Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc đặt âm đạo: Dùng sai, tăng viêm nhiễm

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Bệnh nặng hơn vì thuốc

“Vùng kín” của chị Hà (Đống Đa, Hà Nội) không hiểu tại sao thời gian này lại hay ngứa ngáy. Khổ sở là ở chỗ: nó không ngứa bên ngoài mà ngứa tận sâu bên trong, khiến chị không cách nào gãi được. Mang nỗi niềm khó nói của mình ra giãi bày với cô bán thuốc đầu ngõ, chị được tư vấn mua thuốc đặt âm đạo về sử dụng.

Theo lời khẳng định của người hàng thuốc này, chỉ vài ba ngày sau là “vùng kín” sẽ nhẹ tênh, không còn ngứa ngáy nữa. Thế nhưng, tính đến hôm nay, chị đã dùng thuốc gần chục ngày mà cảm giác ngứa không giảm mà còn làm chị khó chịu đến mất ăn, mất ngủ.

Không như chị Hà, chị Huyền (TPHCM) khi thấy “cô bé” ngứa ngáy bất thường, chị đã cẩn thận đi khám bác sĩ phụ khoa và mua thuốc đúng theo đơn về dùng. Ngày nào cũng vậy, trước khi đặt thuốc vào “âm đạo”, chị đều vệ sinh “cô bé” sạch sẽ. Thế nhưng, dù đã dùng đến viên thuốc cuối cùng, chị vẫn thấy ngứa râm ran. Đi tái khám, kết quả xét nghiệm dịch âm đạo còn cho thấy “cô bé” bị viêm nhiễm nặng hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đừng bỏ qua những lưu ý nhỏ

Những trường hợp bị viêm nhiễm nặng hơn sau khi dùng thuốc đặt âm đạo như chị Hà, chị Huyền không phải là hiếm gặp.

Theo Ths. Lê Lan Anh, chuyên gia tư vấn về Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số: “Với những người tự ý dùng thuốc đặt âm đạo, nếu thấy ngứa nhiều hơn có nghĩa là đã bắt thuốc không đúng bệnh.

Thực tế cho thấy, ngứa “vùng kín” là biểu hiện của rất nhiều bệnh khác nhau. Nếu không qua thăm khám thì rất dễ đến tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia, khiến tình trạng bệnh càng trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, với những người đã qua thăm khám, nếu có biểu hiện viêm nhiễm nặng hơn sau khi đặt thuốc thì đó là do đã không thực hiện đặt thuốc đúng cách”.

Theo đó, Ths. Lan Anh khẳng định, trước khi đặt thuốc, bên cạnh việc vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ thì cũng cần rửa tay bằng xà phòng chứ không đơn thuần là chỉ rửa với nước lã. Bởi lẽ, dù loại thuốc đặt nào cũng có kèm theo một dụng cụ hỗ trợ đặt thuốc, tuy nhiên, nhiều người vẫn có thói quen dùng ngón tay đẩy thuốc vào sâu âm đạo.

Và nếu tay không sạch, nghĩa là sẽ có rất nhiều vi khuẩn xâm nhập vào sâu “cô bé”, tình trạng viêm nhiễm vì thế mà trở nên nặng hơn. Không chỉ vậy, thói quen để móng tay dài hay sơn móng tay mà cũng là nguyên nhân khiến “cô bé” phát khóc, bởi lẽ hóa chất có trên móng thể gây dị ứng vùng âm đạo và độ dài, sắc của móng có thể gây ra những vết xước.

Một nguyên nhân nữa khiến việc đặt thuốc trở nên vô tác dụng đó là “lâm trận” khi vẫn đang trong quá trình điều trị bệnh. “Làm “chuyện ấy” khi bạn đang trị bệnh sẽ khiến mầm bệnh lây sang đối tác và khi có cơ hội, nó sẽ lây ngược trở lại phía bạn. Đó là lý do giải thích vì sao mà bạn đã dùng thuốc theo đúng đơn kê mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Do vậy, trong trường hợp không thể trì hoãn như vợ chồng lâu ngày mới có cơ hội gặp nhau, cách tốt nhất là nên sử dụng bao cao su khi “lâm trận”, Ths. Lan Anh giải thích.

Bên cạnh đó, Ths. Lan Anh cho rằng, sau khi đặt thuốc, bạn cần nằm nghỉ ngơi để thuốc có thời gian tan và ngấm. Thế nhưng, không ít người lại nghĩ rằng: đặt thuốc cũng như uống thuốc nên ngay sau khi đưa thuốc vào âm đạo đã đứng lên đi lại, vận động, thậm chí là vận động mạnh như chạy nhảy, khuân vác... Điều này khiến thuốc dễ rơi ra ngoài và như thế là không còn tác dụng. Chính vì vậy, thời gian lý tưởng để đặt thuốc là trước giờ đi ngủ - thời điểm bạn có nhiều thời gian để nghỉ ngơi.

Một hiện tượng nữa cũng có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc đặt âm đạo là thuốc không tan, tức là sau khi đưa thuốc vào sâu “cô bé”, sau một vài tiếng, bạn vẫn thấy viên thuốc rơi ra ngoài mà vẫn còn hình dạng (thông thường thuốc đặt khi chảy ra ngoài sẽ dưới dạng bột).

Và như vậy nghĩa là nó không thể phát huy tác dụng chữa bệnh. Nhiều người vì không biết điều này nên đã không thông báo với bác sĩ để có thể chuyển thuốc kịp thời, vì thế, điều trị bệnh cũng như không.

Cũng như nhiều loại thuốc khác, thuốc đặt âm đạo dù được đánh giá là lành tính hơn, song cũng không thể sử dụng kéo dài. Một đợt điều trị thông thường chỉ khoảng 7-10 ngày và tuyệt đối không quá 14 ngày.

Thế nên, sau khi dùng thuốc mà không đỡ, bạn cần tái khám để bác sĩ xem xét và đưa ra lộ trình điều trị mới phù hợp hơn. Trên thực tế, có những người vì ngại đến bệnh viện đã tự ý mua hết loại thuốc đặt này đến loại thuốc đặt khác về dùng, dẫn đến viêm nhiễm càng trở nên nặng nề. Theo Ths. Lan Anh, điều trị kiểu này không chỉ gây tốn kém và còn khó điều trị hơn trong những lần sau.

Theo An Châu - Sức khỏe gia đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X