Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc trị viêm amidan do liên cầu A

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Đây là nhóm bệnh hay gặp, đứng hàng đầu trong những bệnh lý về họng, tỷ lệ bị bệnh ở nước ta vào khoảng 10% dân số, nguyên nhân thường do liên cầu trùng tan huyết bêta nhóm A, đây là tác nhân gây sốt thấp khớp có thể gây biến chứng ở van tim và viêm vi cầu thận cấp nếu không được điều trị kịp thời.

Biểu hiện của bệnh

Amidan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất ra kháng thể IgC rất cần thiết trong miễn dịch.

Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4 - 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa. Khi sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá khả năng bảo vệ của amidan sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan bị sưng, đỏ.

Bệnh nhân bị viêm amidan cấp có triệu chứng: sốt cao, rét run, đau họng, vướng họng, ăn uống khó khăn, hơi thở hôi, sưng hạch dưới hàm, hạch cổ trước, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp...

Khám tai mũi họng cho trẻ Ảnh: Trần Minh

Biến chứng nào có thể xảy ra?

Nếu không được điều trị kịp thời có thể bị các biến chứng như viêm tấy quanh amidan, áp-xe amidan, áp-xe hạch cổ viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm khí - phế quản.

Đặc biệt viêm amidan do liên cầu trùng có thể gây biến chứng sốt thấp khớp, thấp tim, viêm vi cầu thận, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc tố liên cầu nhóm A (sốt, hạ huyết áp, suy thận, suy hô hấp cấp và tử vong rất nhanh).

Trong số các biến chứng của viêm amidan do liên cầu nhóm A cần chú ý có một số biến chứng nguy hiểm như: bệnh tinh hồng nhiệt; viêm khớp cấp; viêm cầu thận; áp-xe quanh amidan...

Lưu ý khi dùng thuốc

Thông thường với trường hợp viêm amidan cấp do virut thì không cần sử dụng kháng sinh, trong trường hợp do nhiễm khuẩn đặc biệt khi nghi ngờ nguyên nhân là liên cầu nhóm A cần sử dụng kháng sinh ngay lập tức.

Khi đó kháng sinh toàn thân thường được sử dụng là penicillin G, amoxicillin, cephalexine, cefuroxim, cefixim... Các thuốc này đều có cơ chế chung là ức chế tổng hợp peptidoglycan là một mucopeptid của thành phần tế bào qua đó làm ức chế quá trình tạo vỏ và nhân lên của vi khuẩn, do cơ chế này nên nó tác động chủ yếu lên vi khuẩn Gr (+) và một số vi khuẩn GR (-).

Nhóm thuốc này được hấp thu tốt qua đường tiêu hoá và nhanh chóng bị thủy phân ở niêm mạc ruột và trong máu để phóng thích thuốc vào hệ tuần hoàn. Thuốc hấp thu tốt nhất khi được uống trước hoặc trong bữa ăn.

Đa số các thuốc thuộc nhóm này đều có khả năng gây dị ứng, nếu thuốc dị ứng chéo với một loại penicillin sẽ dị ứng với tất cả các penicillin khác nhưng chỉ có 10% là sẽ dị ứng với các cephalosporin… Các kháng sinh thuộc nhóm này phải làm test trước khi tiêm.

Nếu dùng thuốc dài ngày có thể đưa đến hiện tượng tăng sinh các vi khuẩn không nhạy cảm như nấm... lúc này phải ngưng thuốc. Hiện tại chưa có bằng chứng chứng minh các thuốc thế hệ sau có tác dụng điều trị tốt hơn penicillin trong trường hợp nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A. Vì vậy, penicillin luôn được lựa chọn đầu tay do giá thành rẻ và ít kháng thuốc.

Ngoài kháng sinh cần sử dụng thêm các thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt, chống viêm, giảm phù nề, giảm ho. Súc họng bằng các dung dịch kiềm loãng như bicarbonate, nước muối 0,9%...

Thuốc hạ sốt thông dụng hiện nay là paracetamol. Đây là một acetaminophen, nhóm chống viêm không steroid có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Không được dùng trong trường hợp quá mẫn với acetaminophen. Tác dụng phụ có thể gặp là viêm tuỵ, ban đỏ, mày đay và phản ứng dị ứng. Khi gặp bất kỳ phản ứng dị ứng nào thì cần phải ngưng thuốc.

Thận trọng khi dùng thuốc kéo dài đối với trường hợp suy gan, suy thận. Các triệu chứng khi dùng quá liều thuốc là buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng... Khi dùng liều quá cao (trên 10g/kg ở người lớn và 150mg/kg ở trẻ em) có thể gây phân hủy tế bào gan đưa đến hoại tử gan hoàn toàn, không hồi phục; nhiễm toan chuyển hóa; bệnh lý não dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

Amidan bị viêm cấp

Thuốc giảm phù nề thường được dùng là alphachymotrypsin. Đây là một enzym thuỷ phân protein được điều chế ở trạng thái tinh khiết từ tuyến tụy của bò.

Alphachymotrypsin có tính chất chống viêm giúp đẩy nhanh sự tiêu tan các chỗ phù viêm cũng như các bọc máu và các chỗ phù, do đó thuốc được chỉ định trong mọi trạng thái viêm - bọc máu sâu hay nông.

Điều trị ngoại khoa

Cắt amidan là phương pháp điều trị hữu hiệu khi được chỉ định chính xác nhằm loại bỏ tổ chức amidan không còn vai trò miễn dịch và trở thành một ổ viêm chứa đầy các loại vi khuẩn hoặc quá phát bít tắc hô hấp trên hoặc nghi ngờ phát triển thành u ác tính.

Ở trẻ em, chỉ định cắt amidan thường đặt ra khi trẻ có vấn đề tắc nghẽn đường thở, viêm amidan gây biến chứng viêm khớp biến chứng tim, viêm thận hay viêm phế quản mạn. Tuy nhiên, khi nào cắt và cắt theo phương pháp nào cần có khám xét kỹ lưỡng và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng.

Theo ThS.Nguyễn Vân Anh -  Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X