Hotline 24/7
08983-08983

Bé gái tử vong do rắn cổ đỏ cắn: Do không có huyết thanh kháng nọc

Mới đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một bé gái 15 tháng tuổi bị rắn cổ đỏ (hay còn gọi là rắn học trò, rắn hổ lửa) cắn dẫn đến tử vong sau 2 ngày nhập viện. Hiện thế giới chưa có huyết thanh kháng nọc rắn cổ đỏ.

1. "Thay máu" cũng không cứu được

Bệnh nhi N.T.N.T., 14 tháng tuổi, ngụ ở Đồng Tháp, sau khi bị rắn cắn, gia đình đã đưa bé đến nhà một thầy thuốc rắn để điều trị. Ông thầy đắp lá cây, cắt lể lấy nọc rắn cho bé thì máu chảy không ngừng nên gia đình đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang để điều trị.

Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, chiều ngày 29/3 khi bé đang chơi cùng chị gái (5 tuổi) trong sân nhà thì bị một con rắn hoa cổ đỏ cắn vào vùng cẳng tay phải. Bé chị 5 tuổi chạy lại giải cứu cho em nên cũng bị rắn cắn một vết vào tay.

Con rắn tấn công hai chị em bé gái, trước đó được xem như vật nuôi trong gia đình vì người lớn cho rằng nó có thể bắt chuột và rất hiền không tấn công người. Tuy nhiên, khi bé gái 15 tháng tuổi tiếp cận với rắn đã bị nó tấn công.

Sau khi sơ cứu, bé chị tình trạng nhẹ nên sau khi sơ cứu và theo dõi được bác sĩ cho xuất viện. Riêng bé N.T.N.T. khi nhập viện, bác sĩ đánh giá bé có biểu hiện nhiễm độc nặng nên chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) điều trị.

Khi biết bệnh nhi bị rắn cổ đỏ cắn, các bác sĩ đã rất lo lắng, tiến hành thử xét nghiệm đông máu cho bệnh nhi. Kết quả các bác sĩ đánh giá, bệnh nhi bị rối loạn đông máu toàn thân dẫn tới suy hô hấp nặng. Dù đã được băng ép nên máu vùng cẳng tay phải nhưng vẫn không thể cầm máu.

Các bác sĩ đã truyền rất nhiều sản phẩm máu như huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu nhưng máu vẫn chảy liên tục. Thể tích máu truyền vào giống như thay toàn bộ máu trong cơ thể bệnh nhi nhưng cũng không ổn, do bệnh nhi không chỉ chảy máu ở vết thương mà còn bị chảy máu toàn thân.

Bé được đưa vào khoa hồi sức tích cực, mở nội khí quản, thở máy. Dù ê kíp các bác sĩ cứu chữa và phối hợp chuyên môn với nhiều bệnh viện đầu ngành trên địa bàn TPHCM, tuy nhiên đây là loài rắn chưa có huyết thanh kháng nọc nên chỉ dừng lại ở điều trị triệu chứng. Sau 2 ngày nỗ lực cứu chữa, bệnh nhi đã không qua được nguy kịch vì rối loạn đông máu, suy hô hấp, xuất huyết não.

Rắn cổ đỏ có đầu màu xanh đậm hay xanh oliu, cổ màu đỏ đậm đỏ nhạt, thân có vệt đen, tính khí thất thường có thể tấn công người khi chạm vào chúng. (Ảnh minh họa)

2. Thế giới chưa có huyết thanh kháng nọc rắn cổ đỏ

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ đã rất đau lòng khi không thể cứu sống được bé T. Lúc đến bệnh viện cháu bé hoàn toàn tỉnh táo, vết thương không bị hoại tử nhưng máu lại chảy ra liên tục dù đã được băng ép.

Ngay khi xác định được bệnh nhi bị rắn hoa cổ đỏ cắn, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã liên hệ ngay với Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi có đề tài nghiên cứu về rắn hoa cổ đỏ, để hỏi xem có kháng huyết thanh cho rắn hoa cổ đỏ hay không và cách điều trị nếu không có kháng huyết thanh. Song cho đến nay, tại Việt Nam chưa có kháng huyết thanh cho rắn hoa cổ đỏ nên chỉ điều trị triệu chứng như các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã điều trị cho bệnh nhi.

Ê-kíp bác sĩ tiếp tục liên hệ với đồng nghiệp tại một số nước bạn xem có kháng huyết thanh không, nhưng câu trả lời vẫn là không có. Chỉ riêng Nhật Bản có một viện nghiên cứu hợp tác với một bệnh viện của trường đại học y khoa đang nghiên cứu thử nghiệm kháng huyết thanh rắn hoa cổ đỏ. Chế phẩm có nhưng đang trong giai đoạn nghiên cứu nên chưa thể mang ra bên ngoài để sử dụng, trừ khi phải ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu.

Đây là ca bệnh các bác sĩ đã làm việc với tốc độ rất khẩn trương nhưng nọc độc đã vào trong cơ thể bệnh nhi quá nhiều, các bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng chứ không có kháng huyết thanh nên cháu bé đã bị suy hô hấp, tử vong. Các bác sĩ bày tỏ sự xót xa khi chia sẻ về trường hợp tử vong trong sự bất lực của ê-kíp điều trị.

3. Rắn cổ hoa đem đun nấu vẫn không hết nọc độc

Rắn hoa cổ đỏ được mệnh danh là “nữ hoàng bóng đêm” với màu sắc bắt mắt. Nhiều người tưởng loại rắn này lành, không đáng sợ nên thường chơi với loại rắn này. Tuy nhiên, bác sĩ Đinh Tấn Phương khẳng định đây là một loại rắn nước có nọc độc.

Loài rắn này bình thường rất hiền, không tấn công người. Tuy nhiên, trên thực tế, tính khí của chúng rất thất thường, trong giai đoạn sinh sản với bản năng bảo vệ con nguy cơ chúng tấn công người ở mức rất cao.

Theo chuyên gia, rắn hoa cổ đỏ không tự sản xuất ra chất độc mà chất độc được cơ thể rắn tự tổng hợp từ chính nguồn thức ăn của chúng. Trong đó, món ăn khoái khẩu của nó lại là các con vật có chất độc như: con cóc, ếch độc, nhái độc và một số loại động vật khác trong môi trường.

Nhờ tuyến Nuchal của rắn, tức tuyến nằm sau ót của rắn, nó lọc và giữ lại các chất độc khi nó nuốt phải, sau đó tổng hợp, chuyển hóa thành nọc độc cho riêng mình, đó là chất kích hoạt yếu tố đông máu mạnh như yếu tố X, sẽ làm tiêu sợi huyết, hình thành fibrin trong lòng mạch. Sự thiếu hụt sợi fibrin trong máu khiến cho máu chảy không cầm được, nặng nhất là xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết thận, dẫn đến sốc mất máu và tử vong.

Thứ nữa, khác với các loại rắn độc khác như rắn hổ tre, rắn hổ mang chúa chứa nọc độc tại hai răng nanh cửa miệng khi cắn chất độc từ răng nanh này bơm vào cơ thể con người và ở ngay vết cắn nông. Còn loại rắn hoa cổ đỏ nọc độc lại chứa trong hai răng trong cùng. Khi cắn nạn nhân đủ sâu, nọc độc bơm từ răng này vào cơ thể người và phát tác vì vậy có trường hợp nạn nhân bị rắn cắn nhiễm độc, nhưng có người bị cắn không bị nhiễm độc.

Dù nguy hiểm như vậy nhưng rắn hoa cỏ nhỏ vẫn bị săn lùng để làm sinh vật cảnh vì vẻ đẹp của chúng (Ảnh minh họa)

Hiện nay ở các tỉnh miền Tây hay gặp loại rắn này, nó sống gần hồ, ao, bãi cỏ và trong vườn. Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, hiện nay đang có xu hướng nhiều người nuôi rắn, nuôi rết và các loài có độc xem chúng như thú cưng trong nhà, điều này rất nguy hiểm. Động vật hoang dã bản tính tự vệ rất cao nên khi có những tác động mang tính đe dọa, chúng sẽ ngay lập tức tấn công theo phản xạ tự vệ. Điều này cũng rất nguy hiểm vì người nuôi vẫn có khả năng bị rắn cắn, bọ cạp cắn.

Đặc biệt với rắn hoa cổ đỏ, khi bắt được đem đun nấu lên vẫn không hết nọc độc, do vậy khi ăn vào vẫn có khả năng bị rối loạn đông máu. Nhiều người ở các tỉnh thường để rắn sản sinh để bắt chuột. Tuy nhiên, nếu loại rắn này sinh sôi nảy nở nhiều, bị rắn cắn sẽ rất nguy hiểm vì hiện nay trong nước chưa có kháng huyết thanh cho loại rắn này.

Không chỉ là rắn hoa cổ đỏ, mà các bác sĩ đưa ra lời khuyên không nên nuôi các loài động vật hoang dã để tránh rủi ro có thể xảy ra.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X