Hotline 24/7
08983-08983

150 phút nhọc nhằn lấy hạt hồng xiêm nằm trong phế quản suốt 27 năm

Sáng 26/11, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết mới thực hiện thành công nội soi phế quản lấy dị vật hạt sabôchê (còn gọi là hồng xiêm) nằm vắt ngang trong phế quản phải suốt 27 năm.

Bệnh nhân nữ T. K. V. Đ. (33 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khám vào lúc 12h30 phút ngày 16/11. 3 tháng nay, chị Đ. bị ho kéo dài, khạc đàm, sốt, đã khám và điều trị nhiều nơi nhưng không giảm, cảm thấy đau tức vùng dưới ngực phải nhiều kèm khó thở nên đến bệnh viện để điều trị tiếp.

Qua khai thác bệnh sử, được biết vào năm 6 tuổi bệnh nhân có ăn sabôchê, vô tình sặc hạt, sau đó ngay lập tức xuất hiện ho dữ dội, ho giảm dần sau 1 tuần nhưng không dứt hẳn, người nhà nghĩ không sao nên bỏ qua không đi khám. Sau đó thường xuyên xuất hiện những đợt ho kéo dài tái đi tái lại nhiều lần, dùng thuốc có giảm nhưng không hết triệu chứng ho.

Sau khi nhập viện khoa Hô hấp, các bác sĩ tiến hành thăm khám kết hợp với kết quả CTSan ngực cho thấy hình ảnh dãn phế quản và viêm thùy dưới phổi phải, có hình ảnh dị vật nhánh phế quản thùy dưới phổi phải. Bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản thám sát ghi nhận niêm mạc phế quản nhiều giả mạc, có một dị vật nằm trong lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải bị che lấp bằng giả mạc và niêm mạc phù nề, dùng kềm lấy dị vật tuy nhiên chỉ lấy được phần gai của hạt sabôchê. Sau đó bệnh nhân được điều trị tích cực nội khoa nhằm giảm phù nề và được tiến hành nội soi lần 2.

sabôchêHạt sabôchê nằm trong phế quản của chị Đ. suốt 27 năm được trục xuất ra ngoài

Ngày 23/11/2020, hội chẩn liên khoa tiến hành nội soi phế quản ống mềm lần thứ hai có sử dụng tiền mê để lấy dị vật, ê-kíp thấy dị vật hạt sabôchê nằm ngang trong lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải, dùng thòng lọng kéo được hạt. Thời gian thực hiện là 150 phút.

Tình trạng hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, hết cảm giác đau tức ngực, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Nội Hô hấp.

Theo BS.CK1 Đặng Duy Thanh - khoa Nội Hô hấp: "Đây là một trường hợp đặc biệt khó khi thực hiện nội soi phế quản do thời gian dị vật nằm ở phế quản khá lâu, mô viêm phù nề và vị trí của dị vật rất sâu và nằm ngang trong lòng phế quản. Do đó dễ có nguy cơ gây rách phế quản, chảy máu ồ ạt, tràn khí trung thất gây tử vong".

Dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể gây tử vong hay di chứng nặng nề ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi. Tai nạn cũng có thể xảy ra ở người lớn với tần suất thấp hơn.

Dấu hiệu lâm sàng khi có dị vật xâm nhập vào đường thở là đột ngột ho, sặc sụa, khò khè, khó thở (còn gọi là hội chứng xâm nhập). Tuy nhiên, hội chứng này có thể không có ở 12-25% trường hợp dị vật đường thở. Ở giai đoạn cấp, dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất là khò khè, khó thở. Ở giai đoạn trễ hơn, khi không phát hiện được hội chứng xâm nhập, người bệnh thường có bệnh sử viêm phổi tái phát ở cùng một vị trí.

Có khoảng 80 - 96% dị vật đường thở không cản quang nên thường không thấy dị vật trên Xquang ngực. Vì vậy, Xquang ngực bình thường cũng không cho phép loại trừ chẩn đoán dị vật đường thở. Trong đa số các trường hợp CTScan ngực giúp chẩn đoán dị vật đường thở.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X