào khác? Em cho con bú hoàn toàn thì nên lựa chọn phương pháp nào an toàn cho cả mẹ và bé?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Rất nhiều chị em nghĩ rằng mình đang cho con bú và không có kinh nguyệt thì chắc chắn không rụng trứng, do đó vẫn giao hợp không có biện pháp phòng ngừa.

Tôi xin cảnh báo rằng trường hợp này vẫn có thể có thai (chúng ta thường sử dụng cụm từ có bầu “trộm”). Do đó, bạn vẫn cần sử dụng biện pháp tránh thai, nếu không thường xuyên quan hệ tình dục có thể tạm thời dùng bao cao su.

Trong thuốc viên tránh thai nội tiết có nhóm progestin có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Do đó, nếu ngừa thai bằng nội tiết thì hãy báo với bác sĩ rằng mình đang cho con bú, bác sĩ sẽ kê toa thuốc viên tránh thai kết hợp không có estrogen mà chỉ thuần túy mỗi progestin để sử dụng an toàn.

Đỗ Thị Phụng - Hà Nội

Thưa BS, cháu bị hư thai 2 lần, không có tim thai, đều dùng thuốc đẩy ra. Bây giờ vì tâm lý chưa tốt nên chưa muốn có con, cháu dùng thuốc tránh thai hàng ngày. Xin hỏi, việc dùng thuốc tránh thai trên người đã có tiền sử bỏ thai thì liệu có khó có con không ạ, khả năng mang thai của cháu sau này như thế nào? Cháu cảm ơn BS.

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Việc sảy thai liên tiếp có rất nhiều lý do và bạn đã sử dụng biện pháp không can thiệp lên lòng tử cung để tránh tình trạng tổn thương niêm mạc tử cung rất đúng và tốt.

Tuy nhiên, tôi khuyến khích bạn nên đi kiểm tra xem lý do gì bạn bị sảy thai liên tiếp. Bởi, một số nguyên nhân phải được xem xét khi chúng ta mang thai trở lại để tránh tình trạng hư thai lần nữa.

Riêng đối với việc tổn thương tâm lý sau khi sảy thai, một số cặp vợ chồng có suy nghĩ không muốn có thai lại nữa, họ cần được bình ổn tâm lý. Khi cần quan hệ tình dục trở lại nên nên sử dụng các biện pháp tránh thai.

Một trong những biện pháp lựa chọn an toàn hữu hiệu như bạn đã sử dụng là thuốc viên tránh thai kết hợp là hoàn toàn hợp lý. Thuốc sẽ không ảnh hưởng việc bạn có thai trở lại khi ngưng, cũng như không ảnh hưởng đến vấn đề sảy thai tiếp.

Sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ có rất nhiều nguyên nhân, thường 70% là do bất thường về gen, tức là có những đột biến về nhiễm sắc thể khi hình thành một bào thai cho dù cha mẹ bình thường. Sảy thai không liên quan đến biện pháp ngừa thai nội tiết mà các bạn sử dụng.

Bạn đã sử dụng thuốc viên tránh thai nội tiết để bảo vệ cho mình là rất tốt, hạn chế nguy cơ vỡ kế hoạch trong thời gian bạn chưa muốn có con.

Hoài Thanh - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Tôi đang bị nhầm lẫn giữa vòng âm đạo và vòng tránh thai, 2 cái này có phải là 1 không thưa BS? Tôi đang muốn đặt vòng để tránh thai nhưng chưa rõ vòng này có tác dụng bao lâu? Có chống chỉ định với trường hợp nào không? Trước khi đặt vòng nên làm gì? Tôi đọc thông tin thấy có người lệch vòng nên vẫn có thể mang thai, vậy có cách nào để tự kiểm tra vòng tránh thai tại nhà không?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Vòng trong âm đạo và vòng tránh thai hoàn toàn khác nhau.

Vòng trong âm đạo gần như là một mũ chụp, hiểu nôm na là bạn đặt vào trong âm đạo một cái nón để ngăn ngừa sự xuất tinh vào vùng sau và trước cổ tử cung.

Đối với vòng đặt trong lòng tử cung - trong y khoa gọi là dụng cụ tử cung, tức là đặt trong lòng tử cung chứ không đặt trong âm đạo. Như vậy vòng có thể nằm đúng vị trí. Trong tình huống vòng bị dịch qua bên này hay bên kia, hoặc tụt xuống thấp, chị em phụ nữ có thể hiểu là lệch vòng.

Lệch vòng cũng có thể có thai. Do đó một phôi thai đã thụ tinh trong buồng tử cung sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy lúc này người phụ nữ vừa có thai vừa có dụng cụ tử cung trong người. Trong tình huống đó vẫn có thể để sanh được.

Đối với đặt vòng, nên đặt thời điểm khi chị em chuẩn bị có kinh. Vì khi có kinh cổ tử cung sẽ mở ra để máu kinh ra dễ dàng. Vòng cũng khá dễ lấy ra, thời điểm lấy vòng ra người phụ nữ cũng không có cảm giác đau. Đồng thời nếu đưa vòng từ bên ngoài vào cũng dễ dàng thuận tiện hơn vì cổ tử cung đang mở sẵn; nếu chảy một chút máu lẫn trong máu kinh người phụ nữ không có gì đáng lo lắng.

Với người phụ nữ có kinh từ 3-5 ngày, ngày dự kiến đặt vòng nên chọn ngày thứ 3, 4 để thời điểm cổ tử cung còn mở, việc lấy vòng ra hoặc thay vòng mới vào vẫn dễ dàng hơn.

Đặt vòng sẽ có tác dụng phụ, vì khi đặt vật lạ đưa vào trong tử cung, nó sẽ “kêu gọi” các phản ứng của bạch cầu, đại thực bào và gây viêm xung quanh vòng. Như vậy sẽ có hiện tượng xuất tiết và thậm chí có cả xuất huyết nữa gây lo lắng cho người phụ nữ.

Bởi vòng là “vật thể lạ” nên có thể gây viêm nhiễm tại chỗ như viêm niêm mạc tử cung, viêm vòi trứng, ứ mủ vòi trứng hoặc áp xe. Nếu gặp phải những tình huống trên, người phụ nữ buộc phải lấy vòng ra.

Tuy nhiên, các bạn sẽ được các bác sĩ khám cổ tử cung, tử cung, xem xét liệu có thuận lợi hay tử cung liệu đang có viêm nhiễm, nhiễm trùng gì không trước khi đặt dụng cụ tử cung.

Sau khi đặt vòng, nếu các bạn thấy ra huyết nhiều, tiết dịch âm đạo hôi, đồng thời có sốt, đau bụng nhiều thì nên đề nghị bác sĩ lấy vòng ra.

Dụng cụ tử cung - ở một khía cạnh nào đó rất phù hợp với quốc gia chậm phát triển hoặc đang phát triển vì chi phí rẻ, thời gian đặt vào tử cung từ 3-5 năm. Với quốc gia tiên tiến hoặc phát triển, dụng cụ tử cung rất ít được chỉ định và nếu có thì sử dụng dụng cụ tử cung có nội tiết để điều chỉnh một số bệnh khác đi kèm như tăng sinh nội mạc tử cung và ngừa thai.

Việt Nam cũng đang sử dụng vòng tránh thai khá nhiều và một số chị em bị viêm phần phụ, viêm niêm mạc tử cung nên buộc phải đổi biện pháp ngừa thai khác.

Trần Thanh Nhàn - nhantran87…@gmail.com

Tôi có 2 con trai, bé lớn 8 tuổi. Hiện tôi chưa dùng biện pháp tránh thai nào khác ngoài bao cao su. Tôi định uống thuốc hoặc chọn biện pháp an toàn hơn, nhưng lo ngại dùng thuốc lâu ngày gây thay đổi hoóc môn. Mong bác sĩ tư vấn.

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Nếu có người đàn ông hiểu và chia sẻ, cũng như bạn ấy đã sử dụng biện pháp dùng bao cao su thuần thục rồi và lâu dài, an toàn thì biện pháp này đáng được khuyến khích, bởi nó giúp ngừa lây truyền một số bệnh qua đường tình dục.

Bản thân tôi luôn tư vấn với các chị em phụ nữ là, nếu chúng ta kết hợp tránh thai trong những ngày có khả năng rụng trứng thì vẫn tốt hơn. Bởi có thể có những bao cao su kém chất lượng hoặc đã có hư rách nhưng lại không phát hiện ra. Do đó, dùng bao cao su vẫn thể có thai.

Nếu người chồng mệt mỏi trong việc dùng bao cao su hoặc gần đây bạn có triệu chứng ngứa rát âm đạo và nghĩ rằng trong chất làm trơn của bao cao su không phù hợp với niêm mạc âm đạo của mình thì nên đổi qua uống thuốc tránh thai.

Biện pháp này không gây xáo trộn cho với cơ thể bạn. Bởi thuốc tránh thai kết hợp đang làm ổn định nội tiết của bạn, nội tiết sẽ được cung cấp vào máu mỗi ngày một liều nhất định và thay thế nội tiết trong người mỗi ngày.

Hằng Nguyễn, Q Phú Nhuận, TPHCM

Em sử dụng thuốc Postinor do có quan hệ không dùng biên pháp bảo vê, sau khi sử dụng vài ngày thì em bị ra ít máu trong 2 ngày, vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Em cảm ơn bác sĩ.

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Chúng ta biết rằng thuốc Postinor đã được cảnh báo là thuốc viên tránh thai khẩn cấp, và chỉ sử dụng khi không có các biện pháp phòng ngừa trước.

Một trong các tác dụng phụ của Postinor là gây xuất huyết âm đạo bất thường. Vì vậy tình trạng này chỉ xảy ra trong vòng 3-5 ngày rồi hết nhưng cũng có trường hợp kéo dài hơn.

Trong trường hợp kéo dài trên 10 ngày, bạn nên đi khám để xem chuyện gì đang xảy ra, liệu rằng có phải do thuốc không hay đang có bệnh lý nào khác nữa.

Nếu ra ít trong vài ngày như bạn hỏi thì không đáng quan ngại, bởi vì nó sẽ tự ổn định lại.

Nguyễn Thùy Anh -  Hà Nội

Tôi uống thuốc tránh thai Regulon từ năm 30 tuổi, sau khi sinh 2 con. Hiện nay, tôi 35 tuổi. Xin hỏi BS tôi có thể tiếp tục uống Regulon hay không và uống đến khi nào?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Regulon là thuốc tốt mà rất nhiều chị em phụ nữ sử dụng. Regulon là thuốc viên tránh thai kết hợp, nếu trước đây bạn đã dùng và thấy phù hợp, hiệu quả thì đến thời điểm hiện tại bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng.

Tôi luôn khuyến khích chị em sử dụng thuốc viên tránh thai kết hợp và Regulon là lựa chọn tốt cho nhữngngười phụ nữ khỏe mạnh, không có tiền sử hay yếu tố nguy cơ tạo huyết khối.

Trương Thị Hồng Phương - An Giang

Thưa bác sĩ, tôi đang bị u xơ tử cung, nếu tôi sử dụng que thánh thai liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Que tránh thai là phương pháp ngừa thai trong đó chỉ có progestin.

U xơ tử cung lại là một dạng bướu đặc biệt lệ thuộc vào nội tiết tố nữ estrogen và progestin lại đối kháng với estrogen.

Vì vậy chị em phụ nữ vẫn có thể sử dụng que cấy tránh thai nội tiết cấy trong da.

Hà Mai - Q.5, TPHCM

Thưa bác sĩ, vợ chồng cháu đã có 2 bé và hoàn toàn không muốn có thêm con nữa. Cháu đang cân nhắc 3 biện pháp là uống thuốc hàng ngày, cấy que và đặt vòng. Bác sĩ có thể tư vấn cho cháu biện pháp nào tốt hơn trong trường hợp của cháu không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Đối với đặt vòng, nếu các bạn có điều kiện và kiến thức thì đó là ưu tiên cuối cùng.

Hai biện pháp ngừa thai nội tiết còn lại cần xem xét người phụ nữ có tính kỷ luật hay không. Bởi khi uống thuốc viên tránh thai kết hợp phải uống mỗi ngày, bắt buộc người phụ nữ không được quên thuốc hoặc nếu quên phải uống liền khi nhớ ra.

Trường hợp đã quên 2 viên thì phải uống hết vỉ đó nhưng đồng thời sử dụng thêm biện pháp ngừa thai khác như bao cao su. Bên cạnh đó phải uống thuốc đúng giờ, ví dụ như 9h sáng nay uống mà tới 9h tối mai uống là không được.

Thuốc viên tránh thai kết hợp với liều rất nhỏ và có hiệu quả ngừa thai cao thì đó vẫn là lựa chọn cao nhất hiện nay, vì bên cạnh ngừa thai còn giúp đẹp dáng, đẹp da, đỡ đau nhức đầu.

So với que ngừa thai cấy trong da thì không cần các bạn có tính kỷ luật bởi que đã nằm trong người, mỗi ngày nó sẽ phóng thích vào trong máu một lượng progesterone đủ ức chế rụng trứng. Nhưng nhược điểm là rong kinh, rỉ máu âm đạo. Nếu muốn dừng biện pháp ngừa thai này thì phải làm một tiểu phẫu nhỏ, nghĩa là rạch da và lấy que ra ngoài.

Một số chị em phụ nữ không có điều kiện tài chính nên mỗi tháng có thể bỏ ra một số tiền vừa đủ để dùng thuốc, nhưng que cấy tránh thai sẽ phải chi số tiền lớn hơn trong một lần. Giá thị trường hiện tại của que cấy tránh thai là 1,5 - 2 triệu. Đôi khi hạn sử dụng vài năm nhưng trong khi sử dụng chị em thấy khó chịu, không phù hợp cơ địa và lấy ra thì rất phí.

Tóm lại, nếu đặt theo thứ tự ưu tiên thì thứ nhất vẫn là thuốc viên tránh thai kết hợp, thứ hai là que cấy tránh thai và cuối cùng là dụng cụ tử cung.

Ngọc Anh Đặng - danganh45…@gmail.com

Con năm nay 33 tuổi mới sinh mổ bé lần 2, lần 1 con cũng sinh mổ. Bé thứ 2 được 10 tháng rồi ạ. Con muốn đặt vòng tránh thai nhưng nhiều người bảo không nên đặt vì con sinh mổ 2 lần. Xin hỏi bác sĩ sau sinh mổ con nên chọn phương pháp nào thì tốt hơn ạ?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Chúng ta không có khuyến cáo mổ lấy thai 2 lần là không được đặt vòng, thật ra mổ mấy lần đặt vòng cũng được.

Đối với việc nên uống thuốc viên tránh thai hay đặt vòng, các bạn nên cân nhắc điều kiện tài chính, tính kỷ luật của người phụ nữ và đặc biệt có viêm nhiễm hay không.

Ví dụ đó là người hay viêm nhiễm, hay tiết dịch và từng bị áp xe phần phụ hoặc viêm phần phụ thì không nên đặt vòng mà nên lựa chọn thuốc viên tránh thai kết hợp.

Lê Thị Thanh An - Đà Nẵng

Em năm nay 28 tuổi. Em mới dùng thuốc ngừa thai hàng ngày được 6 tháng nhưng bị tăng cân và nổi mụn. Em nghe nói uống loại thuốc ngừa thai Rosina có thể giúp giảm cân và giảm mụn. Thưa BS, em có thể đổi sang dùng thuốc Rosina hay không?

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi trả lời:

Rosina là một biệt dược của một nhóm thuốc ngừa thai có công thức ethinylestradiol phối hợp với drospirenone. Drospirenone là một progesterone có dẫn xuất từ spironolactone và có tính ưu việt hiện nay là kháng mineralocorticoid (antimineralocorticoid). Những thế hệ về sau này càng ưu việt, do đó giúp cho người phụ nữ không tăng cân, không giữ nước, không giữ muối, giúp da mịn màng, không có mụn trứng cá.

Vì vậy, nếu thuốc ngừa thai trước đây các bạn sử dụng nhưng thấy rằng có những nhược điểm đó thì nay chúng ta có thêm lựa chọn mới là Rosina phù hợp cho tất cả nguyện vọng của chị em phụ nữ là ngừa thai đạt hiệu quả tối ưu đồng thời giữ vóc dáng đẹp.

Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2020, AloBacsi phối hợp với Công ty TNHH Dược Kim Đô mở chuyên đề Cách tránh thai hiệu quả. BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi sẽ trực tiếp tư vấn và giải đáp. Nếu khán giả có thắc mắc nào xin mời gửi câu hỏi qua website AloBacsi.vn, địa chỉ email kbol@alobacsi.vn hoặc Inbox câu hỏi qua Fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X