Hotline 24/7
08983-08983

Ăn ra sao, uống thế nào giúp phòng ngừa đột quỵ và bệnh tim?

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh được xem là liều thuốc thần kỳ giúp giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. BS Trần Trọng Nhân - Phụ trách khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ liệt kê các bí kíp ăn uống khoa học để phòng ngừa 2 lưỡi hái tử thần.

1. Người mắc bệnh tim mạch cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào?

BS Trần Trọng Nhân:

Chế độ dinh dưỡng giúp người bệnh kiểm soát huyết áp, cholesterol toàn phần, LDL cholesterol và kiểm soát đường huyết. Về nguyên tắc dinh dưỡng, chúng ta sẽ tối ưu và đảm bảo năng lượng cho người bệnh. Nhu cầu năng lượng phải phù hợp và cân đối giữa tỷ lệ đạm, chất béo, bột đường và chất chống oxy hóa. Đặc biệt, chúng ta cần kiểm soát hàm lượng muối đưa vào cơ thể bệnh nhân.

2. Cách kiểm soát khẩu phần ăn cho bệnh nhân tim mạch?

BS Trần Trọng Nhân:

Về nguyên tắc, chúng ta sẽ ăn đa dạng các loại thực phẩm. Về số lượng, cần ăn cân đối để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho người bệnh. Còn về khẩu phần, chúng ta sẽ cung cấp 55-60% bột đường. Đối với chất đạm sẽ ăn từ 15-20%, 20-30% còn lại xuất phát từ chất béo.

Nói một cách đơn giản thì chúng ta có thể ăn theo quy tắc bàn tay hoặc tháp dinh dưỡng.

3. Bệnh nhân tim mạch nên và không nên ăn gì?

BS Trần Trọng Nhân:

Nói về thực phẩm, không có thực phẩm nào luôn tốt cũng không có thực phẩm nào luôn xấu. Quan trọng, chúng ta phải biết cách kiểm soát và phối hợp.

Chế độ ăn Dash giúp kiểm soát huyết áp một cách tốt nhất. Người tuân thủ chế độ ăn Dash trong hai tuần có thể giảm được 11 mm Hg huyết áp. Điều này có ý nghĩa đối với bệnh nhân đột quỵ.

Nói về chế độ dinh dưỡng lành mạnh, sẽ khuyến khích người ăn bổ sung rau củ và trái cây, tăng cường thực phẩm giàu Canxi, magie, protein và hạt ngũ cốc. Song song đó, chúng ta cần hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, nhiều chất bột đường tức là thức ăn ngọt, các thực phẩm giàu muối.

4. Bệnh nhân tim mạch muốn phòng đột quỵ cần hạn chế thực phẩm nào?

BS Trần Trọng Nhân:

Rau củ, trái cây tươi sống và đông lạnh không có gì khác biệt nhiều. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc chúng ta vẫn khuyến khích người ăn cần rửa và ăn ngay sau khi thu hoạch.

Một khảo sát cho thấy chỉ có 9% người Mỹ ăn đủ lượng rau củ một ngày. Chính vì lẻ đó, chúng ta cần đảm bảo người bệnh ăn đủ rau thay vì ăn quá nhiều đạm.

Thực phẩm tươi hay đóng hộp không quan trọng bằng lượng chúng ta cung cấp đủ. Do đó, tủ lạnh nếu có loại rau trái cây nào chúng ta có thể ăn thì mọi người nên ăn để giúp đảm bảo về mặt số lượng. Đặc biệt, ở người bệnh tim mạch, rau củ có màu xanh đậm, cam và đỏ sẽ rất có lợi.

5. Ngũ cốc nguyên hạt có lợi ích gì cho bệnh nhân tim mạch?

BS Trần Trọng Nhân:

Ngũ cốc là nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Nó là thực phẩm tốt và chúng ta có thể ăn nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt khác nhau, nhưng cần tiêu thụ ở mức vừa phải.

Ngoài cung cấp năng lượng, ngũ cốc nguyên hạt còn giàu chất xơ, vi chất khác, đặc biệt là chất béo chưa bão hòa.

6. Người tim mạch cần đảm bảo hàm lượng muối bao nhiêu là đủ?

BS Trần Trọng Nhân:

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người bệnh tim mạch sẽ ăn dưới 6 gram muối một ngày. Nói về Natri, nó nhỏ hơn 2400 mg một ngày. Khảo sát cho thấy 80% lượng muối đưa vào cơ thế xuất phát từ các thực phẩm chế biến.

Chính vì vậy, để giảm muối hiệu quả, chúng ta cần giảm hàm lượng muối chế biến sẵn. Cụ thể, cần tránh ăn cơm tiệm, khi chế biến chúng ta cần rửa sạch thực phẩm và ăn thực phẩm tươi sống đặc biệt là rau, trái cây. Chúng ta cần ăn thực phẩm sống nhiều hơn ăn thực phẩm sấy khô.

Nếu chúng ta sử dụng thức ăn nhanh hay các thực phẩm bổ sung, chúng ta cần đọc nhãn mác và cần tránh các thực phẩm cung cấp khẩu phần có hơn 200 mg muối hoặc sản phẩm có hàm lượng muối cao hơn 10% khuyến nghị. Chúng ta phải chọn thực phẩm có hàm lượng muối dưới 10%.

Hoặc đơn giản, nếu bình thường mọi người đang nếm hai muỗng canh muối, giờ đây mình chỉ cần nếm một muỗng. Nếu chúng ta chấm ngập đũa, bây giờ chỉ cần chấm ít lại một chút. Đó là cách giảm hàm lượng muối đơn giản nhất.

7. Người bệnh tim mạch cần uống bao nhiêu nước?

BS Trần Trọng Nhân:

Nhu cầu nước của một người bình thường là 40 ml/kg. Ví dụ như 60 kg, chúng ta cần 2 lít 4. Tổng lượng nước này sẽ đến từ nước chúng ta uống, nước trong canh và các nguồn nước khác.

Chính vì vậy, nước sẽ giúp chúng ta tránh hiện tượng bị cô đặc máu, giúp các chất được trao đổi tốt. Người bệnh tim mạch cần uống đủ nước để thải chất độc, chuyển hóa ra ngoài.

8. Người bị đột quỵ cần lưu ý gì trong ăn uống?

BS Trần Trọng Nhân:

Đột quỵ tái phát sẽ gây việc phục hồi gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc ngăn ngừa tái phát cũng sẽ theo nguyên tắc ban đầu chúng ta đề ra, tức là kiểm soát chặt chẽ huyết áp ở máu và đường huyết.

Người bị đột quỵ cần lưu ý yếu tố thúc đẩy mình bị đột quỵ lần đầu tiên và tránh khỏi yếu tố đó. Sau khi bị đột quỵ, người bệnh sẽ hạn chế hoạt động, nên sẽ làm giảm quy trình chuyển hóa, năng lượng của cơ thể. Cho nên, việc ăn uống có thể được điều chỉnh để tránh tăng cân, mỡ thừa.

Đối với sinh hoạt, chúng ta cần phải giữ cho người bệnh có nhịp sinh học bình thường. Người lớn tuổi dễ bị mất ngủ, đó là yếu tố làm tăng thêm huyết áp, vì vậy cần đảm bảo giấc ngủ tốt. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý đến không gian trong gia đình, việc đi lại trong nhà cần có tay vịn, sàn nhà tránh trơn và nhà vệ sinh phải có độ ma sát tránh trơn trượt. Ngoài ra, chúng ta hãy tránh thay đổi đột ngột về nhiệt độ, cảm xúc và tư thế.

9. Cách phòng ngừa hai lưỡi hái tử thần tốt nhất?

BS Trần Trọng Nhân:

Ngoài việc dinh dưỡng, chúng ta cần lưu ý vấn đề về thuốc, sinh hoạt và căng thẳng. Về chế độ ăn uống lành mạnh, chúng ta cần tăng cường rau, trái cây và thực phẩm giàu Kali, Canxi, Magie, cân đối giữa đạm có nguồn gốc từ đạm và thực vật. Cần hạn chế thực phẩm có chất béo bão hòa, ngọt và nhiều muối.

Chúng ta phải kiểm soát được các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch cũng như đột quỵ đó là kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, đường huyết. Phương pháp này có thể dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.

Trọng Dy (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X