Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao chân tay sưng đau sau khi ngưng thuốc Medrol điều trị lupus ban đỏ?

Câu hỏi

Thưa BS, Cháu năm nay 28 tuổi, hiện tại về đêm khi cháu ngủ thì cổ, vai, bả vai đau nhức, 10 ngón tay sưng đau (không tấy đỏ ạ), chân cũng đau ở mặt trong hoặc 2 bên khớp gối đau nhiều lúc đêm và sáng sớm. Tay cháu khi đưa lên cao khi đưa xuống rất khó khăn. Cháu bị như thế này đã 3 tháng, có uống thuốc đông y nhưng vẫn đau lắm. Cháu có tiền sử dùng Medrol 3.5 năm vì bị thiếu máu tán huyết và BS chẩn đoán bị lupus ban đỏ, nhưng 4 tháng trước cháu đi xét nghiệm lại chỉ số Lecell bình thường, vậy nên cháu ngưng dùng Medrol và chuyển qua uống đông y để điều tiết lại nội tiết. BS cho cháu biết cháu bị gì không ạ?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

sưng đau 2 bàn tay là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh lupus ban đỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Sưng đau 2 bàn tay là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh lupus ban đỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Chắc chắn là em chưa hiểu rõ về bệnh nên mới dám “liều mạng” tự ngưng thuốc điều trị Tây y mà chuyển qua đông y như vậy.

Lupus ban đỏ hệ thống, hay còn được gọi tắt là Lupus (SLE- Systemic Lupus Erythematosus), là một bệnh tự miễn trong đó hệ thống miễn dịch của con người tấn công chính những cơ quan và các tế bào của cơ thể, làm chúng bị tổn thương và rối loạn chức năng.

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý của mô liên kết có tổn thương nhiều cơ quan do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, đặc trưng bởi sự có mặt của kháng thể kháng nhân và nhiều tự kháng thể khác, chứ không chỉ có LE cell. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm khớp, da, cơ, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh…

Lupus là bệnh mạn tính, điều trị suốt đời, để tránh bệnh bùng phát, khi bệnh cải thiện (như LE cell về bình thường) thì BS sẽ giảm liều thuốc cho em, chứ không ngưng thuốc như vậy. Mặc dù là thuốc điều trị em đang uống có nhiều tác dụng phụ, nhưng mình sẽ điều chỉnh để tác dụng phụ này giảm xuống, chứ “chuyển qua uống đông y để điều tiết lại nội tiết” là chuyện hết sức sai lầm. Điển hình là giờ em đang có biểu hiện bệnh bùng phát rồi đó, có trường hợp bệnh bùng phát gây tổn thương thần kinh, co giật, và tử vong nữa.

Trước mắt em cần tái khám lại BS Tây y đang điều trị Lupus cho em, hoặc tại cơ sở y tế khác gần nhà - có BHYT đều được, để kiểm tra lại tổng thể và điều trị lại viêm cơ khớp do Lupus cho em, em nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

>> Lupus ban đỏ nguy hiểm như thế nào?

>> Điều trị bệnh lupus ban đỏ như thế nào?

Lupus ban đỏ thường gặp ở nữ giới. Đây là một bệnh tự miễn và biểu hiện bệnh rất đa dạng, do đó đôi khi chẩn đoán bệnh rất khó khăn. Điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng nhóm thuốc ức chế miễn dịch. Khi bệnh bùng phát, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc theo phác đồ tấn công trong 6-8 tuần cho đến khi lui bệnh và chuyển sang phác đồ điều trị duy trì. Các thuốc ức chế miễn dịch có nhiều tác dụng phụ, do đó bạn nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám thường xuyên ngay cả khi lui bệnh.

Khi mắc bệnh, chúng ta thường lo lắng, không biết mình mắc bệnh có nặng không. Tương tự vậy, người mắc bệnh lupus thường có hai vấn đề họ luôn quan tâm: bệnh lupus ban đỏ có chữa được không? Và người mắc bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu?

Trên thực tế, vẫn chưa có một phương pháp nào giúp điều trị hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ. Việc điều trị chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng, từ đó bạn có thể sống thêm ít nhất 10 năm, thậm chí cũng có người sống lâu bằng người khỏe mạnh. Điều quan trọng là bạn cần phải tuân theo mọi hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện bệnh tốt hơn.

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:

- Không hút thuốc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và có thể làm trầm trọng thêm các tác động của lupus về tim và mạch máu của bạn;
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin D và omega-3. Đôi khi bạn cần kiêng cữ trong chế độ ăn uống, đặc biệt là nếu huyết áp cao, suy thận hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa;
- Tập thể dục đều đặn để cơ thể tăng sức dẻo dai và đề kháng tốt hơn;
- Tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp. Bạn có thể dùng kem chống nắng có SPF 50 hoặc cao hơn nếu bắt buộc phải đi ra ngoài;
- Nghỉ ngơi vừa đủ. Nếu bị lupus ban đỏ hệ thống, bạn sẽ thấy mệt ngay cả khi cơ thể không cần nghỉ ngơi, do đó, bạn chỉ nên nghỉ vừa đủ và cố gắng vận động nhẹ nhàng thay vì nằm;
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Gọi bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ của thuốc.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện bệnh. Một số loại thực phẩm mà người bệnh lupus ban đỏ nên bồ sung hàng ngày như:

- Rau xanh và trái cây
- Thực phẩm giàu canxi và vitamin D như phô mai, sữa, sữa chua,… giúp ngăn ngừa loãng xương
- Ngũ cốc nguyên hạt và lúa mì
- Thực phẩm giàu protein và ít chất béo
- Nước: bạn nên uống đủ 1,5-2l nước mỗi ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên ăn một số loại thực phẩm như:

- Thực phẩm nhiều chất béo
- Đồ uống có caffeine
- Thực phẩm nhiều muối
- Rượu.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X