Bệnh đau mắt đỏ gia tăng đột biến, lây lan trên cả nước
Nhiều tỉnh/thành phố như Hà Tĩnh, Vũng Tàu, Đà Nẵng,… ghi nhận số ca đau mắt đỏ gia tăng. Bệnh xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên lây lan nhiều trong môi trường trường học.
Bệnh đau mắt đỏ lây lan cả nước
Theo Sở Y tế TPHCM, địa phương ghi nhận 3.954 ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) trong ngày 13/9. Những ngày trước, số ca bệnh cũng xấp xỉ mức này, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ lớn, với khoảng trên 2.000 trường hợp mỗi ngày.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần. Riêng tuần qua là 800, trong đó có một số ca biến chứng. So với tháng 6, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9 tăng gấp gần 2 lần.
Còn Hà Tĩnh, từ đầu tháng 9 đến nay, dịch đau mắt đỏ lây lan đến nhiều huyện xã, với hàng nghìn người mắc bệnh. Trong đó huyện Hương Khê nhiều nhất với hơn 5.000 ca. Hơn 2.300 học sinh từ mầm non đến THCS ở Hương Khê bị đau mắt đỏ, được cho tạm nghỉ học. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng có gần 3.400 trẻ em bị bệnh đau mắt đỏ.
Số ca đau mắt đỏ tại Đà Nẵng cũng tăng đột biến. Bệnh viện Mắt Đà Nẵng 11 ngày đầu tháng 9 tiếp nhận hơn 22.400 ca đau mắt đỏ đến khám, hơn một nửa trong số đó là trẻ em.
Tại các tỉnh thành khác như Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu,... cũng ghi nhận số ca mắc đau mắt đỏ gia tăng. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk, trong 2 tuần qua, khoa Mắt bệnh viện tiếp nhận từ 20 - 30 bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Bệnh mắc ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người cao tuổi.
Tương tự, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cũng ghi nhận 2 ổ dịch trên địa bàn tỉnh ở Krông Nô với 73 trẻ em mắc bệnh đau mắt đỏ.
Khu vực phía Nam, Bình Dương ghi nhận số ca đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện có xu hướng tăng, với 2.300 ca mắc kể từ đầu năm, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Bình Phước cũng ghi nhận dịch lây lan nhanh, 2/3 số trường học ở Đồng Xoài lây lan bệnh đau mắt đỏ. Hàng nghìn học sinh nơi đây phải nghỉ học, ngành y tế ghi nhận bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh sau khai giảng.
Chỉ tính từ ngày 1/9 đến nay, toàn tỉnh Vũng Tàu đã ghi nhận số ca mắc tăng gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có nhiều ca biến chứng gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực.
Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ ghi nhận, bệnh nhân đau mắt đỏ thời gian qua đến khám tăng gấp 2 - 3 lần cùng kỳ năm trước. Mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 150 - 200 trẻ đến khám mắt, trong đó đau mắt đỏ chiếm hơn 60%, nhiều trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học mắc bệnh.
Cách chăm sóc đau mắt đỏ tại nhà
Với tình trạng số ca đau mắt đỏ tăng cao, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên hoang mang, mà cần tìm hiểu và chăm sóc đúng cách.
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cũng khuyến cáo, đau mắt đỏ do virus 4 - 5 ngày sẽ khỏi. Người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.
Các chuyên gia đặc biệt lưu ý, không nên dùng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh ngay khi bị đau mắt đỏ và tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Thay vào đó người bệnh nên giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, đeo kính và uống nhiều nước. Không dụi mắt, không đi bơi, việc này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Nếu có triệu chứng sốt và mắt không thuyên giảm, phải đi khám mắt ngay.
Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp sau: có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc. Do đó, bạn đọc không nên quá lo lắng và tích trữ thuốc.
Phòng bệnh đau mắt đỏ thế nào để tránh lây lan?
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
5. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng. Đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
6. Người sau khi khỏi bệnh cần sát khuẩn kính mắt, giặt sạch chăn gối, khăn mặt để tránh tái nhiễm.
Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lo ngại nhất là do virus, thường gặp là Adenovirus, có thể lây lan trong cộng đồng. Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực. Khuyến cáo người dân khi phát hiện triệu chứng đau mắt đỏ, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị theo đơn thuốc đúng quy định. Khi phát hiện trường hợp đau mắt đỏ, nhất là học sinh có các triệu chứng như: sốt nhẹ kèm mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm, đỏ/ngứa/rỉ dịch 1 hoặc cả 2 mắt, cảm giác/có sạn ở trong mắt, mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ... cần đi khám ngay tại cơ sở khám, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình