Hotline 24/7
08983-08983

7 phút “vàng” đưa cụ bà trở về từ cõi chết

Ngưng tim, ngưng thở hơn 5 phút nhưng cụ bà 73 tuổi đã trở về từ cõi chết sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ dốc sức cấp cứu. Điều kỳ diệu là não của bà không bị tổn thương, thoát khỏi cảnh sống đời sống thực vật.

Sáng 5/7/2019, trên giường bệnh khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ, cụ bà Đ.T.Đ. (73 tuổi, Cái Răng - Cần Thơ) đã hồi phục tri giác, lật trở được tay chân. Ít ai biết bệnh nhân vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh với căn bệnh hiếm gặp, nhưng lại không bị tổn thương não dù đã ngưng tim, ngưng thở hơn 5 phút trên đường đi cấp cứu 2 ngày trước.

Chị Thường - con gái bà Đ. kể lại, sau giấc ngủ trưa ngày 3/7, chị thấy mẹ có gì đó không ổn, thở phì phò, lay mãi không dậy, sờ thấy chân tay lạnh, toát mồ hôi, tím tái dần. Người nhà nhanh chóng tìm danh bạ đã lưu sẵn số tổng đài cấp cứu đột quỵ 1800 1115 - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ và tức tốc đưa tới bệnh viện.

Đến nơi, bà Đ. đã ngưng tim, ngưng thở, tay chân tím tái, hôn mê, huyết áp không đo được. Hệ thống báo động “Code blue” - quy trình hồi sức tim phổi cho bệnh nhân ngưng tim toàn viện được kích hoạt tức thì.

Ngay lập tức, người bệnh được xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt ống thở, tiêm thuốc hồi sinh. 5 phút sau, tim đập trở lại nhưng mạch vẫn rất yếu, huyết áp không đo được, có nguy cơ ngừng tim tái diễn.

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - người trực tiếp cấp cứu cho cụ bà Đ.

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Khoa Tim mạch Bệnh viện đa khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ cùng ê-kíp cấp cứu nhanh chóng siêu âm tim ngay tại giường bệnh. Kết quả ghi nhận có tràn dịch màng ngoài tim cấp, trái tim đang bị chèn ép, co bóp yếu như đang bơi đuối sức trong một bể nước.

Sau khi hội chẩn gấp rút, BS Mạnh Cường chọc dịch màng ngoài tim để giải áp cho trái tim đập trở lại. Tổng lượng dịch trong khoang màng ngoài tim rút ra khoảng 400ml.

Bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, đo được huyết áp, mạch đập rõ hơn nhưng nguy cơ chết não vẫn còn. Các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh Đột quỵ, Hồi sức cấp cứu tiếp tục hội chẩn, chụp CT sọ kiểm tra.

Tất cả đều thực hiện ngay tại phòng cấp cứu để tranh thủ từng giây. Chỉ trong vòng 7 phút kể từ khi vào cánh cửa cấp cứu, bệnh nhân được siêu âm tim và chọc dịch thành công. 24 giờ sau đó, điều kỳ diệu đã xảy ra, bệnh nhân dần mở mắt, da niêm hồng, cử động tay chân, gọi hỏi biết.

“Thông thường, xử trí tràn dịch màng ngoài tim cần được thực hiện tại phòng mổ hay phòng DSA, phải mất đến 20-30 phút. Tuy nhiên, tình trạng của người bệnh quá nguy cấp, do đó, ê-kíp đã hội chẩn ngay tại phòng cấp cứu, có đầy đủ máy siêu âm tim, máy thở nên có thể thực hiện đồng thời tại một thời điểm mà vẫn đảm bảo yếu tố vô trùng cho người bệnh” - BS Mạnh Cường cho biết.

Lượng dịch trong khoang màng ngoài tim được rút ra tại phòng Cấp cứu khoảng 400ml. Sau khi chuyển lên khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh nhân tiếp tục được dẫn lưu dịch thêm khoảng 500ml. Ảnh: BSCC

Quá trình hồi phục của bệnh nhân cũng vô cùng cam go. “Khi được chuyển lên khoa Hồi sức, bệnh nhân tái diễn rớt nhịp tim rất nhiều lần, dọa ngưng tim lần 2 nhưng được cấp cứu, kiểm soát nhịp tim tốt. Đặc biệt, với những người bị ngưng tim thì vấn đề cần quan tâm nhất là não. May mắn nhờ được cấp cứu kịp thời và đúng cách nên bệnh nhân không bị tổn thương não, tri giác phục hồi tốt” - BS Lâm Thành Luân - Khoa Hồi sức tích cực thông tin.

Đây là trường hợp đặc biệt hy hữu được cứu sống vì bệnh nhân có rất nhiều bệnh nền, tổng trạng kém như: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh động mạch vành đã đặt stent, viêm đa khớp. Thông thường nếu bệnh nhân ngưng tim quá 5 phút sẽ gây đột quỵ, tổn thương não không hồi phục. Nhiều người được cứu sống nhưng phải trải qua đời sống thực vật kéo dài.

Tuy nhiên, trường hợp này nhờ việc cấp cứu nhanh chóng, hiệu quả với các trang thiết bị máy móc hiện đại trên xe cứu thương và tại phòng cấp cứu (siêu âm, CT, MRI 3 Tesla có thể tiếp cận trong vòng một phút) và sự phối hợp nhuần nhuyễn, hết lòng của các bác sĩ, điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm nên bệnh nhân đã trở về từ cõi chết một cách thần kỳ.

Người nhà cũng đã góp công lớn khi họ trang bị đầy đủ kiến thức, hotline bệnh viện sẵn sàng trong danh bạ, phản xạ nhanh. Chỉ cần đến trễ chỉ 5 phút nữa thôi, dù bác sĩ giỏi đến mấy, phương tiện tốt bao nhiêu, người bệnh cũng không còn.

Ca cấp cứu ngày hôm đó để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho các y bác sĩ. Lo lắng khi thấy dấu hiệu sinh tồn dần mất đi. Gấp rút, quyết tâm bằng mọi giá phải cứu sống, dù chỉ có 1/10 cơ hội. Hồi hộp, vỡ òa khi trái tim bệnh nhân đập trở lại, và nhẹ nhõm khi não không bị tổn thương.

Bệnh nhân hồi phục tri giác tốt, lật trở được tay chân theo yêu cầu của bác sĩ ngày 5/7

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ nhận định đây là trường hợp đầu tiên sau mười mấy năm làm ngành y mà ông cảm nhận được sự sống kỳ diệu đến vậy, ngừng tim, ngừng thở mà vẫn có thể hồi phục tốt.

Còn với ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường, dù đã điều trị một số trường hợp tràn dịch màng ngoài tim nhưng đây cũng là lần đầu tiên tiến hành trong tình trạng cấp cứu.

Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, lượng dịch màng tim ít, không còn tái lập nhiều như những ngày trước, có thể rút ống dẫn lưu để tránh cho bệnh nhân không bị nhiễm trùng. Dự kiến cụ bà có thể xuất viện trong 3-5 ngày tới.

Tràn dịch màng ngoài tim: Bệnh hiếm và hiểm

Theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường, tràn dịch màng ngoài tim cấp là bệnh ít gặp, tần suất chiếm khoảng 0,1% tổng số bệnh nhân nhập viện và khoảng 5% tổng số bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì đau ngực.

Bình thường, trái tim được bao xung quanh bởi một lớp bọc và tạo ra một khoang màng ngoài tim. Khoang này thường chứa khoảng 30-50ml dịch. Khoang màng ngoài tim sẽ giúp cho trái tim có vị trí ổn định trong lồng ngực và giúp tim hoạt động trơn tru, hạn chế ma sát. Trong trường hợp tràn dịch màng ngoài tim gây chèn ép tim cấp, các buồng tim không giãn nở được, máu không đi về tim được và tim bóp không hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng tụt huyết áp và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tràn dịch màng ngoài tim có thể do nhiều nguyên nhân: viêm nhiễm do vi trùng, vi rút, suy tim, bệnh động mạch vành gây nhồi máu cơ tim có biến chứng, hoặc một số bệnh lý như suy giáp, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, bệnh cơ tim…

Biểu hiện của bệnh thường là đau ngực vùng sau xương ức, đau tăng khi hít thở sâu, giảm khi nằm hoặc ngồi cúi về phía trước. Nếu lượng dịch màng ngoài tim nhiều sẽ dẫn đến khó thở, tụt huyết áp, đột quỵ, tử vong.

Căn bệnh này dễ chẩn đoán nhầm với nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ hoặc nguyên nhân về phổi. Siêu âm tim là phương pháp hữu hiệu giúp chẩn đoán nhanh và chính xác tràn dịch màng ngoài tim.

Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân. Khi lượng dịch màng ngoài tim nhiều sẽ được chỉ định chọc dò rút dịch để giải áp và xét nghiệm dịch để tìm nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị thích hợp.

Phương Nhung
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X