Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viện đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn “bạch kim” về điều trị đột quỵ

Ngày 29/10/2021, Đại diện Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) đã trao chứng nhận Bạch Kim cho Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Đây là một giải thưởng danh giá của WSO dành cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ đạt 7 tiêu chí khắt khe.

Đây là một sự kiện đặc biệt, bởi chứng nhận Bạch Kim được trao cho Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đúng Ngày Đột quỵ Thế giới (29/10). Thông tin này cũng đã cập nhật trên trang web https://www.angels-initiative.com/angels-awards/wso-award-winners của Hội Đột quỵ Thế giới.

Thầy thuốc nhân dân, GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam

Thầy thuốc nhân dân, GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam có mặt tại hội nghị chia sẻ niềm vui với S.I.S Cần Thơ: “Đây là sự kiện ý nghĩa, khi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ được trao chứng nhận trong ngày Đột quỵ Thế giới. Là bệnh viện chuyên sâu đột quỵ đầu tiên tại Việt Nam, trong những năm qua, Bệnh viện đã không ngừng phấn đấu để phát triển mọi mặt, từ chuyên môn đến trang thiết bị hiện đại.

Bệnh viện được xem là một điểm sáng trong lĩnh vực cấp cứu và điều trị đột quỵ Việt Nam. Trong thời gian tới, hy vọng bệnh viện sẽ giữ vững được danh hiệu cao quý này và tiếp tục phát triển hơn nữa, giúp đưa bệnh nhân bị đột quỵ quay trở lại cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, đồng thời giúp giảm thiểu tử vong và di chứng cho người bệnh đột quỵ”.

Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM trao chứng nhận và gửi lời chúc mừng đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ và TS.BS Trần Chí Cường. Ông cho biết: “Hiếm có một bệnh viện tư nhân được trao chứng nhận Bạch kim này, trong khi trước đây đa phần đều trao cho các bệnh viện công lập. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận, cho thấy bệnh viện đạt tiêu chuẩn cấp cứu, điều trị đột quỵ với các bệnh viện trên thế giới”.

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng trao chứng nhận Bạch kim của WSO cho Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Kênh truyền thông AloBacsi chúc mừng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đạt tiêu chuẩn Bạch kim trong điều trị đột quỵ

Hiện nay WSO có ba mức vinh danh là Vàng, Bạch kim, Kim cương. Theo đó, để đạt được chứng nhận Bạch kim này, bệnh viện phải đáp ứng 7 tiêu chí gắt gao từ WSO như quy trình tiếp nhận, can thiệp, cứu sống bệnh nhân đột quỵ.

Những tiêu chí đều xuất phát từ các kết quả nghiên cứu khoa học trong điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ. Được biết, quy trình này được xem xét bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế. Ủy ban về đơn vị đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.

Điều khó nhất để đạt chuẩn Bạch kim trong đột quỵ là phải đảm bảo thời gian. Trong đó, khuyến cáo phải đạt 75% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch được thực hiện trong vòng 60 phút khi nhập viện, 75% bệnh nhân can thiệp tái thông được bắt đầu chọc kim can thiệp dưới 120 phút.

Cho đến nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ không ngừng cố gắng cải thiện chất lượng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Đây là cơ sở y tế đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn này trong điều trị đột quỵ.

Ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ: “Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu, có khuynh hướng gia tăng nên nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Qua các con số báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ chứng minh tính hiệu quả của việc cấp cứu đột quỵ ngàng càng được nâng cao, so với việc phải di chuyển đến TPHCM như trước đây.

Để đạt được tỷ lệ bệnh nhân đến trong “giờ vàng” cao, đó là nhờ vào việc bệnh viện đặt tại vị trí thuận lợi ở Cần Thơ, kết nối với các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, được đầu tư trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ cho Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ còn đồng hành cùng TP trong công tác phòng chống dịch bệnh, tặng 500 máy SPO2 cho các bệnh viện dã chiến TP Cần Thơ và tổ chức tiêm vắc xin. Trong lương lai, hy vọng bệnh viện sẽ phát triển hơn nữa, tăng cường công tác kết nối, chuyển giao công nghệ, phối hợp xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ cho ĐBSCL”.

Ông Dương Tấn Hiển lãnh đạo TP Cần Thơ gửi lời chúc mừng và kỳ vọng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tiếp tục phát triển năng lực chuyên môn, tăng cường kết nối, chuyển giao công nghệ để góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong và di chứng cho bệnh nhân đột qụy

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, Chủ tịch Liên chi Hội Can thiệp thần kinh TPHCM khẳng định: “Chứng nhận Bạch kim là thành tựu ý nghĩa, đánh dấu một mốc phát triển quan trọng của bệnh viện. Điều này có nghĩa rằng, việc mà chúng ta đang làm cho bệnh nhân bị đột quỵ giống như một trung tâm đột quỵ ở châu Âu hoặc một nơi nào đó trên thế giới đang làm cho bệnh nhân của họ. Bởi tiêu chuẩn mà chúng ta đạt được là tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe của thế giới.

Đây là kết quả của quá trình nỗ lực với sự đoàn kết, phối hợp giữa nhiều cá nhân và nhiều khoa, phòng trong bệnh viện, nhất là trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Qua đó khẳng định uy tín của Bệnh viện không chỉ trong nước mà cả trên thế giới”.

Thay mặt cho bệnh viện, TS.BS Trần Chí Cường cho biết, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân đột quỵ, phấn đấu đến giải thưởng cao nhất theo bộ tiêu chí của WSO - Giải thưởng Kim Cương và góp phần xây dựng bệnh viện vươn tầm đẳng cấp quốc tế.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (Can Tho Stroke International Service Hospital) được chứng nhận “Đơn vị đạt tiêu chuẩn Bạch Kim trong điều trị đột quỵ”

Gia tăng người dưới 40 tuổi đột quỵ; COVID-19 ảnh hưởng đến “thời gian vàng” điều trị

Trao đổi bên lề tại buổi lễ trao chứng nhận, TS.BS Trần Chí Cường cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động cho đến cuối tháng 9/2021, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã khám, điều trị cho gần 169.000 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 71.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị vì đột quỵ. Tính riêng trong năm 2020, bệnh viện tiếp nhận 71.832 lượt bệnh nhân, trong đó gần 26.500 lượt bệnh nhân đến vì đột quỵ.

Số bệnh nhân mắc mới đột quỵ đến bệnh viện tính đến hiện tại là hơn 6.990 bệnh nhân, trong đó nhồi máu não chiếm 75% và 25% xuất huyết não. Đáng lo hơn là số lượng bệnh nhân đến trong “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ đang chậm lại trong mùa dịch COVID-19. Năm 2020 có 23% bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong thời gian vàng (trước 6 giờ); trong khi đó đến tháng 9/2021, tỷ lệ thời gian vàng chỉ có 19%.

TS.BS Trần Chí Cường cho biết: “Đây là thay đổi đáng lo. Thời gian vừa qua, chúng tôi liên tục cấp cứu những trường hợp đột quỵ quá nặng đến trễ giờ vàng làm cho gia tăng tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân, việc cấp cứu, điều trị khó khăn hơn rất nhiều”.

Theo thống kê về sự tương quan giữa đột quỵ và tuổi tại bệnh viện cho thấy, trong số các bệnh nhân mắc mới số bệnh nhân dưới 65 tuổi chiếm đến 58% (tỷ lệ này không giảm đi kể từ năm 2020 đến nay), nhưng đáng lưu ý là tỷ lệ đột quỵ ở bệnh nhân dưới 40 tuổi có dấu hiện tăng lên từ 3,1% (năm 2020) lên 4,9% (9 tháng đầu năm 2021).

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng. Bệnh viện ghi nhận có sự thay đổi đáng kể về vấn đề nhận thức và vận chuyển, tiếp cận bệnh nhân đột quỵ trong giai đoạn đại dịch COVID-19 có khuynh hướng không tốt, vì đa số bệnh nhân đến bệnh viện trong “cửa sổ giờ vàng” đang giảm đi.

Vì vậy, Chủ tịch Liên chi Hội Can thiệp thần kinh TPHCM khuyến cáo, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động đến nhiều hoạt động của cộng đồng, chúng ta cần ghi nhớ những dấu hiệu để cảnh báo đột quỵ như là dấu hiệu mặt méo, tay chân yếu liệt, nói khó nói đớ - Đây là 3 dấu hiệu rất dễ nhận ra.

“Người dân cần cảnh giác, nếu chẳng may trong gia đình người thân hoặc chúng ta thấy ai đó có những triệu chứng như trên thì hãy nhanh chóng gọi đến tổng đài 1800.1115 của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để các nhân viên tư vấn và đưa bệnh nhân đi cấp cứu đột quỵ kịp thời. Tránh để tình trạng "trễ giờ vàng” làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như tiên lượng phục hồi, nguy cơ tử vong của bệnh nhân sẽ gia tăng trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân đến muộn sau 6 giờ” - TS.BS Trần Chí Cường cho biết.

7 tiêu chí chuẩn "bạch kim" trong điều trị đột quỵ:

- Tối thiểu 75% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch được thực hiện trong vòng 60 phút khi nhập viện.

- Tối thiểu 75% bệnh nhân can thiệp tái thông được bắt đầu chọc kim can thiệp dưới 120 phút.

- Tối thiểu 15% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được tái thông.

- Tối thiểu 85% bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CT hoặc MRI.

- Tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ được tầm soát rối loạn nuốt.

- Tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị dự phòng với thuốc chống ngưng tập tiểu cầu.

- Tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ có liên quan tới rung nhĩ được điều trị dự phòng bằng thuốc chống đông.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X