Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh cúm A bùng phát bất thường ở Hà Nội, cần làm gì để phòng ngừa?

Thông thường, dịch cúm A thường bùng phát sau làn sóng dịch sốt xuất huyết - mùa đông ở miền Bắc. Nhưng năm nay, số ca tăng mạnh khi vào mùa hè ở miền Bắc. Để giải đáp kịp thời thắc mắc của bạn đọc về vấn đề này, AloBacsi đã mời BS Trương Hữu Khanh tham gia chương trình tư vấn cùng chuyên gia.

1. Vì sao năm 2022, bệnh cúm mùa A xuất hiện “trái mùa”?

Tại một số bệnh viện ở Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh cúm mùa A - một căn bệnh phổ biến vào mùa đông xuân hơn mùa hè. Theo BS nhận định, vì sao bệnh cúm mùa A năm nay “trái mùa” như vậy ạ?

Thực tế cúm mắc theo mùa là bởi vì thông thường chúng ta có miễn dịch, tiếp xúc với nhau, gây bệnh nhẹ, đến mùa lạnh là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển nên nhiều người mắc bệnh. Hiện nay, do một thời gian dài giãn cách nên không có người mắc bệnh. Nhưng khi hòa nhập, chúng ta không có miễn dịch nên tạo cơ hội cho virus xâm nhập, gây ra dịch cúm.

2. Bệnh cúm mùa A sẽ bùng phát vào các tháng nào trong năm?

Thông thường, bệnh sẽ bùng phát vào các tháng nào trong năm, thưa BS? Bệnh cúm mùa A do tác nhân nào gây ra ạ?

Khi nhắc đến virus cúm có hai nhóm là cúm A và cúm B. Hai miền Nam - Bắc sẽ có mùa cúm khác nhau. Miền Bắc có mùa rất rõ rệt, thường vào mùa lạnh (mùa thu chuyển sang mùa đông), từ tháng 9 trở đi sẽ có nhiều người mắc bệnh cúm. Miền Nam có thể gặp quanh năm, từ mùa mưa sang mùa nắng và ngược lại, từ mùa nóng sang mùa lạnh.

Virus cúm khá phổ biến ở con người và động vật khác. Đây là virus hằng định, cả thế giới đều “sợ” virus cúm, vì vậy mới chích ngừa mỗi năm. Đa số người mắc bệnh cúm thường nhẹ, trừ người lớn tuổi, nhiều bệnh nền có thể đe dọa đến khả năng nhập viện.

Phần tư vấn kịp thời của BS Trương Hữu Khanh giúp bạn đọc yên tâm phần nào, chủ động bảo vệ sức khỏe trước cúm mùa

3. Bệnh cúm A lây truyền qua đường nào, ủ bệnh bao lâu?

Bệnh cúm mùa A có thể lây truyền qua những con đường nào? Trong thời gian ủ bệnh có thể lây nhiễm cho người khác, thưa BS?

Cúm mùa là virus hô hấp, sẽ lây qua đường nói chuyện, giọt bắn văng ra ngoài môi trường. Đặc thù là lây rất mạnh, thời gian ủ bệnh ngắn từ 1-4 ngày (1 ngày đã có thể phát bệnh và lây cho người khác). Việc phòng ngừa virus cúm này cũng đơn giản, người bệnh đeo khẩu trang, rửa tay, che tay khi hắt xì (bằng khăn giấy hoặc cánh tay) để đừng phát tán virus, và cuối cùng là chích ngừa hằng năm.

4. Triệu chứng cảnh báo cúm mùa A?

Những triệu chứng nào cảnh báo cần nghi ngờ bệnh cúm mùa A thưa BS? Trong đó, triệu chứng nào là điển hình nhất ạ? Những triệu chứng này có khác biệt so với bệnh cúm mùa do các tác nhân khác?

Với những người có thể trạng mạnh, mắc cúm thường không có triệu chứng điển hình, tương tự như bị cảm (sốt, ho, sổ mũi) và tự lành. Nhưng với người cơ địa kém, lớn tuổi có thể xuất hiện các triệu chứng khá điển hình như sốt cao, đau đầu, đau cơ, nhức mỏi, sau đó ho, sổ mũi, kéo dài từ 3-7 ngày và lui dần nếu không có biến chứng.

5. Cần làm gì khi có dấu hiệu nghi ngờ cúm mùa A?

Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cúm mùa A, chúng ta cần làm gì thưa BS? Xét nghiệm nào giúp chẩn đoán căn bệnh này ạ?

Với người thông thường không cần xét nghiệm cúm. Bởi vì những trường hợp này có thể tự hết. Mắc bệnh thì đeo khẩu trang để phòng ngừa cho người khác. Nhưng đối với những người có cơ địa đặc biệt cần điều trị thuốc kháng virus sớm thì lúc đó cần làm test nhanh cúm để chẩn đoán. Test nhanh này thường là que phết vào cổ họng, rất dễ làm để phát hiện cúm A. Tùy mức độ bệnh mà sẽ có hướng điều trị khác nhau, không phải tất cả người mắc bệnh cúm A đều phải điều trị bằng thuốc đặc hiệu là Tamiflu.

6. Tiếp xúc với người mắc cúm mùa A, có cần cách ly, theo dõi?

Gia đình khi phát hiện người mắc cúm mùa A, cần vệ sinh, lau dọn nhà cửa thế nào? Những người tiếp xúc người bệnh có cần cách ly, theo dõi? Nếu phải theo dõi thì bao nhiêu ngày có thể yên tâm ạ?

Cúm A là bệnh đặc hữu, bệnh lưu hành. Cúm A (H1N1, H3N2) không nằm trong danh sách các bệnh cần cách ly tuyệt đối. Vì vậy, khi sống trong mùa cúm A thì tìm cách bảo vệ mình, bằng cách khẩu trang, rửa tay, có điều kiện thì tiêm ngừa cúm mùa.

7. Người mắc cúm mùa A bao lâu sẽ khỏi bệnh?

Thông thường, bệnh cúm mùa A bao lâu sẽ khỏi? Điều trị cúm mùa A như thế nào? Trường hợp nào có thể theo dõi, điều trị tại nhà và trường hợp nào nên đến bệnh viện?

Thông thường, virus cúm tồn tại trong cơ thể con người trong 5-7 ngày sẽ “thoát” ra ngoài, lây cho người khác. Điều trị thông thường là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, điều trị triệu chứng (sốt, đau nhức thì uống thuốc giảm đau, hạ sốt; ho thì uống thuốc ho; sổ mũi thì dùng thuốc nhỏ mũi…).

Quan trọng nhất, nếu là trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi có bệnh nền thì cần đi khám bệnh để bác sĩ theo dõi biến chứng, chẳng hạn như viêm phổi hay bội nhiễm, qua đó điều trị kịp thời.

8. “Hậu” cúm mùa có đáng lo như COVID-19?

Hiện nay, sau đại dịch COVID-19, tình trạng “hậu” một bệnh lý đang bị lạm dụng. Nhiều người lo lắng, sau khi mắc cúm mùa A, liệu có bị “hậu cúm mùa” như COVID-19? Chúng ta có cần quá lo sợ về các di chứng sau cúm mùa?

Hậu cúm mùa đã có từ lâu. Đây là loại siêu vi nên khi hết bệnh sẽ có “hậu”. Có những người sau khi bị cúm xuất hiện tình trạng mệt mỏi vài tháng, bởi vì chúng ta biết sẽ tự hết nên thường không lo lắng như COVID-19 hiện tại. Chẳng hạn, với một trẻ suyễn bị mắc cúm thì sau khi khỏi bệnh bệnh suyễn sẽ khó hết hơn. Tương tự, với người lớn bệnh lý tim mạch, tiểu đường thì sẽ bị ảnh hưởng bởi “hậu” cúm.

9. Phòng ngừa cúm mùa A như thế nào, tiêm ngừa vào tháng mấy?

Phòng ngừa cúm mùa A bằng cách nào thưa BS? Căn bệnh này đã có vắc xin ngừa hay chưa và nếu có thì nên tiêm loại nào, tiêm tại thời điểm nào trong năm ạ?

Cúm là bệnh mà cả thế giới đều sợ, đặc biệt là các nước ôn đới. Bởi người ta nghiên cứu thấy rằng, gánh nặng của cúm ngoài việc gây tử vong ở người lớn tuổi thì còn gây giảm rất nhiều năng suất lao động. Khi bị cúm phải ngưng làm việc 5-7 ngày, sau đó dù quay lại làm việc thì cũng “rề rề”.

Vắc xin cúm là vắc xin cổ điển. Vì vậy, ở nước ngoài, việc tiêm ngừa vắc xin cúm hằng năm là điều bình thường. Trước khi ra vắc xin cho năm mới, Tổ chức Y tế thế giới sẽ theo dõi dòng cúm nào trội lên, qua đó đề nghị nhà sản xuất, sản xuất vắc xin cho virus cúm đó cho Nam Bán cầu và Bắc Bán cầu.

Thông thường, chúng ta sẽ chích vắc xin vào đầu mùa cúm. Nam bán cầu sẽ sản xuất vào khoảng tháng 2, và tháng 4 có vắc xin để tiêm ngừa. Bắc bán cầu sẽ sản xuất vào khoảng tháng 8 và tháng 10 có vắc xin để tiêm ngừa.

Cuối chương trình, nhờ BS đưa ra một vài lời khuyên cũng như nhìn nhận cúm mùa năm nay sẽ diễn ra như thế nào?

Cúm mùa là bệnh theo mùa, nghĩa là năm nào cũng sẽ xuất hiện. Hiện nay, Hà Nội xuất hiện ca cúm mùa có thể là do xét nghiệm nhiều nên phát hiện ra, hơn nữa năm nay do hòa nhập sau một thời gian giãn cách nên bệnh nhiều hơn. Còn thông thường theo nghiên cứu, cúm mùa chiếm khoảng 20-30% bệnh do virus ở đường hô hấp.

Tuy nhiên, cúm mùa sẽ đe dọa những nhóm người: phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi, người lớn tuổi, nhiều bệnh nền (bệnh phổi, tiểu đường, bệnh mạch vành…), vì vậy cần chủ động phòng ngừa bằng vắc xin, chích ngừa hằng năm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X