Hotline 24/7
08983-08983

Vết trầy da khó lành thể hiện bệnh lý gì?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Em là nam, năm nay 26 tuổi, khoẻ mạnh, ngày xưa luôn bị trầy xước và lành cũng rất nhanh. Nhưng sao dạo này những vết thương của em rất khó lành, 1 số vết trầy ngoài da hoặc gãi cũng rất khó lành, vết thương bắt đầu mưng mủ và cứ bung ra rồi lại thành vẩy lại, có hết nhưng rất lâu. Em có đọc là có nguy cơ tiểu đường và đã xét nghiệm thì không có. Xin hỏi bác sĩ em có nguy cơ bị bệnh gì và phải khám ở khoa nào ạ? Em xin cám ơn ạ.

Trả lời
Trầy da. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Trầy da. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự lành vết thương, bao gồm tình trạng dinh dưỡng (mạch máu nuôi dưỡng vết thương, dinh dưỡng toàn thân, tình trạng thiếu máu…), nhiễm trùng (quá trình chăm sóc, kháng sinh dự phòng…). Do đó, một số yếu tố có thể khiến vết thuơng lâu lành như sử dụng thuốc sát khuẩn quá mạnh gây huỷ mô hạt, tì đè, chà xát nhiều vùng bị tổn thương, bệnh tiểu đường, bệnh mạch máu ngoại biên (thường do hút thuốc lá, lớn tuổi, rối loạn lipid máu), suy dinh dưỡng…

Khi gặp một vết thương trầy da thông thường, bạn nên rửa sạch vết thương với xà phòng trong lần đầu, tiêm ngừa uốn ván và rửa vết thương hàng ngày với nước muối sinh lý, thay băng gạc sạch để tránh bụi bẩn, nhiễm trùng cho đến khi lành hẳn. Tránh gãi hoặc chà xát quá nhiều lên bề mặt vết thương dễ làm cho tổn thương tái phát lâu lành.

Đối với các vết thương bẩn, có nguy cơ nhiễm trùng thì nên tới bác sĩ để kê toa kháng sinh dự phòng. Vết thương to, rách da rộng cần được khâu lại thì mới mau lành bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:


Trầy xước da là một loại vết thương hở do da cọ xát trên bề mặt thô ráp, có thể được gọi là bong tróc hoặc xước da. Khi trầy xước do da trượt trên mặt đất cứng, nó có thể được gọi là trầy xước trên đường.

Các vết trầy xước có thể gây đau đớn, vì đôi khi chúng để lộ nhiều đầu dây thần kinh của da. Tuy nhiên, chúng thường không gây chảy máu nhiều. Hầu hết các vết trầy xước có thể được điều trị tại nhà.

Các vết trầy xước thường không nghiêm trọng như vết thương rạch hoặc cắt. Những vết cắt thường ảnh hưởng đến lớp da sâu hơn, có thể gây chảy máu dữ dội và cần được điều trị tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế.

Các vết trầy xước có thể dao động từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng phụ thuộc vào loại trầy xước:

- Trầy xước cấp độ 1. Trầy xước mức độ 1 liên quan đến tổn thương bề ngoài lớp biểu bì. Lớp biểu bì là lớp da đầu tiên hoặc lớp nông nhất. Trầy xước mức độ 1 thường nhẹ, không gây chảy máu. Trầy xước cấp độ 1 đôi khi được gọi là bong tróc hoặc xước da.

- Trầy xước cấp độ 2. Trầy xước cấp độ 2 dẫn đến tổn thương lớp biểu bì cũng như lớp hạ bì. Lớp hạ bì là lớp thứ hai của da, nằm ngay dưới lớp biểu bì. Trầy xước cấp độ 2 có thể gây chảy máu nhẹ.

- Trầy xước cấp độ 3. Trầy xước cấp độ 3 là tình trạng mài mòn nghiêm trọng, còn được gọi là vết thương thủng. Loại trầy xước này liên quan đến ma sát và rách lớp mô sâu hơn lớp hạ bì. Rách da có thể gây chảy máu nặng nề và cần được chăm sóc y tế tích cực hơn.

Cách chữa trầy xước thông thường bao gồm làm sạch vết thương bằng xà bông dịu nhẹ với nước hoặc rửa nước khử trùng nhẹ, sau đó dùng thuốc bôi vết thương trầy xước như thuốc mỡ kháng sinh và băng gạc khô.

Đối với tình trạng trầy xước nghiêm trọng, bạn cần được bác sĩ khám và làm sạch vết thương. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sơ cứu trước khi đến gặp bác sĩ. Đầu tiên, do vết trầy xước dễ bị nhiễm trùng, bạn nên vệ sinh khu vực này kỹ lưỡng, loại bỏ bụi bẩn và mảnh vụn. Lý tưởng nhất, bạn nên sát khuẩn vùng bị trầy xước bằng dung dịch sát khuẩn như natri clorua 0,9%. Nếu cần thiết, sử dụng một miếng gạc sạch băng lên khu vực trầy xước. Không đè mạnh, vì điều này có thể gây tổn thương mô nhiều hơn.

Sau khi khu vực này được làm sạch, sử dụng một băng bán thấm để che vết thương và dán băng dính vào phần da khô, khỏe mạnh. Nên thay băng vài ngày một lần. Giữ vết thương ẩm cho đến khi vết thương lành lại. Một môi trường ẩm thúc đẩy chữa bệnh, cải thiện sự hình thành mô và bảo vệ khu vực khỏi nhiễm trùng và sẹo.

Sau khi bị trầy xước, bạn nên tiêm phòng uốn ván nếu không chắc chắn mình đã tiêm phòng uốn ván hoặc thời gian tiêm phòng lần cuối quá lâu. Uốn ván là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, trong đó các cơ bị co thắt tự phát. Các bào tử của vi khuẩn sản xuất độc tố uốn ván có mặt trong môi trường tự nhiên, vì vậy bất kỳ bụi bẩn hoặc mảnh vụn nào dính vào phần da bị rách như trầy xước đều có nguy cơ phát triển uốn ván.

Khi vết thương được chữa lành, bạn hãy ngừng sử dụng thuốc kháng sinh bôi và thay bằng kem dưỡng ẩm để giữ cho làn da mềm mại.

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với trầy xước:

- Điều trị vết thương ngay lập tức để giảm nguy cơ sẹo.
- Đảm bảo giữ sạch vết thương.
- Tránh cậy hay chọc vào khu vực bị ảnh hưởng khi vết thương đang lành.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X