Hotline 24/7
08983-08983

"Bão Cytokine" khiến cơ thể người bệnh COVID-19 tự tấn công

Đánh giá mới về nhiều nghiên cứu cho thấy một phản ứng miễn dịch tích cực được gọi là "cơn bão cytokine" khiến các trường hợp virus corona trở nặng.

Ảnh: Shutterstock

Một trong những bí ẩn còn sót lại xung quanh virus corona là tại sao một số người bị bệnh nặng hơn những người khác.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những người lớn tuổi và những người mắc bệnh lý nền có nhiều khả năng phát triển các trường hợp nghiêm trọng.

Một đánh giá mới từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Zunyi ở Vũ Hán, Trung Quốc, đã phát hiện ra rằng nhiều hệ thống miễn dịch đã tích cực chống lại virus corona. Trong số những bệnh nhân nghiêm trọng, hệ thống miễn dịch có thể phản ứng thái quá bằng cách tạo ra một "cơn bão cytokine" - giải phóng các tín hiệu hóa học hướng dẫn cơ thể tấn công các tế bào của chính nó. Phản ứng này cũng là đặc điểm của những bệnh nhân tử vong vì cúm H1N1, SARS, MERS và cúm năm 1918.

"Virus nhân lên rất nhanh, trước khi cơ thể có cơ hội ngăn chặn bằng phản ứng miễn dịch, hoặc nếu phản ứng miễn dịch đến quá muộn, thì nó không thể kiểm soát virus và bắt đầu 'phát điên'", Anthony Fehr, một nhà virus học tại Đại học Kansas, nói với tờ Washington Post.

Theo các nhà nghiên cứu Vũ Hán, phản ứng miễn dịch tích cực đó khiến các trường hợp nhiễm virus corona trở nặng.

Bão Cytokine gây viêm và suy nội tạng

Các nhà nghiên cứu Vũ Hán phác thảo quá trinhg từng bước virus corona xâm nhập cơ thể. Đầu tiên, các protein gai của virus bám vào các thụ thể tế bào được gọi là ACE2. Vì virus corona gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nên virus bắt đầu liên kết với các thụ thể ACE2 trong phổi.

Khi hệ thống miễn dịch cảm nhận được mối đe dọa, nó sẽ phản ứng bằng cách kích hoạt các tế bào bạch cầu. Ở một số bệnh nhân, những tế bào bạch cầu này giải phóng quá nhiều cytokine - là một loại protein kích hoạt thêm phản ứng miễn dịch và viêm trong cơ thể.

"Cơn bão cytokine" này thúc đẩy các tế bào bạch cầu tấn công các mô phổi khỏe mạnh.

Các hạt virus corona. Ảnh: Shutterstock

Phản ứng có thể gây ra các triệu chứng virus corona nhẹ hơn như sốt, mệt mỏi, đau cơ hoặc ngón chân sưng tím. Nhưng cũng có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm cục máu đông, tràn dịch màng phổi, thiếu oxy trong máu và huyết áp thấp.

Thời báo New York đã báo cáo rằng cơn bão cytokine trở nên rõ ràng vài ngày sau khi một người bị nhiễm bệnh. Một số dấu hiệu chính bao gồm nhịp tim nhanh bất thường, sốt và tụt huyết áp.

Trong những trường hợp này, bệnh nhân có thể phát triển hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), tổn thương phổi đe dọa tính mạng. Họ cũng có thể bị suy nội tạng ở tim, thận và gan.

Tiến sĩ Randy Cron, một chuyên gia về khớp tại Đại học Alabama ở Birmingham, ước tính rằng có tới 15% số người mang đột biến có liên quan đến nguy cơ bão cytokine cao hơn.

"Không ai biết tại sao một số người phát triển phản ứng này, nhưng có khả năng có các yếu tố nguy cơ, bao gồm đột biến gen", Tiến sĩ Cron cho biết.

Phản ứng miễn dịch tích cực có thể giải thích bệnh nặng ở trẻ sơ sinh

Bão Cytokine cũng có thể là một phần lý do khiến trẻ sơ sinh có xu hướng bị nhiễm trùng nặng hơn so với trẻ lớn. Trẻ em chỉ chiếm 1% đến 2% các trường hợp nhiễm virus corona ở các quốc gia như Trung Quốc, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, nhưng một nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy có tới 62% trẻ sơ sinh mắc virus corona phải nhập viện, trong khi đó tỷ lệ trẻ em từ 1 tuổi đến 17 tuổi không lớn hơn 14%.

Một số nhà khoa học tin rằng đó là vì trẻ sơ sinh chưa phát triển phản ứng miễn dịch mạnh. Nhưng những người khác cho rằng trẻ sơ sinh thực sự có phản ứng viêm mạnh hơn trẻ lớn: Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi sản xuất nhiều cytokine gây viêm có tên là interleukin-1 (IL-1) so với trẻ từ 3 tháng đến 18 tháng.

Một em bé đeo khẩu trang bảo vệ ở Hồng Kông vào ngày 3/2/2020. Ảnh: Anthony Wallace / AFP / Getty

Thuốc kháng virus nhắm vào cơn bão cytokine

Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang tìm kiếm các loại thuốc chống virus có thể điều trị các triệu chứng virus corona. Một số trong số này trực tiếp nhắm vào cơn bão cytokine.

Hai công ty Regeneron và Sanofi đang chạy thử nghiệm một loại thuốc chống viêm có tên Kevzara có tác dụng ức chế một cytokine chính gọi là interleukin-6 (IL-6). Thuốc đã được phê duyệt để điều trị viêm khớp dạng thấp ở Mỹ. Các nghiên cứu đã phát hiện ra nồng độ IL-6 tăng cao trong số một số bệnh nhân virus corona bị bệnh nặng - và nồng độ IL-6 cao hơn đáng kể trong những trường hợp nặng so với những người nhẹ.

Công ty dược phẩm Thụy Sĩ Roche cũng đang thử nghiệm chất ức chế IL-6 có tên Actemra đã được phê duyệt vào năm 2017 để điều trị cơn bão cytokine. Nhưng một số bác sĩ lo lắng rằng thuốc chống viêm cũng có thể ức chế phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Khi một cơn bão cytokine hình thành trong cơ thể, cơ hội sống sót sẽ giảm xuống. Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc gần đây đã xác định rằng việc biết chính xác thời điểm ngăn chặn cơn bão đó là rất quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân virus corona.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X