Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn COVID-19

Chiều 27/8/2024, TPHCM chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố. Các chuyên gia cho biết, dù sởi không phải là bệnh truyền nhiễm mới, nhưng vẫn đủ độc và mạnh để gây ra các trận dịch lớn khi việc tiêm chủng vắc xin và các biện pháp phòng ngừa khác không được đảm bảo.

Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng gây dịch lớn

ThS.BS Nguyễn Đình Qui - Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh sởi không phải là bệnh truyền nhiễm mới, nhưng vẫn đủ độc và mạnh để gây ra các trận dịch lớn khi việc tiêm chủng vắc xin và các biện pháp phòng ngừa khác không được đảm bảo.

Trước khi có vắc xin phòng ngừa sởi vào năm 1963, 90% người lớn ở độ tuổi 20 đều đã từng bị bệnh sởi vì khả năng lây lan cực nhanh và kéo dài, hệ số lây nhiễm Ro của bệnh sởi rất cao, từ 12 - 18 (nghĩa là cứ 1 người bị bệnh có thể lây cho 12 - 18 người), cao hơn rất nhiều so với chỉ số Ro của bệnh COVID-19 là 2 - 5.

Theo BS.CK2 Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng gây dịch lớn. Siêu vi sởi lây qua dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc do tiếp xúc với nước bọt. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Vì là bệnh do siêu vi nên sởi có thể tự khỏi nếu không có biến chứng. Hiện nay, bệnh sởi đã xuất hiện nhiều nơi tại TPHCM và các tỉnh, thành.

BS.CK1 Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ, sởi có tốc độ lây lan rất nhanh và nếu tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đạt mức cần thiết, khả năng lây nhiễm sẽ rất cao. Chỉ cần 1 ca mắc sởi cũng có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm rộng trong cộng đồng, làm tăng khả năng bùng phát dịch bệnh. 

Sởi có chu kỳ bùng phát khoảng 4 - 5 năm/lần và để ngăn ngừa bệnh hiệu quả, cộng đồng cần đạt tỷ lệ miễn dịch ít nhất 95%. Nếu tỷ lệ miễn dịch chỉ tăng lên 5% mỗi năm, sau 4 - 5 năm, con số này sẽ trở nên đáng kể.

Tiêm chủng cộng đồng là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi

TS.BS Phạm Ngọc Thạch cho biết, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi. Việc chăm sóc nên tập trung vào việc giảm bớt các triệu chứng, giúp người bệnh thoải mái và ngăn ngừa các biến chứng. Tiêm chủng cộng đồng là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi.

Theo BS.CK1 Bạch Thị Chính, đại dịch COVID-19 đi qua đã để lại nhiều hệ lụy, khiến nhiều phụ huynh lơ là việc tiêm chủng định kỳ cho trẻ. Hậu quả là hệ miễn dịch của trẻ trở nên yếu kém, không đủ khả năng nhận diện, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh và bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của chúng, khiến các em dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi; nhiều trường hợp biến chứng nặng, tử vong.

Các chuyên gia cũng cho biết, tất cả trẻ em nên được tiêm phòng sởi bởi vắc xin an toàn, hiệu quả và chi phí thấp. Trẻ em nên được tiêm 2 liều vắc xin để đảm bảo có miễn dịch. 

Cụ thể, liều đầu tiên thường được tiêm lúc 9 tháng tuổi ở các quốc gia nơi sởi phổ biến và 12 - 15 tháng ở các quốc gia khác. Liều thứ hai nên được tiêm sau đó, thường là lúc 15 - 18 tháng. Vắc xin sởi được tiêm riêng lẻ hoặc thường được kết hợp với vắc xin quai bị, rubella hoặc thủy đậu.

Bên cạnh tiêm vắc xin sởi phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh gồm: 

- Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với người bệnh.

- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc khi chăm sóc người bệnh.

- Vệ sinh nhà cửa, đồ dùng thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên lau chùi các bề mặt tiếp xúc.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay

- Cách ly người bệnh để tránh lây nhiễm cho người khác.

- Ăn uống đầy đủ, cân đối, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, bí đỏ, gan… để tăng cường sức đề kháng.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X