Bệnh nhân vẫn "bò từ gầm giường" ra đón Bộ trưởng Y tế
Trở lại Ung Bướu sau lần thị sát hơn một năm trước, cảnh chen lấn chờ khám bệnh, nằm gầm giường, nằm ghép vẫn hiện hữu trước mắt Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ở cổ bất ngờ nổi khối u gây đau nhức dù đã khám ở bệnh viện địa phương nhưng vẫn chưa chắc chắn về kết quả nên bà N.T.Q. (56 tuổi ngụ tại Kiên Giang) khăn gói lên BV Ung Bướu với hy vọng tìm cho ra bệnh. Với hy vọng được khám sớm, bà cùng người con trai đầu bắt chuyến xe tối 13/1, lên đến bệnh viện từ lúc mờ sáng nhưng bà đã phải rồng rắn xếp hàng, đến 9 giờ sáng 14/1 hành trình khám bệnh của bà mới chỉ xong khâu thủ tục.
Tại khoa Nhi của bệnh viện, bệnh nhân phải nằm ghép 3 đến 4 trẻ mỗi giường nhưng vẫn không đủ chỗ, bệnh nhi phải trải chiếu nằm chen chúc dưới gầm giường. Thấy sự xuất hiện của bà Bộ trưởng cùng đoàn, nhiều bệnh nhi đầu không còn cọng tóc bò từ gầm giường ra mắt tròn mắt dẹt. "Kiếm được chỗ để trải chiếu trong phòng bệnh đã là may mắn lắm rồi chú ạ, có bệnh thì phải cắn răng mà chịu thôi chứ biết kêu ai bây giờ." - một phụ huynh bùi ngùi cho biết.
Người bệnh đã phải chịu cảnh đau đớn về thể xác nhưng đi khám bệnh còn phải ngồi vạ vật "ngáp ngắn ngáp dài" khiến bà Bộ trưởng không khỏi chua xót. Thực tế tại bệnh viện Ung Bướu mỗi ngày hiện đang phải tiếp nhậnkhoảng 1.500 bệnh nhân đến khám, số bệnh nhân điều trị nội trú hiện khoảng 1.400. Tuy nhiên, kết cấu của bệnh viện chỉ có 9 phòng khám và 200 bác sĩ điều trị.
Tình trạng trên khiến "thời gian trung bình của mỗi bệnh bệnh nhân từ lúc lấy số đến khi khám bệnh xong phải mất 2 giờ". Tuy nhiên, đây là con số thống kê trung bình do bệnh viện đưa ra bởi trên thực tế nhiều bệnh nhân đến từ sáng sớm nhưng phải chầu chực đến chiều vẫn chưa khám xong.
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu, thẳng thắn thừa nhận: "Quá tải tại bệnh viện là thực tế đang diễn ra. Bệnh nhân Ung Bướu đang tăng bình quân từ 7% đến 10% mỗi năm. 78% bệnh nhân tại BV Ung Bướu là ở các tỉnh. Bệnh nhân phải nằm ghép 3 đến 4 thậm chí là 5 người mỗi giường bệnh. Có thể nói, người bệnh đến Ung Bướu không phải nằm viện mà là ngồi viện điều trị."
Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị BV Ung Bướu xem xét xây dựng thêm các khu khám và điều trị trong khuôn viên hiện hữu của bệnh viện. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Minh khẳng định tổng diện tích đất của Ung Bướu chỉ có 1 héc ta, nếu xây dựng thêm sẽ không còn lối đi.
Để giải quyết quá tải, BV Ung Bướu đang tiến hành nhiều đề án lớn như xây dựng bệnh viện vệ tinh tại 5 tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Đồn Nai, Cần Thơ, Kiên Giang; lập khoa Ung Bướu tại bệnh viện quận 2; xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện tại quận 9. Tuy nhiên, những đề án này hầu hết còn nằm trên giấy.
Bên cạnh đó một số phương án giảm tải đã được triển khai thực hiện như bệnh nhân nội trú, bệnh nhân giai đoạn cuối được điều trị tại gia đình. Cách đây 2 tuần, bệnh viện Quân Y 175 khánh thành Trung tâm Ung Bướu thì BV Ung Bướu đã kết hợp với 175 để chuyển bớt bệnh nhân sang đây điều trị,…
Trước thực tế quá tải ngày càng diễn tiến trầm trọng hơn, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu BV Ung Bướu cần phải có giải pháp để giải quyết chỗ nghỉ cho người nhà bệnh nhân; đơn giản hóa quy trình khám bệnh; tăng cường bác sĩ điều trị; chia thời gian khám chữa bệnh sang buổi chiều. Tuy nhiên, để thực hiện được các yêu cầu trên với BV Ung Bướu không phải chuyện một sớm một chiều nên tình trạng quá tải vẫn chưa tìm được lối ra.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình