60 tổ Quân y sẽ đến tận nhà chăm sóc bệnh nhân COVID-19 và người bệnh nền ở TPHCM
Với 60 tổ quân y lưu động, Giám đốc Học viện Quân y yêu cầu các bác sĩ, học viên đến tận cơ sở, từng nhà, điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 và cả những bệnh nền khác.
Sáng 21/8, tại Hà Nội, Học viện Quân y tổ chức Lễ xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho TPHCM.
Theo Trung tướng Đỗ Quyết - Giám đốc Học viên Quân y, Đoàn công tác tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động, trong đó có 113 bác sĩ, 2 cán bộ, 180 học viên do Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Hệ trưởng hệ sau Đại học, làm Trưởng đoàn.
Dưới sự chỉ đạo, điều phối của Sở chỉ huy phòng, chống dịch phía Nam, Đoàn công tác sẽ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin, quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0, cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.
Theo Trung tướng Đỗ Quyết, không giống các đợt tăng cường trước vào công tác tại bệnh viện dã chiến, các bác sĩ lần này có nhiệm vụ đến tận cơ sở, từng nhà, phát hiện, chăm sóc, điều trị, phòng, chống dịch COVID-19 và cả những bệnh nền khác. Các học viên Quân y không chỉ đi lấy mẫu mà sẽ thực hiện công việc như đi lâm sàng, tức là xuống chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tại khu phố và làm bất cứ nhiệm vụ gì người dân yêu cầu.
Giám đốc Học viện Quân y yêu cầu các bác sỹ, học viên chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, học viên cao học cần phát huy kiến thức đã học được và tiếp tục cập nhật thêm những hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Quân y và Học viện Quân y đã tập huấn trong những ngày qua.
Trung tướng Đỗ Quyết nói có hai điểm quyết định trong sự thành công của đoàn công tác là tính kỷ luật và tình thương yêu người dân, người bệnh. Ông nhắc nhở thành viên đoàn công tác tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng chống lây nhiễm vì "cầm súng đi đánh giặc mà để bị thương, sẽ thất bại".
Bên cạnh tính kỷ luật về Quân đội, về chuyên môn, Trung tướng Đỗ Quyết nêu rõ giữa các tổ, nhóm quân y cần có sự phối hợp tốt với nhau và với lực lượng tại địa phương, cơ sở.
Với số lượng trung bình 5 thành viên/tổ, gồm 2 bác sĩ và 3 sinh viên, đây là dịp các tổ quân y tới sát gần nhất với nhân dân, do đó tuyệt đối không được vi phạm bất cứ quy định, kỷ luật nào trong quá trình tiếp xúc, giao tiếp với người dân.
Giám đốc Học viện Quân y nói: "Trong số những người mắc COVID-19, có thể có trường hợp chịu nhiều tác động về tâm lý nên đôi khi có những câu nói khó nghe, đòi hỏi các em phải có tinh thần trách nhiệm và cả tình thương yêu khi tiếp xúc, thực hiện nhiệm vụ".
Ngoài 60 tổ quân y lưu động xuất quân sáng nay, sẽ có thêm 600 y bác sĩ, học viên của Học viện tiếp tục vào Nam chi viện chống dịch vào ngày 23/8 tới đây.
Từ 21 đến 23/8, Bộ Quốc phòng dự kiến điều 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị vào Nam chống dịch theo đường hàng không. Trước đó, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần, Quân khu 7 và Quân khu 9 thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phía Nam.
Tại TPHCM, lực lượng quân y đang tham gia chống dịch khoảng 2.300 người, ở 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Dân y miền Đông (Quân khu 7) và Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng thuộc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình