Hotline 24/7
08983-08983

Ai tuyệt đối không được giảm cân bằng cách nhịn ăn gián đoạn?

Cùng với sự gia tăng của nhu cầu làm đẹp, việc giảm cân được nhiều người quan tâm và nhịn ăn gián đoạn là phương pháp được nhiều người áp dụng. BS.CK1. Lê Ngọc Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện quận Bình Thạnh (TPHCM) khuyến cáo mọi người nên hiểu đúng và rõ về bản chất phương pháp này để không mang lại kết quả xấu.

1. Vì sao nhịn ăn vẫn có thể tăng cân trở lại?

- Nhiều người thực hiện nhịn ăn để giảm cân, sau một thời gian thì thấy tăng cân trở lại. Vì sao lại như vậy thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Chúng ta ăn uống đầy đủ, được cung cấp đủ dưỡng chất giúp cơ thể chuyển hóa đều đặn, tái tạo những mô, cơ quan trong cơ thể, màng tế bào. Mỗi ngày, có hàng tỷ tế bào mới được tạo ra trong cơ thể chúng ta.

Các hoạt động sinh hoạt thường ngày đều cần đến năng lượng. Khi nhịn ăn, chúng ta không được cung cấp dưỡng chất sẽ phải tự tiêu hủy những mô cơ, mô mỡ dự trữ.

Sau một thời gian, chúng ta không tiếp tục nhịn được mà ăn trở lại, cơ thể tự cảnh báo rằng có thể sẽ có lần nhịn ăn tiếp theo nên “tranh thủ” dự trữ năng lượng.

Thông thường, 70% năng lượng ăn vào được sử dụng trong tiêu hóa thức ăn và tái tạo mô trong trong cơ thể. Khi nhận được cảnh báo, cơ thể làm điều ngược lại, tiêu hao 30% đồng thời dự trữ 70%.

Lúc này, thức ăn trở thành mô mỡ, cân nặng tăng trở lại, thậm chí tăng nhanh, tăng nhiều so với trước đó.

Đây là bản năng sinh tồn, chúng ta không thể điều chỉnh cũng như can thiệp.

Khi muốn giảm cân, nên lên kế hoạch dinh dưỡng cũng như kết hợp vận động luyện tập một cách khoa học và hợp lý. Lúc này, cơ thể bắt đầu đốt những mô mỡ thay vì tiêu hủy những mô cơ.

2. Bản chất của nhịn ăn gián đoạn

- Hiện nay có một số phương pháp như nhịn ăn gián đoạn, nhờ BS cho biết nhịn ăn gián đoạn là gì và có nhiều công thức nhịn ăn gián đoạn không ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Có rất nhiều công thức nhịn ăn gián đoạn, có thể là 16/8 (nhịn 16 tiếng, ăn thoải mái trong vòng 8 tiếng) và các tỷ lệ chia khác.

Việc nhịn ăn liên tục liên quan đến axit dạ dày trong cơ thể.

Khi em bé trong bụng mẹ, bé chưa có cảm giác về chu kỳ ngày đêm. Sau khi chào đời, dần lớn lên, bé bắt đầu nhận thức được ngày và đêm, bú nhiều vào ban ngày, ngủ nhiều vào ban đêm. Việc ép bé bú vào ban đêm khi bé lớn hơn không phù hợp với chu kỳ sinh học, gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của bé.

Dạ dày cũng thích nghi với nhịp chu kỳ ngày đêm, thông thường 4 tiếng sẽ tiết ra đỉnh axit vào lúc dạ dày trống. Đó cũng là thời điểm ba bữa ăn một ngày của chúng ta. Ăn nhiều vào ban đêm dễ đầy bụng, khó tiêu, rối loạn chuyển hóa. Ăn vào ban ngày, thời gian mỗi bữa cách nhau 4 tiếng sẽ phù hợp nhất với chu kỳ ngày đêm và sinh lý cơ thể.

Ăn một bữa một ngày không phù hợp với chu kỳ sinh học.

Nhịn ăn gián đoạn thiếu khoa học và không căn cứ trên chỉ định về y khoa là sai. Chúng ta không nên làm theo những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng để tránh những nhầm tưởng gây bất lợi cho cơ thể.

3. Nhịn ăn gián đoạn có thực sự hiệu quả?

- Cơ chế nhịn ăn gián đoạn là gì và phương pháp này có mang lại hiệu quả giảm cân lâu dài hay không ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Những ngày đầu, nhịn ăn khiến dạ dày trống, lượng đường trong máu giảm và chúng ta cảm giác đói, thèm ăn. Về sau, cơ thể dần thích nghi, giảm việc tạo cảm giác đói mà sẽ đốt mô dự trữ.

Kết hợp nhịn ăn gián đoạn và luyện tập hợp lý tốt cho việc đốt mỡ, nếu chỉ thực hiện phương pháp nhịn ăn, cơ thể chỉ đốt cơ (protein).

Trước khi bắt đầu nhịn ăn gián đoạn, chúng ta cần khám bác sĩ để kiểm tra các bệnh lý nền và sự phù hợp của chế độ này đối với cơ thể.

Thứ hai, cần có sự hướng dẫn của bác sĩ về dinh dưỡng để có cách nhịn ăn gián đoạn cũng như bố trí bữa ăn, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm phù hợp. Từ đó, quá trình nhịn ăn gián đoạn được thực hiện tốt, tạo hiệu ứng tốt trong cơ thể.

Hiệu quả giảm cân phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác như chế độ vận động và sự kiên trì, kế hoạch dinh dưỡng. Tất cả các yếu tố cần được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, khoa học mới đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên, việc giảm cân nhanh thường ít xảy ra vì đòi hỏi cơ thể thích nghi, thay đổi chuyển hóa, sau đó giảm mô mỡ thay vì mô cơ.

Thực hiện chế độ một cách khoa học không chỉ giảm cân mà còn tốt cho tim mạch, xương khớp cũng như các cơ quan khác, tăng khả năng chịu đựng, khả năng thích nghi và yếu tố miễn dịch.

4. Nhịn ăn gián độc giúp cải thiện béo phì, đề kháng insulin?

- Có những thông tin cho rằng phương pháp nhịn ăn gián đoạn giúp cải thiện tình trạng béo phì, đề kháng insulin, rối loạn lipid máu hoặc tăng huyết áp. Một số ý kiến cũng cho rằng phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe ngoài việc giảm lượng calo nạp vào. Theo BS thì có đúng không ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Điều này tùy thuộc vào việc thực hiện được chế độ nhịn ăn gián đoạn và yếu tố cản trở nếu có.

Nếu một bệnh nhân tiểu đường đang điều trị bằng insulin 2 lần một ngày không ăn uống đầy đủ sẽ bị hạ đường huyết.

Vậy nên chúng ta cần được hướng dẫn một cách chi tiết cũng như xác định mức độ phù hợp của phương pháp này với cơ thể. Bên cạnh đó, cần lựa chọn tỷ lệ thời gian nhịn ăn gián đoạn, nhịn 16 tiếng, 12 tiếng hoặc 8 tiếng.

Tiếp theo, lựa chọn loại hình vận động phù hợp giúp đốt calo dư thừa. Điều này cần có chuyên gia hỗ trợ, việc tự ý thực hiện không khoa học, không phù hợp cơ thể, không duy trì được lâu dài, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Ví dụ, khi dạ dày trống, đỉnh axit tiết nhiều, chúng ta chỉ uống các loại nước trái cây có tính axit dẫn đến dạ dày bị tổn thương, loét hoặc xuất huyết dạ dày.

Thực hiện bất kỳ chế độ giảm cân nào cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để có hướng dẫn đúng với tình trạng sức khỏe của mình để việc giảm cân duy trì được lâu dài và hiệu quả cao hơn.

5. Nhịn ăn gián đoạn lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe

- Việc duy trì phương pháp nhịn ăn gián đoạn lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta không thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Tất nhiên là có. Trong thời gian đầu, có thể chúng ta thích nghi và giảm được cân nhưng khi dạ dày bị bỏ đói lâu, axit sẽ tấn công làm ảnh hưởng đến các chức năng khác trong cơ thể, đặc biệt đối với những người có bệnh nền. Bệnh nhân tiểu đường và suy thận nên lưu ý về việc áp dụng chế độ ăn như thế này vì thể trạng không phù hợp, cần được tư vấn để có chế độ hợp lý khác.

Cần tự đặt ra câu cho bản thân về sự cần thiết sử dụng phương pháp này, về việc kết hợp vận động như thế nào cho phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng như chế độ sinh hoạt hàng ngày. Đây là điều cần thiết để có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, chế độ sinh hoạt khoa học, xây dựng thể lực tốt, tăng khả năng chịu đựng, có tinh thần tốt cũng như một thân hình đẹp.

6. Giảm cân khoa học: chậm mà chắc!

- Lộ trình giảm cân gián đoạn như thế nào là tốt và như thế nào là quá nhanh thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Phụ nữ thường mong muốn có kết quả nhanh. Tăng cân là kết quả của một quá trình lâu dài. Mỗi ngày chỉ dư một lượng calo nhỏ nhưng không vận động đốt mỡ thừa, tích lũy năng lượng, chúng ta dần tăng cân. Việc giảm cân cũng như vậy.

Những phương pháp thẩm mỹ như hút mỡ bản chất chỉ hút ra lượng dịch thay vì tế bào mỡ, gây tổn thất kinh tế, đau đớn mà không mang lại hiệu quả. Thậm chí, việc hút mỡ gây tổn thương các mô khiến cơ thể thèm ăn nhiều hơn để vết thương mau lành.

Xây dựng chế độ ăn khoa học (thực đơn cá thể hóa) dựa vào chiều cao, cân nặng, chế độ sinh hoạt và làm việc, chế độ ăn, chế độ vận động có thể giúp giảm cân.

Mục tiêu tốt nhất là một tuần giảm 500g, một tháng giảm 2kg. Một số trường hợp giảm cân nhanh, một tuần giảm 3,5-4kg do ban đầu chúng ta ăn nhiều natri, cơ thể giữ nhiều nước. Khi giảm muối trong chế độ ăn, lượng nước mất đi nhiều, giảm áp lực thẩm thấu, cân nặng giảm rõ hơn. Qua giai đoạn này, cơ thể sẽ giảm cân theo mức độ trung bình, chúng ta nâng mức vận động và giảm tiếp năng lượng một cách khoa học. Cắt giảm năng lượng sâu dẫn đến tình trạng thiếu vi chất, vi khoáng trong chế độ ăn.

Sau 3-4 tháng, cơ thể bắt đầu giảm cân tốt hơn và tiếp tục duy trì.

Những lời quảng cáo giảm cân trong thời gian ngắn đều không phù hợp với khoa học.

7. Giảm cân cấp tốc: Tiền mất tật mang!

- Giảm cân quá nhanh có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay có bất lợi gì xảy ra không thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Có nhiều giải pháp để giảm cân nhanh.

Tôi đã gặp trường hợp bệnh nhân 18 tuổi, nặng 96kg, bị rối loạn kinh nguyệt 6 tháng. Hỏi thăm kỹ, tôi biết em sử dụng một loại thuốc giảm cân mua trên mạng và giảm 4kg trong tuần đầu. Sau đó, em bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, ngủ nhiều, ít vận động. Em vẫn uống thuốc trong một tháng nhưng không giảm cân nữa mà dần bị mất chu kỳ kinh nguyệt và không hồi phục.

Chúng tôi đã điều chỉnh chế độ ăn cho em, gợi ý thay sữa tươi bằng sữa đậu nành để cung cấp estrogen tự nhiên, bổ sung vi chất, chất khoáng. Bên cạnh đó, thiết lập chế độ vận động cân đối.

Việc tin những lời quảng cáo giảm cân cấp tốc ảnh hưởng rất nhiều đối với cơ thể chúng ta, cần tìm hiểu biện pháp giảm cân khoa học, rõ ràng, phù hợp cũng như an toàn.

8. Kiểm tra bệnh nền trước khi áp dụng nhịn ăn gián đoạn

- Theo BS thì những ai không nên áp dụng chế độ nhịn ăn gián đoạn để tránh nguy hiểm đến sức khỏe ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đôi khi chúng ta không nhận biết được những bệnh lý mình đang có.

Có trường hợp, bệnh nhân bỏ qua một số triệu chứng mệt mỏi, ê ẩm, cảm cúm rồi vài năm sau phát hiện tiểu đường, suy thận hoặc tăng huyết áp.

Đây là những bệnh mãn tính, diễn tiến chậm và khi bệnh lý khởi phát, khả năng hồi phục rất thấp, chỉ có thể kiểm soát ổn định. Khi mắc 1 trong 3 bệnh lý trên, bệnh nhân không nên áp dụng biện pháp nhịn ăn gián đoạn.

Thực hiện phương pháp này đồng nghĩa dạ dày bị trống thời gian dài gây rối loạn dịch tiết axit, rối loạn chuyển hóa. Người khỏe mạnh cũng cần xin ý kiến chuyên gia y tế, bác sĩ dinh dưỡng.

9. Muốn giảm mỡ, cần vận động

- Chúng ta có những nguyên tắc nào để giảm cân một cách an toàn thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Chúng ta cần xác định đây là cán cân xuất-nhập. “Nhập” là thức ăn nạp vào tạo năng lượng, 70% sử dụng cho quá trình tiêu hóa và tái tạo năng lượng các mô trong cơ thế, 30% tạo thành mô mỡ dự trữ.

Muốn giảm dự trữ mỡ, chúng ta phải “xuất” nhiều hơn, nghĩa là phải vận động.

Một ngày vận động tối thiểu 150 phút và 10.000 bước đi bộ hoặc chương trình thể dục thể thao phù hợp sức khỏe của chúng ta.

10. Những dấu hiệu cảnh báo bạn nên dừng việc giảm cân và đi khám

- Khi gặp dấu hiệu và triệu chứng nào thì chúng ta dừng ngay việc giảm cân và đến gặp bác sĩ ạ?

BS.CK1. Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Những dấu hiệu bất lợi thường đến sau 3-4 ngày. Khi cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, tinh thần bi quan, chúng ta nhận diện đây không phải phương pháp khoa học. Giảm cân khoa học giúp cơ thể vừa giảm cân nhưng vẫn giữ được năng lượng yêu đời, vẫn giữ được khả năng rèn luyện sức khỏe, khả năng vận động và cảm thấy khỏe hơn, vui hơn.

Hãy dừng các biện pháp giảm cân khi có dấu hiệu tiêu cực dù mơ hồ và đi khám ở chuyên khoa dinh dưỡng để thiết lập chế độ ăn, chế độ tập luyện riêng.

Bệnh nhân bị đau khớp không thể chạy bộ hay đẩy tạ, họ có thể đi bơi, đi xe đạp. Sau giảm cân và tình trạng khớp gối được cải thiện, họ vận động mạnh hơn với cường độ và tần suất nhiều hơn.

Tóm lại, chúng ta luôn luôn tham khảo ý kiến nhân viên y tế để lên kế hoạch giảm cân phù hợp, vừa đảm bảo sức khỏe vừa giúp thực hiện mơ ước về một vóc dáng đẹp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X