Hotline 24/7
08983-08983

Bé trai 9 tuổi máu cô đặc, suy đa tạng vì sốc sốt xuất huyết

Bệnh nhi sốt cao liên tục 3 ngày nhưng gia đình chủ quan không đưa đến bệnh viện. Đến ngày thứ 4 chuyển biến xấu, khi nhập viện, máu bệnh nhi cô đặc do sốc sốt xuất huyết, rơi vào tổn thương gan, thận, suy hô hấp nặng.

Bé trai D.T.T. 9 tuổi (ngụ tại Trà Vinh) sốt cao liên tục 3 ngày. Ngày thứ 4, bệnh nhi có biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh, người nhà cấp tốc đưa đến bệnh viện tỉnh trong tình trạng sốc sâu, huyết áp tụt. Máu cô đặc nặng Hct 54% (Hematocrit là tỷ lệ thể tích hồng cầu/ thể tích máu toàn bộ, trẻ dưới 15 tuổi thường ở mức 35-39%).

Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 4, truyền dịch chống sốc và chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM).

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám Đốc - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố thông tin, sau khi nhập viện, bệnh nhi được tiếp tục chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, dùng các thuốc vận mạch phối hợp. Chúng tôi đã hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhi với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm

Tuy nhiên, tình trạng xuất huyết tiêu hóa diễn tiến ngày càng nặng. Nguy hiểm hơn, bệnh nhi rơi vào tổn thương gan, thận, suy hô hấp nặng, tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều. Các bác sĩ đã tiến hành chọc dò màng bụng giải áp, điều chỉnh toan chuyển hóa, điều chỉnh rối loạn đông máu, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc để ngăn chặn tình trạng xuất huyết tiêu hóa.

Trẻ nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng khiến máu cô đặc, suy đa tạng

Qua trường hợp này, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, mặc dù gần cuối mùa mưa nhưng bệnh sốt xuất huyết vẫn đang "rình rập" cả trẻ em lẫn người lớn. Vì vậy, cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời khi trẻ bị sốt.

"Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống thì cần đưa trẻ bệnh viện ngay" - BS Tiến khuyến cáo.

Nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở thể nặng có thể bị suy thận, tổn thương gan, trụy mạch, tụt huyết áp, sốc, suy tim, suy thận. Với hội chứng sốc Dengue, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể bị chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng, ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Do sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh là diệt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt bằng ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng hương xua muỗi…. Khi có các triệu chứng của sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị. Tuyết đối không tự ý điều trị tại nhà để tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X