Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viêm cột sống dính khớp có chữa được không?

Nghiên cứu cho thấy nam giới có tỷ lệ viêm cột sống dính khớp gấp 2 - 3 lần so với nữ giới. Vậy, làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ tàn phế do viêm cột sống dính khớp? Liệu có thể chữa khỏi và phòng ngừa bệnh lý này? Tất cả thắc mắc đã được ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch giải đáp trong bài viết sau.

1. Viêm cột sống dính khớp là gì?

BS có thể giải thích viêm cột sống dính khớp là gì và thường gặp ở độ tuổi nào? Một số tài liệu cho thấy là tỷ lệ nam gặp tình trạng này nhiều hơn nữ 2 - 3 lần, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh viêm cột sống dính khớp nằm trong nhóm bệnh viêm khớp cột sống. Nhóm bệnh viêm khớp cột sống gồm có 2 thể: thể chuyên tổn thương những khớp trong cột sống (viêm cột sống dính khớp) và thể gây tổn thương những khớp ngoại biên như tay, chân (viêm khớp cột sống thể ngoại biên).

Bệnh viêm cột sống dính khớp là một tình trạng rối loạn miễn dịch dẫn đến viêm gân dây chằng nó bám ở xung quanh cột sống. Theo đó, tình trạng viêm mãn tính khiến cho vùng cột sống bị cứng lại không thể vận động được.

Người ta thấy rằng bệnh này thường gặp ở người trẻ, 80% trường hợp bệnh khởi phát ở người dưới 30 tuổi, hơn 90% khởi phát ở người dưới tuổi 45.

Đặc biệt, bệnh này xảy ra ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Hiện, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được lý do vì sao nam giới lại mắc bệnh nhiều hơn. Tuy nhiên, người ta thấy rằng nam giới có tần suất mắc bệnh gấp 2 - 3 lần so với nữ giới.

2. Yếu tố nào thúc đẩy tình trạng viêm cột sống dính khớp?

Nguyên nhân và những thói quen, yếu tố nào trong cuộc sống làm thúc đẩy tình trạng này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Các nghiên cứu cho thấy, viêm cột sống dính khớp có liên quan đến gen. Trong đó, những người mang gen HLA-B27 trong người sẽ có tỷ lệ mắc bệnh viêm cột sống dính khớp gấp 10 lần so với người bình thường.

Tuy nhiên, không phải ai có gen này cũng bị bệnh hết. Chính vì thế, bạn không nhất thiết phải đi tầm soát gen này. Theo các nghiên cứu, trong 100 người có gen HLA-B27 thì chỉ có 5 người mắc bệnh này. Như vậy, sẽ có khoảng 95% người có gen HLA-B27 là không mắc bệnh viêm cột sống dính khớp.

Những người có gen HLA-B27, khi gặp một số vấn đề như stress, nhiễm trùng sẽ dẫn đến tình trạng hệ miễn dịch bị rối loạn, từ đó sinh ra những kháng thể gây viêm những mô như: viêm gân, viêm dây chằng, viêm những điểm bám gân và viêm khớp. Ngoài ra, phản ứng này cũng có thể gây tổn thương những mô khác như mắt, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột.

Đặc biệt, hiện tượng này còn dẫn đến tình trạng viêm gân và những mô xung quanh cột sống, hay còn gọi là vôi hóa. Theo đó, hiện tượng vôi hóa sẽ làm cho cột sống cứng lại và không thể cử động được.

3. Viêm cột sống dính khớp gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?

Viêm cột sống dính khớp thường diễn tiến trong mấy giai đoạn? Nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể gặp những biến chứng gì, thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Viêm cột sống dính khớp diễn tiến rất chậm. Thông thường, bệnh nhân không phát hiện được bệnh ở giai đoạn đầu cho đến khi xuất hiện triệu chứng cột sống bị cứng, không thể xoay cổ, lưng hay cúi ngửa được.

Ngoài ra, bệnh còn gây ra những biến chứng khác như gia tăng nguy cơ gãy xương đốt sống do cột sống bị cứng. Bên cạnh đó, viêm cột sống dính khớp còn có liên quan đến tình trạng loãng xương, cứng khớp ở lồng ngực, từ đó làm hạn chế mức độ hoạt động của lồng ngực. Bệnh cũng có thể gây ra những tổn thương ở mắt hoặc viêm ruột.

Người ta thấy rằng, viêm cột sống dính khớp ít trực tiếp gây tử vong, tuy nhiên nó có thể gây tử vong gián tiếp. Nghiên cứu cho thấy, khi mắc bệnh này, người bệnh sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch lên đến 20%.

4. Dấu hiệu gì giúp nhận biết viêm cột sống dính khớp?

Những dấu hiệu nào nhận biết được bản thân đang gặp phải tình trạng này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Biểu hiện thường gặp nhất của bệnh viêm cột sống dính khớp là đau lưng, trong chuyên môn gọi là đau lưng kiểu viêm. Cụ thể, đây tình trạng đau lưng mãn tính, tức kéo dài trên 3 tháng. Đặc biệt, người bệnh thường bị đau lưng nhiều về ban đêm hoặc sáng sớm.

Đối với đau lưng thông thường, khi chúng ta nằm xuống hoặc sau khi ngủ dậy sẽ đỡ đau hơn. Tuy nhiên, đối với đau lưng kiểu viêm, bệnh nhân lại có biểu hiện đau lưng vào sáng sớm, cột sống có cảm giác cứng sau khi thức dậy. Đó là biểu hiện thường gặp nhất của tình trạng viêm cột sống dính khớp.

Ngoài ra, bệnh viêm cột sống dính khớp còn có một số biểu hiện khác ít gặp hơn như: viêm những khớp ngoại biên hoặc đau gân gót. Đau gân gót là do tình trạng viêm gân bệnh viêm cột sống dính khớp gây ra. Một số trường hợp có thể có biểu hiện ở mắt, ví dụ như đỏ mắt, đau mắt do tình trạng viêm màng bồ đào ở mắt. Một số trường hợp khác còn có triệu chứng tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa kéo dài.

5. Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp bằng những xét nghiệm nào?

Những xét nghiệm nào giúp chẩn đoán chính xác nhất căn bệnh này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Sau khi thăm khám, hỏi bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm một số xét nghiệm. Ngoài các xét nghiệm thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm thêm xét nghiệm kiểm tra tình trạng viêm của cơ thể và xét nghiệm tìm gen HLA-B27 bởi 90% những người bị viêm cột sống dính khớp có mang trong người gen này.

Về mặt hình ảnh học, bác sĩ có thể cho bệnh nhân chụp X-quang khớp vùng chậu. Tuy nhiên, X-quang chỉ giúp phát hiện khi bệnh đã diễn tiến lâu và ở giai đoạn có thể không thấy được. Do đó, nếu chụp X-quang thấy vùng chậu vẫn bình thường nhưng bác sĩ còn nghi ngờ có thể yêu cầu bệnh nhân chụp cộng hưởng từ khớp vùng chậu để chẩn đoán xác định.

6. Điều trị viêm cột sống dính khớp ra sao?

Hiện tại có những phương pháp nào điều trị viêm cột sống dính khớp? Bên cạnh đó, việc tập phục hồi chức năng và tập vật lý trị liệu có tác động hỗ trợ như thế nào đối với bệnh nhân, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Hiện, có 2 phương pháp điều trị viêm cột sống dính khớp, bao gồm dùng thuốc và không dùng thuốc.

Đối với viêm cột sống dính khớp, việc dùng thuốc là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Phương pháp điều trị bằng dùng thuốc bao gồm 2 nhóm: giảm đau đơn thuầnđiều trị đúng bệnh.

Đặc biệt, việc điều trị viêm cột sống dính khớp còn có dùng nhóm thuốc kháng viêm không steroid - nhóm thuốc quen thuộc thường sử dụng để điều trị tình trạng viêm hoặc hạ sốt.

Đối với những bệnh khác, nhóm thuốc này chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng. Song, đối với viêm cột sống dính khớp, nghiên cứu cho thấy nhóm thuốc kháng viêm không steroid ngoài tác dụng giảm triệu chứng giảm viêm thì còn có thể hạn chế hoặc ngăn ngừa tình trạng cứng, vôi hóa cột sống.

Vì vậy, nhóm thuốc kháng viêm không steroid có thể coi như nhóm thuốc điều trị cơ bản chứ không phải thuốc giảm đau đơn thuần nữa. Vì vậy, trong những khuyến cáo trên thế giới, người ta vẫn lựa chọn nhóm thuốc kháng viêm này đầu tiên.

Tuy nhiên, thuốc kháng viêm không steroid có khá nhiều tác dụng phụ. Do đó, mặc dù thuốc rẻ tiền, khá thân thuộc và hiệu quả nhưng nếu sử dụng lâu dài để điều trị cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng như loét dạ dày, thậm chí xuất huyết tiêu hóa và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim và đột quỵ). Vì vậy, khi sử dụng những thuốc này, chúng ta cũng phải cẩn thận.

Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với những thuốc này, bác sĩ sẽ chuyển qua nhóm thuốc sinh học như tiêm hoặc truyền để ức chế những chất gây viêm trong cơ thể. Thuốc sinh học hiệu quả tốt và ít tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, thuốc sinh học lại khá đắt tiền và phải sử dụng bằng đường tiêm. Hiện nay, có rất là nhiều chế phẩm mà bệnh nhân có thể tiêm mỗi tuần, mỗi 2 tuần hoặc truyền mỗi 2 tháng.

Thuốc sinh học được đánh giá là tốt hơn nhưng cũng gây ra tác dụng phụ là làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, đó cũng là lý do mà người ta vẫn xếp thuốc này ở hàng thứ hai. Nhiều trường hợp bệnh nhân không tử vong vì viêm cột sống dính khớp mà là do nhiễm trùng. Vì vậy, chúng ta cũng nên cẩn thận khi dùng thuốc sinh học để điều trị.

Phương pháp điều trị không dùng thuốc cũng rất quan trọng vì bệnh viêm cột sống dính khớp gây ra tình trạng vôi hóa làm cứng cột sống và các khớp. Theo đó, việc tập vật lý trị liệu để giữ cho cột sống và khớp không bị cứng là cực kỳ quan trọng.

Ngoài ra, người bệnh cần chú ý không kê gối cao khi ngủ vì nếu chẳng may cột sống bị dính cứng từ tư thế ngủ cao sẽ khiến cho người bệnh luôn cúi đầu xuống và không thể nhìn thẳng được.

Có một số bài tập vật lý trị liệu giúp bệnh nhân luyện tập tại nhà. Do viêm cột sống dính khớp là bệnh mãn tính nên việc bệnh nhân duy trì tập vật lý trị liệu tại các cơ sở y tế hoặc bệnh viện khá khó khăn.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân nên đi tập vật lý trị liệu ở cơ sở y biết được cách tập như thế nào cho đúng, giúp hạn chế những tình trạng như chấn thương cột sống. Sau khi được hướng dẫn kỹ những bài tập đó, người bệnh thường phải tập luyện tập ở nhà để hạn chế tình trạng dính cứng cột sống và các khớp.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, bệnh nhân nên hạn chế để cho bản thân quá stress và ngưng hút thuốc lá. Bởi stress có thể làm trầm trọng hơn tình trạng viêm cột sống dính khớp. Thậm chí, một số trường hợp stress còn làm khởi phát bệnh, tức bệnh nhân mang gen HLA-B27 nếu bị stress nặng sẽ dẫn đến tình trạng viêm cột sống dính khớp.

Phẫu thuật là phương pháp chỉ giúp điều trị biến chứng với những trường bệnh nhân bị dính cứng các khớp, đặc biệt là khớp háng khiến cho việc di chuyển khó khăn.

Với trường hợp bệnh nhân bị cột sống cây tre (kết quả chụp X-quang cho thấy thì từng đốt xương dính với nhau do những cầu xương bắt từ đốt sống này qua đốt sống kia tạo thành hình giống như cây tre), bác sĩ có thể phẫu thuật bằng cách cắt xương để giải phóng những đốt sống giúp gia tăng mức độ vận động cột sống cho bệnh nhân.

7. Người bệnh viêm cột sống dính khớp cần lưu ý gì khi tập thể dục?

Người bệnh viêm cột sống dính khớp nên tập luyện, vận động thể dục thể thao như thế nào và cần tránh những bài tập gì, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Viêm cột sống dính khớp sẽ làm gia tăng nguy cơ gãy xương đốt sống khi luyện tập nặng. Thật ra, ở giai đoạn sớm, người bệnh vẫn có thể tập thể dục và chơi tất cả các môn thể thao.

Ở giai đoạn muộn hơn, khi bệnh nhân đã có tình trạng cứng cột sống thì nên hạn chế những môn có thể gãy cây chấn thương như boxing, tập võ, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ hoặc những môn thể thao đối kháng. Với những môn không có va chạm thì bệnh nhân vẫn có thể tập được.

Trong các bài tập, người bệnh nên hạn chế những động tác cúi quá mức, đặc biệt là động tác cúi có lực như tập tạ vì người bị viêm cột sống dính khớp ở giai đoạn muộn rất dễ bị gãy cột sống.

8. Làm sao để hạn chế nguy cơ tái phát viêm cột sống dính khớp?

Sau khi điều trị thành công, nguy cơ tái phát viêm cột sống dính khớp có cao không và làm thế nào để người bệnh có thể hạn chế thấp nhất nguy cơ tái phát bệnh, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Một điều đáng tiếc tỷ lệ lui bệnh đối với viêm cột sống dính khớp là rất thấp, chỉ khoảng 10%. Vì tình trạng này liên quan đến gen, vấn đề di truyền và hệ miễn dịch của người bệnh nên phần lớn trường hợp phải dùng thuốc gần như suốt đời.

Tuy nhiên, ngay cả khi bệnh nhân đã lui bệnh rồi thì vẫn phải rất cẩn thận, tránh gây ra tình trạng nhiễm trùng, stress hoặc chấn thương.

9. Tầm soát viêm cột sống dính khớp ra sao?

Bệnh viêm cột sống dính khớp nên được tầm soát như thế nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Mặc dù bệnh viêm cột sống dính khớp có khả năng di truyền nhưng không phải trường hợp cha mẹ mắc bệnh thì con cũng bị. Song, nếu có cha mẹ mắc bệnh thì bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn rất nhiều lần so với người bình thường.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người ta cũng không khuyến cáo cần phải tầm soát viêm cột sống dính khớp. Bởi dù có tầm soát phát hiện ra gen di truyền rồi thì chúng ta cũng không có biện pháp nào ngăn ngừa một cách triệt để, ngoài việc hạn chế tình trạng chấn thương, stress hoặc nhiễm trùng.

10. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm cột sống dính khớp?

Như BS đã chia sẻ ở những phần đầu của chương trình, viêm cột sống dính khớp để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vậy có cách nào giúp phòng ngừa bệnh lý này không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có thể nói, việc phòng ngừa căn bệnh này là rất khó. Các nghiên cứu cho thấy, những tình trạng chấn thương (do chơi thể thao) hoặc nhiễm trùng, (nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu) là những yếu tố làm cho bệnh lý viêm cột sống dính khớp khởi phát. Mặc dù không thể phòng ngừa 100% nhưng chúng ta nên tránh những tình trạng đó càng nhiều càng tốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X