Hotline 24/7
08983-08983

Bài về "thanh niên quỳ lạy" nhận được nhiều ý kiến trái chiều

Sau khi Phụ Nữ Online đăng bài viết của tác giả Nguyễn Thúy Hằng (Hà Nội) nhan đề “iPhone 6, quỳ lạy và văn hóa trách nhiệm” (16h21 ngày 6/11), bạn đọc đã gửi bình luận cho bài viết.

Dưới đây là các ý kiến đó:


- Hành vi của cửa hàng bán ĐT này đáng lên án. Cùng với đó cách làm của những bạn trẻ Singapore để bảo vệ hình ảnh của đất nước họ đáng để người Việt chúng ta học hỏi, đáng để ghi nhận.

Nhưng khi đọc bài báo, xem clip và hình ảnh người thanh niên Việt Nam quỳ lạy để xin được trả lại tiền thì không chỉ mình tôi mà nhiều người Việt khác thấy có gì đó hơi xấu hổ. Có một cái gì đó thấy mất thể diện.

Có thể nhiều người nghĩ là tôi bao đồng quá, vì đâu phải mình quỳ lạy đâu, nhưng thực sự tôi thấy hành động quỳ lạy đó đáng bị coi thường. Không hiểu người đàn ông này nghĩ thế nào mà hành động như vậy, nhất là lại làm hành động đó trước mặt bạn gái của mình.

Cho dù có thể trong trường hợp bất khả kháng nào đó, con người ta buộc phải hành động như vậy, nhưng trong trường hợp này là vì để đòi lại tiền thì quả là (…), vì còn rất nhiều cách để có thể lấy lại tiền, thậm chí có thể nhờ đến sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam tại Singapore can thiệp nếu như số tiền đó quá lớn với anh ta.

Quỳ lạy là hành động khó chấp nhận, nhất là nếu kẻ bán hàng là người xấu thì càng khó có khả năng lấy lại tiền vì những kẻ đó càng nhận ra anh ta dễ bắt nạt.

Sẽ có người nói tôi là sĩ diện hão, nhưng đôi khi trước hành động liên quan đến cộng đồng và đất nước, chúng ta cần phải có sĩ diện.

Người Xa Lạ - phan.tr.thiep@ (22:53 06/11/2014)

- Mình không nghĩ việc người đàn ông kia quỳ xuống, lạy chủ cửa hàng để được trả lại 950 SGD - tiền mồ hôi nước mắt của anh, của một công nhân nhà máy - là hành động "bán rẻ danh dự của mình và thể diện quốc gia" như bài viết nói.

Anh Thoại không làm gì sai. Anh không ăn cắp, không làm việc gì trái với lương tâm và pháp luật, sao lại có thể nói việc làm của anh là "bán rẻ danh dự của mình và thể diện quốc gia?".

Nói cho đúng hơn, anh Thoại đã phải bỏ qua danh dự của mình cho mục tiêu lớn hơn, là giành lại số tiền đã mất. Giữa một người mất tiền và bỏ đi, với một người tìm cách lấy lại số tiền đã mất, thì người tìm cách lấy lại số tiền đã mất đáng lẽ phải được thông cảm nhiều hơn, vì ít ra họ đã cố gắng, họ đã hành động, chứ họ không buông xuôi theo hoàn cảnh.

Hành động của anh Thoại không chỉ để đòi lại tiền, mà nó còn xuất phát từ đau xót cho số tiền vất vả kiếm được đã mất, từ sự bất lực không thể làm gì khác đi. Hành động đó khiến cho người Singapore phải xúc động, đồng cảm, để rồi sau đó họ quyên góp tiền giúp đỡ anh, thì tại sao trong mắt người Việt lại là hành động "bán rẻ danh dự của mình và thể diện quốc gia?".

iPhone 6 có sức mạnh gì để nhiều người bán rẻ cả danh dự của mình và thể diện quốc gia như thế?

Tôi biết chuyện nhiều nhà hàng ở Singapore dán những bảng thông báo ghi rõ bằng tiếng Việt yêu cầu khách hàng không bỏ thừa đồ ăn, đi toilet giữ vệ sinh.

Cách cư xử của người Việt Nam đang xấu đi trong mắt bạn bè nước ngoài. Và nam thanh niên trên đang một lần nữa góp phần tô đậm những ấn tượng không mấy đẹp đẽ đó.

(Trích ý kiến trong bài viết "iPhone 6, quỳ lạy và văn hóa trách nhiệm")

Anh Thoại sau đó được quyên góp tới hơn 12.000 SGD, nhưng anh chỉ nhận đúng 550 SGD, là những gì đã mất. Đó là hành động của một người Việt chân chính, làm đẹp thêm hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, chứ không phải của một người "bán rẻ danh dự của mình và thể diện quốc gia".

Người chủ cửa hàng điện thoại mới là người đã "bán rẻ danh dự của mình và thể diện quốc gia". Bằng việc lừa đảo khách hàng, người đó đã làm giảm đi hình ảnh trong sạch, an toàn về Singapore trong mắt du khách nước ngoài.

Chính vì lý do này mà người Singapore đã vận động quyên góp tiền cho anh Thoại, phần để giúp đỡ anh, phần để đất nước Singapore không bị xấu đi trong mắt du khách nước ngoài.

Anh Thoại không đáng để bị cộng động mạng trong nước lên án. Tuy anh không giỏi tiếng Anh, nhưng vì anh tin Singapore là đất nước an toàn để mua sắm. Một sinh viên ở Singapore sau đó cũng bị một cửa hàng khác ở Sim Lim lừa gạt tiền bảo hiểm điện thoại.

Sinh viên đó hoàn toàn thông thạo tiếng Anh. Nhưng chủ cửa hàng bảo chỉ phải trả 40 SGD cho hai năm. Lúc đưa hợp đồng thì họ khéo léo che dấu "x" ở vị trí "40 x 24(tháng)" rồi giục bạn ấy kí hợp đồng. Bạn đó cũng đã kí hợp đồng, cũng không nhận được điện thoại, cũng bị mất khoảng 550 SGD như anh Thoại. Sau đó bạn đó cũng chỉ có thể khóc và sống vất vả với số tiền ít ỏi còn lại của đời sống sinh viên.

Không thể loại trừ khả năng người chủ cửa hàng Sim Lim cũng đã tinh vi hành động như vậy với anh Thoại. Điều mình muốn nhấn mạnh ở đây, là khi một chủ cửa hàng ở Sim Lim đã muốn lừa gạt khách hàng, thì họ có rất nhiều chiêu trò để thực hiện mục đích của mình, chứ cũng không hẳn do lỗi khách hàng đã lơ đãng khi thực hiện giao dịch.

Chồng mình từng là sinh viên ở Singapore. Bảy năm về trước anh ấy mua điện thoại ở Sim Lim, cũng đã bị lừa đảo. Họ để bảng giá điện thoại là $200, nhưng sau đó lại ghi hoá đơn là gần 400 SGD. Họ lý giải giá đề bảng là giá USD, lúc trả phải được đổi sang SGD. Đó là lừa đảo. Vì tất cả các giá giao dịch ở Singapore nếu không được chú thích rõ ràng là USD thì đều được hiểu là SGD.

May thay chồng mình không có thẻ tín dụng, chỉ có thẻ ATM. Không có số pin của thẻ, chủ cửa hàng cũng không làm gì được. Chủ cửa hàng lúc đó cũng làm dữ, đòi giữ lại thẻ. Chỉ sau khi chồng mình gọi cảnh sát đến thì họ mới chịu trả lại thẻ ATM.

Sim Lim ở Singapore không phải là nơi an toàn để mua sắm. Người cần bị lên án là những người chủ cửa hàng làm ăn dối trá kia, chứ không phải là những người mua sắm bị hại.

Katie Luong - katieluong1988@ (05:06 07/11/2014)

- Tại sao cứ cần phải nhấn mạnh, nói quá lên sức ảnh hưởng của điện thoại iPhone? Đâu cần phải vậy, đó không phải là vấn đề chính. Anh ấy làm công nhân, đi du lịch nước ngoài và muốn mua điện thoại tặng bạn gái vào ngày sinh nhật, đó là quyền của anh ấy, dù cho anh ấy là ai.Chúng ta chẳng có cái quyền gì phán xét.

Đúng là cũng có một phần lỗi của anh ấy khi thiếu thông tin, kỹ năng (tiếng Anh), không đọc kỹ hợp đồng. Nhưng nếu các bạn tìm hiểu thêm thông tin, cả khách du lịch dù giỏi tiếng Anh và biết cẩn thận, có độ đề phòng nhất định, vô cửa hàng này vẫn bị "mắc bẫy" như thường. Mặt khác, tiền của mình ai mà không tiếc.

Trong chuyện này, chẳng có gì nói lên được là vì một món vật chất mà "bán rẻ cả danh dự của mình và thể diện quốc gia" cả. Và anh Thoại cũng rất may mắn được sự ủng hộ của những người Singapore tốt bụng, chân chính muốn giữ hình ảnh đẹp về đất nước của họ.

Đúng là thông tin người viết đề cập đến mặt xấu của người Việt và mặt tốt của người dân các nước bạn là đúng, nhưng chưa đủ. Cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Bài viết có phần đúng nhưng chưa đủ, và chỉ đưa ý kiến 1 chiều, hơi phiến diện, chỉ tập trung vào mặt còn chưa tốt của người VN nên cách nhìn không khách quan.

Nguyên Tăng - tntn22213@ (00:24 07/11/2014)

AloBacsi.vn
Theo Ngọc Hồ - Phụ nữ Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X