Ân nhân của người bệnh bướu cổ
Những bệnh nhân bướu cổ sẽ mãi mãi nhớ đến ông, người đã sáng tạo kỹ thuật nội soi bệnh lý tuyến giáp, giúp họ không phải mang vết sẹo xấu xí ngang cổ...
Vào Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 tới, Bộ Y tế sẽ tôn vinh 15 thành tựu y khoa độc đáo nhất trong khoảng 10 năm qua. Trong số này có một thành tựu đặc biệt, đã được “xuất khẩu” đi khắp châu Á - kỹ thuật nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp của bác sĩ Trần Ngọc Lương, phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư.
Người làm bay vết sẹo
"Mơ ước của tôi là làm sao mổ được tốt nhất cho bệnh nhân, nhất là những trường hợp khó, những bệnh nhân ung thư tuyến giáp đến muộn, để cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân" BS Trần Ngọc Lương |
“Tôi vốn là bác sĩ ngoại bụng. Thời gian học ở Pháp tôi học nội soi ổ bụng với giáo sư Michel Vankemei. Phòng mổ bên cạnh giáo sư Michel là của giáo sư Charles Proye, người rất giỏi về phẫu thuật tuyến giáp. Tôi hay lân la sang đó học và được giáo sư chỉ dạy nhiều phương pháp mới, khác với kỹ thuật bóc tách bướu cổ ở Việt Nam lúc đó. Về nước và trở lại Bạch Mai làm việc, tôi đã đưa kỹ thuật bóc tách bướu cổ mới vào áp dụng và đã có bước tiến về thời gian thực hiện ca mổ bướu cổ so với thông thường” - bác sĩ Lương nói.
Có một chút bước tiến nhưng trong bác sĩ Lương vẫn mơ ước có thể nội soi phẫu thuật tuyến giáp, trong đó có bướu cổ, để làm “bay” vết sẹo xấu xí ở cổ cho bệnh nhân. Thời gian đầu những năm 2000, thế giới chưa có ai làm nội soi tuyến giáp nên dù đã phác ra những viên gạch đầu tiên để bắt đầu kỹ thuật nội soi tuyến giáp, mỗi ca mổ mở đều trăn trở nghĩ làm sao để khi thực hiện mổ nội soi được dễ dàng nhất, nhưng bác sĩ Lương vẫn ngại ngần.
BS Trần Ngọc Lương (giữa) trong một lần “xuất khẩu” kỹ thuật mổ nội soi bướu cổ tại Bệnh viện UKM (Malaysia)- Ảnh: Nguyễn Sơn |
“Xuất khẩu” nội soi phẫu thuật tuyến giáp
Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyên môn Trong nghề y, bác sĩ Lương là người mẫu mực, lúc nào cũng hết lòng quan tâm đến chuyên môn.
Cuối năm 2001, khi bác sĩ Lương từ BV Bạch Mai về BV Nội tiết T.Ư xây dựng khoa ngoại, ban đầu rất khó khăn, nhưng sáng tạo của anh Lương trong kỹ thuật nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp thì cả Đông Nam Á, châu Á đều công nhận, đều đến đây để học.
Kỹ thuật nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp không những giảm thời gian phẫu thuật, thời gian điều trị sau mổ, mà còn đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, không để lại sẹo ở cổ sau mổ như trước đây, không ảnh hưởng giọng nói bệnh nhân.
BS Mai Anh Tuấn |
“Năm 2007, tôi đi báo cáo về kỹ thuật nội soi bệnh lý tuyến giáp ở Ấn Độ và được chú ý, vì so với kỹ thuật tương tự đang thực hiện trên thế giới, kỹ thuật bóc tách khối u của tôi khác hẳn, bằng cách đi theo đường ngang, tách cơ theo lớp giải phẫu, giúp kiểm soát mạch máu dễ hơn, chống chảy máu. Kỹ thuật này cũng giúp giảm ảnh hưởng đến hai vị trí dễ biến chứng là dây thần kinh quặt ngược - dễ ảnh hưởng đến khả năng nói sau mổ và tuyến cận giáp - dễ tê tay chân sau mổ” - bác sĩ Lương cho hay.
Đã nhiều lần chúng tôi đứng trong phòng mổ của Bệnh viện Nội tiết T.Ư, khi bác sĩ Lương có học trò các nước đến học. So với các phòng mổ bệnh viện T.Ư ở Hà Nội, phòng mổ Bệnh viện Nội tiết khá tồi tàn vì nhà đã rất cũ, nền gạch sứt sẹo, đến mức có bác sĩ người Indonesia đến học đã kêu lên rằng “đây mà gọi là bệnh viện à”. Nhưng trái với vẻ tồi tàn của bệnh viện là sự tự tin của bác sĩ Lương, sự thành thạo về kỹ thuật và thời gian tiến hành ca mổ rất nhanh, chỉ 20-30 phút/ca, và cả về sự vui sướng của bệnh nhân sau ca mổ.
Với chi phí chỉ 500 USD/khóa học kéo dài bảy ngày, theo bác sĩ Lương, với ta là đắt nhưng với nước ngoài lại rẻ. Từ năm 2009 đến nay đã có sáu giáo sư và hàng chục bác sĩ Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Philippines... sang học nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp với bác sĩ Lương. Ở trong nước, các bệnh viện Chợ Rẫy, Hoàn Mỹ Cửu Long Cần Thơ, Đa khoa Cần Thơ, Việt Tiệp Hải Phòng, Đa khoa Nghệ An... cũng đã học và triển khai phẫu thuật nội soi bệnh lý tuyến giáp cho bệnh nhân địa phương.
Việt Nam có gần 90 triệu dân và 5-7% trong đó bị bướu cổ. Những ngày mùa hè, trung bình mỗi ngày có 20 ca phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư. Còn mùa đông, mồng 10 tết bác sĩ Lương sẽ bắt đầu ca mổ đầu tiên. Tuần tự như thế, đông cũng như hè, thời gian nhiều nhất trong ngày của bác sĩ Lương là đứng trong phòng mổ. Ai nói đến bác sĩ Lương đều khen ngợi gương mặt đôn hậu lúc nào cũng như đang cười.
Bác sĩ Lương bảo đến tuổi này rồi ông mới thấy nghề y nhiều áp lực, nhưng lúc đứng trong phòng mổ chỉ còn mình và bệnh nhân, thành công hay thất bại đều do mình quyết định, lúc đó áp lực đều tan biến, chỉ còn lại sự say mê. Thật may mắn là mấy chục năm rồi sự say mê ấy vẫn còn nguyên vẹn.
15 thành tựu y khoa nổi bật nhất trong hơn 10 năm qua ở Việt Nam 1- Ghép đa tạng từ người cho chết não - Bệnh viện Việt Đức. 2- Ghép tim trên người lấy từ người cho chết não - Bệnh viện Đa khoa T.Ư Huế. 3- Ghép tạng - một thành tựu nổi bật được thực hiện tại Viện quân y 103 Học viện Quân y. 4- Tim mạch can thiệp, Viện Tim mạch quốc gia. 5- Kỹ thuật can thiệp trong lòng mạch, điều trị bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM. 6- Phẫu thuật nội soi tại BV Nhi T.Ư vươn tới tầm cao thế giới. 7- Nội soi phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp - BV Nội tiết T.Ư. 8- Ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu và tạo hình sẹo bỏng, khuyết hổng mất da, Viện Bỏng Lê Hữu Trác. 9- Ghép tế bào gốc tạo máu điều trị các bệnh máu, Viện Huyết học và truyền máu T.Ư. 10- Thụ tinh trong ống nghiệm. 11- Nghiên cứu sản xuất văcxin ngừa cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 của Công ty văcxin và sinh phẩm số 1. 12- Thiết lập sản xuất văcxin ngừa cúm A/H1N1 theo chuẩn WHO-GMP ở Viện văcxin và sinh phẩm y tế. 13- Cụm công trình nghiên cứu cây trinh nữ hoàng cung - Công ty TNHH Thiên Dược. 14- Cụm công trình nghiên cứu dược liệu - Công ty cổ phần Dược liệu T.Ư 1. 15- Hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới - BV Chợ Rẫy. |
Theo Lan Anh - Tuổi Trẻ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình