Hotline 24/7
08983-08983

Bà con xã Trà Thanh, Quảng Ngãi đội mưa đến với đoàn khám bệnh của AloBacsi

Đến với xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi lần này, AloBacsi cùng Dược Hậu Giang dự định sẽ khám bệnh và phát thuốc cho 1.000 bà con. Đồng thời, với sự hỗ trợ của bạn đọc AloBacsi và các mạnh thường quân, đoàn thiện nguyện còn trao tặng 501 cái chăn/ mền, 200 thùng mì, 2 máy lọc nước, 30 thùng sách, 40 thùng sữa và 300 phần quà, thuốc bổ cho trẻ em.

Những đôi chân trần băng rừng, đội mưa đến với bác sĩ

Sáng 12/11/2022, sương giăng trên khắp các nẻo đường dẫn đến huyện Trà Thanh. Trời đổ cơn mưa nặng hạt, địa điểm khám bệnh chỉ lác đác một vài bà con đến từ sớm khiến đoàn thiện nguyện thấp thỏm khôn nguôi. Lo lắng trời mưa sẽ làm chùn bước chân đến khám.

Song, chỉ mươi phút sau đó, bà con đổ vào cùng lúc. Đến trễ, bởi vì nhiều người phải băng rừng, đi bộ 5-7 cây số để kịp giờ khám bệnh. Ban đầu, nhiều người còn rụt rè, bỡ ngỡ, không dám xếp hàng hay lại gần tiếp cận điểm khám. Sau khi được hỗ trợ, hướng dẫn, từ người già đến trẻ nhỏ vây quanh đông đúc trải dài suốt 7 bàn khám của bác sĩ. Rào cản ngôn ngữ cũng kịp thời được tháo gỡ nhờ sự trợ giúp của các đơn vị địa phương.

Nhà báo Hồng Tâm - Trưởng ban tổ chức bày tỏ, trong 3 tháng vừa qua, sau chuyến đi đến Huế và Cao Bằng, hành trình chăm sóc sức khỏe của AloBacsi và Dược Hậu Giang tiếp tục dừng chân tại xã Trà Thanh. Nơi đây không chỉ thiệt hại nặng nề sau bão lũ vừa qua, mà cơ số thuốc cũng trong bối cảnh thiếu thốn.

Đoàn thiện nguyện chúng tôi luôn trên tinh thần khám kỹ, khám đến người cuối cùng. Thuốc cũng chuẩn bị kỹ và đầy đủ, phong phú các loại. Chúng tôi có cả siêu âm, điện tim, ngoài khám Nội tổng quát, khám Nhi, còn có cả khám Nha. Vì vậy, hôm nay, cho dù bà con có phiếu hay không có phiếu, hãy mạnh dạn đến với đoàn thiện nguyện, chúng tôi sẽ thăm khám, phát thuốc đầy đủ cho mọi người”.

Ông Hồ Văn Thịnh - Chủ tịch xã Trà Thanh gửi lời tri ân đến đoàn bác sĩ, AloBacsi và Dược Hậu Giang. Đây là món quà ý nghĩa, góp phần ổn định tinh thần của bà con sau những đợt mưa lũ vừa qua tại địa phương.

Ban đầu chỉ lác đác một vài bà con mạnh dạn vào khám...

...Nhưng sau đó, các bàn khám đã nhanh chóng được lấp đầy

Tham gia cùng đoàn thiện nguyện, vợ chồng BS Phan Bá Ngọc còn tự chuẩn bị 50 bộ dụng cụ khám răng, kìm, thuốc tê và cả thuốc trám. Đặc biệt, các dụng cụ và bông gòn được hấp sạch và mang đi từ TPHCM để đảm bảo vô trùng, sẵn sàng thực hiện nhổ răng sâu hay xử lý tiểu phẫu tại chỗ.

Bén duyên với các chuyến thiện nguyện từ khi còn công tác tại bệnh viện, BS Phan Bá Ngọc nhận thấy việc chăm sóc răng miệng không được bà con được chú trọng, chỉ đến bệnh viện khi răng đã hư hại quá nhiều. Một phần vì không có điều kiện kinh tế, phần nữa là do thiếu kiến thức sức khỏe.

"Những chuyến đi vùng sâu vùng xa như xã Trà Thanh là thực sự cần thiết. Bà con thiếu thốn, bụng còn bữa đói bữa no nên hầu hết đều không có cơ hội tiếp cận y tế. Đến đây, đoàn bác sĩ và cá nhân tôi cảm nhận được là đã đến đúng nơi cần đến. Hy vọng sẽ góp một phần công sức nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe và hướng dẫn các thông tin, kiến thức cơ bản về răng miệng cho bà con nơi đây" - BS Phan Bá Ngọc chia sẻ.

Gần trưa, đoàn đã phát ra gần 1.000 phiếu khám. Người đổ về khám bệnh mỗi lúc một đông. Bàn khám của bác sĩ làm việc tối đa năng suất. Khu vực phát thuốc cũng đông đúc không kém. Với sự hỗ trợ từ y tế địa phương cùng nhân viên kinh doanh phụ trách tại khu vực Quảng Ngãi và miền Trung của Dược Hậu Giang, soạn thuốc - kiểm toa thuốc liên tục mà vẫn không xuể.

Trải qua hàng chục chuyến khám bệnh thiện nguyện của AloBacsi và nhiều lần đến với Quảng Ngãi, có lẽ đồng bào ở xã Trà Thanh là thiệt thòi nhất, thiếu cả điều kiện y tế lẫn kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Qua siêu âm phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh gan như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ

Bệnh tật hành hạ bà con vùng cao

Chỉ trong buổi sáng, BS Bùi Thị Tường Vi đã thực hiện hơn 100 ca siêu âm. Nhờ đó, phát hiện nhiều ca sỏi thận, viêm gan, gan nhiễm mỡ, ở cả nam giới và phụ nữ, vì “ăn trầu, rượu bia nhiều” - BS Tường Vi nói.

Ông Hồ Đức Thuận cùng 3 người trong gia đình đến khám bày tỏ niềm vui khi vừa nhận thuốc, vừa được trao quà. “Nhờ hôm nay đến khám, được siêu âm mới biết ra bị gan nhiễm mỡ. Nếu không có đoàn về xã, tôi cũng không có điều kiện để được siêu âm, phát hiện ra bệnh như vậy” - Ông Thuận bày tỏ lòng biết ơn đến các bác sĩ.

Qua siêu âm cũng ghi nhận 2 trường hơp mang thai lần thứ 5. Với quan niệm “phải có con trai để nối dõi” đã vắt kiệt thời gian, sinh lực của những người phụ nữ trẻ. Khi biết tin mang thai, người phụ nữ chỉ biết tặc lưỡi bày tỏ “ráng để gia đình có đủ nếp, đủ tẻ”. Hơn nữa, phong tục tập quán ở miền núi nặng vấn đề gia đình đông con để có người làm. Hỏi ra mới biết, ở đây, hiếm lắm nhà mới có 3 con. Còn lại, đều từ 4-5 đứa trẻ trở lên.

Cao huyết áp, tim mạch, cơ xương khớp, thiếu máu cũng là những tình trạng sức khỏe phổ biến của người dân nơi đây. Nhiều người bị cao huyết áp nhưng không biết bệnh. Trẻ em thì suy dinh dưỡng, dáng người nhỏ thó. Em Hồ Thị Nhi, học sinh lớp 8 nhưng chỉ nặng 26kg.

BS Trịnh Ngọc Bình - Trưởng đoàn khám bệnh xót xa bày tỏ: “Trong buổi sáng, 4 loại bệnh được ghi nhận phổ biến nhất là viêm gan, nhiễm giun, suy dinh dưỡng và tăng huyết áp. Trong đó, chỉ định siêu âm 10 ca thì hết 10 ca bị viêm gan. Ngay cả trẻ em cũng mắc phải căn bệnh này. Sau chương trình, chúng tôi sẽ trao đổi thêm với y tế địa phương để có những hoạch định cụ thể trong tương lai. Trẻ em còn cả chặng đường dài phía trước, trong khi bệnh viêm gan thì đến quá sớm".

Khái niệm khám Nha, chăm sóc răng miệng cũng là lần đầu bà con được biết đến. Gần 100% người đến khám tại khu vực Nha khoa đều có vấn đề răng miệng. Phổ biến nhất là tình trạng viêm nha chu, vôi răng. Trong khi trẻ em thì sâu răng, còn người lớn thì rụng răng, mất răng rất nhiều. Chưa đầy buổi sáng, BS Phan Bá Ngọc đã thực hiện nhổ răng cho 30 trường hợp răng bị lung lay, trong đó nhiều nhất là trẻ em.

"Có những người, răng lung lay nặng đến mức làm cho bà con không ăn uống được. Thậm chí, dùng tay cũng có thể nhổ răng dễ dàng" - BS Ngọc nói.

Quá trưa, nhắc mãi, mời mãi các bác sĩ mới chịu rời bàn khám chia nhau đi ăn. Ai cũng ăn nhanh, nuốt vội vì “sốt ruột, bà con đang chờ”.

Khu vực phát thuốc làm việc xuyên trưa để kịp thời lên đơn thuốc cho người đến khám

Đồng thời, Dược Hậu Giang cũng cử nhân viên hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho bà con

Nặng lòng với tảo hôn thời hiện đại, lên chức bà ngoại ở tuổi 30

Tại xã Trà Thanh, Trạm y tế thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực và cả thuốc men. Trong khi đó, để đến bệnh viện tuyến huyện, bà con cần vượt qua chặng đường hàng chục cây số, đôi khi giao thông còn bị chia cắt bởi mưa lũ. Vì vậy, chẳng mấy ai mặn mà với việc thăm khám bệnh hay chăm sóc sức khỏe.

Ông Hồ Văn Thịnh - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Trà Thanh chia sẻ thêm: “Trụ sở y tế xã đã xây dựng và đưa vào hoạt động, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế, đặc biệt là cơ sở vật chất, thiếu các máy móc cơ bản. Cán bộ y tế tại xã đa phần là dưới đồng bằng lên nên đi lại cũng rất khó khăn. Hơn nữa, mặc dù đã có tuyên truyền nhưng người dân chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe, nhất là vấn đề giữ gìn vệ sinh ăn chín, uống sôi. Ít bà con nào đến trạm chỉ vì đau đầu thông thường”.

Trước khi đi, ban tổ chức đã họp đoàn, lấy ý kiến bác sĩ để chuẩn bị cơ số thuốc cho sát với nhu cầu của người dân miền núi. Chuẩn bị là thế, đến nơi vẫn phát sinh tình huống. Trong buổi khám bệnh, các bác sĩ trong đoàn liên tục phải nhờ cán bộ địa phương giải thích toa thuốc cho bà con. Bởi vì nhiều người lớn tuổi không biết đọc chữ, uống thuốc theo thói quen, lấy từng vỉ uống hết loại này đến loại khác.

Cán bộ địa phương, bác sĩ và loa thông báo của đoàn cũng hoạt động hết công suất, lặp đi lặp lại lời nhắn: “Không để dành thuốc. Thuốc ai người đó uống. Không được uống nhầm thuốc của người nhà”.

Trong đợt khám này, các bác sĩ đã kịp phát hiện ra những trường hợp đặc biệt. Đó là trường hợp của em Hồ Văn Huê, mới 24 tuổi, bị đau bụng 3 năm nay nhưng không có điều kiện thăm khám. Đoàn thiện nguyện về, qua siêu âm phát hiện bị viêm gan, lách to nên đã chỉ định chuyển tuyến. Bác sĩ giải thích cặn kẽ cho Huê cần đi khám sớm tại bệnh viện tuyến huyện, vì lách to hơn nữa tuổi còn trẻ nhưng kèm theo viêm gan, cần được điều trị sớm để tránh bệnh chuyển biến nặng.

Quá nhiều, quá nhiều ca bệnh khởi phát ban đầu là nhẹ nhưng vì không điều trị, nay đến khám, bệnh nhân bị biến chứng thành tật nguyền. “Thật không đáng phải như thế. Thật là tiếc quá!” - các bác sĩ đau lòng, bất lực.

Giữa hàng người xếp hàng, BS Huỳnh Thông Minh đứng bật dậy khi tiếp nhận trường hợp của ông Hồ Văn Tuyến, huyết áp cao đến 230/110mmHg. “Huyết áp cao quá, chân biểu hiện phù nặng, có thể do suy thận nặng” - BS bày tỏ lo lắng.

Dìu người bệnh vào phòng nghỉ và cho uống thuốc hạ huyết áp khẩn cấp, bác sĩ Thông Minh gọi ngay cho ban tổ chức để liên hệ người thân của ông Tuyến, cần chuyển ngay lên tuyến trên điều trị. Song, ông Tuyến “một thân, một mình” đến khám, không có sự trợ giúp từ người thân, bác sĩ đành phải tiếp tục theo dõi huyết áp và trao đổi với cán bộ xã để hỗ trợ bệnh nhân.

Một trường hợp khác cũng khiến các bác sĩ trong đoàn đau đáu. Bé Hồ Văn Tài, 2 tuổi bị viêm tai giữa chảy mủ nặng. Mẹ bé cho biết, em có biểu hiện đau tai lâu nay, hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện chạy chữa và cũng không biết chăm sóc nên tai chảy mủ liên tục. Bác sĩ không chỉ kê đơn thuốc, mà còn hướng dẫn cách vệ sinh tai cụ thể, để làm giảm sự khó chịu cho trẻ.

Tiếng em bé quấy khóc vì tai rỉ mủ khiến lòng bác sĩ nặng trĩu. Xốn xang bởi nỗi đau âm ỉ mà em bé phải chịu suốt thời gian qua. Âu lo hơn nữa là tập tục tảo hôn giữa thời hiện đại, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhiều đứa trẻ ở vùng cao chưa kịp lớn đã trở thành mẹ.

Những cặp vợ chồng “trẻ con”, khiến những đứa trẻ sinh ra thiệt thòi đủ thứ. Như trường hợp của bé Tài, bà ngoại lên chức khi vừa tròn 30.

Những chiếc chăn ấm đến với đồng bào vùng cao

Hành trình thiện nguyện đến xã Trà Thanh lần này, đoàn đã khám bệnh, phát thuốc cho 1.216 lượt, trong đó có hơn 300 trường hợp là trẻ em, thực hiện hơn 300 lượt siêu âm, đo điện tim cho 75 trường hợp.

Bên cạnh chương trình khám bệnh, phát thuốc, AloBacsi cũng trao tặng thêm 507 phần quà là chăn/mền, mì gói; 2 máy lọc nước; 300 phần quà là sữa, bánh kẹo; quần áo; 30 thùng sách cho trường THPT Trà Bồng từ sự chung tay, góp sức của nhiều mạnh thường quân, các nhà tài trợ và bạn đọc gần xa. Ngoài ra còn trao tặng thêm cho 5 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi hộ 1 triệu đồng.

Ở vùng núi cao, đêm xuống lạnh thấu xương, nhất là khi mùa đông đã cận kề, nên cầm món quà là tấm chăn dày, ai ai cũng phấn khởi. Họ mở ra, mân mê, ngắm nghía cả buổi. Chia sẻ cảm nhận thì ai cũng e thẹn, bẽn lẽn. Nhưng, nói chung là "quý lắm, thích lắm".

Khép lại hành trình thiện nguyện, các bác sĩ trong đoàn gửi lời cảm ơn AloBacsi vì được đồng hành cùng nhau trong chuyến đi đáng nhớ lần này.

BS Bùi Thị Tường Vi (Bệnh viện Chợ Rẫy) - một người con quê Quảng Ngãi - xúc động vì được đồng hành cùng đoàn, được siêu âm, chẩn đoán bệnh cho bà con. BS Nguyễn Thị Bạch Quyên, BS Nguyễn Hồng Nga đều bày tỏ “viết mỏi tay, ngồi đau lưng, nhưng bà con tin mình, đến với mình, đó là niềm vui”.

DS Nguyễn Thu Phượng gần 80 tuổi nhưng không rời vị trí của mình nửa bước, đứng suốt cho tới người cuối cùng nhận thuốc ra về vẫn giữ nguyên tôn chỉ chắc nịch “còn người bệnh là còn phát thuốc”. BS Phan Bá Ngọc - một bác sĩ trẻ cũng bày tỏ mong muốn sẽ có cơ hội tiếp tục cùng đoàn thiện nguyện đến vùng sâu, vùng xa để được chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bà con.

BS Trịnh Ngọc Bình cho rằng, thiện nguyện là những chuyến đi đẹp nhất của cuộc đời. Trong các chuyến thiện nguyện, ngoài trình độ bác sĩ thì chất lượng thuốc và loại thuốc là điều cần nhất. Và điều này đã được thực hiện thành công tại các chuyến khám bệnh của AloBacsi với sự đồng hành của Dược Hậu Giang.

BS Huỳnh Thông Minh và BS Nguyễn Tấn Hùng nhìn nhận, đoàn thiện nguyện của AloBacsi là chu đáo và chuyên nghiệp nhất trong các đoàn khám từ thiện mà chuyên gia từng tham gia.

Chia tay xã Trà Thanh, giữa rào cản ngôn ngữ, nhưng đoàn thiện nguyện vẫn nhận được lời mời thân thương của bà con: “Có dịp cả đoàn mình lại về quê mình, về Quảng Ngãi tiếp nghen”.

Ghi nhận những đóng góp của đoàn thiện nguyện, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Trà Bồng và UBND xã Trà Thanh trao tặng bằng khen và gửi lời cảm ơn đến AloBacsi, Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng bà con nơi đây.

Để chuyến đi thành công ngoài mong đợi, AloBacsi trân trọng tri ân các bác sĩ đã tham gia hành trình về Trà Bồng, Quảng Ngãi.

Cảm ơn đoàn y tế - cán bộ địa phương và các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa đã đồng hành để đoàn thiện nguyện hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Và đặc biệt cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu, những cái vẫy tay chào đón - tạm biệt của các em nhỏ, bà con xã Trà Thanh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X