Hotline 24/7
08983-08983

10 điều CẦN BIẾT để sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là căn bệnh mãn tính kéo dài, có nghĩa là bệnh nhân phải chung sống với nó suốt đời. Trong chương trình sinh hoạt CLB được tổ chức vào ngày 28/7/20234, TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh nhấn mạnh, người bệnh cần hiểu rõ về căn bệnh để biết cách sống chung với bệnh mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể.

1. Hiểu rõ diễn tiến của bệnh

TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh cho biết, hiểu rõ về bệnh tật giúp bệnh nhân bớt lo lắng, có sự chuẩn bị và biết cách đối phó. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là căn bệnh mạn tính, diễn tiến nặng dần, thỉnh thoảng xuất hiện những đợt cấp.

Diễn tiến của bệnh dẫn đến sự sụt giảm chức năng hô hấp, từ đó có những thời điểm mà tình trạng bệnh nặng hơn hẳn, khó thở nhiều hơn, gọi là các đợt cấp. Đợt cấp xuất hiện thưa thớt đồng nghĩa với diễn tiến của bệnh đang chậm, ngược lại, các đợt cấp xuất hiện dày đặc đang báo động tình huống nguy hiểm.

2. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp

Các dấu hiệu cảnh báo về đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được chuyên gia cảnh báo, bao gồm:

- Khó thở nhiều hơn: Bệnh nhân cảm thấy nặng ngực, mệt, cần dùng nhiều thuốc cắt cơn hơn, kê nhiều gối hơn khi ngủ, ăn kém hơn...

- Thay đổi tính chất đàm: Đàm đổi màu, đàm đặc hơn, khó khạc đàm.

- Tăng lượng đàm: Thể tích đàm nhiều hơn bình thường.

- Các dấu hiệu nặng: Mệt lả người, tím môi hoặc tím đầu ngón tay là các dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang bị thiếu oxy. Người nhà có thể quan sát thấy bệnh nhân rơi vào trạng thái mất tỉnh táo như lú lẫn, nói nhảm, thay đổi hành vi, ngủ gà, lơ mơ hoặc hôn mê.

Khi có các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp, bệnh nhân nên đi khám hoặc nhập viện càng sớm càng tốt.

3. Ngưng hút thuốc và tránh khói bụi ô nhiễm

Thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như tim mạch, ung thư phổi, ung thư nhiều cơ quan khác.

TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh cảnh báo, cai thuốc lá càng sớm càng tốt để giảm thiểu khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đồng thời phải tránh tiếp xúc với khói thuốc lá do người khác hút và tốt nhất nên vận động người xung quanh bỏ thuốc lá.

Đường màu đỏ biểu diễn diễn tiến chức năng hô hấp của người hút thuốc lá

Chuyên gia nhấn mạnh: “Nghiện thuốc lá thật sự là bệnh chứ không còn là thói quen. Cai thuốc lá là biện pháp đầu tiên và hữu hiệu để làm chậm sự sụt giảm chức năng hô hấp ở người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên việc cai thuốc lá đòi hỏi sự quyết tâm lớn và cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế”.

4. Chủng ngừa cúm và phế cầu

Hầu hết các đợt cấp trong diễn tiến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính xảy ra do phổi bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Do vậy, TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh khuyên rằng, tiêm ngừa cúm giúp phòng tránh phần nào các đợt nhiễm trùng hô hấp - nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến các đợt cấp.

Nên chích ngừa cúm mỗi năm vì virus gây bệnh thay đổi kiểu đột biến gen theo thời gian. Trong suốt cuộc đời, chúng ta chỉ cần chích ngừa phế cầu tối đa 3 lần, trong đó cần thiết nhất là tiêm trước 65 tuổi và nhắc lại sau đó 5 năm.

5. Tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ

Để có thể tuân thủ điều trị, bệnh nhân cần thiết hiểu rõ tác dụng và mục đích của các loại thuốc đang dùng, không nên có tâm lý ngại dùng thuốc hay lạm dụng thuốc, theo TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh. Bệnh nhân cùng tham gia với bác sĩ để xây dựng kế hoạch hành động và cách xử trí nếu xuất hiện các đợt cấp.

Thuốc giãn phế quản có tác dụng làm các phế quản giãn nở, không khí lưu thông vào phổi dễ dàng hơn. Đây là thuốc chủ lực trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Việc dùng thuốc một cách hợp lý sẽ giúp giảm triệu chứng khó thở, ít xuất hiện đợt cấp, bệnh nhân sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

6. Sử dụng thuốc đường hít đúng cách

TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh hướng dẫn: “Thuốc trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là thuốc hít, nghĩa là thuốc được đưa trực tiếp vào đường hô hấp. Nếu không sử dụng đúng cách, lượng thuốc vào phổi không đủ để điều trị.

Các dạng thuốc bơm xịt, thuốc hít bột khô hay phun khí dung đều có hiệu quả tương tự, có thể lựa chọn tùy theo thói quen thuận tiện của bệnh nhân. Điều cần lưu ý là sử dụng đúng cách để thuốc vào phổi, nếu không sẽ gây tốn kém mà không cải thiện được tình trạng bệnh, khiến người bệnh càng thêm hoang mang, lo lắng.

Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn được sử dụng theo nhu cầu: khi cảm thấy mệt, khó thở hoặc trước khi làm việc gắng sức (đi cầu thang, đi tắm, đi vệ sinh...). Thuốc không cố định số lần sử dụng trong ngày, có thể thay đổi từ không sử dụng đến 4-5 lần/ngày.

Thuốc giãn phế quản tác dụng dài là thuốc thế hệ mới, giúp giãn phế quản bảo vệ phổi suốt 24h, chống ứ khí trong phổi, phòng tránh đợt cấp và tăng chất lượng cuộc sống nên chỉ cần dùng 1 lần mỗi ngày.

Hai loại thuốc giãn phế quản kết hợp với corticoid đường hít được khuyến nghị sử dụng thường xuyên và đều đặn ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng hoặc có đợt cấp thường xuyên. Thuốc có tác dụng làm chậm sự xuất hiện đợt cấp và giảm tử vong.

“Bệnh nhân cần lưu ý rằng, thuốc chỉ có tác dụng khi sử dụng đều đặn hằng ngày trong thời gian dài và nên súc họng kỹ sau khi dung thuốc” - TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh dặn dò.

7. Vận động đều đặn và tích cực

Vận động cực kỳ cần thiết đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nghiên cứu cho thấy tập luyện mỗi ngày hoặc ít nhất 3 lần mỗi tuần giúp tăng chất lượng cuộc sống và giảm triệu chứng khó thở.

Việc tập luyện nên có sự tư vấn của chuyên viên phục hồi chức năng đề giúp người bệnh đánh giá trước khi tập, chọn lựa loại hình và mức độ tập luyện phù hợp. Tập luyện theo hướng tích cực và nâng dần mục tiêu mới có thể đạt hiệu quả tốt.

Quan trọng nhất, theo TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh là phải đảm bảo yếu tố an toàn khi tập luyện. Bệnh nhân phải ngừng tập ngay khi có các dấu hiệu báo động: mệt nhiều, khó thở, đau ngực, tim đập nhanh, đánh trống ngực, chóng mặt, buồn nôn, đạu các cơ khớp bất thường...

Những bài tập phù hợp cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là đi bộ, đạp xe lực kế, đi cầu thang, tập ngồi - đứng, nâng tạ...

8. Chế độ ăn hợp lý

Suy dinh dưỡng khiến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính càng thêm trầm trọng, bệnh nhân không nên để bị sụt cân.

Nếu đã bị suy dinh dưỡng hoặc đang sụt cân, chúng ta phải tăng cường nạp năng lượng cho cơ thể bằng cách: ăn nhiều bữa trong ngày; chọn khẩu phần giàu năng lượng; tránh các loại thực phẩm gây đầy hơi, lâu tiêu; đừng ngại việc thở oxy trong khi ăn.

Dùng thuốc giãn phế quản dạng uống kéo dài thường làm giảm kali máu, do đó người bệnh cần được bổ sung những thực phẩm giàu kali như trái cây tươi (cam, chuối, dừa, bơ), hạt khô, quả khô...

Uống 1,5-2l nước mỗi ngày sẽ giúp làm loãng đàm, mềm phân. Có thể chống táo bón bằng các loại thực phẩm hay sữa giàu chất xơ.

9. Tập thở đúng cách và biết cách đối phó với cơn khó thở

Động tác thở chúm môi khiến thời gian thở ra dài gấp 2 lần thời gian hít vào, có tác dụng thải khí CO2 tồn đọng trong phổi, giúp chúng ta dễ thở hơn. TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh khuyên người bệnh có thể tập thở chúm môi khi rảnh rỗi hoặc kết hợp trong lúc tập luyện, vận động.

Hướng dẫn động tác thở chúm môi

Khó thở là triệu chứng gắn liền với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, do đó người bệnh cần biết cách đối phó với nó: Tránh hoảng hốt - Giữ bình tĩnh là yếu tố quan trọng hàng đầu và áp dụng thở chúm môi trong khi chuẩn bị thuốc cắt cơn.

Thứ hai, thuốc cắt cơn phải luôn được đặt trong tầm tay và sẵn sàng để sử dụng. Có thể sử dụng dạng bơm xịt hoặc phun khí dung nhưng phải dùng đúng cách, không hấp tấp, vội vã và lặp lại sau 30 phút nếu cần.

Các tư thế đứng sao cho phần thân từ hông trở lên hơi cúi về phía trước có thể chống khó thở. Đối với tư thế ngồi, chi trên nên đặt ở tư thế khuỷu tay hoặc bàn tay chống lên gối hoặc đầu tự vào cẳng tay. Có thể tìm các điểm tựa như tường, mặt bàn, bệ gạch.

Các tư thế này giúp cơ hoành di chuyển dễ dàng hơn và các cơ hô hấp ở lồng ngực hỗ trợ làm nở phổi tốt nhất.

10. Tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt hằng ngày

Tiết kiệm năng lượng để tránh gắng sức không cần thiết và giảm bớt khó thở. Lời khuyên từ TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh là sắp xếp nhà cửa gọn gàng và hợp lý để tránh tiêu hao nhiều năng lượng trong sinh hoạt hằng ngày, đồng thời sắp xếp lịch làm việc hơp lý, không để dồn việc, việc gấp.

Trên thế giới đã có nhiều hướng dẫn chi tiết về mặt sinh hoạt cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:

- Ngồi khi tắm, dùng vòi sen thay cho gáo, ca múc nước;

- Tủ quần áo vừa tầm tay, không dùng các loại giày có thắt dây, tránh mặc các loại quần áo chật, bó sát hay áo cài nút sau lưng;

- Sắp xếp dụng cụ làm bếp vừa tầm tay, ngồi khi chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn. Các bữa ăn nên dùng món đơn giản, không cầu kỳ. Tránh để bếp có nhiều khói;

- Dùng các loại xe đẩy nhỏ có bánh xe nếu cần di chuyển đồ đạc, hạn chế đi cầu thang, nên nghỉ ở đoạn giữa cầu thang và bố trí ghế ở cuối để ngồi nghỉ;

- Sắp xếp công việc để không rơi vào tình huống vội vã, đi đứng khoan thai, làm việc vừa sức;

- Tránh ngồi vào ô tô đã đỗ lâu ngoài nắng, tránh dến những nơi đông người những kém thoáng khí, nhiều CO2 để không bị nhiễm các bệnh lây qua đường hô hấp;

- Luôn mang theo thuốc hít cắt cơn bên người và các dụng cụ hỗ trợ nếu cần.

TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh kết luận: “Nắm vững và tuân thủ 10 điều trên sẽ giúp người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sống chung với bệnh trong chất lượng cuộc sống tốt nhất”.

Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá Quốc gia 1800.6606

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó có 1,2 triệu người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc lá. Tác hại của việc sử dụng thuốc lá không chỉ giới hạn ở gây ra các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, mà còn là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm, bệnh tâm thần, lạm dụng thuốc, cũng như gây hại cho môi trường.

Trước những tác hại mà thuốc lá gây ra, Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã thực hiện nhiều chiến dịch, hoạt động về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, lời khuyên bỏ thuốc lá từ các cán bộ y tế dành cho người bệnh có hiệu quả hơn bất kỳ lời khuyên của người nào khác. Vì vậy, nhân viên y tế đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo động lực và duy trì quyết tâm cai thuốc của người bệnh. 

Từ năm 2015,  Chương trình Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bệnh viện Bạch Mai có những hoạt động thiết thực như thành lập Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá Quốc gia 1800.6606 cùng với các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và hướng dẫn các biện pháp cai nghiện thuốc lá…

Chỉ trong năm đầu tiên hoạt động, Tổng đài Tư vấn cai nghiện thuốc lá Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận khoảng 12.000 cuộc gọi tư vấn. Đánh giá hiệu quả của tổng đài trên các đối tượng liên lạc lại được cho thấy tỷ lệ người đã bỏ thuốc lá trong số này chiếm 30,7%. Đây là một kết quả lý tưởng khi so sánh với số liệu báo cáo của nhiều nước trên thế giới.

Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí với đội ngũ tư vấn viên có trình độ chuyên môn, hoạt động từ 8h đến 22h hàng ngày với phương châm “Chúng tôi luôn luôn đồng hành” đã hỗ trợ, tạo niềm tin và hình thành quyết tâm cai nghiện cho những người có ý định bỏ thuốc lá và giúp người đang bỏ thuốc vượt qua rào cản gây tái nghiện.

Tại TPHCM hiện nay cũng có rất nhiều đơn vị hỗ trợ cai thuốc lá, trong đó, người bệnh có thể đến Phòng khám Đa Khoa Ngọc Minh để được tư vấn cụ thể.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Hệ thống Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

Cơ sở 1: 20 Lãnh Binh Thăng, phường 13, quận 11, TPHCM

Cơ sở 2: 262/4 Lạc Long Quân, phường 10, quận 11, TPHCM

Hotline: 1800 8074 - (028) 6264 3637

Website: pkdkngocminh.com.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X