-
Vì sao xuất hiện đường trong nước tiểu từ khi tiêm insulin?
Câu hỏi
Xin chào bác sĩ, Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Em bị tiểu đường tuýp 2 đã 3 năm. Bình thường em uống Janumet nhưng do men gan cao nên bác sĩ chuyển sang tiêm insulin 30 ui/ ngày. Hiện tại đường máu: 6,5 và hba1c: 5,9 Nhưng từ ngày em chuyển sang tiêm thì lại xuất hiện đường trong nước tiểu mà điều này trước kia không có. Em lo quá vì em có 1 thận bẩm sinh. Bác sĩ có thể giải thích và tư vấn giúp em được không ạ?
Trả lời
Tiêm insulin. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Gan là một cơ quan nằm ở phần trên bên phải của ổ bụng và có vai trò rất quan trọng trong cơ thể như tạo ra mật để tiêu hóa thức ăn, điều hòa tình trạng đông máu và đường huyết, tổng hợp các chất protein, cholesterol. Ngoài ra, tất cả thuốc và hóa chất khi đi vào cơ thể sẽ được gan giải độc bằng cách biến thành các chất không độc và thải trừ qua thận.
Ở người khỏe mạnh, gan là nơi điều hòa mức đường huyết một cách tối ưu. Khi đường máu tăng ngay sau khi ăn, tuyến tụy tiết ra một chất gọi là insulin, insulin theo máu đến gan có vai trò đưa glucose trong máu vào trong tế bào gan để sử dụng/dự trữ dưới dạng glycogen và đường máu sẽ giảm.
Ngược lại, khi đường máu giảm xuống, tụy tạng chỉ tiết ra một chất gọi là glucagon, glucagon theo máu đến gan kích thích tế bào gan phân giải glycogen thành glucose đưa vào máu và khi đó đường máu tăng lên mức bình thường.
Tế bào gan chứa nhiều men (enzyme) cho quá trình chuyển hóa tại đây. Do vậy, khi xét nghiệm máu có tăng men gan (chủ yếu là ALT, AST trên 3 lần giới hạn trên bình thường), điều này cho thấy có tổn thương tế bào gan. Tổn thương này có thể cấp tính hoặc mạn tính. Điều quan trọng là cần tìm nguyên nhân để điều trị thích hợp.
Tại Việt Nam, ở người mắc đái tháo đường hay không đái tháo đường, nguyên nhân tăng men gan thường gặp có thể gồm nhiễm virus viêm gan (A, B, C, D…); lạm dụng bia rượu, xơ gan, uống các thuốc độc cho gan không rõ nguồn gốc, đường huyết chưa kiểm soát tốt, thoái hóa mỡ gan…
Trường hợp của bạn, trong khi chưa tìm ra nguyên nhân tăng men gan, để an toàn thì các bác sĩ sẽ tạm ngưng các thuốc uống hạ đường huyết mà chuyển qua dùng insulin. Kết quả đường huyết của bạn khi dùng insulin nói chung rất tốt. Việc xuất hiện đường trong nước tiểu trong tình huống này có thể do hai nguyên nhân sau:
- Đường huyết thực sự cao vào ban đêm (ngày hôm trước) nên có thể xuất hiện đường niệu vào sáng hôm sau.
- Đường huyết của bạn bị hạ thấp trong lúc đi ngủ ban đêm (thường hay gặp ở người dung insulin) và cơ thể đáp ứng lại bằng cách tăng đường huyết phản ứng, đôi khi mức tăng đường huyết này quá cao làm xuất hiện đường niệu.
Để phân biệt hai trường hợp này, em có thể thử đường huyết lúc 22 giờ hôm trước; 2 giờ và 7 giờ sáng hôm sau. Sau đó, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để tư vấn thêm.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
Đường glucose là đường cơ thể người và hầu hết các động vật khác sử dụng để tạo ra năng lượng. Cơ thể chúng ta chuyển hóa carbohydrate từ thức ăn thành glucose. Đường xuất hiện trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến lượng đường trong nước tiểu tăng cao là tiểu đường. Tiểu đường là tình trạng cơ thể mất khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Đường cũng có thể được tìm thấy trong nước tiểu khi thận bị tổn thương. Xét nghiệm glucose trong nước tiểu thường được thực hiện để kiểm tra ở bệnh nhân tiểu đường như một cách để kiểm soát lượng được hoặc theo dõi hiệu quả của phương pháp điều trị. Trong một số trường hợp test kiểm tra glucose trong nước tiểu cũng có thể được thực hiện để kiểm tra các vấn đề về thận hoặc nhiễm trùng đường tiểu. Kiểm tra lượng đường trong máu cũng là một cách để xác định lượng đường có trong nước tiểu. Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, có nhiều máy móc thiết bị để kiểm tra chỉ số đường huyết tại nhà mà không cần tới các cơ sở y tế, tuy nhiên bạn không nên đo đường huyết bằng các thiết bị và phải đo ít nhất 2 lần để đảm bảo sự chính xác của kết quả. Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là hậu quả lớn nhất khi lượng đường trong nước tiểu vượt quá mức bình thường. Tiểu đường có thể gặp ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em, người trưởng thành hay người già do chế độ ăn uống không hợp lý, quá nhiều tinh bột và đường làm thay đổi lượng hoocmon insulin do tuyết tụy tiết ra, gây ảnh hưởng tới việc điều tiết glucose trong cơ thể. Người ta chia tiểu đường thành ba loại: tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ. |
ThS.BS Võ Tuấn Khoa
Khoa Nội tiết - BV Nhân dân 115
Khoa Nội tiết - BV Nhân dân 115
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình