Hotline 24/7
08983-08983

AloBacsi và Dược Hậu Giang đến với vùng quê ở Sóc Trăng có thói quen ăn uống mặn mòi, huyết áp chót vót

Xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đang vào mùa gặt, dù gặp khó khăn trong việc di chuyển ra điểm khám nhưng bà con vẫn tề tựu rất đông. Vì có những đau mỏi, tê yếu, nhức đầu chóng mặt… nhiều ngày không được thăm khám, vì nhiều người bị tăng huyết áp cần thuốc duy trì, vì những bàn tay, nụ cười khiếm khuyết chờ kết nối với chuyến phẫu thuật…

Từ chiều qua (17/3), đoàn AloBacsi cùng sự đồng hành của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty Truyền thông Daisy đã đặt chân tới xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng để chuẩn bị cho công tác khám bệnh và phát thuốc, tặng quà cho bà con nơi đây.

Công tác chuẩn bị chiều 17/3 tại trụ sở UBND xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng


Bà con đến từ sớm 18/3 trước khi buổi khám bắt đầu

Xã Vĩnh Quới nằm cách đường lớn 4km, chỉ có xe nhỏ đi vào được. 30% bà con là người đồng bào dân tộc, một số người không biết chữ, nhận đơn thuốc xong thì đợi về nhà nói nhỏ em, đứa cháu coi dùm cách uống. Một số phụ huynh đưa con em đi khám không biết điền tên tuổi cho con.

Mong bàn tay lành, mong nụ cười xinh, mong dinh dưỡng đủ

Nhận tờ phiếu khám bệnh còn trống năm sinh, BS Trần Thị Thành Huế hỏi cậu bé: “Con sinh năm nhiêu?” - nhỏ đáp: “Con học lớp 2”. Bác sĩ quay sang ông nội: “Bé sinh năm nhiêu vậy chú?”- ông hỏi lại thằng cháu: “Mày năm nay mấy tuổi?”.

Đó là một trong những trường hợp người nhà không biết năm sinh của nhau, càng không biết với độ tuổi đó thì chiều cao, cân nặng bao nhiêu hợp lý. Nhiều em đến với bàn khám nhi có vóc dáng nhỏ hơn tuổi, thật khó tin là đã học tới lớp 7, lớp 9. Suy dinh dưỡng thấp còi là tình trạng phổ biến ở trẻ em đến khám, nhưng cũng có trường hợp thừa cân - thấp lùn như cậu bé học lớp 2 không biết năm sinh (ở trên).

Hầu hết trẻ khi nghe hỏi “xổ lãi chưa?” đều lắc đầu, bác sĩ liền hỏi gia đình có bao nhiêu người để kê thuốc giun cho cả nhà. Canxi cũng được các bác sĩ thêm vào toa cho các em, kèm theo lời dặn uống sữa, tập thể dục.

Em Thúy Vy mong đợi được phẫu thuật dị tật sứt môi

Mở chiếc khẩu trang để BS Trần Thị Thành Huế khám họng, Võ Thị Thúy Vy nhoẻn nụ cười đáng lẽ rất xinh. Sắp bước qua độ tuổi trăng rằm, biết làm duyên làm dáng, cô bé hơi bẽn lẽn với dị tật sứt môi - hở hàm ếch. Vy biết cái này phẫu thuật sửa được, nhưng: “Mẹ nói tốn tiền ít thì làm, chứ tốn tiền nhiều khỏi làm”. Thế nên là mong đợi có tiền…

Cậu bé Lê Chí Thiện, 11 tuổi cũng có niềm mong đợi cho bàn tay phải bị bỏng đã lâu, nay trở nên khuyết tật. Chị Quách Thị Thu Sương kể lại: “Hồi bé Thiện 4 tuổi, em đang đốt lá, bé chạy chơi gần đó té vào, phỏng nặng bàn tay phải. Năm đó em đưa con đi Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, lên tới Nhi đồng 1, ghép da 2 lần rồi thôi”.

Hành trình điều trị mới ở bước đầu, gia đình đã không kham nổi chi phí đi lại, viện phí, thuốc thang. Sẹo co rút, ngón út và ngón cái biến dạng khiến bàn tay phải không cầm nắm được, đi học Thiện cầm viết bằng tay trái. Vẫn biết còn nhiều cái hẹn với bệnh viện để tiếp tục phẫu thuật cho cậu bé, nhưng kinh tế mãi không dư dả, gia đình đành đợi.

Nhận thấy tình trạng bàn tay của em có hi vọng cải thiện được, ban tổ chức ghi nhận thông tin để kết nối với bác sĩ Chấn thương chỉnh hình

Phụ huynh đưa đến khám vì cứ thấy bé gãi ngứa, té ra cả anh chị em của bé đều bị ghẻ


Huyết áp cao chót vót, đã cá khô lại còn kho tiêu!

Về phía người lớn, huyết áp cao, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, gan thô… là tình trạng chung ở vùng quê có thói quen ăn mặn, rượu nhiều, không khám sức khỏe định kỳ. 70-80% bà con trên 50 tuổi huyết áp cao. Có nhiều ông bà huyết áp lên tới 180, 200… được bác sĩ cho ngậm thuốc liền.

70-80% bà con trên 50 tuổi có huyết áp cao

Lo lắng trước kết quả huyết áp 186/94 của ông Đoàn Phước Vân (70 tuổi) từng bị tai biến mạch máu não, BS Lương Thị Huệ Tài hỏi thăm chế độ ăn ở nhà, ông nói “Tại bả thường cho tui ăn kho quẹt”. Bà Nguyễn Thị Ngà (67 tuổi) ngồi khám kế bên cãi: “Tui đâu có biểu ông ăn nhiều”, trong khi đó, huyết áp của bà cũng không kém cạnh 177/104. Phải nói là đồng vợ đồng chồng, huyết áp cao chót vót.

Cặp đôi đồng vợ đồng chồng, huyết áp cao chót vót

So với những vùng khác mà đoàn khám bệnh đã đi qua, bà con xã Vĩnh Quới uống thuốc huyết áp khá đều, tuy nhiên vẫn còn trường hợp “lên thì uống xuống thì ngưng”, như ông Danh Sê (70 tuổi), lúc nào thấy mệt thì ghé bác sĩ gần nhà uống thuốc, chích thuốc, thấy khỏe lại về.

Con cái đi làm xa, tận Sài Gòn, Bình Dương. Ông Danh Sê ở một mình, lớn tuổi không đi mần gì được, bạn bè lại hay rủ nhậu. Siêu âm gan cho ông, BS Huỳnh Thông Minh liên tục khuyên ông bớt uống rượu, hút thuốc vì gan nhiễm mỡ rồi.

BS Huỳnh Thông Minh khuyên ông Danh Sê bớt uống rượu vì siêu âm thấy gan nhiễm mỡ

Không chỉ với huyết áp, một số bệnh mạn tính khác bà con cũng điều trị cầm chừng. Như trường hợp ông Võ Phước Thuận (71 tuổi), bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đi bệnh viện khám có thuốc xịt, nhưng hết thuốc cũng không tái khám, không mua thêm.

Kỳ trước con chở đi khám ở bệnh viện Sóc Trăng, ông nhớ là “thiếu máu tim gì đó”, cũng uống thuốc đợt đó rồi thôi. Ông Thuận “ở mình ên”, nghe mệt mệt tê tay tê chân, muốn đi bệnh viện mà chưa đi được, may mà có đoàn bác sĩ về khám.

Cũng như nhiều vùng quê khác, giới trẻ đi thành phố lớn mưu sinh, ở quê phần nhiều chỉ còn cha mẹ già chăm cháu nhỏ

Nơi đây là vùng nước ngọt nên bà con chủ yếu chỉ làm ruộng. Không có nước mặn để nuôi thủy sản, cũng ít di tích, thắng cảnh để phát triển du lịch. Có một ngôi chợ nhỏ gần ủy ban mỗi ngày chỉ họp chút xíu buổi sáng là rồi (xong).

Nghe có đoàn bác sĩ từ thành phố lớn về khám bệnh, các ông bà vui lắm nhưng di chuyển đến UBND xã Vĩnh Quới là cả một vấn đề. Lúa đang vào mùa gặt, khó nhờ ai chở dùm. Ngoài đường lớn còn có xe ôm chứ trong xóm thì đành bỏ lỡ. Một ông cụ đã khám và nhận quà xong, ngồi đợi coi có ai chung đường thì quá giang về, anh dân quân ở UBND thấy vậy chở về dùm vì sợ cụ ngồi chờ lâu sẽ mệt.

Do phân bổ thời gian theo từng khung giờ nên người dân đến không quá đông mà rải đều theo lịch hẹn. Nhờ sự cân đối hợp lý nên không dồn bệnh, không gây áp lực về số người chờ khám nên bác sĩ có thời gian trao đổi với từng bệnh nhân được lâu hơn. Điều này rất hay bởi nhiều bà con có thói quen ăn mặn, ấn tượng nhất là món cá khô kho tiêu, đã cá khô lại còn kho tiêu, mà ăn nguyên cả tuần.

Khu phát thuốc luôn đông nghẹt dù các dược sĩ đã làm hết công suất

Mái tóc bạc phơ của Dược sĩ Phượng chưa bao giờ vắng mặt trong các hành trình khám bệnh từ thiện của AloBacsi. Cô âm thầm đóng góp, chưa bao giờ ngại khó. Ở tuổi 80 mà đi xe ròng rã lên Cao Bằng hay ngồi xe cả mấy trăm km đến tận cùng Cà Mau cô cũng chưa bao giờ kêu mệt.

Các dược sĩ tận tình hướng dẫn cách dùng thuốc cho bà con

Cuối buổi chiều, tổng số người đến khám là 924

Chương mới trong hành trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng lần này, AloBacsi và Dược Hậu Giang đã đưa 18 BS từ TPHCM và Cần Thơ đến với bà con, cùng các trang thiết bị y tế: máy đo huyết áp, máy đo điện tâm đồ, máy siêu âm, thử đường huyết. Kèm theo đó, quà tặng từ BTC còn có: 300 phần dầu ăn, đường, bột nêm; 200 thùng mì Hảo Hảo; 200 phần sữa nước trái cây Kun; 100 hộp sữa bột cho trẻ em Kazu; 500 tuýp bôi mẩn ngứa rôm sảy Yoosun…

Cho đến cuối buổi chiều, tổng số người đến khám là 924, suýt soát với con số dự kiến ban đầu là 1.000. Đây là con số vượt qua sự mong đợi vì ban tổ chức lo ngại bà con mải lo việc đồng áng không đến được.

Chuyến khám bệnh lần này, Công ty CP Acecook Việt Nam gửi tặng 200 thùng mì Hảo Hảo chua cay, đúng nhãn hiệu mì bà con rất thích

Trên chuyến xe về, những ý tưởng mới tiếp tục nảy sinh: làm sao để giúp bà con kiểm soát huyết áp tốt hơn, làm sao để tất cả mọi người đến khám đều có quà về, chuyến sau sẽ mời thêm các bác sĩ chuyên khoa gì, cần bổ sung thuốc nào, tờ rơi thông tin bệnh lý nhiều chữ khiến bà con khó tiếp thu sẽ chỉnh sửa ra sao… hứa hẹn những hành trình mới của AloBacsi và Dược Hậu Giang sẽ cùng với các địa phương chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn cho cộng đồng ở vùng sâu vùng xa.

Đoàn bác sĩ đến từ TPHCM

Đoàn bác sĩ đến từ Cần Thơ

Hẹn gặp lại Sóc Trăng ở hành trình kế tiếp!

[DAP]

Ông Phạm Khắc Điệp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới trao thư cảm ơn đến nhà báo Hồng Tâm - trưởng đoàn khám bệnh từ thiện

Bà Thái Kim Phương, Phó chủ tịch hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng trao thư cảm ơn đến đoàn bác sĩ và các công ty đồng hành

[/DAP]

Bài: Hồng Nhung
Ảnh: Thanh Thùy - Hồng Nhung

2jSeciz9P982

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X