Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân đột quỵ nằm lâu, làm sao tránh loét tì đè?

Loét tì đè sau đột quỵ thường gặp khi bệnh nhân nằm lâu, ngồi xe lăn. Vậy làm sao chúng ta có thể phòng ngừa được tình trạng này? ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, bệnh viện Quân y 175 sẽ giải đáp các nguyên nhân gây loét tì đè và biện pháp phòng ngừa.

1. Nguyên nhân gây loét tì đè ở bệnh nhân đột quỵ

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Loét tì đè sau đột quỵ đang là vấn đề được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây. Loét tì đè là tổn thương về da và mô mềm do áp lực tại phần da, mô, những diện tích của cơ thể tiếp sát với phần nhô cao của xương. Ví dụ như gót chân, khủyu tay. Tại phần đó, các phân mô và da của cơ thể sẽ dễ bị tổn thương khi có áp lực gây ảnh hưởng.

Nguyên nhân thứ nhất gây loét tì đè đó là do chúng ta bất động quá lâu, xảy ra ở hầu hết bệnh nhân đột quỵ, nhưng đặc biệt là người bị yếu liệt nửa người.

Thứ 2 là tái thiếu máu. Tái thiếu máu ở mô, da rất quan trọng giúp đưa chất dinh dưỡng đến nuôi vùng này. Khi bị đè ép nó sẽ kém đi và dẫn đến loét tì đè.

Thứ 3 là chất dinh dưỡng. Những bệnh nhân nằm lâu, vận động kém cộng thêm tình trạng thiếu dinh dưỡng cũng góp phần cho bệnh loét tì đè.

Thứ 4, tình trạng mất cảm giác. Những người bị đột quỵ hoặc gặp các vấn đề sức khỏe khác gây giảm hay mất cảm giác tại vị trí cơ thể. Ví dụ như yếu liệt tại các vị trí dễ gây ra tình trạng loét tì đè, bệnh nhân sẽ không cảm giác được đau đớn tại vùng này và gây ra tình trạng loét tì đè sau đột quỵ.

2. Sức khỏe và sinh hoạt của bệnh nhân loét tì đè ảnh hưởng như thế nào?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Bệnh nhân có loét tì đè sau đột quỵ sẽ làm tăng nguy cơ tử vong gấp 2 đến 3 lần so với bệnh nhân không loét tì đè. Nếu loét tì đè xảy ra ở bệnh đột quỵ, nó sẽ góp phần làm tăng các yếu tố nguy cơ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta điều trị bệnh nền tốt thì sẽ giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống và tử vong. Nguy cơ tử vong do loét tì đè ở bệnh nền sẽ thấp khi chúng ta biết chăm sóc và phòng ngừa tốt.

3. Loét tì đè dễ xảy ra ở đối tượng nào?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Những bệnh nhân dễ bị loét tì đè là người bị thay đổi cảm giác ở da, vùng mô và chi. Ví dụ, bệnh nhân đột quỵ có thể giảm cảm giác nửa người. Bệnh nhân bị yếu liệt nửa người sẽ bị bất động trong thời gian dài.

Bệnh nhân bị suy giảm về nhận thức không có khả năng chủ động để xoay trở cũng có nguy cơ loét tì đè cao. Ngoài ra, bệnh nhân tăng tiết mồ hôi hay rối loạn tri giác, thị giác, nuôi dưỡng kém cũng có nguy cơ bị loét tì đè nặng hơn các nhóm đối tượng khác.

4. Dấu hiệu và các vị trí dễ bị loét tì đè?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Vết loét tì đè giống như vùng da đỏ, nhưng sẽ không biến mất sau 1 giờ xoay trở. Nặng hơn vết da này sẽ bị loét và nhìn giống như miệng núi lửa. Một số vết loét giống vết rộp có thể vỡ ra hoặc tạo thành ổ viêm.

Những nơi dễ bị loét tì đè là vùng da cọ sát vào xương, xương nhô ra cao như gót chân, mắt cá, khủyu tay hoặc lưng. Nó còn có thể gặp ở trường hợp bệnh nhân phải cọ sát với một phương tiện cố định chẳng hạn như bệnh nhân bị gãy tay. Đây cũng là nhóm có nguy cơ bị loét tì đè.

5. Loét tì đè được phân theo giai đoạn, mỗi giai đoạn biểu hiện ra sao?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Để phân độ, chúng ta có nhiều bảng và cách thức phân độ khác nhau. Tuy nhiên, để bạn đọc hiểu đơn giản thì nó được phân thành 6 cấp độ.

  • Cấp độ 1 là da vẫn còn nguyên chỉ mẩn đỏ và không thể xóa đi sau một giờ giảm áp lực.
  • Cấp độ 2, vết phồng rộp vỡ ra, lớp thượng bì bị mất đi độ dày và có thể kèm theo hoặc không kèm theo nhiễm trùng.
  • Cấp độ 3: mất đi độ dày của toàn bộ lớp da trên cùng. Chúng ta có thể thấy lớp mỡ dưới da và sự phá hủy này sẽ lan rộng, tạo thành mảng. Ở giai đoạn này có thể kèm theo tình trạng nhiễm trùng và xảy ra các hiện tượng phá hoại hay tạo thành vết hầm của vết thương. Lúc này, da bị mất đi toàn bộ độ dày nên có thể thấy xương, gân và khớp, có nhiễm trùng hay không có nhiễm trùng kèm theo.
  • Cấp độ 4 là cấp độ cao hơn, chúng ta có thể thấy được cơ, gân và xương.
  • Cấp độ 5 là không thể phân giai đoạn vì mô mất toàn bộ độ dày, chúng ta khó phân biệt được vết loét.
  • Cấp độ 6, còn gọi là tổn thương mô sâu, khu vực này sẽ có màu tím và sẽ bị phồng rộp rất nhiều.

Độ 5 và độ 6 là độ phân không chính thống, tức là không thể phân giai đoạn. Do đó, người bệnh cần phát hiện sớm từ độ 1 đến độ 4 để có phương pháp điều trị dự phòng tránh vết loét nặng hơn.

6. Điều trị loét tì đè cần làm gì?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Đầu tiên, chúng ta cần kiểm soát tình trạng đau vì cơn đau có thể gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, nhiễm trùng.

Thứ hai, chúng ta cần điều trị tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, phải điều trị nội viện, các bác sĩ sẽ đánh giá nhiễm trùng tại loét tì đè.

Thứ ba, dinh dưỡng góp phần lớn vào vấn đề này, nên chúng ta cần tối ưu hóa dinh dưỡng. Hãy tối ưu hóa chất dinh dưỡng, ví dụ như protein, tổng lượng calo cung cấp cho nhóm loét tì đè.

Tiếp theo, chúng ta cần giảm và hỗ trợ định vị áp lực cho mô bị tổn thương để áp lực được cân bằng và phải ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm hay loét tì đè đã có. Những vết thương này, đặc biệt là các ổ loét gần đường tiểu cần ngăn ngừa các vết bẩn xâm nhập vào vết loét đó. Khi chúng ta làm tốt việc này thì có thể kiểm soát và điều trị được loét tì đè.

7. Thời gian và chi phí điều trị loét tì đè?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Với mức độ 1, chúng ta can thiệp sớm bằng dùng nệm hơi, phân bố lại áp lực thì thời gian điều trị sẽ cực kỳ ngắn.

Nếu đó là tổn thương mức độ 3, 4, sâu thì việc điều trị sẽ dai dẳng, chúng ta phải điều trị cả nhiễm khuẩn, xem lại dinh dưỡng và điều trị các vấn đề liên quan.

Vấn đề về thời gian, chi phí sẽ phụ thuộc vào loét tì đè. Nếu đó là mức độ 1, 2, 3 thì thời gian và chi phí sẽ ngắn, nhưng nếu ở độ 3, 4 và sâu thì thời gian điều trị và chi phí bỏ ra sẽ rất cao.

8. Làm sao để phòng ngừa loét tì đè đúng cách?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Trước tiên, đó là vấn đề xoay trở. Hầu như bệnh nhân đột quỵ bị yếu liệt nửa người, tình trạng bất động nửa người hay tại vùng chi thể, việc xoay trở phải được thực hiện hai giờ một lần. Nếu như ở nhà hay nội viện, cần cố gắng xoay trở như vậy. Ví dụ như bệnh nhân bị liệt nửa người bên phải thì có thể xoay sở sang bên còn lại.

Chúng ta có thể nằm nghiêng với phần thân trên được nâng lên góc nhỏ. Như vậy, sẽ giảm áp lực lên vùng mô, xương sát với da, ví dụ như vùng da lưng hay vùng hông.

Thứ hai, chúng ta có thể đặt gối hay nệm ở vùng gối, mắt cá chân. Việc đặt gối lên mắt cá chân sẽ giúp giảm áp lực, vì áp lực là nguyên nhân gây loét tì đè. Ngoài ra, chúng ta sẽ sử dụng nệm hơi để giảm áp lực lên vùng da và mô sát xương. Trong trường hợp bệnh nhân ngồi xe lăn, họ có thể tập chống đẩy trên ghế hoặc chúng ta có thể hỗ trợ người nhà thực hiện thao tác đó.

Trên xe lăn, chúng ta có thể tập nghiêng sang một bên hoặc hỗ trợ người nhà nghiêng sang một bên. Chúng ta có thể sử dụng đệm ngồi được thiết kế chứa đầy không khí hay gel để giảm áp lực. Khi chúng ta ngồi, phần xương ở hông sẽ đè sát vào ghế và chúng ta cần dụng cụ giảm áp lực lên vùng này.

Khi chăm sóc để phòng ngừa, chúng ta phải kiểm tra da thường xuyên tại vùng gây loét tì đè, kiểm tra thêm các khu vực ít chú ý như hậu môn, mông. Ngoài kiểm tra, chúng ta có thể nhờ người khác kiểm tra.

Để phòng ngừa, chúng ta phải làm sạch da bằng các xà phòng nhẹ nhàng. Hãy tránh sử dụng nước nóng để rửa da. Cuối cùng, sử dụng kem dưỡng ẩm sẽ giúp da bớt bị khô và bong tróc.

9. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân loét tì đè?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Với bệnh nhân loét tì đè, dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng. Đầu tiên, chúng ta phải lưu ý protein là nguồn rất quan trọng giúp bệnh nhân hồi phục, điều trị được loét tì đè. Các nguồn protein đa dạng có thể có từ thịt, cá, phô mai và sản phẩm từ đậu nành. Protein giúp quá trình liền vết thương diễn ra tốt hơn.

Nguồn carbohydrates là sản phẩm chúng ta dùng hằng ngày. Chúng ta có thể dùng gạo, mì ống, bánh mì ngũ cốc. Hãy cố gắng có một trong các thực phẩm có carbohydrates trong bữa ăn.

Các sản phẩm từ sữa hoặc sản phẩm thay thế đều ổn, vì nó có tác dụng thúc đẩy liền vết thương diễn ra tốt hơn.

Trái cây và rau quả cung cấp Vitamin và chất xơ, khoáng chất quan trọng. Nước cũng rất quan trọng, chúng ta cần đảm bảo uống từ 1.6 đến 2 lít nước mỗi ngày. Dinh dưỡng cũng giống như chúng ta chăm sóc các bệnh khác. Cố gắng đảm bảo bổ sung các chất dinh dưỡng nhưng chúng ta cần có chế độ phù hợp để phục hồi nhanh chóng và ít ảnh hưởng đến đời sống, hòa nhập với đời sống.

Theo Trọng Dy (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X