Hotline 24/7
08983-08983

Tin vui cho người mắc chứng truyền máu song thai

Lần đầu tiên, Việt Nam tự thực hiện thành công can thiệp chữa trị truyền máu song thai (TMST).


Chị Hồ Thị Huyền Tr, 28 tuổi, ở Nghệ An, khám lần đầu ở BV Tâm Anh, Hà Nội, ngày 14/3, song thai 17 tuần 2 ngày; hai buồng ối, một bánh nhau nhưng mắc Hội chứng TMST giai đoạn II - III. Góc ối (là độ dày của 4 khoang nước ối ở 4 góc của buồng ối) của thai cho là 8mm, của thai nhận là 80mm.

Thai phụ được BS Đinh Thị Hiền Lê khuyên đi nước ngoài để chữa trị, vì TMST rất nguy hiểm cho cả hai thai và đe dọa tính mạng mẹ...

Khi chưa kịp ra nước ngoài thì tình trạng mẹ và hai thai nhanh chóng tiến triển xấu nên thai phụ trở lại viện với dấu hiệu 2 thai đã rất nguy kịch: Góc ối sâu nhất của thai cho chỉ còn 5mm, không thấy bàng quang; của thai nhận là 99mm. Thai nhận: Trục tim lệch trái, 4 buồng tim bất tương xứng, tâm nhĩ phải giãn to, hở van ba lá, hẹp động mạch phổi, hai thận tăng âm. Tiên lượng rất xấu...

BV quyết định cứu hai thai bằng phẫu thuật nội soi - dùng tia laser cắt các mạch máu nối thông giữa hai thai để không phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên, lại thêm phần phức tạp vì bánh rau bám ở mặt trước tử cung (mặt tiếp giáp thành bụng), cản trở đường vào cho phẫu thuật.

Theo BS Lê, đường vào đến nơi mạch thông giữa hai thai là một khe rất hẹp, chỉ chừng 1mm qua thành bụng mẹ và cơ tử cung, nếu đi chệch phẫu thật sẽ thất bại... Ca mổ đã thành công ngoài sự mong đợi. Thai phụ được phẫu thuật 15h hôm trước thì 10h hôm sau, lượng ối hai thai đã cân bằng và tuần hoàn đã tốt...

Truyền máu song thai là bệnh như thế nào?

Hội chứng truyền máu song thai (Twin to Twin Transfusion Syndrome - TTTS) chỉ xảy ra ở song thai cùng trứng, nghĩa là chỉ có một tế bào trứng rụng (chín) đủ điều kiện thụ thai gặp một tế bào tinh trùng, hình thành một noãn, sau đó bị phân chia thành hai bào thai.

Y học thấy những liên quan đến sự phân chia noãn mà hàng đầu là mẹ mắc các bệnh virus (Cúm, Sởi muộn, Rubeon...), thứ đến bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc trong khoảng 10 ngày đầu thụ thai hoặc không thấy bất kỳ nguyên nhân nào.

Từ một noãn chia thành hai bào thai giống nhau hoàn toàn về giới tính, 100% các gene, hình dạng bề ngoài; về các bệnh di truyền như ung thư, dị ứng - miễn dịch, cao huyết áp... thậm chí giống nhau cả về tác phong, đặc điểm tâm lý, loại hình thần kinh trong cuộc đời (song thai cùng trứng khác giới tính cực hiếm, do một tế bào trứng được thụ tinh bởi hai tế bào tinh trùng.

Tháng 3/2016, ở Mỹ công bố một ca sống sót đầu tiên thuộc dạng này). Nếu noãn phân chia sớm sẽ có 2 túi ối, mỗi bào thai nằm trong một túi ối riêng, chung một bánh nhau; nếu phân chia muộn sẽ xảy ra tình trạng 1 bánh nhau và hoặc chung một túi ối hoặc hai túi ối; muộn hơn nữa có thể là song thai dính nhau...

Hầu hết các ca song thai cùng trứng hai thai phát triển bình thường, tuy trọng lượng mỗi trẻ sơ sinh có thể nhỏ hơn tiêu chuẩn thai đủ tháng (của quốc gia) một chút nhưng sinh ra và lớn lên bình thường...

TTTS là giữa 2 thai xuất hiện hệ thống tuần hoàn bất thường: Một thai chỉ truyền máu (gọi là thai cho) cho thai kia và thai kia chỉ nhận máu (gọi là thai nhận) không cho lại. Tuần hoàn bất thường làm thai cho thiếu ối, không đủ dưỡng chất phát triển nên ngày càng teo nhỏ; thai nhận thừa máu gây suy tim, phù...

TTTS có 5 giai đoạn (GĐ) không có giá trị tiên lượng (nặng, nhẹ), có giá trị cho can thiệp. GĐ I: Thiểu ối ở thai cho và đa ối ở thai nhận; GĐ II: Gồm dấu hiệu GĐ I, không thấy bàng quang ở thai cho; GĐ III: Gồm dấu hiệu GĐ I - II, có bất thường dòng chảy động mạch rốn ở cả hai thai; GĐ IV: Gồm dấu hiệu GĐ I - II - III, thai nhận phù toàn thân, suy tim, bàng quang to; GĐ V: Gồm mọi dấu hiệu trên, một hoặc cả hai thai đã tử vong.

Nguy cơ tử vong ở thai cho và nhận như nhau; nếu một thai sống sót (rất hiếm) thường có các di chứng não, dị dạng hay lạc chỗ các nội tạng... TMST thường phát sinh ở GĐ phát triển mạnh nhất của nhau thai (tuần 16 đến tuần 25, có thể sớm hơn).

Nếu xuất hiện trước tuần 20, thai tử vong gần 100%; nặng hơn nếu xuất hiện trước tuần 16, phải chấm dứt thai kỳ; xuất hiện trước tuần thứ 26, tử vong thai 80-90% hoặc có các tổn thương thần kinh và di chứng não nặng nề... (nếu không can thiệp). Tỉ lệ mắc TTTS thấp, chỉ 1/4 các cặp sinh đôi cùng trứng; thế giới có khoảng 10 triệu cặp sinh đôi cùng trứng (0,2% dân số và 8% các cặp song sinh).

Chữa trị còn nhiều khó khăn!

Có thể cứu sống thai nhi bằng phẫu thuật lấy thai ngay để nuôi dưỡng bên ngoài, khả năng sống sẽ nhiều nhưng tuổi thai phải 28 - 30 tuần. Năm 2014, BV sản - nhi tỉnh Quảng Ninh phát hiện sản phụ Hoàng Thị R, 33 tuổi, ở Giếng Đáy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh, thai 34 tuần tuổi, TTTS độ 2, thai suy, nên đã chỉ định mổ cấp cứu, lấy hai thai nhi gái 2.000g và 1.500g.

Bé Đồng Bảo Ng nặng 1.500g rất yếu, thở thoi thóp, tím tái toàn thân. Xét nghiệm thấy thiếu máu nặng, suy đa tạng, nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng khác rất cao; tiên lượng rất xấu. Bé phải nằm lồng ấp, truyền máu, kháng sinh, thở máy... Sau 1 tuần nỗ lực tối đa, bé đã bỏ được thở máy, tự thở có hỗ trợ oxy, một điều kỳ diệu và may mắn hy hữu...

Chị Ngô Thị Thu D, 33 tuổi, Q.Gò Vấp, TPHCM lại chọn cách đi Malaysia để chữa trị sau khi được chẩn đoán TTTS độ 2, có thể chết lưu bất cứ lúc nào... Chị được can thiệp bằng phẫu thuật laser và trở về Việt Nam một thời gian sau đã mẹ tròn con vuông. Các nước giàu như Mỹ, Anh, Pháp... dùng kỹ thuật nội soi tử cung “thắt” mạch truyền máu giữa hai thai bằng tia laser với 70% trường hợp cứu được một thai và 50% cứu được hai thai.

Năm 2013, chị Rachel Ellis ở Port Talbot, xứ Wales, Anh, phát hiện bất thường khi mang thai 7 tuần và từ đó cho đến khi thai 18 tuần tuổi tình trạng càng bất ổn hơn nên đã vào BV Singleton ở Swansea...

Phát hiện hai thai gái, một bánh nhau, nguồn máu không được cung cấp đều, thai ít máu có nguy cơ chết... Chị quyết định chọn phương án phẫu thuật Laser theo tư vấn của BS. Ca mổ thành công, sau 37 tuần mang thai, hai con của Ellis nặng 2,25kg và 2,3kg chào đời hoàn toàn khỏe mạnh tại BV Bridgend xứ Wales, hiện hai cháu phát triển bình thường. Các BS Pháp cho biết ở CH Pháp có khoảng 25% thất bại khi sử dụng phương pháp mới nhất này.

Mở ra triển vọng mới

Năm 2015, sản phụ N.T.P.T, 29 tuổi, được BV Từ Dũ, TPHCM và GS.BS Yves Ville, Trưởng khoa sản và y học bào thai, ĐH Paris Descartes, Thư ký thường trực Hiệp hội y học tiền sản Châu Âu chẩn đoán: TMST độ III, thai 18 tuần 2 ngày, trọng lượng một thai 169g, không thấy bàng quang; thai kia 239g (trọng lượng chênh lệch gần 20%); một thai có dấu hiệu mất sóng tâm trương động mạch rốn; nguy cơ hai thai chết rất cao...

Kíp mổ Pháp - Việt BS do GS Yves Ville chủ trì đã thực hiện thành công kỹ thuật nội soi dùng tia laser thắt mạch máu, chặn đường cấp máu ở một thai và bảo đảm sự lưu thông máu nuôi dưỡng thai kia. Sau đó tại BV Từ Dũ, có thêm 4 ca mắc TMST được kíp mổ Pháp - Việt can thiệp bằng kỹ thuật này.

Trong đó, có ca thai lần đầu nhưng một thai dị dạng: Gan, ruột nằm ngoài ổ bụng, các BS phải cắt đứt mạch máu nuôi, hy sinh thai đó để ngăn ngừa nguy hiểm cho thai còn lại. Đặc biệt, một thai phụ có bệnh tim, các BS tim mạch túc trực trong thời gian làm thủ thuật, dự phòng tình huống xấu. Ca bệnh BV Tâm Anh vừa thực hiện hoàn toàn do các BS Việt Nam thực hiện đã mở ra một triển vọng làm yên lòng các thai phụ mắc TMST. Họ sẽ không phải đi nước ngoài với chi phí rất đắt, ví dụ ở Singapore, giá can thiệp một ca khoảng 100.000USD.

Làm thế nào để biết mắc hội chứng TMST?

TTTS là một hội chứng nguy hiểm phải khám thai sớm và theo dõi thường xuyên tại cơ sở sản khoa đủ năng lực chuyên môn. Trong những tuần đầu mang thai phải đi khám thai, đặc biệt nếu thấy bụng to nhanh phải nghi ngờ!?

Các bà mẹ mang song thai cùng trứng phải được theo dõi chặt chẽ từ tuần thứ 16 đến khi sinh bằng siêu âm Doppler ít nhất 2 tuần một lần. Bởi nếu phát hiện trước 20 tuần tuổi khả năng chữa trị sẽ cao hơn. Sau 24 tuần khả năng can thiệp rất khó khăn và ít thành công. Chẩn đoán xác định bệnh khi siêu âm Doppler thấy đường kính hai túi ối và trọng lượng hai thai chệnh lệch quá lớn; một thai không thấy hình ảnh bàng quang; có những sóng bất thường ở động mạch, tĩnh mạch rốn, ống tĩnh mạch...

Theo BS Văn Bình - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X