Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nổi mề đay ở trẻ: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Với làn da mỏng manh và vô cùng nhạy cảm, trẻ nhỏ rất bị dị ứng, mẩn ngứa thậm chí nổi mề đay. Vậy khi trẻ bị dị ứng nổi mề đay bố mẹ cần phải làm gì? Cùng nghe những chia sẻ ThS.BS Nguyễn Đình Huấn - Bệnh viện Nhi đồng 2.

1. Nguyên nhân bệnh nổi mề đay ở trẻ

Xin BS cho biết mề đay được chia làm mấy loại?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Nếu chia theo hình dạng thì mề đay có 2 loại: sẩn phù, phù mạch. Sẩn phù là những dạng sẩn, mãn phù trên da với kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Nếu chia theo thời gian thì có mề đay cấp tính và mề đay mãn tính. Mề đay cấp tính là dạng thường gặp ở trẻ em, thời gian xuất hiện dưới 6 tuần.  còn mề đay mãn tính thường gặp ở người lớn, những san thương thường kéo dài hơn 6 tuần, xuất hiện nhiều hơn 2 lần/tuần.

Trong đó, trẻ em thường bị mề đay loại nào, do nguyên nhân gì?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Nguyên nhân gây ra mề đay rất nhiều. Trong thực hành lâm sàng, khoảng 50% bệnh chưa tìm ra nguyên nhân. Thông thường, khi trẻ bị mề đay, tâm lý người mẹ sẽ nghĩ nguyên nhân do dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất gây mề đay ở trẻ em là do nhiễm trùng, sau đó mới đến dị ứng thức ăn và dị ứng thuốc.

Nguyên nhân nhiễm trùng rất phổ biến và đa dạng như nhiễm siêu vi, nhiễm vi trùng, nhiễm ký sinh trùng hoặc nấm, trong đó nhiễm trùng đường hô hấp là phổ biến nhất. Ví dụ, viêm họng, viêm phế quản, ho do cảm lạnh đều có thể gây tình trạng nổi mề đay ở trẻ em.

Khi gặp trường hợp nổi mề đay ở trẻ em thì phải tìm nguyên nhân xem có phải do nhiễm trùng gây ra hay không.

Nguyên nhân dị ứng thức ăn ở trẻ em có thể do sữa bò, trứng, hải sản,...

Nguyên nhân dị ứng thuốc bao gồm thuốc kháng sinh điều trị viêm mũi họng, viêm phế quản; vacxin hoặc côn trùng cắn.

Chương trình tư vấn "Chăm sóc trẻ bị bệnh mề đay như thế nào?" được Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM và Kênh truyền thông AloBacsi.vn phối hợp thực hiện

2. Có nên dùng mẹo dân gian để trị mề đay?

Có rất nhiều mẹo dân gian để chữa mề đay cho trẻ em như uống/ đắp/ tắm các loại thảo dược như rau má, tía tô, lá khế… hoặc hơ nóng khăn bẩn xoa lên. Theo BS, mẹo nào thật sự có tác dụng, mẹo nào có tác hại ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Đối với mề đay, chúng ta không cần làm gì thì sẩn phù vẫn tự hết trong 24 tiếng. Những mẹo dân gian này không có bằng chứng khoa học nào chứng minh hiệu quả nên không cần thiết. Có những trường hợp vì sử dụng mẹo dân gian như đắp lá đã gây nhiễm trùng. Nếu như đắp khăn nóng có thể gây nhiễm trùng và phỏng da.

Tóm lại, bản chất của mề đay là có thể tự khỏi trong 24 giờ; trường hợp nặng có thể sử dụng thuốc chống dị ứng. Những mẹo dân gian này thì chưa có bằng chứng khoa học và có khả năng gây hại.

Với làn da mỏng manh và vô cùng nhạy cảm, trẻ nhỏ rất bị dị ứng, mẩn ngứa thậm chí nổi mề đay

3. Khi nào cần đưa trẻ nổi mề đay đến bệnh viện

Trường hợp mề đay như thế nào thì phải đưa bé đến bệnh viện ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Đầu tiên, cần nhận diện xem đây có đúng là mề đay hay không. Nếu như nhầm lẫn với những san thương xuất huyết, nhiễm trùng da thì rất nguy hiểm.

Thứ 2, nếu trẻ bị nổi mề đay quá nhiều thì cần được thăm khám và điều trị bằng thuốc để trẻ được dễ chịu.

Thứ 3, mề đay không chỉ biểu hiện ngoài da, đôi khi mề đay còn là biểu hiện của tình trạng dị ứng toàn thân. Triệu chứng dị ứng toàn thân có thể đi kèm với triệu chứng cơ quan khác như tình trạng khó thở, khò khè hoặc bệnh lý tim mạch.

Nếu như trẻ không chơi như bình thường, san thương nhiều và có trạng thái khó chịu thì cần đưa trẻ đi khám. Khi đó bác sĩ sẽ nhận diện được tình trạng em bé đang gặp phải và nguyên nhân bệnh.

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn - Giảng viên Nhi khoa, trường ĐH Tân Tạo, Bệnh viện Nhi đồng 2

Việc điều trị mề đay ở trẻ em có khác biệt gì so với người lớn, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Người lớn thường sử dụng thuốc chống dị ứng để điều trị mề đay.

Thông thường trẻ trên 6 tháng tuổi mới được sử dụng thuốc để điều trị mề đay. Tuy nhiên, cha mẹ cần lựa chọn loại thuốc phù hợp với từng độ tuổi của trẻ và ít tác dụng phụ.

4. Thuốc điều trị bệnh nổi mề đay ở trẻ

Một số người cho rằng thuốc chữa mề đay chỉ là điều trị triệu chứng, có đúng không thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Bệnh mề đay biểu hiện bằng những triệu chứng sẩn phù hoặc phù mạch. Em bé sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập thì phải sử dụng thuốc chống dị ứng, trong trường hợp nặng, có thể kết hợp thêm thuốc corticoid. Đây là những loại thuốc chỉ điều trị triệu chứng nhưng rất cần thiết để em bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Có loại thuốc nào có thể để dự trù trong tủ thuốc gia đình, phòng trường hợp trẻ bị nổi mề đay lúc nửa đêm?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Trường hợp em bé bị nổi mề đay nhẹ thì sẽ tự hết trong 24 giờ mà không phải sử dụng thuốc. Trường hợp bé cảm thấy khó chịu thì nên dùng thuốc kháng Histamin H1. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải được sự tư vấn của nhân viên y tế khi sử dụng cho trẻ. Bởi vì, từng độ tuổi khác nhau sẽ phù hợp với mỗi loại thuốc khác nhau.

Trường hợp em bé có biểu hiện sốt cao, lừ đừ kèm theo bệnh lý ho, tiêu chảy, tiểu buốt thì phải đưa đến cơ sở y tế để điều trị.

Những trường hợp em bé nổi mề đay nghi ngờ do dị ứng thức ăn hoặc do thuốc thì cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra và tư vấn kịp thời.

Dẫn chương trình Hiền Thục

Nếu trẻ mề đay tái đi tái lại hoài, thường do nguyên nhân gì? Uống thuốc điều trị mề đay trong thời gian dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Khoảng 20% dân số có thể bị nổi mề đay và sẽ dẫn đến nổi mề đay mãn tính. Đa số mề đay ở trẻ em là cấp tính.

Bản chất của mề đay là tái đi tái lại nhiều lần. Quan trọng nhất trong việc điều trị mề đay là tìm ra nguyên nhân. Song song với việc điều trị mề là phải chấm dứt được nguyên nhân gây ra bệnh.

Việc dùng thuốc dị ứng lâu dài có hại hay không thì quan trọng là loại thuốc bạn chọn là gì. Thuốc luôn có hai mặt: tác dụng chính và tác dụng phụ. Nếu được sự tư vấn của nhân viên y tế thì thuốc điều trị mề đay có thể sử dụng trong thời gian dài.

5. Trẻ bị nổi mề đay có dễ bị dị ứng thức ăn?

Nhiều người lo ngại trẻ hay nổi mề đay thì cũng dễ bị dị ứng thức ăn, dị ứng với sữa… điều này có đúng không ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Quan niệm này đúng nhưng cũng có điểm chưa thích hợp.

Ở trẻ có cơ địa dị ứng thì sẽ biểu hiện nhiều chỗ trên cơ quan như biểu hiện ở da dưới dạng mề đay, chàm; biểu hiện ở đường hô hấp dưới dạng hen suyễn.

Nếu trẻ bị dị ứng thức ăn thì có thể sẽ biểu hiện mề đay, chàm, hen suyễn,... Ngược lại, trẻ bị nổi mề đay thì chưa chắc sẽ bị dị ứng thức ăn, dị ứng sữa.

Một số trường hợp, cha mẹ chưa xác định được trẻ bị nổi mề đay do nguyên nhân gì nhưng lại bắt trẻ kiêng cử nhiều loại thức ăn. Điều này có thể sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Do đó, chỉ khi nào có bằng chứng chứng minh trẻ bị bệnh mề đay do dị ứng thức ăn thì hãy kiêng cử.

6. Cần làm gì để giảm thiểu số lần nổi mề đay cho trẻ?

Cha mẹ có thể làm gì giúp trẻ giảm thiểu những lần nổi mề đay?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Để giảm thiểu những lần nổi mề đay thì cần phải tránh những nguyên nhân gây ra mề đay như nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tiêu hóa. Cần sử dụng những loại thuốc được bác sĩ tư vấn để tránh nguyên nhân do dị ứng thuốc. Tránh cho trẻ ăn những thực phẩm không còn tươi hoặc để lâu ngày như các loại cá đánh bắt xa bờ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X