Hotline 24/7
08983-08983

Blouse trắng thầm lặng

Họ là những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý... gắn bó nhiều năm trong nghề. Với họ, đã khoác trên mình chiếc áo blouse trắng thì phải biết hi sinh.

Chương trình giao lưu “Thầy thuốc như mẹ hiền năm 2011” tại hội trường Cung Văn hóa Lao động TPHCM sáng 22-2, nhân kỷ niệm 56 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2011), diễn ra thật trang trọng, ấm cúng.

Đem lại hi vọng sống cho người bệnh

4 gương mặt trong số hơn 100 y - bác sĩ được Công đoàn ngành y tế TP.HCM mời giao lưu là những thầy thuốc có thâm niên trong nghề với nhiều thành tích nổi bật trong hoạt động khám, chữa bệnh, gồm: TS-BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc BV Nhi Đồng 2 (TPHCM); nữ hộ sinh Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng khoa Khám bệnh BV Từ Dũ; BS Nguyễn Thị Hằng, Trưởng trạm y tế phường 7, quận 6 và hộ lý Lê Thị Ngọc Hạnh, khoa Hồi sức Chống độc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Mỗi người mỗi chuyên môn, công việc khác nhau nhưng cùng chung một nhiệm vụ là chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Các thầy thuốc giao lưu tại chương trình “Thầy thuốc như mẹ hiền năm 2011”

TS-BS Hà Mạnh Tuấn đã chia sẻ những khó khăn vốn có của một bệnh viện nhi tuyến đầu. Tuy nhiên, nhờ không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiên cứu, triển khai kỹ thuật cao, áp dụng quản lý tiên tiến... nên chất lượng điều trị phục vụ người bệnh được nâng cao.

Hộ lý Lê Thị Ngọc Hạnh thì không giấu những đặc thù nguy hiểm trong nghề nghiệp của mình. Đối với chị, đây là công việc âm thầm và luôn đối mặt với những căn bệnh nguy hiểm như lao, AIDS...

Ít ai biết rằng đã 20 năm gắn bó với nghề, bản thân chị vẫn đơn chiếc trong một gia đình có mẹ già thường xuyên đau ốm và người em bị bệnh tim bẩm sinh. Vượt lên nỗi hiu quạnh của bản thân, chị đã đem lại hi vọng sống và chia sẻ trách nhiệm của mình cho người bệnh.

Cái nắm tay “bén duyên”

Sở Y tế TPHCM đã quyết định tặng danh hiệu Thầy thuốc như mẹ hiền năm 2011 cho 124 cá nhân.

Người làm cả hội trường ngập tràng tiếng vỗ tay chia sẻ hạnh phúc tại buổi giao lưu là BS Nguyễn Thị Hằng. Chị nghẹn ngào khi kể về câu chuyện đầy xúc động cách nay 7 năm. Tốt nghiệp Học viện Quân y Hà Nội năm 2005, Nguyễn Thị Hằng theo chồng vào TPHCM lập nghiệp.

Ngày đầu tiên nhận nhiệm sở tại Trạm Y tế phường 7, quận 6, chị khám bệnh cho một ông cụ 70 tuổi, hành nghề đạp xích lô. Khi khám xong, ông cụ cầm tay chị nói một câu mà suốt đời chị không thể nào quên: “Bác sĩ có đầu óc và đôi bàn tay, hãy ở lại với dân nghèo chúng tôi”.

Vì câu nói và cái nắm tay chân tình đó, chị đã ở lại rồi “bén duyên” với trạm y tế cho tới nay. Sau khi được đề bạt lên làm lãnh đạo Trạm Y tế phường 7, BS Hằng đã xây dựng nơi đây thành đơn vị điển hình về những hoạt động chăm sóc sức khỏe tuyến quận.

Còn nữ hộ sinh Nguyễn Thị Kiều Oanh đã cho thấy sự đam mê nhiệt huyết với nghề y. Khi còn học phổ thông, chị mơ ước sẽ làm nghề này. Vào ngành, chị không ngần ngại lên cao nguyên hiu hắt để công tác. “Chính nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng những khó khăn, thiếu thốn đã trui rèn y đức của tôi” - chị Oanh bày tỏ.

Nuôi giữ ngọn lửa đam mê

Được tôn vinh nhưng các thầy thuốc cho biết trong họ vẫn còn nhiều trăn trở.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng cho biết lĩnh vực y tế dự phòng khá nặng nề, là “chiến trường không tiếng súng”.

Mạng lưới y tế dự phòng ở khắp các quận, huyện luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

“Chỉ có người biết hi sinh mới trụ lại được” – bác sĩ Hằng nói. Theo bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, để xứng đáng với câu “Lương y như từ mẫu”, không gì hơn là phải phấn đấu và nuôi giữ ngọn lửa đam mê.

Theo Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X