Ăn và học - càng ép càng chán!
Phải chăng ép con ăn không đúng cách thì con càng biếng ăn, và ép trò học không đúng cách thì trò càng chán học?
Đời sống khá lên chút ít, rất nhiều trẻ con mang cái tật biếng ăn. Trò “em chả” của chúng làm khổ cho nhiều người ( bố mẹ, ông bà… và nhất là người giúp việc). Chúng nghiến răng, ưỡn người lên… không chịu để lọt vào miệng mình cái thìa cơm hay cháo mà người ta đang cố ấn vào.

Các bậc cha mẹ không biết con mình khó nuốt được một thứ gì đó chỉ là vì cái thứ ấy làm cho nó “ngán tận cổ”, chứ không phải cái thứ ấy dở, không ngon hoặc có mùi khó chịu. Phàm là đã “ngán tận cổ” thì không thể nuôt “trôi vào bụng” được. Vì chúng còn bé nên hiển nhiên là không bày tỏ được nguyện vọng của mình.

Đó là gia đình, còn nhà trường thì cũng không khác. Để thực hiện mục tiêu “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình” do UNESCO đề xướng, ngành Giáo dục đã “ép” học sinh phải học một chương trình “đồ sộ”, mà nói thẳng ra trong đó có nhiều thứ mà học sinh cũng “ngán tận cổ”. Mà thứ gì đã “ngán tận cổ” thì khó “chui vào đầu” lắm!
Có nhiều thứ học sinh ngày nay phải học: Nào là học bảo vệ môi trường, học pháp luật, học luật giao thông, nào là học chống tham nhũng, nào là học giới tính, nào là học quân sự, học thể dục thể thao, học công nghệ… Quả tình điều gì cũng hay cả, cũng nên học cả. Có điều chắc chắn là đa số học sinh không thể học hết (chưa nói học tốt) một khối lượng kiến thức như vậy. Và thế là bệnh lười học chưa chữa được thì lại xuất hiện bệnh chán học, hoặc văn vẻ hơn là bệnh không hứng thú học…
Theo Văn Như Cương - Báo Khoa học & Đời sống Online
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình