Hotline 24/7
08983-08983

Vitamin B1: Công dụng, liều dùng và các tác dụng phụ thường gặp

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Công dụng của vitamin B1


Vitamin B1 có tác dụng hỗ trợ và bảo vệ hệ thống thần kinh trước nguy cơ bị tổn thương và thoái hóa. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Vitamin B1 (còn được gọi thiamin) là 1 trong 8 loại vitamin hòa tan trong họ vitamin B tổng hợp, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa carbohydrates từ thực phẩm thành năng lượng cần thiết cho cơ thể. Nếu không có vitamin B1 thì hiệu quả sản xuất năng lượng sẽ bị suy giảm hoặc bị vô hiệu hóa.

Vitamin B1 có chức năng hỗ trợ sản sinh chất dẫn truyền thần kinh từ các dây thần kinh và cơ bắp để đảm bảo cho tim hoạt động tốt. Ngoài ra, vitamin B1 có thể cải thiện trí nhớ và tăng khả năng tập trung, giúp tinh thần thoải mái. Vitamin B1 còn giúp nâng cao sức khỏe tim mạch, phòng chống bệnh Alzheimer và làm giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Nó còn được sử dụng trong điều trị các bệnh rối loạn thần kinh như bệnh đa xơ cứng và bại liệt… Vitamin B1 còn có tác dụng hỗ trợ và bảo vệ hệ thống thần kinh trước nguy cơ bị tổn thương và thoái hóa, hỗ trợ các bộ phận trong cơ thể và hệ thần kinh ngắt các thông báo truyền gửi cho nhau.

Vitamin B1 được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin B1, hội chứng Wernicke và hội chứng Korsakoff, viêm đa dây thần kinh do rượu, beriberi, bệnh tim mạch có nguồn gốc do dinh dưỡng ở người nghiện rượu mạn tính, phụ nữ mang thai, người có rối loạn đường tiêu hóa và những người nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, thẩm phân màng bụng và thận nhân tạo. Thuốc vitamin B1 tiêm được sử dụng để điều trị beriberi, một tình trạng nghiêm trọng do thiếu Vitamin B1 kéo dài.

Thông thường, nếu cơ thể khỏe mạnh và ăn uống tốt thì thực tế không cần sử dụng thêm vitamin dưới hình thức thuốc bổ vitamin. Vitamin B1 cũng như các vitamin khác được cung cấp chủ yếu từ thực phẩm. Nguồn thực phẩm giàu vitamin B1 như: Thịt nạc, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, lúa mạch đen, khoai tây, rau diếp, mầm lúa mì, các loại đậu như đậu nành, đậu Hà Lan, đậu tương, men bia,… Ngoài ra, sữa bột được xem là nguồn bổ sung vitamin B1 cùng các vitamin nhóm B khác hiệu quả, cơ thể dễ hấp thu, nhất là đối với trẻ em.

Nhu cầu vitamin B1 hàng ngày khác nhau tùy theo độ tuổi và giới tính. Trung bình, trẻ từ 0-6 tháng 0,2mg/ngày, từ 7-12 tháng 0.3mg/ngày; Trẻ em từ 1-3 tuổi 0,5mg/ngày, từ 4-8 tuổi 0,6mg/ngày, từ 9 - 13 tuổi 0,9mg; Nam giới từ 14 tuổi trở lên 1,2mg /ngày, nữ giới từ 14 - 18 tuổi 1,0mg/ngày; Nữ giới từ 19 tuổi trở lên 1,1mg/ ngày, nữ giới trong thời kỳ mang thai và cho con bú 1,4 - 1,5mg/ngày để “vận hành” tốt các chức năng của cơ thể.

Thiếu vitamin B1 gây bệnh gì?

Thông thường, nếu cơ thể khỏe mạnh và ăn uống tốt thì thực tế không cần sử dụng thêm vitamin dưới hình thức thuốc bổ vitamin. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Nếu cơ thể bị thiếu hụt loại Vitamin này sẽ gây ra bệnh (beriberi) bệnh tê phù. Thiếu hụt nhẹ biểu hiện trên hệ thần kinh như viêm dây thần kinh ngoại biên, rối loạn cảm giác các chi, có thể tăng hoặc mất cảm giác. Trương lực cơ giảm dần và có thể gây ra chứng bại chi hoặc liệt một chi nào đó. Thiếu hụt vitamin B1 trầm trọng gây rối loạn nhân cách, trầm cảm, thiếu sáng kiến và trí nhớ kém như trong bệnh não Wernicke. Nếu điều trị muộn gây loạn tâm thần Korsakoff.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, thiếu Vitamin B1 lâu dài sẽ khiến trẻ dễ bị suy tim, teo cơ.

Các triệu chứng tim mạch do thiếu hụt Vitamin B1 bao gồm: Khó thở khi gắng sức, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh và các rối loạn khác trên tim. Sự suy tim trên được gọi là beriberi ướt; phù tăng mạnh là do hậu quả của giảm protein huyết nếu dùng không đủ protein, hoặc của bệnh gan kết hợp với suy chức năng tâm thất.

Dấu hiệu của thiếu vitamin B1 dưới dạng rối loạn tiêu hóa đến sớm hơn như: Chán ăn, ăn không tiêu, giảm nhu động tiêu hóa (do giảm tiết acid dịch vị).

Sự thiếu hụt vitamin B1 có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân: do quá trình bảo quản, chế biến thực phẩm không đúng cách sẽ làm giảm nhanh hàm lượng vitamin này; do nhu cầu tăng, nhưng cung cấp không đủ (tuổi dậy thì, có thai, cho con bú, ốm nặng, nghiện rượu, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch); do giảm hấp thu (tiêu chảy kéo dài, người cao tuổi)... Bởi vậy, đối với những trường hợp trên cần bổ sung vitamin B1 bằng thuốc.

Liều dùng vitamin B1


Nhu cầu vitamin B1 hàng ngày khác nhau tùy theo độ tuổi và giới tính. Thông thường, viên uống vitamin B1 uống 50 - 100mg hằng ngày trong ba tới sáu tháng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Trong dược phẩm, vitamin B1 là các chế phẩm tổng hợp với nhiều dạng muối khác nhau (thiamin hydrochlorid, thiamin monophosphat, thiamin nitrat…) thường được trình bày ở dạng thuốc viên hay thuốc tiêm.

Vitamin B1 thường được dùng để uống mà không có toa thuốc. Nếu liều cao, nên chia thành liều nhỏ dùng cùng với thức ăn để tăng hấp thu.

Nam giới, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần nhiều Vitamin B1 hơn vì đối tượng này cần nhiều năng lượng hơn.

Thuốc dạng tiêm được dùng khi có rối loạn tiêu hóa (nôn nhiều) hoặc khi có sự thiếu hụt nặng như suy tim do beriberi, hội chứng Wernicke... Tuy nhiên, việc tiêm thuốc vitamin B1 phải được sự chỉ định bởi bác sĩ điều trị chứ không được tùy tiện sử dụng. Nên hạn chế dùng đường tĩnh mạch vì có thể gặp sốc phản vệ.

Liều khuyến cáo sau đây của vitamin B1 được xem là an toàn cho người sử dụng: Thuốc uống: 50 - 100mg hằng ngày trong ba tới sáu tháng. Thuốc tiêm: 50 - 100mg (IV) ba tới bốn lần mỗi ngày; và 5 - 200mg (IM) chia làm năm liều trong hai ngày.

Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng vitamin B1 với phụ nữ mang thai hay đang cho con bú, người bị suy gan, thận hay mắc bệnh đái tháo đường. Vitamin B1 làm giãn mạch máu và chậm nhịp tim nên cần thận trọng cho người bị huyết áp thấp, rối loạn nhịp tim.

Do đó, cần tránh quan niệm cho rằng vitamin là “thuốc bổ” không gây ra tác hại cho người sử dụng. Hơn nữa, tùy theo cơ địa, thể trạng mỗi người mà sẽ có liều dùng khác nhau. Do đó, khi sử dụng cần có sự tham vấn của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Tác dụng phụ khi sử dụng vitamin B1


Người bị phản ứng phụ của thuốc, ở mức độ nhẹ có thể bị sưng đau ở chỗ tiêm, buồn nôn, ra mồ hôi, cảm giác chặt trong cổ họng, cảm giác ấm, cảm thấy bồn chồn, bị chai và nổi cục cứng nơi tiêm vitamin B1… Mức độ nặng là phát ban ngứa, khó thở, tức ngực, sưng mặt, môi chuyển màu xanh, đau ngực, phân có máu, ho ra máu hoặc nôn mửa giống như bã cà phê … Nghiêm trọng có thể gây sốc phản vệ. Do đó, cần phải hết sức thận trọng khi sử dụng vitamin B1 (đặc biệt là ở dạng thuốc tiêm).

Làm đẹp da, suôn tóc với vitamin B1


Vitamin B1 ở dạng viên cũng là một trong số những “thần dược” làm đẹp da, dưỡng tóc mượt mà được ưa chuộng bởi nhiều phụ nữ. Các cô gái không chỉ dùng vitamin B1 làm mặt nạ trị mụn, dưỡng trắng da mà còn thường xuyên sử dụng B1 phục hồi mái tóc suôn dài, dày đẹp.

Để làm trắng da, bạn cần chuẩn bị: 3 viên vitamin B1, nửa hộp sữa chua không đường, 1 thìa dầu dừa hoặc dầu oliu và các dụng cụ chén, thìa,…

Cách làm: Dùng thìa nghiền nát 3 viên B1 vào một cái bát nhỏ, nếu khó nghiền nhuyễn thì bạn có thể nhỏ thêm vài giọt nước ấm vào, B1 sẽ mềm và nát ra nhanh.

Khi B1 đã nát ra thành dạng bột thì bạn cho thêm sữa chua không đường, dầu dừa vào và khuấy đều thành hỗn hợp sệt đồng nhất là có thể mang ra sử dụng được.

Cách dùng: Ban đầu, bạn làm sạch cơ thể với nước ấm và sữa tắm như bình thường. Làm sạch da là bước quan trọng không thể bỏ qua, vừa giúp loại bỏ lớp da chết, bã nhờn vừa kích thích lỗ chân lông giãn nở. Điều này giúp hỗn hợp dưỡng trắng thẩm thấu vào da tốt hơn.

Dùng tay thoa đều hỗn hợp B1 ở trên lên da, massage nhẹ nhàng khoảng 3 phút, chú ý hơn ở những vùng da sạm hơn như khuỷu tay, khuỷu chân,… Để ủ thêm 10 phút nữa thì tắm lại với nước sạch.

Thoa thêm một lớp kem dưỡng ẩm để giúp da mềm mịn và tăng hiệu quả dưỡng trắng. Bạn dùng hỗn hợp này vào buổi tối trước khi đi ngủ để mang lại hiệu quả cao nhất.

Những thực phẩm giàu vitamin B1. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Lưu ý


Bạn không nên sử dụng vitamin B1 nếu đã từng có dị ứng với nó. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc nếu bạn có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào, nếu bạn dùng thuốc khác hoặc các sản phẩm thảo dược hoặc nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm.

Nếu bạn đang điều trị mụn, giải pháp chăm sóc da cho cả thiếu niên và người lớn. Trước khi tiêm vitamin B1 hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bệnh thận.

Phương Nguyên (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X