Bệnh thận mạn không thể phục hồi nhưng có thể kéo dài thời gian diễn tiến đến giai đoạn cuối
Bệnh thận mạn khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nhưng BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết, có thể lựa chọn các phương pháp điều trị nhằm làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, hạn chế bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối phải điều trị thay thế.
1. Suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận
Xin hỏi BS, suy thận được chia làm bao nhiêu giai đoạn? Đặc điểm của thận ở các giai đoạn khác nhau như thế nào?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Suy thận được chia thành 5 giai đoạn. Bệnh ở giai đoạn 1, 2 được xem là phát hiện sớm. Giai đoạn 3A vẫn chưa có triệu chứng, thường bệnh nhân sẽ được phát hiện ở giai đoạn 3B.
Giai đoạn 4, bệnh nhân cần được lọc máu và bệnh nhân ở giai đoạn 5 cần điều trị thay thế thận.
Có những phương pháp nào để điều trị suy thận, thưa BS? Nguyên tắc điều trị suy thận mạn là gì?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị suy thận. Bệnh nhân từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 4, việc điều trị nhằm duy trì chức năng thận và giảm bớt các biến chứng.
Ở giai đoạn 5 bắt đầu phải điều trị thay thế thận.
Trong 5 giai đoạn vừa nêu, phát hiện bệnh từ giai đoạn nào thì thận có khả năng phục hồi tốt nhất?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Phát hiện càng sớm, việc điều trị càng hiệu quả. Ở những giai đoạn sau, việc điều trị bị hạn chế. Do không tìm ra nguyên nhân, việc dùng thuốc để duy trì chức năng thận cũng gặp nhiều khó khăn.
2. Có thai khiến chức năng thận của bệnh nhân suy thận càng xấu hơn
Phụ nữ trẻ mắc bệnh thận mạn có ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con không, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Bệnh nhân suy thận mạn khó có thai, khả năng sảy thai cao hơn. Việc có thai cũng ảnh hưởng đến thận, khiến chức năng thận bị xấu đi và các biến chứng nặng hơn.
Vì vậy, bệnh nhân nên ghép thận trước, sau đó một thời gian mới có thai.
3. Dùng thuốc bừa bãi khiến bệnh suy thận trở nên nặng hơn
Hiện nay, những rào cản nào đang ảnh hưởng đến kết quả điều trị suy thận?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Vấn đề khiến các bác sĩ trăn trở là người dân đang sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc đông y không rõ nguồn gốc và không có chỉ định khiến tình trạng suy thận trở nên nặng hơn và bệnh nhân đến khám ở giai đoạn khá trễ.
Số lượng bệnh nhân suy thận ngày càng nhiều khiến việc tư vấn gặp nhiều khó khăn, thời gian tiếp xúc giữa bác sĩ với bệnh nhân chưa đủ để giải thích chi tiết.
4. Có thể dùng thuốc để duy trì chức năng thận trong một thời gian dài
Các bệnh nhân thường mắc phải nguyên nhân nào khiến tình trạng suy thận trở nên nặng hơn, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Các phương pháp điều trị suy thận ngày nay có hiệu quả khá tốt nếu có thể tìm được nguyên nhân và cải thiện từ chính nguyên nhân này.
Dùng thuốc phòng ngừa và giữ chức năng thận có thể giúp kéo dài chức năng thận trong một thời, gian, thậm chí tránh được tình huống phải chạy thận cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân đều cho rằng suy thận mạn không còn khả năng điều trị, dẫn đến việc bỏ lỡ thời gian vàng để chữa bệnh. Một sai lầm thường gặp nhất chính là sử dụng thuốc bừa bãi trong quá trình mang bệnh và chỉ đến gặp bác sĩ khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, khó có khả năng hồi phục.
5. Chưa thể kết hợp Đông - Tây y để bảo tồn chức năng thận
Nhiều người bệnh suy thận có mong muốn điều trị Đông - Tây y kết hợp. Xin hỏi BS, họ có thể đến đâu để được điều trị?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Trong Tây y, suy thận được định nghĩa thận mất khả năng lọc chất độc, thải nước, cân bằng kiềm toan và tạo máu. Nhưng đối với Đông y, suy thận được hiểu theo một cách hoàn toàn khác.
Do vậy, hiện tại vẫn chưa có sự kết hợp giữa Đông - Tây y để bảo tồn chức năng thận.
6. Cân nhắc nhiều yếu tố trước khi kết luận suy thận mạn
Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có hy vọng hồi phục không, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: “Giai đoạn cuối” là một điều ám ảnh đối với tất cả các bệnh nhân. Tuy nhiên, để kết luận suy thận mạn giai đoạn cuối, bác sĩ phải cân nhắc nhiều yếu tố, chẳng hạn suy thận tiến triển nhanh hay suy thận cấp chồng lên tình trạng suy thận mạn.
Nếu có thể tìm ra nguyên nhân và cải thiện từ nguyên nhân đó, tình trạng suy thận có khả năng phục hồi được.
Trong tình huống xấu, bệnh nhân quả thật có tình trạng suy thận giai đoạn cuối, có thể thực hiện các biện pháp như lọc máu, lọc màng bụng hay thay thế thận để giúp bệnh nhân trở về cuộc sống gần như bình thường.
6. Nhiều trường hợp phải chạy thận nhưng vẫn hồi phục hoàn toàn
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định có bệnh nhân mắc suy thận nặng nhưng kết quả điều trị tốt đẹp không? Nhờ BS chia sẻ thêm.
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Hiện tại, tỷ lệ người bệnh suy thận có thể hồi phục khá lớn, đa số nằm ở các bệnh nhân suy thận cấp và suy thận tiến triển.
Thường gặp nhất là các bệnh nhân lupus ban đỏ, bệnh nhân sử dụng độc tố, bệnh nhân bị tổn thương ống thận mô kẽ do sử dụng thuốc hoặc bệnh cầu thận IgA. Gần đây, các bệnh thận do giun sán cũng có khả năng hồi phục rất cao.
Ở một số bệnh nhân, ban đầu rất khó để xác định có thể điều trị được hay không do tình trạng suy thận cấp chồng lên tình trạng suy thận mạn. Có thể do việc dùng thuốc của người bệnh hoặc do độc tố trong cơ thể, dị ứng thuốc, giun sán. Nhiều trường hợp đã chạy thận trong khoảng 1 tháng nhưng vẫn hồi phục hoàn toàn.
Điều này đã đem lại niềm vui và hy vọng rất lớn cho bác sĩ cũng như những bệnh nhân khác.
8. Tiến bộ y học giúp tăng khả năng điều trị bệnh thận mạn hiệu quả hơn
BS có lời khuyên nào dành cho những bệnh nhân suy thận, giúp họ lạc quan hơn, có niềm tin hơn trong cuộc chiến chống lại bệnh tật?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Bệnh thận mạn không phải điều tốt đẹp nhưng cũng không phải là mất tất cả. Khả năng điều trị bệnh thận mạn ngày càng cao hơn.
Nếu bệnh nhân đến gặp bác sĩ kịp thời, phát hiện và điều trị bệnh từ sớm, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thận hiệu quả sẽ giúp bệnh chậm diễn tiến đến giai đoạn cuối hơn, tránh được khả năng phải điều trị thay thế thận.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình